Hotline 24/7
08983-08983

AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch ngày 31/8: Súc họng nước muối nhưng lấy nhầm chai cồn 90 độ, phải làm sao?

Súc họng nhầm bằng cồn 90 độ, tê tay và tê yếu nửa người chưa đi khám được thì trước mắt nên làm gì, xét nghiệm PCR dương tính nhưng không có triệu chứng thì nguy hiểm không…? là những câu hỏi của bạn đọc gửi đến AloBacsi ngày 31/8.

1. Súc họng nước muối nhưng lấy nhầm chai cồn 90 độ, phải làm sao?

Bạn đọc gọi hotline 08983 08983: Tôi ở khu phong tỏa, sáng súc miệng nước muối lấy nhầm chai cồn 90 độ, từ 8h đến giờ 11h vẫn còn đau rát cổ thì làm sao ạ BS? Giờ ngậm nước đá được không ạ?

BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng: Nếu ngậm cồn 90 độ sẽ gây bỏng niêm mạc, do đó bạn cần súc miệng nhiều lần với nước sôi để nguội, nếu tình trạng không nặng thì sau vài ngày niêm mạc sẽ lành lại. Hiện giờ tránh ăn quá nóng hay quá lạnh, hạn chế gia vị có tính kích thích.

Tai nạn này thường do mọi người bất cẩn trong việc đánh dấu thành phần dung dịch đựng trong chai, lọ. Cần phải cẩn trọng và dán nhãn đánh dấu thật rõ ràng, tránh lặp lại sự cố lần nữa nhé.

2. Xét nghiệm PCR dương tính nhưng không có triệu chứng thì nguy hiểm không?

Trần Thục Duyên: Ngày 30 em có PCR, chờ kết quả vào sáng ngày 31/8 nhưng chiều ngày 30 em đã đến phường tiêm vắc xin. Sáng ngày 31 thì em biết mình dương tính. Như vậy có nguy hiểm không ạ? Hiện tại em không có triệu chứng gì hết. Cho em hỏi thêm nếu mình dương thì mình không nên tiêm vắc xin và chờ 6 tháng đúng không ạ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào em, tạm thời em cứ theo dõi thôi, chừng nào có triệu chứng thì bắt đầu uống thuốc, chưa có triệu chứng thì chưa uống nhé. Trong lúc này em nên tập thở sâu và cần theo dõi SpO2 mỗi ngày, nếu dưới 95% là nguy hiểm, cần liên hệ với tổ phản ứng nhanh của phường.

Về việc tiêm vắc xin COVID-19 cho người đã khỏi bệnh là không cần thiết vì họ đã có kháng thể rồi, nên để dành vắc xin cho người chưa được tiêm nhé. Theo nghiên cứu thì sau 6 tháng người khỏi bệnh COVID-19 mới cần được tiêm ngừa do lượng kháng thể đã giảm.

3. Test nhanh COVID-19 mà một vạch đậm một vạch mờ, nghĩa là sao?

Bạn đọc hỏi zalo 08983 08983: Nhờ BS xem giúp bệnh nhân ở Bình Tân, test nhanh ra một vạch đậm một vạch mờ, nghĩa là sao ạ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Test nhanh ra một vạch đậm một vạch mờ nghĩa là dương tính, tuy nhiên mật độ virus thấp, thường gặp ở người sắp khỏi bệnh. Trường hợp này vạch T sẽ mờ dần cho đến khi mất hẳn.
Tuy nhiên, bệnh nhân cũng đừng quá quan tâm đến việc vạch T mờ nhanh hay chậm. Điều quan trọng là triệu chứng hiện có, và chỉ số SpO2 nhé.

4. Tê tay vào ban đêm và khi chạy xe máy, chưa đi khám thì khắc phục thế nào?

Mỹ Linh: AloBacsi có làm clip nào hướng dẫn tập bàn tay cho người bị tê các ngón tay + cổ tay vào ban đêm và khi chạy xe máy không ạ? Em bị tê tay như vậy nhưng chưa đi khám bệnh được ạ.

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Việc chạy xe máy ở đường Việt Nam rất phổ biến. Sau khi đi xe máy nhiều người đã bị tê tay, nhưng sau khi ngủ dậy không tê là ổn. Nếu sau khi ngủ dậy mà còn tê và ngày càng nặng thêm mới là bệnh, cần đi khám và điều trị.

Tê tay trong lúc ngủ cũng cần xem lại tư thế ngủ thế nào để điều chỉnh.

Ngoài ra, tê bàn tay thế này có khả năng do hội chứng ống cổ tay hoặc do cột sống cổ. Mỗi nguyên nhân có cách tập khác nhau, do đó bạn cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán, từ đó sẽ hướng dẫn tập. Tạm thời bạn ngâm tay nước ấm xem sao, có thêm gừng hoặc ngải cứu càng tốt.

Tóm lại, trước mắt bạn chưa đi khám được thì nên xem lại các thói quen và điều chỉnh lại nhé. Nên khám và điều trị khi mức độ ngày càng nặng thêm.

5. Tê yếu nửa người 5 tháng rồi nhưng chưa đi khám thì có tập vật lý trị liệu được không?

Vanhiep Le: Xin chào bác sĩ,

Tôi bị yếu nửa người bên trái, vui lòng tư vấn những bài tập nào để giúp ích cho bệnh của tôi. Tôi năm nay 40 tuổi, nam, bệnh tôi cách nay 5 tháng rồi. Tôi chưa điều trị, chỉ có uống thuốc đông y thôi. Xin cảm ơn bác sĩ!

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng: Chào anh,

Trong thời gian chưa đi bệnh viện khám được thì anh có thể thực hiện các động tác sau mỗi ngày, tập nhẹ nhàng, đừng quá sức nhé: đi bộ, đứng lên ngồi xuống, đạp xe... Tay bên yếu thì tập cầm nắm, cầm bút, bóp trái bóng...

Vấn đề quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân tại sao anh yếu nửa người, thường là phải chụp CT hay MRI sọ não để kiểm tra. Nếu may mắn là nguyên nhân này giải quyết được (VD như tắc/hẹp mạch máu…) thì sau khi can thiệp, có thể tình trạng yếu nửa người sẽ được khắc phục tốt hơn.

6. Họng đỏ, có vết máu khi đang bị cảm lạnh, có nguy hiểm không?

Nguyen Phuong Duy: Xin lỗi vì làm phiền,

Xin hỏi hôm nay tui có soi họng thì thấy 1 bên amidan có vết như chảy máu nhưng không thấy lẫn máu trong nước bọt, khi ráng nhìn kĩ thì giống như mạch máu nổi lên, và mấy ngày nay tui đang bị cảm lạnh khi có dấu hiệu khạc ra đờm. Xin hỏi amidan bị vậy có nguy hiểm không ạ, xin gửi AloBacsi hình chụp. Tui đã xét nghiệm và âm tính COVID.


BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng: Amidan của bạn bị xung huyết do viêm, nếu không khó chịu nhiều chỉ cần theo dõi tiếp, ngậm nước muối, không uống hay ăn đồ lạnh, giữ ấm vùng mũi họng nhé.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X