Hotline 24/7
08983-08983

6 sai lầm trong ăn uống mà người bệnh trào ngược dạ dày thực quản cần tránh

PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường đưa ra 6 sai lầm trong ăn uống khiến triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản nặng thêm. Đó là các thói quen xấu mà người bệnh cần điều chỉnh: ăn đêm, bỏ ăn sáng, ăn nhanh, ăn thêm sau khi đã no, ăn nhiều chất béo, ăn tối gần giờ ngủ (dưới 3 giờ).

Chương trình đào tạo y khoa liên tục “Cập nhật những tiến bộ trong điều trị GERD & H.pylori” do Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM phối hợp cùng Eisai Việt Nam tổ chức ngày 21/8, tại TPHCM, thu hút 200 bác sĩ tham dự trực tiếp và trực tuyến

Tại hội thảo “Cập nhật những tiến bộ trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản và H.pylori”, PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường - Trưởng khoa Y, Trưởng bộ môn Nội, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch đã có bài báo cáo “Các vấn đề cần lưu ý khi điều trị GERD”, tập trung về các vấn đề liên quan đến GERD mà đôi khi trong thực hành lâm sàng bác sĩ không để ý đúng mức.

Trong nội dung về thay đổi lối sống, PGS Khánh Tường đưa ra 6 sai lầm trong ăn uống khiến triệu chứng GERD nặng thêm. Đó là các thói quen xấu mà người bệnh cần điều chỉnh: 1. ăn đêm, 2. bỏ ăn sáng, 3. ăn nhanh, 4. ăn thêm sau khi đã no, 5. ăn nhiều chất béo, 6. ăn tối gần giờ đi ngủ (dưới 3 giờ).

Hút thuốc lá, uống rượu, thức ăn quá nóng cũng có thể làm tăng nguy cơ. Bên cạnh đó, ăn chay và tập thể dục >30 phút (> 3 lần/tuần) sẽ giúp giảm triệu chứng GERD.

PGS Khánh Tường cho biết, các hướng dẫn của Hoa Kỳ năm 2022 mới đây, tập hợp từ những nghiên cứu có chứng cứ và chất lượng tốt đã ghi nhận những việc liên quan thay đổi lối sống như giảm ăn chất béo, giảm uống nước ngọt có ga, kiêng ăn đồ ăn chua, chia ra những bữa ăn nhỏ, giảm cân, giảm hút thuốc lá, tránh tập luyện quá mức… cũng sẽ làm giảm triệu chứng GERD.

Từ đó, họ đưa ra hướng dẫn: giảm cân (đối với người thừa cân và béo phì), tránh ăn trễ (dưới 2-3 giờ trước khi đi ngủ), tránh hút thuốc lá, tránh thức ăn dầu mỡ. Đặc biệt, tư thế ngủ của người bệnh GERD phải là nằm nghiêng bên trái và kê đầu giường cao - chi tiết này cần chú ý vì lâu nay mọi người thường kê gối cao là không đúng.

Tư thế ngủ đúng của người bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Ngoài ra, phương pháp thở bụng (thở cơ hoành) cũng rất hữu ích với người bệnh GERD và người có rối loạn thực quản chức năng, trào ngược liên quan tới tăng nhạy cảm.

Vấn đề thứ 2 PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường muốn các bác sĩ chú ý đó là kiểm tra sự tuân thủ của bệnh nhân, vì đa số họ chỉ tuân thủ trong thời gian ngắn. Nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy 46% bệnh nhân uống thuốc PPI không đúng, 39% gần tới giờ đi ngủ mới uống thuốc, và 4% khi nào cần thì mới chịu uống.

Người bệnh thường có những sai lầm: ăn trễ, ăn no trước khi ngủ, thời gian uống thuốc không đúng, dùng PPI cùng lúc với các thuốc kháng tiết khác, nhịn ăn sáng sau khi uống PPI, không uống thuốc liên tục (ngày uống, ngày nghỉ), tự ngưng thuốc khi giảm triệu chứng, liều không đủ…

Về việc dùng thuốc, triệu chứng của GERD đa số là trào ngược axit, do đó cần đến các thuốc kháng axit, bảo vệ niêm mạc. Các thuốc thường sử dụng là Antacid, Alginate, sucrafate (hướng dẫn trong bảng). PGS Khánh Tường lưu ý thuốc Sucrafate phải uống trước ăn 60 phút để thuốc được hoạt hóa nhưng hiện nay đa số các bác sĩ lại kê sau ăn, và một tác dụng phụ của thuốc này cần lưu ý là táo bón.

PPI là thuốc chính trong điều trị GERD nhưng có một số vấn đề mà bác sĩ kê toa và bệnh nhân đều không để ý, đó là: thời gian uống thuốc không đúng, nhịn ăn sau khi uống (lẽ ra phải ăn), liều không đủ (đặc biệt với trường hợp trào ngược ngoài thực quản), thời gian không đủ cho một đợt điều trị.

Thông qua cơ chế hoạt động, PPI sẽ có hiệu quả kém khi sử dụng cùng lúc với các thuốc kháng tiết khác. PPI có hiệu quả nhất khi tế bào thành được hoạt hóa, được kích thích tiết axit sau bữa ăn, như vậy cần cho bệnh nhân uống trước bữa ăn 30-60 phút để thuốc có thời gian vào máu và đến tế bào thành (và sau đó phải ăn).

Bơm proton được huy động nhiều nhất trong tế bào thành sau thời gian nhịn đói kéo dài, vì vậy cần cho bệnh nhân uống trước bữa ăn đầu tiên trong ngày (nếu bệnh nhân không ăn sáng thì uống trước ăn trưa) và các bữa ăn phải có đạm thì mới kích thích tiết axit.

Còn nếu uống 2 lần/ngày thì: 30-60 phút trước bữa ăn đầu tiên và bữa ăn cuối cùng trong ngày (ăn tối).

Về nguy cơ khi sử dụng PPI kéo dài, đến năm 2022, ACG dựa vào những nghiên cứu tốt nhất đã tìm ra rằng hầu như PPI không có nguy cơ đáng kể dẫn đến các biến cố mà trước giờ người ta lo lắng, ngoại trừ nhiễm trùng tiêu hóa tăng 3,3%. Vì vậy ACG hướng dẫn rằng:

  • Đổi PPI khi có các tác dụng phụ nhẹ của PPI gồm: đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi.
  • Không có các yếu tố nguy cơ với bệnh xương, do đó không khuyến cáo tăng lượng canxi, vitamin D hoặc theo dõi mật độ xương thường xuyên.
  • Không có yếu tố nguy cơ thiếu vitamin B12, vì vậy không khuyến cáo tăng lượng vitamin B12 hoặc theo dõi thường xuyên nồng độ B12.
  • Không có yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh thận, không khuyến cáo theo dõi định kỳ creatinin huyết thanh.
  • PPI có thể được sử dụng để điều trị GERD ở bệnh nhân suy thận, theo dõi chặt chẽ chức năng thận

“Như vậy chúng ta khá là yên tâm khi sử dụng PPI cho đến năm 2022” - PGS Khánh Tường nhận định.

Sau khi trình bày 6 phần của bài báo cáo: 1. Thay đổi lối sống, 2. Tuân thủ điều trị, 3. Cách sử dụng thuốc (Antacid, alginate, sucrafate; H2Ras PPIs; Prokinetics; điều hòa giấc ngủ; điều hòa thần kinh), 4. Lưu ý bệnh chồng lắp với GERD, 5. Loại trừ các nguyên nhân khác, 6. Phối hợp thuốc; PGS Khánh Tường đúc kết một số vấn đề cần được quan tâm khi điều trị GERD:

  • Thay đổi lối sống, lưu ý những thay đổi được khuyến cáo có chứng cứ rõ ràng (đừng yêu cầu bệnh nhân kiêng quá nhiều thứ nếu không có chứng cứ rõ ràng)
  • Bác sĩ cần kiểm tra sự tuân thủ của bệnh nhân mỗi lần khám
  • Lưu ý liều, cách sử dụng và cách phối hợp các thuốc
  • Một đợt điều trị GERD tối thiểu là 8 tuần, GERD ngoài thực quản là 12 tuần
  • Cần loại trừ các nguyên nhân khác có triệu chứng giống GERD, phát hiện các bệnh chồng lắp, đặc biệt là các rối loạn chức năng tiêu hóa để phối hợp thuốc một cách có hiệu quả.

Chương trình đào tạo y khoa liên tục “Cập nhật những tiến bộ trong điều trị GERD & H.pylori” do Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM phối hợp cùng Eisai Việt Nam tổ chức ngày 21/8, tại TPHCM, đem đến những thông tin hữu ích, quý giá trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), điều trị nhiễm H.pylori (Hp), lựa chọn thuốc PPI…và giải đáp nhiều câu hỏi của các bác sĩ về việc sử dụng thuốc PPI khi bệnh nhân có kèm nhiều bệnh mạn tính khác.

Hồng Nhung, Anh Thi - ảnh Lê Bình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X