Hotline 24/7
08983-08983

7 đột phá y học trong năm 2015

Chữa ung thư bằng virút, lần đầu tiên ghép dương vật cho người, triển vọng sinh con không cần trứng hay tinh trùng người cho, đó là những thành tựu độc đáo trong năm 2015.

 Tháng 6 qua, Layla được tiêm 50 triệu tế bào miễn dịch T biến đổi gen và chỉ sau hai tháng bé đã phục hồi hoàn toàn, không còn tế bào ung thư trong người
Tháng 6 qua, Layla được tiêm 50 triệu tế bào miễn dịch T biến đổi gen và chỉ sau hai tháng bé đã phục hồi hoàn toàn, không còn tế bào ung thư trong người
  1. Dùng virút bại liệt chữa ung thư

Sau khi lấy đi một đoạn gen quan trọng trên virút bại liệt, TS Matthias Gromeier của đại học Duke (Hoa Kỳ) đã dùng chính virút này để điều trị cho các bệnh nhân bị u nguyên bào thần kinh đệm (glioblastoma), một dạng ung thư não khiến bệnh nhân tử vong trong vòng chưa đầy một năm.

Trong liệu pháp, sau khi được bơm vào não bệnh nhân, virút bại liệt xử lý gen tìm đến bám chặt vào các tế bào ung thư rồi dần dần tiêu diệt khối u. Do chỉ tác động trên tế bào bệnh, nên virút không đụng đến tế bào lành. Các nhà nghiên cứu hy vọng liệu pháp độc đáo này có thể áp dụng chính thức trên bệnh nhân vào năm tới.

  1. Đột phá điều trị ung thư máu

Sau khi biết con gái mình, bé Layla, 14 tháng tuổi, bị chứng ung thư máu lympho cấp tính (ALL) và thất bại với phương pháp điều trị truyền thống, ông bà Ashleigh và Lisa Richards không đầu hàng. Họ tìm đến GS Waseem Qasim, một chuyên gia về liệu pháp gen và tế bào của bệnh viện Great Ormond Street (Anh quốc).

Ở đây, Layla được áp dụng một cách điều trị tiên tiến là lập trình lại tế bào miễn dịch T, những tế bào không được sản xuất đầy đủ trong bệnh ung thư. Tháng 6 qua, Layla được tiêm 50 triệu tế bào miễn dịch T biến đổi gen và chỉ sau hai tháng bé đã phục hồi hoàn toàn, không còn tế bào ung thư trong người. TS Andre Choulika, chủ tịch Cellectis, một công ty chuyên phát triển các liệu pháp gen và tế bào, cho rằng thành công của bé Layla là khởi đầu cho một cuộc cách mạng trong điều trị ung thư.

  1. Nói chuyện từ não qua não

Bạn nghĩ gì khi người ta giao tiếp với nhau mà không cần nói, ra dấu hay sử dụng bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể? Vậy mà các nhà khoa học thuộc đại học Washington (Hoa Kỳ) cho biết có thể làm được điều này bằng phương pháp trao đổi thông tin não – não (BBI).

Trong một thực nghiệm do GS Andrea Stocco tiến hành, nội dung của não “người gửi thông tin” được truy xuất thành tín hiệu thần kinh và số hoá trước khi tái mã hoá trong não “người nhận thông tin” dưới dạng hoạt động thần kinh. Nhiều cặp tham dự thí nghiệm đã đeo một chiếc máy điện não đồ và chơi thành công những trò hỏi – đáp thông qua các tín hiệu não của họ trên internet.

  1. In 3D “kết duyên” y học

Tháng 7 năm nay, một bé gái ba tuổi người Trung Quốc trở thành người đầu tiên trên thế giới được điều trị não úng thuỷ bằng một chiếc hộp sọ titan. Em bị não úng thuỷ bẩm sinh với chiếc đầu to gấp 3 – 4 lần bình thường vì chứa 85% dịch bên trong. Để cứu sống em, các bác sĩ tại một bệnh viện của tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã áp dụng cách chụp CT não và in 3D để tạo ra một hộp sọ bằng titan với kích thước như thật.

Ca phẫu thuật kéo dài 17 giờ, bác sĩ rút đi phần dịch chứa trong đầu và thay một phần hộp sọ bằng hộp sọ titan giúp đầu của em trở về như bình thường. Vào tháng 9, cũng với công nghệ in 3D, các bác sĩ của đại học Y Salamanca (Tây Ban Nha) phối hợp với một công ty của Úc đã tạo ra một phần khung xương sườn với xương ức bằng titan để điều trị cho một bệnh nhân ung thư xương 54 tuổi bị tổn thương những phần này. Không thể kể hết những ứng dụng của in 3D trong y học, vì thế có thể gọi 2015 là một năm khởi sắc đặc biệt của công nghệ này.

  1. Làm tan thuỷ tinh thể bằng thuốc nhỏ mắt

Đục thuỷ tinh thể là nguyên nhân gây mù loà hàng đầu trên thế giới, phổ biến ở người già và cách điều trị duy nhất là phẫu thuật lấy bỏ thuỷ tinh thể đục khỏi mắt, thay bằng thuỷ tinh thể nhân tạo.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã phát triển một loại thuốc nhỏ mắt có thể “làm tan” thuỷ tinh thể. Thuốc này là lanosterol, qua thử nghiệm cho thấy có khả năng làm tan thuỷ tinh thể hiến tặng của người cho, thỏ và chó còn sống. Nếu được áp dụng trên người, đây không chỉ là biện pháp điều trị không xâm lấn cho người bị đục thuỷ tinh thể nhẹ và vừa, mà còn giúp ngừa bệnh tái phát.

  1. Em bé sinh ra từ hai mẹ hoặc hai bố

Vào tháng 2, các nhà khoa học thuộc đại học Cambridge (Anh) và viện khoa học Weizmann (Israel) gây tranh cãi khi tạo được trứng và tinh trùng chỉ từ tế bào gốc da của người trưởng thành. Đây được xem là giải pháp giúp điều trị vô sinh cho các cặp vợ chồng hoặc những cặp đôi đồng tính muốn có con của chính họ vì không cần trứng và tinh trùng của người cho.

Bất chấp thành công này, ứng dụng trên người vẫn chưa được phép vì những lo ngại về đạo đức trong “thiết kế những đứa trẻ nhân tạo theo ý muốn”. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, khám phá không chỉ có ứng dụng như thế mà còn giúp con người hiểu biết sâu hơn nguyên nhân vô sinh cũng như giúp điều trị một số bệnh liên quan đến tuổi tác.

  1. Ca ghép dương vật đầu tiên thế giới

Đầu năm nay, một nhóm bác sĩ phẫu thuật tại TP Cap Town (Nam Phi) công bố thực hiện thành công ca phẫu thuật cấy ghép dương vật đầu tiên trên thế giới và bệnh nhân hồi phục tốt sau ba tháng.

Người nhận là một thanh niên 21 tuổi bị mất phần lớn dương vật, hậu quả của lần cắt bao quy đầu trước đó. Bác sĩ phẫu thuật Andre Van der Merwe cho biết ca ghép kéo dài chín giờ, bệnh nhân phục hồi được khoái cảm, cương dương và xuất tinh nhưng để có đầy đủ cảm giác tình dục thì phải chờ thêm hai năm nữa.

Theo Lê Thanh Tâm - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X