3 nguyên nhân thường gặp khiến khớp gối kêu lục cục, lạo xạo
Khớp gối kêu lạo xạo là hiện tượng khá nhiều người gặp phải nhưng tính chất và nguyên nhân gây ra không giống nhau. Đặc biệt, ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về xương khớp, cần được thăm khám sớm để tìm ra nguyên nhân và hướng xử trí hiệu quả.
1. Tiếng lục cục, lạo xạo có thể to, nhỏ tùy nguyên nhân
Thưa BS, tiếng lục cục, lạo xạo ở các khớp được mô tả như thế nào?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tiếng động này có rất nhiều cách mô tả, quen thuộc nhất là tiếng bẻ khớp tay. Đôi khi, âm thanh có thể mịn hơn gọi là tiếng lục cục. Âm thanh nhỏ hơn nữa, giống như tiếng vải quần áo hay giấy ma sát với nhau, gọi là tiếng lạo xạo. Tiếng động to hay nhỏ còn tùy vào nguyên nhân.
Có những trường hợp âm thanh bóp tay, bẻ khớp phát ra to đến mức người khác có thể nghe được. Đôi khi âm thanh nhỏ hơn, phải đứng gần hoặc chỉ bản thân mới nghe thấy. Nhiều trường hợp phải đặt tay lên các khớp mới cảm nhận được.
Đó là những cách mà bệnh nhân mô tả tình trạng của mình khi đến gặp bác sĩ.
2. Những nguyên nhân khiến khớp gối kêu lạo xạo
Tiếng lục cục, lạo xạo ở các khớp đang cảnh báo bệnh lý gì, thưa BS? Nguyên nhân của vấn đề ở người trẻ và người lớn tuổi có gì khác nhau?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Khớp gối, ngón tay, cột sống là những vị trí thường phát ra tiếng động. Trong sách vở thường đề cập đến thoái hóa khớp gối. Nhưng thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các khớp tạo ra tiếng động.
Nguyên nhân đầu tiên là sự thay đổi áp suất làm vỡ các bóng khí. Điều này tương tự như khi chúng ta bóp các túi bóng khí chống sốc.
Nguyên nhân thứ hai là gân, cơ cọ xát vào nhau khi cử động, đôi khi bị trượt lên phần xương hoặc phần khớp và tạo ra tiếng động.
Thoái hóa khớp là nguyên nhân thứ ba. Sụn khớp bị thoái hóa và vỡ ra, những mảnh vỡ cạ vào nhau gây ra tiếng lục cục hoặc lạo xạo.
3. Đặc trưng của thoái hóa khớp gối là đau khi đi, đứng
Ngoài âm thanh lục cục, lạo xạo, còn có những dấu hiệu nào cảnh báo việc khớp gối bị thoái hóa, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Ngoài tiếng lạo xạo còn có tình trạng đau. Đa số bệnh nhân sẽ đi khám vì đau chứ không phải vì những tiếng lạo xạo.
Đặc điểm của thoái hóa khớp gối là đau khi đứng hoặc khi thời tiết lạnh. Ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân có thể đi một đoạn hoặc đứng một lúc rồi mới xuất hiện cảm giác đau. Cơn đau sẽ hết khi được ngồi nghỉ ngơi.
4. Tiếng lục cục, lạo xạo thường xuất hiện ở giai đoạn sau của viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp cũng gây nên tình trạng phát ra tiếng lục cục, lạo xạo. Xin BS cho biết, bệnh lý này còn có những triệu chứng nào khác?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tiếng lạo xạo, lục cục thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn sau của viêm khớp dạng thấp. Giai đoạn đầu của bệnh là các tình trạng viêm khớp, sưng, nóng, đỏ. Đôi khi khớp bị sưng quá mức khiến bệnh nhân không thể cử động.
Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp nhỏ trước, sau đó mới đến các khớp lớn. Đến khi các sụn khớp bị viêm tiến triển đến bị hư, hoặc các mô xung quanh khớp chuyển thành sẹo, xơ sau viêm cạ vào nhau sẽ tạo thành tiếng lạo xạo, lục cục.
5. Khô khớp là một biểu hiện của thoái hóa khớp
Tiếng lục cục, lạo xạo khi bị khô khớp có gì khác với bị thoái hóa khớp hay viêm khớp dạng thấp?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Khô khớp chính là một biểu hiện của thoái hóa khớp. Tình trạng khô khớp nặng sẽ làm cho các sụn khớp bị vỡ, bắt đầu xuất hiện tình trạng viêm, sưng khớp.
Âm thanh của khớp bị khô thường sẽ giống như âm thanh cọ xát của hai mảnh gỗ. Bệnh nhân hoặc bác sĩ phải đặt tay lên đầu gối để cảm nhận tiếng động này.
6. Khớp phát ra tiếng nhưng không đau thì không cần đi khám
Tiếng lục cục, lạo xạo diễn ra với tần suất như thế nào hoặc đi kèm với những triệu chứng nào thì bắt buộc bệnh nhân phải đi khám, khi nào có thể theo dõi tại nhà?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đa phần tiếng lục cục, lạo xạo này do những bóng khí bị vỡ hoặc do gân, cơ trượt lên nhau nên thường lành tính. Một số trường hợp có nguyên nhân là viêm gân nhẹ, thoáng qua.
Những bệnh lý như viêm gân, viêm khớp hoặc thoái hóa khớp sẽ có biều hiện đau. Nếu tiếng lục cục, lạo xạo không kèm đau thì không cần phải đi khám.
7. Tiếng lạo xạo kèm biểu hiện sưng, đau cảnh báo vấn đề bệnh lý ở khớp
Tình trạng khớp phát ra tiếng lục cục, lạo xạo có nguy hiểm không và liệu có để lại di chứng, biến chứng gì tại hệ cơ xương khớp không, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Như đã chia sẻ, trong đa số các trường hợp, âm thanh này đều lành tính và không gây ảnh hưởng đến vấn đề cơ xương khớp.
Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bị đau hoặc sưng hoặc đã có chấn thương trước đó, tiếng lạo xạo đang báo hiệu những vấn đề bệnh lý ở khớp cần được điều trị. Chỉ có bác sĩ mới xác định được nguyên nhân gây ra tiếng lạo xạo, đôi khi còn cần phải chụp phim để chẩn đoán chính xác hơn.
Nếu chỉ phát ra tiếng mà không kèm thêm bất kỳ biểu hiện nào khác, quý độc giả có thể yên tâm rằng tình trạng này sẽ không để lại biến chứng.
8. Khám bệnh ở chuyên khoa cơ xương khớp hoặc chấn thương chỉnh hình
Bệnh nhân có những dấu hiệu vừa nêu nên đến khám ở chuyên khoa nào? Xin BS cho biết, bệnh nhân cần làm những cận lâm sàng gì để có thể xác định đúng bệnh?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh nhân có thể đến chuyên khoa cơ xương khớp hoặc chấn thương chỉnh hình đều được.
Bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang, một số trường hợp có thể siêu âm khớp. Tình trạng nặng hơn phải chụp MRI khớp.
Nếu khớp bị sưng sẽ phải làm thêm xét nghiệm máu để xác định tình trạng viêm, sưng có đến từ các bệnh lý tự miễn hay không.
9. Tiếng lục cục, lạo xạo thường không phải dấu hiệu cảnh báo biến chứng
Việc điều trị có thể chấm dứt hẳn tình trạng khớp gối kêu lục cục, lạo xạo không, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đối với những trường hợp khớp gối phát ra tiếng lục cục, lạo xạo do bệnh lý gây nên, sau khi điều trị có khả năng sẽ không còn tiếng động này, nhưng tỷ lệ không cao.
Âm thanh này giống như vết sẹo, việc mất hẳn không dễ dàng. Tuy nhiên không cần quá bận tâm vì đây không phải là dấu hiệu của tình trạng bệnh nặng hay biến chứng của bệnh.
Bác sĩ thường không quan tâm đến những tiếng động này mà chú trọng những dấu hiệu khác như sưng, đau hoặc những kết quả xét nghiệm hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình