14g chiều 3/11: GLTT về virus Zika với hai chuyên gia đầu ngành về Y tế dự phòng
Do có cuộc họp đột xuất với UBND TPHCM về virus Zika lúc 16g chiều nay, nên cuộc giao lưu trực tuyến với TS.BS Lê Trường Giang và ThS.BS Nguyễn Trí Dũng được đẩy sớm 30 phút.
Những con số dồn dập, những thông tin cập nhật liên hồi về các “em bé đầu nhỏ” khiến đâu đâu người ta cũng bàn luận về Zika.
Bản đồ bệnh Zika đang lan truyền ở Việt Nam - Nguồn: VnExpress
Ngay từ những ngày đầu, tổng đài của AloBacsi nhận được rất rất nhiều câu hỏi: Nên làm gì để tránh virus Zika? Cách diệt trừ tận gốc virus này có phải là diệt loăng quăng, diệt muỗi như các dịch sốt xuất huyết, sốt rét? Làm thế nào để phân biệt muỗi bình thường và muỗi có mang mầm Zika? Xét nghiệm Zika, nên đến đâu? Dấu hiệu nhận biết sớm đã bị “muỗi Zika” chích? Ảnh hưởng của virus Zika lên các em bé? Nên hay không nên việc chấm dứt thai kỳ khi bị muỗi Zika đốt? Cuộc sống của những “em bé đầu nhỏ” sẽ thế nào?...
Trước những lo lắng đó, Hội Y tế Công cộng TPHCM cùng Cổng thông tin Tư vấn
sức khỏe AloBacsi sẽ tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến nhằm cung cấp các thông
tin chân xác, kịp thời giúp người dân có thể phòng chống dịch Zika.
Đặc biệt, với sự tư vấn của hai chuyên gia đầu ngành về Y tế dự phòng là TS.BS Lê Trường Giang - nguyên PGĐ Sở Y tế TPHCM, hiện là Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TPHCM và ThS.BS Nguyễn Trí Dũng - GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, bạn đọc sẽ được tiếp cận đầy đủ cách phòng, chống muỗi mang virus Zika nói riêng và các dịch bệnh có nguy cơ lan rộng trong cộng đồng nói chung.
TS.BS Lê Trường Giang (phải) và ThS.BS Nguyễn Trí Dũng
- Eric Nguyen - California, Hoa Kỳ (ericnguyen…@hotmail.com)
Tôi nhớ có đọc tin Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên đi du lịch đến các vùng có dịch virus Zika do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh gây ra bởi virus Zika.
Vợ tôi đang có bầu 4 tháng, chúng tôi đã đặt vé tết này về Việt Nam ăn tết với gia đình. Những ngày qua đọc báo mạng nói nhiều về việc Zika đang xuất hiện ở Việt Nam.
Chúng tôi băn khoăn, suy nghĩ nhiều lắm. Chúng tôi lưỡng lự, chưa biết tính thế nào vì chuyến về nước này là dự định và nôn nao của cả hai để được đón tết cổ truyền cùng người thân.
Hôm nay, rất mừng khi được biết có hai chuyên gia giỏi tư vấn. Tôi muốn được gửi câu hỏi từ nửa vòng trái đất đến các bác sĩ quê nhà. Xin các anh cho lời khuyên là, chúng tôi có nên về nước dịp tết này không?
Nếu về, thì cách gì để phòng tránh muỗi Zika?
Trân trọng cảm ơn và xin kính chào.
TS.BS Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TPHCM:
Chào bạn,
Virus Zika chỉ gây nên tổn thương cho thai nhi trên những phụ nữ mang thai 3 tháng đầu của thai kỳ. Vợ bạn đã mang thai 4 tháng và tết này mới về đến Việt Nam có nghĩa thời gian này sẽ nhiều hơn 4 tháng, tức đã qua khỏi thời điểm nguy hiểm để virus Zika có thể làm tổn thương thai nhi. Do đó, bạn hỏi tôi có nên về hay không thì câu trả lời của tôi là có để thỏa lòng mong ước của vợ chồng bạn.
Cách phòng chống muỗi Zika: Muỗi Zika là muỗi mang virus Zika cùng loại với muỗi gây sốt xuất huyết. Vì vậy, việc chống muỗi đốt cho cả virus Zika lẫn sốt xuất huyết là giống nhau.
Biện pháp chúng ta ai cũng biết đó là diệt lăng quăng ở nơi mình đang sinh sống. Thứ 2 là diệt muỗi ở môi trường chúng ta đang sinh sống bằng mọi biện pháp như phun thuốc diệt muỗi, nhang trừ muỗi. Thứ 3 là bảo vệ mình không để muỗi đốt bằng nhiều biện pháp như ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài vì muỗi Zika thường đốt người vào ban ngày và nhất là vào thời điểm sáng sớm, tờ mờ sáng và chạng vạng tối. Ngoài ra, chúng ta có thể xoa thuốc để xua đuổi muỗi.
- Bạn đọc Minh Thành - TPHCM
Kính chào AloBacsi,
Xin kính nhờ BS Trí Dũng nói rõ về: Nguồn lây, triệu chứng của bệnh Zika? Vì sao muỗi đốt lại bị Zika? Con muỗi đó sinh ra là muỗi Zika hay sao ạ? Nếu bị muỗi Zika đốt thì 100% mình sẽ mang bệnh Zika ? Mong chuyên gia giải thích rõ giùm tôi. Chân thành cảm ơn.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM:Chào bạn,
Bệnh Zika có thể lây qua 3 đường, chủ yếu là qua muỗi vằn có mang virus Zika đốt và truyền bệnh. Đường thứ 2 là qua quan hệ tình dục, chủ yếu là từ nam truyền sang cho nữ. Đường thứ 3 là từ mẹ sang con.
Muỗi vằn (cũng là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) hút máu người có mang virus Zika, sau đó truyền cho người khác dẫn đến lây truyền virus Zika.
Muỗi này cũng truyền bệnh sốt xuất huyết, sống gần nhà, trong nhà, bám đậu vào vật dùng của người như mùng màn, quần áo, đẻ ở các vật chứa nước sạch.
Nếu muỗi mang virus Zika chích vào người thì có thể truyền virus
Zika cho người đó. Việc mắc bệnh phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch của con người.
Đối với trường hợp nhiễm bệnh, chỉ có khoảng 20% có triệu chứng biểu hiện trên
lâm sàng, bao gồm: phát ban trên da kèm theo một số các triệu chứng sau: sốt
nhẹ, viêm hoặc đỏ kết mạc, đau khớp hoặc phù khớp, đau cơ. Các triệu chứng này
thường nhẹ tự hết sau 5-7 ngày, không để lại di chứng.
- Bạn đọc Tuyết Ngân - Biên Hòa - Đồng Nai
Tôi không cầm được nước mắt khi thấy hình em bé bị Zika đầu tiên ở Việt Nam. Đau lòng quá.
Tội nghiệp bé và càng thương bố mẹ bé quá chừng.
Bé gái ở Đăk Lăk bị đầu nhỏ do virus Zika. (Ảnh: H.N - VnExpress) |
Muỗi cắn bé bị Zika rồi cắn người lành, có làm lây bệnh.
Mẹ bé có cho bé bú và sinh hoạt bình thường được không?
- Bạn đọc Ngọc Hoa - Hà Nội
Cháu có nghe nói một em bé ở Đăk Lăk nghi mắc chứng dị tật đầu nhỏ do virus Zika. Không biết những cháu bé mắc chứng Zika có phát triển bình thường và ảnh hưởng đến thần kinh không ạ?
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Bé bị nhiễm Zika từ trong bụng mẹ và khi sinh ra có đầu nhỏ là bé đã bị tổn thương não không hồi phục. Cho nên bé không thể nào phát triển như những trẻ bình thường, thậm chí cũng sẽ rất khó khăn trong việc tự lo cho mình trong những sinh hoạt bình thường. Cho đến giờ phút này, chúng ta cũng chưa đủ thông tin dể biết rằng bé bị Zika có thể sống đến mấy tuổi.
Virus Zika chỉ tồn tại trong cơ thể của người nhiễm Zika trong 1 thời gian nhất định. Qua khỏi thời gian này thì người nhiễm virus Zika không còn khả năng để lây cho người khác nữa, qua đường muỗi đốt hoặc qua đường tình dục. Do đó, bé bị nhiễm Zika từ trong bụng mẹ sẽ không có khả năng lây cho người khác qua đường muỗi đốt.
- Bạn đọc Dương Thị Tuyết Linh - Quận Bình Tân, TPHCM
Xin kính chào bác sĩ, Zika nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ? Xin nhờ bác sĩ giải thích rõ ảnh hưởng của bệnh Zika với nam và nữ? Nếu người bình thường, không mang thai nhiễm Zika có ảnh hưởng đến sức khỏe không ạ? Kính gửi đến hai bác sĩ lời cảm ơn và chúc sức khỏe.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn Tuyết Linh,
Bệnh do virus Zika thường rất nhẹ, tự khỏi sau 5-7 ngày,
không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của
thai kì bị nhiễm virus Zika có thể để lại di chứng trên thai nhi, đó là gây ra
tật đầu nhỏ hoặc hội chứng Guillian Barré (viêm đa rễ dây thần kinh ngoại
biên). Tỉ lệ này vào khoảng 1-10% số phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika trong
3 tháng đầu của thai kì.
- Bạn đọc Hoài Phụng - Bến Tre
Nhờ bác sĩ giải thích giùm tôi: nếu làm xét nghiệm thì sau bao lâu mới biết mình có mắc bệnh Zika không? Xét nghiệm như thế nào và phương pháp xét nghiệm? Chân thành cảm ơn. Kính chúc bác sĩ mạnh khỏe.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn Hoài Phụng,
Với phương pháp xét nghiệm hiện nay, khoảng 1 tuần sẽ có kết
quả sau khi lấy máu. Đây là xét nghiệm sinh học phân tử để phát hiện sự hiện diện của virus Zika
trong máu của bệnh nhân.
- Bạn đọc Châu Thị - quận 2, TPHCM
Người bệnh Zika có làm lây người khác qua đường ăn uống? Chẳng may bệnh Zika cần cách ly khỏi cộng đồng trong bao lâu? Nếu đã bệnh Zika 1 lần thì có kháng thể để không bao giờ nhiễm Zika lần nữa không, thưa bác sĩ?
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn,
Virus Zika không lây qua đường ăn uống. Người mắc bệnh không cần phải cách ly, tuy nhiên cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt để tránh lây lan cho cộng đồng. Đối với nam, nhiễm bệnh cần sử dụng bao cao su đúng cách để tránh lây lan virus Zika cho bạn tình.
Với những dữ liệu chuyên môn hiện nay cho thấy: Sau khi
nhiễm virus Zika, cơ thể sẽ tạo kháng thể miễn dịch, sẽ không mắc bệnh lại lần
nữa.
- Bạn đọc Thuận Thảo - Gò Vấp, TPHCM
Thưa bác sĩ Giang, ông đánh giá khả năng lây truyền virus Zika qua đường tình dục hiện nay như thế nào? Nếu sử dụng bao cao su có an toàn không, thưa bác sĩ? Các biện pháp an toàn tình dục thì có thể “sinh hoạt” bình thường phải không ạ?
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Virus Zika lây qua đường muỗi đốt, đường tình dục và mẹ qua con. Hiện nay, chúng ta đã quan tâm rất nhiều đến đường lây qua muỗi đốt vã đã có nhiều biện pháp như diệt muỗi, phòng ngừa muỗi đốt… Tuy nhiên, đường lây cũng nguy hiểm không kém đó là qua đường tình dục. Với đường lây này virus Zika sẽ âm thầm lan tỏa từ người này sang người khác tương tự như HIV, viêm gan B, viêm gan C.
Tuy nhiên, Zika ít nguy hiểm hơn ở chỗ chỉ tồn tại trong cơ thể người nhiễm 1 thời gian nhất định. Do đó, để đảm bảo an toàn chúng ta vẫn phai thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm qua đường tình dục gọi là an toàn tình dục. Việc sử dụng bao cao su đúng cách như bạn đã nêu là đúng và có khả năng để bảo vệ chúng ta không bị nhiễm virus zika qua đường tình dục.
Bác sĩ ơi, tôi nghe nói 90% bệnh nhân bị bệnh Zika đều ảnh hưởng đến tinh hoàn. Sự thật thông tin này như thế nào, có đúng là bệnh làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới không, kính mong bác sĩ tư vấn. Chân thành cảm ơn.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn,
Đây là kết quả nghiên cứu ban đầu của 1 nhóm chuyên gia nghiên cứu cho thấy có mối tương quan giữa nhiễm virus Zika và việc teo tinh hoàn trên chuột nghiên cứu.
Khi nhiễm virus Zika có dẫn đến việc có teo tinh hoàn hay không vẫn chưa có bằng chứng để chứng minh. Do đó, cần có những nghiên cứu trên người để có bằng chứng xác thực. Ở TPHCM, đã có những trường hợp nhiễm virus Zika ở nam giới, chúng tôi sẽ có những nghiên cứu để đánh giá những tác động đối với người bị nhiễm, trong đó có đánh giá về vấn đề trên.
- Bạn đọc Thắng - Hướng dẫn viên du lịch Vietravel
Tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ hôm qua, có thông tin: “Thế giới có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc Zika, khu vực Đông Nam Á thì 2-3 tháng gần đây số ca mắc gia tăng nhanh”.
Là người đứng đầu ngành Y tế dự phòng cả nước, ông có cơ hội tham khảo cách dập dịch Zika của các nước châu Mỹ Latinh.
Họ đã từng qua cơn dịch Zika như Brazil quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng ngàn trường hợp trẻ sơ sinh bị bệnh đầu nhỏ.
Dịch đến nước ta sau các nước Châu Mỹ, vậy chúng ta có học hỏi hay rút kinh nghiệm gì từ các nước đã dập dịch được?
Chúng tôi muốn xin ông đánh giá: hiện trạng chống dịch của chúng ta hiện nay ra sao?
Mùa cao điểm du lịch đang đến, trước thông tin dồn dập về các ca Zika được phát hiện trong nước, thú thật chúng tôi hết sức căng thẳng. Lo sợ dịch bệnh ảnh hưởng đến khách du lịch vào Việt Nam.
Chúc các chuyên gia sức khỏe và làm thật tốt công tác chống Zika.
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Chúng ta luôn luôn quan tâm, theo dõi sát để rút ra được những kinh nghiệm từ các nước đã trải qua dịch trước chúng ta. Tuy nhiên, bản thân chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch nói chung, đặc biệt là việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết cũng do cùng 1 loại muỗi truyền virus Zika và việc phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS có cùng đường lây qua đường tình dục như virus Zika. Do đó, hiện nay chúng ta đang áp dụng tất cả các biện pháp từ kinh nghiệm thế giới cũng như kinh nghiệm của chính chúng ta để phòng chống dịch Zika.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy tác hại của virus Zika hầu như chỉ trên thai phụ nhiễm Zika trong 3 tháng đầu, với việc sinh ra trẻ đầu nhỏ do bị tổn thương não. Do dó, biện pháp chống dịch của chúng ta hiện nay phải tập trung vào việc phòng ngừa lây nhiễm Zika cho thai phụ, cũng như phát hiện kịp thời thai phụ bị nhiễm Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ, để có những biện pháp xử lý thích hợp nhất.
Hiện nay ở Việt Nam, nhiều tỉnh/thành phố đã phát hiện các trường hợp nhiễm virus Zika cho thấy virus Zika đang lưu hành và có khả năng sẽ có nhiều trường hợp nhiễm hơn ở nhiều tình/thành phố hơn trong thời gian tới.
TPHCM trong thời gian gần đây đã tăng cường tầm soát nên đã phát hiện được nhiều trường hợp nhiễm virus Zika và cũng từ đó TPHCM đã huy động lực lượng tăng cường hoạt động phòng chống Zika qua cả đường truyền do muỗi đốt cũng như là qua đường sinh dục.
Tất nhiên, chúng tôi cũng như bạn và chúng tôi biết rằng chính quyền thành phố hết sức quan tâm, phòng chống dịch, hạn chế các số trường hợp nhiễm để không ảnh hưởng đến hoạt động du lịch hoặc đầu tư của nước ngoài.
- Bạn đọc Tuyền Lâm - Kontum
Nhờ các bác sĩ cho tôi hỏi: phụ nữ có thai bao nhiêu tháng thì bệnh Zika sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Mới chớm có thai thì có phải bỏ bé, đến tháng thứ mấy thì Zika ảnh hưởng đến bé. Và nếu gần sanh mới bị bệnh Zika thì có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi không? Chân thành cảm ơn.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn Tuyền Lâm,
3 tháng đầu của thai kì là thời gian tượng hình của thai nhi. Giai đoạn này là giai đoạn hình thành các cơ quan cấu tạo của cơ thể, do đó những tác động xấu đến thai nhi trong giai đoạn này đều có thể làm ảnh hưởng đến việc hình thành các cơ quan. Do đó, nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu của thai kì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Theo dữ liệu hiện nay, nếu nhiễm virus Zika sau 3 tháng đầu của thai kì chưa có bằng chứng cho thấy có ảnh hưởng đến thai nhi.
Nếu nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu của thai kì, có khoảng 1-10% thai nhi bị ảnh hưởng. Lúc đó, người mang thai cần được tư vấn bởi bác sĩ sản khoa để quyết định giữ hoặc kết thúc thai kì.
- Bạn đọc Hoài Ân
Bác sĩ ơi giúp em, em đang cảm thấy mình có một số triệu chứng của bệnh Zika. Chân tay em cũng có nhiều nốt mũi đốt. Em lo quá. Em còn là sinh viên, chưa kiếm ra tiền nên, em xin phép hỏi bác sĩ: chi phí điều trị bệnh Zika là bao nhiêu tiền? Bệnh được điều trị trong khoảng bao lâu? Nếu bị bệnh Zika chữa khỏi có ảnh hưởng sức khỏe về sau này không? Chân thành cảm ơn.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn Hoài Ân,
Có nhiều dấu muỗi đốt không có nghĩa là bạn nhiễm virus Zika. Nếu bạn có triệu chứng phát ban trên da kèm theo 2 trong 4 triệu chứng sau: sốt nhẹ, viêm hoặc đỏ kết mạc, đau khớp hoặc phù khớp, đau cơ, bạn hãy đến một trong 30 điểm giám sát virus Zika của TPHCM để được khám, tư vấn và lấy máu xét nghiệm miễn phí để tìm virus Zika.- Bạn đọc Phan Hiếu Hiền - TPHCM
Tôi ngạc nhiên là khoa học càng phát triển thì càng có nhiều bệnh mới. Mấy năm trước có ai nghe nói gì đến Zika đâu. Sao giờ tự nhiên rộ lên như thế?
Có phải trước đây đã có bệnh này mà chúng ta không biết để định danh tên bệnh?
Hoặc bệnh này mới có. Vậy muỗi gây bệnh Zika từ đâu sản sinh ra? Tôi cứ thắc mắc mà đọc hoài không thấy thông tin. Mong các chuyên gia giải đáp giúp.
Tôi thành thật cảm ơn.
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Virus Zika được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 ở khu rừng mang tên Zika ở Uganda. Đến năm 1950 thì virus Zika đã có mặt ở châu Á. Từ năm 2007 đến nay đã lan sang châu Mỹ.
Bạn nói rất đúng, ở Việt Nam sốt xuất huyết đang là một bệnh dịch lưu hành. Các điều kiện để dịch sốt xuất huyết lưu hành cũng là điều kiện để virus Zika lưu hành. Do đó, hiện nay virus Zika đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nên có nhiều khả năng sẽ trở thành 1 bệnh lưu hành giống như sốt xuất huyết.
- Bạn đọc Thanh Trúc - Di Linh, Lâm Đồng
Nhờ bác sĩ giải thích giúp em: con muỗi mang virus Zika có
khác muỗi thường không? Muỗi mang virus Zika là loại mới hay muỗi bình thường
đột biến thành muỗi Zika? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.
- Bạn đọc Lại Huỳnh Tiến - cán bộ hưu trí
Nhờ bác sĩ cung cấp cho tôi một số thông tin: bệnh Zika bắt
nguồn từ đâu và từ thời điểm nào? Tôi hơn tuổi nay mới nghe đến bệnh này. Muỗi
đốt truyền bệnh sốt xuất huyết thì thấy nhiều, nhưng muỗi đốt truyền Zika thì
sao dạo này mới nghe nói đến.
Zika sinh ra từ đâu và ông dự báo VN có khả năng khống chế
nguồn lây bệnh Zika không? Vì đặc điểm VN ao hồ, đồng ruộng, cây cối nhiều…là
môi trường cho muỗi phát triển. Kính chúc bác sĩ một buổi làm việc hiệu quả.
Thân chào và xin cảm ơn.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào ông Huỳnh Tiến và bạn Thanh Trúc,
Virus Zika đã được phát hiện trên dơi, khỉ tại khu rừng Zika ở Uranda, Châu Phi vào những năm 1947-1949. Năm 1952 phát hiện virus Zika trên người ở Nigeria. Những năm 1950s, phát hiện những trường hợp mắc bệnh do virus Zika các nước ở vùng Châu Á. Giám sát huyết thanh vào những năm 60-70s cho thấy có thấy sự hiện diện của virus Zika ở các nước nằm trong dải khí hậu nhiệt đới, trong đó có các nước Đông Nam Á và Việt Nam.
Tuy nhiên, bệnh bắt đầu bộc phát vào những năm 2013-2014, đến 2016 ở một số đảo và các nước Nam Mỹ, nhất là ở Braxin với sự xuất hiện của những trẻ em bị tật đầu nhỏ. Do đó, tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo tình trạng lây lan của virus Zika là một vấn đề Y tế công cộng.
Các nghiên cứu về dịch tễ cho thấy sự lưu hành của virus Zika gắn liền với dải khí hậu nhiệt đới, cũng liên quan đến sự lưu hành và phát triển của muỗi Aedes (muỗi vằn) là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.
Ông có nhận xét rất đúng với điều kiện khí hậu và môi trường hiện nay ở Việt Nam cũng như ở TPHCM có nhiều nơi, nhiều vật dụng chứa nước sạch là điều kiện lí tưởng cho loại muỗi này sinh sản và phát triển, là những yếu tố thuận lợi cho việc lây lan virus Zika.
Loại muỗi gây bệnh này có sẵn từ trước tới nay ở các nước vùng nhiệt đới chứ không phải loại muỗi đột biến mới phát sinh.- Bạn đọc Phùng Mạnh, Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM
Cho đến nay, đã có vắc xin hay thuốc đặc trị loại virus Zika chưa bác sĩ?
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Hiện nay chưa có vắc xin dự phòng cũng như thuốc đặc trị. Do đó, chúng ta phải áp dụng các biện pháp dự phòng để bảo vệ chúng ta không bị lây nhiễm như diệt lăng quăng, diệt muỗi, an toàn tình dục.
- Phóng viên L.T.T
Thưa BS Nguyễn Trí Dũng,
Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố, ông đánh giá như thế nào về việc kiểm soát dịch Zika? Ông có khuyến cáo gì để việc khống chế dịch được nhanh nhất trong từng nhà, từng hộ dân thì nên làm gì? Mong nhận được câu trả lời của ông. Chân thành cảm ơn.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào anh,
Với những điều kiện thuận lợi về thời tiết và môi trường tại TPHCM, việc kiểm soát lây lan của virus Zika là vô cùng khó khăn, đòi hỏi cần có sự chung tay hành động của tất cả ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư nhằm phát hiện sớm ca bệnh mới mắc và xử lý, loại bỏ những tất cả các yếu tố nguy cơ làm phát sinh lăng quăng và muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết và virus Zika.
Đối với từng người dân, từng hộ gia đình trong cộng đồng dân cư cần hưởng ứng và tích cực phối hợp với Y tế và chính quyền địa phương trong việc diệt muỗi và lăng quăng trong chính ngôi nhà và xung quanh nhà của mình. Thực hiện đúng các hướng dẫn của ngành Y tế trong chủ động phòng ngừa lây nhiễm virus Zika.
- Bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Thảo - Bình Chánh - TPHCM
Thưa BS Giang, theo bác sĩ, giữa tình hình đang sốt bệnh Zika, em có nên bôi kem chống muỗi suốt ngày đêm?
Vì muỗi đốt là không thể phòng tránh hoàn toàn. Vậy theo bác sĩ, để phòng muỗi đốt, chúng tôi có nên bôi kem chống muỗi liên tục? Bôi các loại kem chống muỗi đang bán trên thị trường có an toàn cho sức khỏe? Nếu bôi, thì nên bôi như thế nào để an toàn nhất cho cả người lớn và trẻ em. Con em mới 15 tháng tuổi, có thể dùng kem chống muỗi được chưa ạ?
Trân trọng cảm ơn và kính chúc bác sĩ Giang mạnh khỏe.
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Bôi kem chống muỗi cũng là 1 biện pháp để phòng muỗi đốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thực hiện đồng thời các biện pháp phòng ngừa chủ động và tích cực hơn như diệt lăng quăng, diệt muỗi, ngủ mùng, mặc quần áo dài…
Việc chỉ định sử dụng kem chống muỗi thay đổi tùy theo nhà sản xuất, đo đó bạn cần xem kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi sử dụng.
- Bạn đọc Nguyễn Mạnh Hùng
Thưa các chuyên gia,
Cả cơ quan em hoang mang và bàn tán nhiều về bệnh Zika, nhất là nghe nói bị Zika sẽ làm “cánh đàn ông yếu hẳn đi và mất khả năng có con”. Tin này thật sự gây sốc. Giờ bọn em thấy muỗi là xúm nhau đập, nhưng đập không xuể đâu ạ.
Ở ký túc xá thì muỗi thôi rồi bác sĩ ơi. Đánh cả ngày đêm cũng không hết được. Chúng em vừa xịt muỗi phòng mình, vừa xịt xong thì bọn muỗi phòng khác, khu khác, tràn qua như giặc Nguyên. Giờ chúng em phải làm sao để bảo vệ mình qua cơn Zika này. Chúng em rất mong nhận được lời khuyên từ bác sĩ.
Chân thành cảm ơn.
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Tất nhiên diệt muỗi là việc cần thiết nhưng như các bạn đã thấy “vừa xịt xong thì bọn muỗi phòng khác, khu khác, tràn qua như giặc Nguyên” do đó biện pháp mà hiệu quả hơn vẫn là phải truy tìm nguồn phát sinh lăng quăng và để “hủy diệt” môi trường phát sinh lăng quăng này.
Ngoài ra, các bạn cũng cần phải biết chỉ có muỗi vằn mới mang virus Zika và cũng không phải muỗi vằn nào cũng có virus Zika. Vì vậy, các bạn cũng không nên quá hoang mang, lo lắng mà nên tập trung để xử lý các ổ lăng quăng. Khi đàn muỗi trưởng thành quá nhiều, cơ quan các bạn nên liên hệ với trung tâm y tế dự phòng của địa phương để được giúp đỡ phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.
- Bạn đọc Thanh Mai - huyện Củ Chi, TPHCM
Kính chào AloBacsi,
Muốn phun trừ muỗi thì nên gọi đến đâu để làm, chi phí như thế nào? Người ở nội thành, ngoại thành thì sử dụng dịch vụ có gì khác nhau? Làm với số lượng diện tích lớn có được “khuyến mãi” không ạ? Rất cảm ơn ông.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn Thanh Mai,
Hiện nay, có nhiều tổ chức nhà nước và tư nhân thực hiện dịch vụ phun hóa chất diệt muỗi theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, theo chúng tôi, vấn đề cốt lõi là phải tìm và diệt ổ lăng quăng vì hóa chất diệt muỗi chỉ tồn tại trong không gian vài giờ đồng hồ. Sau đó, nếu ổ lăng quăng vẫn tồn tại lại phát triển thành những con muỗi mới.
Do đó, tìm và diệt lăng quăng là biện pháp cơ bản để phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika. Nếu có chỉ định phun hóa chất diệt muỗi phải đi kèm với việc tìm và diệt ổ lăng quăng thì việc phun hóa chất diệt muỗi mới có hiệu quả.
- Bạn đọc Tùng Lâm - Tiền Giang
Thưa bác sĩ,
Nếu như quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh Zika thì có nguy cơ lây nhiễm không? Bệnh lây truyền qua những đường nào? Cảm ơn bác sĩ.
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Zika lây nhiễm qua đường tình dục nên quan hệ tình dục với người bị nhiễm Zika trong giai đoạn tinh dịch còn chứa virus Zika thì có nguy cơ bị lây nhiễm. Ngoài ra, còn lây lan qua đường muỗi đốt và mẹ qua con.
- Bạn đọc Cao Thị Thanh Giang - Phú Yên
Bệnh Zika thường để lại những biến chứng gì, thưa bác sĩ?
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Cho đến nay, trên thế giới đã ghi nhận virus Zika chỉ gây biến chứng đầu nhỏ trên những trẻ được sinh ra từ mẹ bị nhiễm Zika trong 3 tháng đầu của thai kỳ, chưa ghi nhận những biến chứng gì khác. Mới đây các giáo sư của Đại học Washington (Mỹ) đã thực nghiệm trên loài chuột và cho thấy virus Zika có thể gây teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh, tuy nhiên điều này có đúng ở trên người hay không còn phải chờ những cuộc nghiên cứu tiếp theo.
- Bạn đọc Lâm Trúc Tuyền - 45 tuổi
Bác sĩ ơi,
Thời gian ủ bệnh Zika là bao lâu? Từ khi bị muỗi chích đến khi bệnh tái phát ra bên ngoài là mấy ngày? Trong thời gian ủ bệnh đó có những biện pháp nào làm giảm sự tiến triển của bệnh không ạ? Mong được bác sĩ giải đáp.
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Thời gian ủ bệnh Zika là từ 3 - 12 ngày, trong thời gian ủ bệnh chúng ta hoàn toàn không biết là đã nhiễm bệnh cho nên cũng sẽ không có biện pháp nào để làm giảm sự diễn tiến của bệnh cả.
- Bạn đọc tên Hữu Thành - quận 5
Xin nhờ AloBacsi chuyển câu hỏi đến BS Lê Trường Giang, thưa bác sĩ, nếu nghi ngờ bị nhiễm virus Zika thì đến cơ sở y tế nào tại TPHCM để làm xét nghiệm ạ? Chi phí xét nghiệm là bao nhiêu? Có nên đưa cả nhà đi tầm soát Zika không. Vì nhà cháu muỗi nhiều, chân tay mọi người hay có nốt mũi đốt.
Zika trên trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, tác hại như thế nào?
Mong nhận được câu trả lời của bác sĩ. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe BS.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn Hữu Thành,
Nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus Zika hãy
đến một trong 30 điểm giám sát virus Zika của Thành phố để được khám, tư vấn và
lấy máu xét nghiệm miễn phí để tìm virus Zika. Bạn ở Quận 5 có thể đến BV Quận
5.
Chỉ những người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus Zika mới cần được xét nghiệm tìm virus Zika. Nhà bạn có nhiều muỗi cần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng ngừa muỗi đốt để phòng ngừa nhiễm virus Zika.
Người lớn và trẻ nhỏ đều có thể mắc bệnh Zika như nhau. Bệnh
nhẹ và tự khỏi, chưa thấy để lại di chứng.
- Bạn đọc tên Mai - Cà Mau
Thưa bác sĩ, hiện nay những dị tật nào của thai nhi có thể phát hiện sớm được? Các dị tật này được phát hiện trong thời điểm nào của thai kỳ? Phát hiện qua siêu âm hay qua xét nghiệm máu ạ?
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Dị tật thai nhi ghi nhận được đó là chứng đầu nhỏ do tổn thương não. Tuy nhiên tỷ lệ trẻ bị tổn thương não chỉ vào khoảng 1 - 10% trên số phụ nữ mang thai nhiễm Zika trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Dị tật này chỉ có thể được phát hiện khi siêu âm đo vòng đầu của thai nhi nên chỉ có thể phát hiện được vào cuối quý 2 của thai kỳ hoặc đầu quý 3 của thai kỳ.
- Bạn đọc Trúc Thanh - Bà Rịa - Vũng Tàu
Bác sĩ cho tôi hỏi: Trong xóm tôi có người bị bệnh Zika, có cần thiết phải di dời đi nơi khác, làm sao để bảo vệ mình khi sống bên cạnh người bị bệnh Zika? Mong bác sĩ ưu tiên trả lời cho em với ạ. Cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.
- Bạn đọc Lại Văn Thường - Tây Ninh
Mong
bác sĩ hướng dẫn: các biện pháp phòng ngừa bệnh Zika cho bản thân,
người thân và hàng xóm xung quanh? Chân thành cảm ơn bác sĩ đã giải đáp.
- Bạn đọc từ email: Thanhlamnguyen...@gmail.com
Cháu chào bác sĩ. Hiện cháu đang sống và làm việc ở Q.2, TPHCM. Cháu đọc báo thì được biết từng có một phụ nữ ở Q.2 mắc virus Zika. Khu cháu sống về tối có khá nhiều muỗi. Cháu cũng rất hoang mang bởi vợ chồng cháu dự định sinh em bé. Vậy xin hỏi BS cách phòng tránh muỗi mang virus Zika và phòng tránh Zika cho các bà bầu ạ? Cháu xin cám ơn!
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn,
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, hiện nay không có hạn chế đi
lại đến nơi có dịch bệnh do virus Zika, trừ trường hợp những phụ nữ mang thai
trong 3 tháng đầu của thai kì cần hạn chế đến vùng có dịch.
Trong trường hợp phải đến vùng có dịch, cần thực hiện các biện pháp tự bảo vệ nhằm không cho muỗi đốt (VD: ngủ mùng, thoa kem chống muỗi đốt, sử dụng hóa chất xua muỗi…), diệt lăng quăng và muỗi tại nơi cư trú.
Do đó, bạn không cần thiết phải di dời nơi cư trú, cũng không nên kì thị đối với người nhiễm virus Zika. Việc cần làm của bạn là cùng với cộng đồng diệt muỗi, lăng quăng nơi mình sinh sống và làm việc kể cả trước khi có trường hợp mắc bệnh Zika để phòng ngừa lây nhiễm virus Zika và sốt xuất huyết.
- Bạn đọc Hứa Vĩ - Bình Phước
Bị bệnh do Zika có cần phải kiêng gì không thưa bác sĩ? Bệnh thường xảy ra vào mùa nào? Bệnh có tiến triển mạnh vào thời điểm giao mùa như hiện tại không ạ? Cảm ơn bác sĩ.
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Người nhiễm virus Zika không cần phải kiêng cữ trong ăn uống nhưng cần phải sử dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người thân. Bệnh do muỗi truyền cho nên khả năng sẽ lan truyền mạnh vào những thời điểm có nhiều muỗi (mùa mưa).
Tuy nhiên, bệnh còn lây nhiễm qua đường tình dục nên vẫn có khả năng lan truyền âm ỉ quanh năm, rộng rãi trong cộng đồng những người trong độ tuổi có sinh hoạt tình dục.
- Bạn đọc gửi từ email: Tranthithanh….@gmail.com
Thưa bác sĩ,
Nốt muỗi đốt khi bị Zika đốt có khác với nốt muỗi đốt bình thường không? Làm sao để phân biệt sự khác nhau khi bị hai loại muỗi này đốt? Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn,
Không thể phân biệt loại muỗi đốt dựa vào nốt đốt trên da.
Loại muỗi vằn lây truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika
sống trong nhà, xung quanh nhà, muỗi cái hút máu người vào gần tối, thường đậu
vào các vật dụng cá nhân (quần áo, chăn màn), đẻ trứng vào nước sạch ở quanh
nhà. Bạn có thể thấy những vằn màu trắng trên chân, thân, kim hút máu của muỗi
để xác định đó là loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika.
Bác sĩ cho tôi hỏi: Phụ nữ chuẩn bị có thai cần lưu ý gì để phòng ngừa nhiễm virus Zika khi mang thai? Có cần làm xét nghiệm hay tiêm chủng ngừa bệnh không thưa bác sĩ?
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Do virus Zika lây nhiễm qua đường muỗi đốt và qua đường tình dục nên người phụ nữ chuẩn bị mang thai cần phải phòng ngừa lây nhiễm virus Zika trên cả 2 đường lây này. Để phòng lây nhiễm do muỗi đốt cần phải áp dụng các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi, chống muỗi đốt.
Để phòng lây nhiễm qua đường tình dục thì người chồng phải không có những dấu hiệu bị nhiễm Zika hoặc không đến các vùng dịch Zika đang lan truyền rộng rãi ở các nước đã được thông báo.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh Zika. Việc làm xét nghiệm chỉ thực hiện khi có dấu hiệu nhiễm virus Zika.
- Bạn đọc Minh Anh
Xin cho biết virus Zika có thể biến đổi trở nên nguy hiểm hơn không? Ngoài tật đầu nhỏ và gây viêm tinh hoàn ở nam giới thì nó có thể đe dọa gì đến sức khỏe con người? Cảm ơn chuyên gia.
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Bất cứ virus nào cũng có thể biến chủng để trở nên nguy hiểm hơn hoặc kết hợp với một virus khác để tạo nên một virus mới nguy hiểm hơn. Virus Zika cũng vậy.
Hiện nay, chúng ta chỉ mới ghi nhận được dị tật đầu nhỏ ở trên trẻ được sinh ra từ bà mẹ nhiễm Zika trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Việc ảnh hưởng đến tinh hoàn của nam giới chỉ mới là 1 thử nghiệm ở trên chuột.
- Bạn đọc Nguyễn Thị Mận - Vũng Tàu
AloBacsi ơi, em hay nghe đến cụm “bệnh đầu nhỏ”. Nhìn hình các bé bệnh đầu nhỏ cũng hết sức đau lòng. Xin nhờ bác sĩ giải thích dùm: Trẻ sinh ra bị bệnh đầu nhỏ, sẽ sống được bao lâu? Bệnh đầu nhỏ ảnh hưởng thế nào đến trí não và sinh hoạt của bé?
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn Mận,
Tật đầu nhỏ để chỉ tình trạng trẻ sinh ra có hộp sọ nhỏ hơn bình thường. Có thể do nhiều nguyên nhân gây ra dẫn đến không phát triển được hộp sọ hoặc không phát triển được não bộ bên trong. Các nguyên nhân như nhiễm virus, nhiễm độc, hóa chất…
Theo tài liệu chuyên môn hiện giờ, virus Zika tác động trên tế bào thần kinh não bộ dẫn đến não bộ kém phát triển. Biểu hiện trên lâm sàng với hình thái đầu nhỏ khi trẻ lớn lên, nhiều khả năng dẫn đến kém khả năng về trí tuệ và một số rối loạn chức năng não bộ khác.
- Bạn đọc Minh Tùng - Đồng Nai
BS cho cháu hỏi, phụ nữ, đàn ông nếu từng mắc virus Zika thì sau bao lâu mới nên có con ạ? Cháu xin cám ơn nhiều.
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Theo ghi nhận của thế giới cho đến nay thì tốt nhất là trên 6 tháng.
- Bạn đọc Cường Trần - 34 tuổi - Phan Thiết
Tôi có một băn khoăn muốn hỏi bác sĩ: Khi bị muỗi đốt thì khoảng bao nhiêu phần trăm là bị bệnh Zika hay chắc chắn trước sau gì cũng sẽ bị? Từ khi muỗi đốt đến khi phát bệnh Zika là bao lâu? Trân trọng cảm ơn.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn Cường,
Cũng giống như các loại bệnh khác, con người khi bị nhiễm một loại vi sinh vật (vi trùng, virus…) không phải tất cả đều bị nhiễm bệnh. Nó phụ thuộc vào khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể. Đối với virus Zika, khi đã bị lây nhiễm chỉ có 20% có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Thời gian ủ bệnh (tính từ ngày nhiễm virus) từ 3-12 ngày. Thời gian biểu hiện lâm sàng từ 2-7 ngày, trung bình là 5 ngày.
- Bạn đọc Lien Huynh - huynhlien…@gmail.com
Trong
thời gian mang thai 3 tháng tôi có đi du lịch Singapore và Thái Lan
nhưng giờ rất lo lắng không biết mình có bị nhiễm virus Zika không? Dù
không có triệu chứng nhưng nghe bên Singapore và Thái từng có bệnh tôi
lo quá. Giờ về nước cũng đang có dịch Zika. Tôi hoảng quá.
Tôi có
nên đi xét nghiệm Zika và chi phí xét nghiệm là bao nhiêu? Nếu xét
nghiệm tôi nên đi Viện Pasteur hay BV Nhiệt đới TPHCM thì đúng chuyên
khoa để có kết quả nhanh và chính xác nhất? Tôi chân thành cảm ơn!
TS.BS Lê Trường Giang:
Bạn đừng nên quá lo lắng mà ảnh hưởng đến thai nhi của bạn. Không phải ai mang thai 3 tháng đi Singapore và Thái Lan đều bị nhiễm Zika và cũng chỉ có 1-10% phụ nữ mang thai nhiễm Zika trong 3 tháng đầu mới sinh ra trẻ bị dị tật đầu nhỏ. Tuy nhiên, bạn cũng nên thực hiện việc khám thai thường xuyên để có thể theo dõi việc phát triển bình thường của thai nhi. Khi cần thiết BS có chỉ định thì mới phải làm xét nghiệm.
Viện Pasteur hay BV Nhiệt đới TPHCM đều được Bộ Y tế giao nhiệm vụ xét nghiệm chẩn đoán Zika.
- Bạn đọc Nguyễn Thế Tài - TP Bến Tre
Thưa bác sĩ, hôm qua trên một diễn đàn, tôi có nghe một vài người nói là: Muỗi vằn là loại muỗi mang virus Zika, xin hỏi tính xác thực của thông tin này? Liệu có phải bị muỗi vằn đốt thì sẽ bị nhiễm bệnh nguy hiểm này? Đồng thời, làm sao nhận dạng được muỗi Zika? Chân trọng cảm ơn.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn,
Muỗi vằn là loại muỗi lây truyền virus Zika và sốt xuất huyết từ người bệnh sang người lành. Không phải tất cả các con muỗi vằn đều mang virus Zika. Chỉ những con muỗi vằn hút máu người bệnh (muỗi cái mới hút máu người) mới mang trong mình virus Zika. Ngoài ra, virus Zika trong muỗi có thể được truyền qua trứng muỗi, lăng quăng và xuất hiện ở thế hệ tiếp theo của muỗi. Do đó, để phòng muỗi vằn lây truyền virus Zika, phải đồng thời diệt muỗi và lăng quăng mới có hiệu quả.
Đối với trường hợp nhiễm bệnh, chỉ có khoảng 20% có triệu chứng biểu hiện trên
lâm sàng, bao gồm: phát ban trên da kèm theo một số các triệu chứng sau: sốt
nhẹ, viêm hoặc đỏ kết mạc, đau khớp hoặc phù khớp, đau cơ. Các triệu chứng này
thường nhẹ tự hết sau 5-7 ngày, không để lại di chứng.
- Bạn đọc Lan Khuê - Khánh Hòa (27 tuổi)
Hiện em đang sinh sống và làm việc ở Khánh Hòa. Dù không phải ở tâm dịch như TPHCM hay Lâm Đồng nhưng em khá lo lắng bởi khu vực này khá gần với Lâm Đồng và em cũng thường xuyên đi công tác ở TPHCM. Xin hỏi BS nếu 1 người ở vùng khác tới tâm dịch thì nên có những biện pháp phòng tránh, bảo vệ nào ạ? Em xin chân thành cám ơn.
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Hiện nay, virus Zika đã lưu hành ở nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước. Trong môi trường thuận lợi như mùa mưa, nhiều muỗi… thì virus Zika có khả năng lan truyền rộng rãi hơn trên nhiều địa phương và gây nên nhiều ca nhiễm Zika.
TPHCM có mật độ dân cư cao, giao lưu rộng nên có nhiều nguy cơ lan truyền virus Zika so với các tỉnh khác. Mặt khác, trong thời gian gần đây TPHCM đã tăng cường tầm soát nên phát hiện ra nhiều trường hợp nhiễm Zika. Do đó, bạn nên hiểu và thực hiện các biện pháp dự phòng bảo vệ bản thân mình ngay cả tại nơi mình đang sinh sống chứ không phải chờ đến nơi mà bạn gọi là “tâm dịch”.
Về cách phòng tránh, bảo vệ mình và người thân trước virus Zika, chúng
ta phải áp dụng các biện pháp dự phòng như diệt lăng quăng, diệt muỗi, an toàn tình dục...
- Bạn đọc Ngọc Hạnh - Quận 1, TPHCM
Thưa bác sĩ, cho em hỏi, ở TPHCM có những nơi nào xét nghiệm virus Zika? Vì em bị muỗi cắn nhiều và đang có ý định có thai nên em muốn đi xét nghiệm Zika. Em ở quận 1, nên đến bệnh viện hoặc trung tâm nào thì tiện? Em cảm ơn.
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Ở TPHCM hiện nay có Viện Pasteur hay BV Nhiệt đới TPHCM có khả năng xét nghiệm Zika.
Việc bạn bị muỗi cắn nhiều và đang có ý định có nên muốn đi xét nghiệm Zika là không cần thiết vì kết quả xét nghiệm chỉ cho biết bạn bị nhiễm Zika hay không ở thời điểm xét nghiệm mà thôi.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính nhưng sau đó bạn lại bị nhiễm Zika vào thời điểm mang thai thì kết quả xét nghiệm lần trước hoàn toàn không có ý nghĩa gì.
- Bạn đọc Xuân Mai - Email : xuanmai @gmail.com
Xin chào bác sĩ,
Em năm nay 21 tuổi. Em bị muỗi đốt nhiều ở chân. Chân trái em khoảng 1 tuần nay cứ liên tục đau nhức và phần da trên bắp chân cảm giác sờ vào cứ tê tê (cảm giác không rõ ràng giống như phần da bên chân trái ạ), phần gáy sau đầu và cổ thì thỉnh thoảng đau nhức. Cảm giác rất khó chịu. Em rất lo lắng sợ mình bị nhiễm virus Zika. Vì em có đọc trên internet những biểu hiện của em gần giống với những biểu hiện của nhiễm virus Zika ạ. Kính mong bác sĩ tư vấn giúp em. Chân thành cảm ơn bác sĩ ạ.
Trong quá trình tư vấn, TS.BS Lê Trường Giang cũng thường khiến mọi người bật cười vì những câu trả lời hóm hỉnh
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Các triệu chứng mà bạn vừa kể không phải là những triệu chứng của người bị nhiễm virus Zika. Bạn nên đến gặp BS hoặc đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và tư vấn để giải tỏa những lo lắng của bạn.
Xin hỏi BS biểu hiện cụ thể của bệnh nhân mắc virus Zika là như thế nào ạ? Nếu bà bầu đang mang thai ở thời kỳ đầu mà mắc virus thì có nên tiếp tục mang thai không ạ?
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Nếu nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ thì chỉ 1 - 10% có khả năng trẻ sinh ra sẽ bị đầu nhỏ. Do đó, ngành y tế không có khuyến cáo phải hủy thai, việc giữ hoặc hủy thai sẽ do thai phụ quyết định.
Tuy nhiên, việc khám thai thường xuyên, theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi là cần thiết để có thể xử lý phù hợp khi phát hiện thai nhi có vấn đề.
- Bạn đọc Nguyễn Bá Trung - batrung…@edu.vn
Thưa ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, xin ông cho biết:
- Sức khỏe của 17 bệnh nhân đã phát hiện Zika hiện nay ra sao?
- Bao giờ thì dập tắt được dịch?
- Trong trường hợp xấu nhất không dập được bệnh Zika thì theo ông chuyện gì sẽ xảy ra?
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng:
Chào bạn Nguyễn Bá Trung,
Như chúng ta đã biết, bệnh do virus Zika biểu hiện lâm sàng rất nhẹ và tự khỏi. Tất cả các trường hợp phát hiện nhiễm virus Zika ở TPHCM hiện nay cũng đã không còn triệu chứng, sức khỏe bình thường.
Ngành Y tế và các ban ngành đoàn thể có liên quan dưới sự chỉ đạo của chính quyền TP đang triển khai nhiều biện pháp khống chế sự lây lan của virus Zika trong cộng đồng. Việc loại trừ hoàn toàn sự tồn tại của virus Zika trong cộng đồng ở TPHCM cũng như ở Việt Nam như hiện nay là vô cùng khó khăn, khi điều kiện về thời tiết, môi trường để muỗi vằn sinh sản và phát triển luôn tồn tại trong môi trường sống của người dân.
Nếu Virus Zika vẫn tồn tại và phát triển trong môi trường sẽ có nhiều khả năng phát triển như dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay. Để điều này không xảy ra đòi hỏi các ban ngành đoàn thể, người dân hưởng ứng, phối hợp với ngành Y tế để triển khai các biện pháp dự phòng chủ động bằng việc không cho muỗi vằn sinh sản và phát triển. Phát hiện sớm các trường hợp mới mắc để triển khai các biện pháp phòng chống lây lan.
- Bạn đọc Tường Vi, Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM:
Đối tượng và độ tuổi thường mắc Zika?
Người có các bệnh mãn tính khi mắc bệnh Zika có khó điều trị hơn không? Người già nếu mắc Zika có nguy hiểm đến tính mạng?
TS.BS Lê Trường Giang:
Chào bạn,
Muỗi không phân biệt người lớn hay trẻ em, nam hay nữ do đó độ tuổi, đối tượng nào bị muỗi đốt cũng đều có khả năng bị lây nhiễm Zika.
Zika chỉ gây nên những triệu chứng thoáng qua nên thường tự khỏi, không ảnh hưởng đến sức khỏe, nên đến nay chưa có ghi nhận ảnh hưởng của Zika trên người mắc bệnh mạn tính hoặc người già.
15g35, TS.BS Lê Trường Giang và Th.BS Nguyễn Trí Dũng rời cuộc giao lưu trực tuyến, để đến cuộc họp với lãnh đạo TPHCM và các sở ngành để tìm cách ngăn chặn tình trạng virus Zika đang có nguy cơ lan rộng trên địa bàn thành phố. Trân trọng cảm ơn 2 chuyên gia đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi!
Hiện Việt Nam ghi nhận 26 trường hợp nhiễm virus Zika kể cả em bé bị dị tật đầu nhỏ ở Đăk Lăk cùng với mẹ bé, trong đó TPHCM nhiều nhất với 20 trường hợp. Các địa phương Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An mỗi nơi một ca bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không quá hoang mang nhưng cũng không
chủ quan, tăng cường diệt loăng quăng tại nơi sinh sống và nơi làm việc,
phòng chống muỗi đốt. Nên sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao
su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục. Người từ vùng dịch về chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, không để bị muỗi chích trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, tình dục an toàn ít nhất 28 ngày và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.
Bệnh do virus Zika thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ nhưng có thể
gây hậu quả trầm trọng nếu nhiễm bệnh trong những tháng đầu thai kỳ vì
nguy cơ gây dị tật đầu nhỏ cho thai nhi. Người xuất hiện triệu chứng
nghi ngờ bệnh có thể đến 30 bệnh viện tại TPHCM và các cơ sở y tế để lấy
máu xét nghiệm tìm virus Zika miễn phí. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh là có phát ban và ít nhất hai trong 4 triệu chứng gồm sốt dưới 38 độ, viêm kết mạc hoặc xung huyết kết mạc, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ. |
AloBacsi.vn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình