Hotline 24/7
08983-08983

3 giải pháp kỹ thuật giúp đẩy mạnh hiệu quả cấp cứu ngoại viện

Tổng đài cấp cứu cần được số hóa, máy đo điện tâm đồ từ xa, máy sốc tim AED là những giải pháp kỹ thuật hứa hẹn sẽ giúp đẩy mạnh hiệu quả cấp cứu ngoại viện trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay.

Tại hội thảo "Nâng cao năng lực phối hợp cấp cứu ngoại viện 115 cho các bệnh viện trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" diễn ra ngày 15/9 tại Cần Thơ, nhiều kinh nghiệm và giải pháp đã được các chuyên gia chia sẻ và thảo luận để giúp hoạt động cấp cứu hiệu quả hơn. Trong đó, có những giải pháp kỹ thuật đáng chú ý.

Tổng đài cấp cứu cần được số hóa

Một trong những “nỗi khổ” của tổng đài cấp cứu (call center) là số cuộc gọi quấy rối, các trường hợp không nguy hiểm gọi đến quá nhiều, khiến cho tình huống thật sự khẩn cấp có thể bị bỏ lỡ. 

Giải pháp đề ra là tổng đài phải được số hóa, các cuộc gọi đến được lưu lại thông tin và ghi âm, phân loại, nhân viên trực có thể chủ động chặn các cuộc gọi quấy rối sau khi đã cảnh báo với người gọi đến mà họ vẫn cố tình lặp lại.

Nhiều trường hợp báo động giả, như chuyện xe cấp cứu tới nơi mới biết đó là một cuộc nhậu, những người say xỉn chỉ gọi “đùa chơi” thôi. Hoặc không ít các vụ tai nạn giao thông, người đi đường gọi cấp cứu nhưng khi xe đến nơi thì người bị tai nạn chỉ trầy xước nhẹ, từ chối sử dụng dịch vụ cứu thương, còn người liên hệ đã rời đi rồi.

BS Rafi Kot và BS Bùi Nghĩa Thịnh, Phòng khám FMP Việt Nam giới thiệu cách vận hành tổng đài *9999, sử dụng hệ thống phân loại cấp cứu trước viện ProQA

Để đánh giá chính xác tình huống trước khi quyết định điều xe cấp cứu, BS Rafi Kot - Giám đốc điều hành và BSNT Bùi Nghĩa Thịnh - Trưởng đơn vị Cấp cứu ngoại viện, Phòng khám FMP Việt Nam giới thiệu hệ thống phân loại cấp cứu trước viện ProQA (tương tự 911 của Hoa Kỳ) mà phòng khám đang sử dụng.

ProQA sẽ có nhân viên tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu, lấy thông tin (địa chỉ, địa điểm cấp cứu, sự kiện cấp cứu...) sau đó đánh giá mức độ cấp cứu và xuất xe cấp cứu. Bên cạnh đó, có thể hướng dẫn sơ cứu trong lúc chờ xe tới, nạn nhân được hỗ trợ ngay, kể cả trường hợp ngừng tuần hoàn.

Ưu điểm của ProQA là hệ thống sẽ quyết định gửi xe cứu thương hay không, chỉ xuất xe khi có cấp cứu, đặc biện giá trị ở nơi có nguồn lực hạn chế. Các thông tin ghi nhận được cũng giúp đội cấp cứu ngoại viện (EMR) chuẩn bị tốt (kể cả tinh thần) trước khi tới hiện trường

Thiết bị điện tâm đồ từ xa

Thiết bị điện tâm đồ từ xa cũng giống như máy đo điện tim, có pin tự sạc, có thể mang theo xe cứu thương hoặc bệnh nhân đem về nhà. Điểm đặc biệt là thiết bị này có thể kết nối với điện thoại thông minh. Dữ liệu sẽ được truyền từ máy qua điện thoại rồi chuyển về trung tâm thông qua internet. 

Trung tâm này có thể kết nối với vài trăm máy điện tâm đồ, chỉ cần một bác sĩ có thể đọc kết quả đo điện tim của rất nhiều bệnh nhân trong hệ thống theo dõi, từ đó tư vấn cách xử trí phù hợp. 

TS.BS Trần Chí Cường đánh giá: “Điện tâm đồ từ xa là giải pháp hiệu quả trong việc quản lý bệnh nhân tim mạch từ xa trong thời buổi công nghệ hiện nay”.

Về cách triển khai, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết cần có phần mềm quản lý, một máy chủ và nhiều máy con (mỗi điện tâm đồ là một máy con).

Tùy theo nhu cầu, có thể mua vài trăm thậm chí vài nghìn máy để lắp đặt tại các cơ sở y tế khám sức khỏe ban đầu: trạm y tế xã, trung tâm y tế quận, các phòng mạch… Khi nhân viên y tế đo điện tâm đồ cho bệnh nhân, tại trung tâm xử lý sẽ có bác sĩ chuyên khoa tim mạch đọc điện tim và phản hồi cho đồng nghiệp của mình.

Điện tâm đồ từ xa sẽ hỗ trợ rất tốt cho cấp cứu ngoại viện: khi nhân viên y tế đến hiện trường, gặp bệnh nhân đột ngột hôn mê chưa rõ có nhồi máu cơ tim, ngưng tim, rối loạn nhịp tim… hay không thì có thể dễ dàng gắn máy đo điện tim cho người đó, dữ liệu lập tức chuyển về trung tâm, không cần có bác sĩ tim mạch đi đến hiện trường.

Bệnh nhân cũng có thể mua, thuê, mượn thiết bị này của bệnh viện để về theo dõi trong trường hợp đã biết tiền căn là bị rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh, nhịp chậm… Dữ liệu sẽ được chuyển về trung tâm để được bác sĩ theo dõi và người bệnh nhân không cần đến bệnh viện chỉ để đo điện tim.

Máy sốc tim, khử rung tim AED

Tại những nước phát triển, chiếc máy máy sốc tim, khử rung tim (automated external defibrillator - AED) được lắp đặt tại nhiều địa điểm công cộng như sây bay, trường học, siêu thị… có thể sử dụng để sốc tim cho người ngưng tim đột ngột.

Thiết bị này nhỏ gọn, cho phép cả những người không có kinh nghiệm hoặc kiến thức y khoa vẫn sử dụng được để làm tăng khả năng cứu sống bệnh nhân.

TS.BS Trần Chí Cường giới thiệu chiếc máy sốc tim AED nhỏ gọn, có thể bố trí nhiều nơi trong cộng đồng để sơ cứu cho bệnh nhân tim mạch hoặc bệnh nhân đột quỵ bị ngưng tim

Cách dùng máy khử rung (AED) khá đơn giản, người sử dụng đặt các miếng đệm rồi gắn điện cực đầu tiên ở phía trên bên phải ngay dưới xương đòn của bệnh nhân, vị trí thứ hai là ở dưới nách. Trong khi máy AED phân tích nhịp tim của bệnh nhân thì không ai đụng vào người đó. Tiếp theo, người hỗ trợ sẽ thực hiện theo hướng dẫn bằng hình ảnh và/hoặc lời nói do máy đưa ra.

Ngoài các giải pháp kỹ thuật và kinh nghiệm chia sẻ từ các trung tâm/đơn vị đã hoạt động nhiều năm, hội thảo còn đề cập đến nhiều vấn đề khác như đào tạo nhân sự, chế độ đãi ngộ cho nhân viên trung tâm cấp cứu. Trong đó, cơ chế dành cho tài xế xe cấp cứu chưa được rõ ràng. Tài xế không phải nhân viên y tế nhưng công việc đòi hỏi phải biết sơ cứu, và không chỉ lái xe mà còn là người bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản cho đồng đội làm nhiệm vụ.

Ý thức và hiểu biết của người dân cũng góp phần lớn trong việc bệnh nhân được cấp cứu nhanh hay chậm. Do đó, phải đẩy mạnh việc truyền thông, giảm bớt nghịch lý: xe cấp cứu cách đó mấy cây số mà người bệnh đột quỵ ở nhà cạo gió, không gọi cấp cứu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X