Hotline 24/7
08983-08983

5 kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra

Theo thống kê hàng năm có rất nhiều tai nạn thương tâm do hỏa hoạn gây ra chủ yếu tại các khu chung cư, quán karaoke, hộ gia đình đặc biệt là kiến trúc nhà ống tại các khu đô thị. Hỏa hoạn do nhiều nguyên nhân như chập điện cháy nổ, thiết bị điện lâu ngày không bảo trì sữa chữa, bất cẩn trong việc sử dụng nhiên liệu chất đốt… Vì vậy, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng và thoát nạn an toàn trong đám cháy là vô cùng cần thiết.

1. Bình tĩnh tìm ngọn lửa và nơi bùng phát khói

- Đầu tiên ngắt cầu dao để ngăn đám cháy bùng phát. Sau đó cố gắng dập lửa bằng bình chữa cháy, vặn gas hoặc dập tắt ngọn lửa.

- Tâm lý thông thường khi lửa xuất hiện chúng ta cố gắng dập nó, nhưng đừng tốn quá nhiều thời gian vào việc đó, vì cả căn phòng có thể bị nhấn chìm hoàn toàn trong lửa chỉ sau 2 phút. Nếu không kiểm soát được đám cháy sau khoảng 1 - 1,5 phút thì cần lập tức tìm cách thoát thân.

2. Nhanh chóng xác định lối thoát hiểm gần nhất

b. Đối với nhà độc lập, liền kề

- Nếu cửa chính bị lửa khói bao trùm, bạn cần bình tĩnh di chuyển ra ban công, dùng thang dây, dây thừng, hoặc tự nối bằng rèm, ga giường, quần... để xuống dưới song cần đảm bảo thật chắc chắn, buộc vào cấu kiện vững chắc.

- Có thể di chuyển ra ban công, cửa sổ, thoát qua các nhà, công trình lân cận.

- Với nhà có chuồng cọp không có lối mở thoát hiểm, bạn hãy kiếm búa, rìu hoặc vật dụng cứng để banh rộng các mắt lưới của lồng sắt để chui qua và sang các công trình lân cận.

- Tuyệt đối không trốn vào nhà tắm, nhà vệ sinh, vì rất dễ bị ngạt khói. Trong tình huống cấp thiết, để ngăn lửa từ dưới lan lên, bạn có thể xả nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống tầng dưới song cần cắt cầu dao tổng để tránh điện giật.

b. Đối với chung cư

- Để thoát nạn an toàn, chỉ được dùng thang bộ.

- Bấm nút báo cháy khẩn cấp để báo cho những căn hộ khác, ưu tiên hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, không xô đẩy.

Trong cả hai trường hợp, bạn lưu ý: không vội vàng nhảy từ trên cao xuống nếu không đủ an toàn, bảo hộ, khoảng cách quá cao. Đây chỉ là biện pháp cuối cùng khi suy xét kỹ và cảm thấy không còn cách nào khác.

3. Kỹ năng mở cửa tránh lửa tạt từ ngoài

Thực tế, nhiều người lập tức gặp nguy hiểm chỉ vì mở đột ngột, ngọn lửa bên ngoài tạt vào người gây chấn thương, nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, khi mở cửa, bạn lưu ý:

- Trước khi mở: quan sát quanh khe của cánh cửa xem có ánh lửa hay có khói lọt qua khe cửa không, nếu có, tuyệt đối không mở đột ngột.

- Nếu không có ánh lửa, khói, bạn kiểm tra nhiệt độ cánh cửa hoặc tay nắm cửa bằng cách dùng lưng các đốt ngón tay, mu bàn tay, sờ nhẹ, tránh bị bỏng tay khi đột ngột chụp lấy tay nắm cửa.

- Nếu tay nắm cửa không nóng, không có khói quanh cánh cửa, bạn hãy cúi thấp người, từ từ mở cửa, quan sát khả năng thoát khỏi phòng.

4. Kỹ năng di chuyển an toàn

Khói là nguyên nhân chính làm nhiều người chết nhất. Khói từ đám cháy rất độc, nạn nhân bất tỉnh rất nhanh, trong khi rất lâu sau đó ngọn lửa mới cháy đến.

- Thường quanh đám cháy sẽ hình thành 2 vùng cơ bản: không gian sát trần nhà sẽ bao gồm khói và khí độc; vùng không gian dưới thấp giáp sàn nhà là không khí sạch. Do đó, khi thoát nạn qua khu vực khói bao phủ, cần hạ thấp người (bò, trườn), cầm theo khăn ướt, mềm bịt mũi để hạn chế hít phải khí độc.

- Trường hợp cháy ở chung cư, khi đã vào được buồng thang thoát nạn, bạn phải đóng ngay cửa để chặn khói, lửa lọt vào trong buồng thang.

- Nếu không còn đường thoát nạn và buộc phải băng qua khu vực có lửa, khói, bạn hãy dùng chăn dày, áo khoác dày thấm nước ướt trùm lên người rồi chạy hoặc bò qua. Trước khi băng qua cần suy tính hình dung lại lối đi, điểm rẽ để nhanh chóng đến đích an toàn.

- Trong quá trình di chuyển, nếu còn người thân mắc kẹt hoặc không biết họ đã thoát ra chưa, bạn không nên cố gắng quay lại đám cháy để tìm mà phải thoát ngay ra ngoài rồi tìm kiếm sự trợ giúp. Bởi nếu bạn trở lại, đám cháy có thể đã lớn hơn, rất nguy hiểm.

5. Xử lý nhanh nếu quần áo bị cháy

- Nếu quần áo bị bắt lửa, bạn phải di chuyển khỏi khu vực đám cháy và dừng ngay lại, tuyệt đối không được chạy tiếp vì lửa có không khí sẽ cháy bốc hơn. Thật bình tĩnh, bạn nằm xuống đất, lấy hai tay che mặt rồi lăn qua lăn lại đến khi lửa tắt.

- Nếu quần áo người khác bị bắt lửa, bạn hãy giúp họ bằng cách lấy vải, chăn, phủ kín lên phần quần áo bị cháy của nạn nhân. Sau đó, bạn dùng tay vỗ, đập để dập tắt lửa, sơ cứu rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ra, cần lưu ý dùng đèn pin, đồ sáng màu phát tín hiệu kêu cứu. Tuyệt đối không nên nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ, nhà tắm. Hãy nằm sát sàn trong tư thế chờ đợi giải cứu. Trang bị nhiều khăn ướt bên cạnh và gọi điện thoại cho người bên ngoài nhờ hỗ trợ.

Khi xảy ra cháy nổ, chúng ra có rất ít thời gian để ứng phó. Vì vậy, điều quan trọng là phải có kế hoạch về những việc cần làm khi hỏa hoạn xảy ra và đảm bảo mọi thành viên trong nhà đều biết. Nếu đã thoát được ra bên ngoài, cần có một điểm tập trung an toàn để mọi thành viên gặp nhau.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X