Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm đo FeNO cho bệnh hen suyễn và ho kéo dài

Nếu bạn đang bị hen suyễn, ho kéo dài, xét nghiệm đo FeNO có thể giúp bạn thêm thông tin để theo dõi, cung cấp hướng điều trị cũng như nguyên nhân căn bệnh của mình.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

NO được sản sinh trong hầu hết cơ quan trong cơ thể, trong đó có phổi. Những nghiên cứu lớn trên thế giới đã tìm thấy mối liên quan lượng khí NO trong khí thở ra với một số bệnh lý, đặc biệt trong đó có hen suyễn và bệnh ho kéo dài.

Xét nghiệm đo FeNO là một xét nghiệm giúp đo nồng độ khí NO trong khí thở ra của bạn. Đây là một xét nghiệm hoàn toàn không xâm lấn (không gây đau hay khó chịu cho bạn). Xét nghiệm chỉ đơn giản yêu cầu bạn thở nhẹ nhàng vào một máy đo theo đúng trình tự, máy sẽ tự động đo lượng khí NO trong khí thở ra của bạn.

1. Những chỉ định cho xét nghiệm đo FeNO:

- Đo FeNO trên bệnh nhân hen:

+ Giúp xác định chẩn đoán bệnh hen trong những trường hợp không rõ ràng. Bên cạnh còn có thể phân nhóm kiểu hình hen của bệnh nhân giúp điều trị hiệu quả hơn.

+ Giúp tiên lượng đáp ứng với điều trị Corticoid hít

+ Đánh giá và theo dõi tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Cụ thể, đo FeNO giúp định hướng nguyên nhân không kiểm soát bệnh hen.

- Đo FeNO trên bệnh nhân ho kéo dài, đặc biệt nhóm bệnh nhân ho kéo dài sau cảm:

+ Xác định nguyên nhân ho kéo dài: Hen dạng ho, viêm phế quản liên quan bạch cầu ái toan, ho do dị ứng, hội chứng tăng đáp ứng đường thở.

+ Cung cấp bằng chứng rằng việc điều trị với Corticoid hít sẽ có thể hết ho.

- Đo FeNO trong những bệnh lý như tăng áp động mạch phổi, hội chứng chồng lấp hen - bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gọi tắt là ACOS (Xem xét khả năng bệnh đáp ứng với điều trị corticoid hít).

- Đo FeNO phế nang có ý nghĩa trong một số bệnh phổi liên quan bệnh hệ thống (xơ cứng bì, Sarcoidosis, bệnh phổi mô kẽ không rõ nguyên nhân)

- Đo FeNO mũi trong hỗ trợ chẩn đoán hội chứng bất động lông chuyển

2. Những chống chỉ định cho việc đo FeNO:

Đo FeNO là một xét nghiệm hoàn toàn không xâm lấn (không gây hại cho bạn). Chính vì thế nó không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý những điểm sau khi chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân:

- Mặc dù quy trình đo tương đối đơn giản nhưng bệnh nhân cũng cần hợp tác theo hướng dẫn kỹ thuật viên để kết quả đo được chính xác. Do đó, những bệnh nhân quá lớn tuổi kèm sa sút trí tuệ hoặc trẻ em quá nhỏ có thể khó thực hiện.

- Bệnh nhân vào đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cơn hen phế quản sẽ khó thực hiện và kết quả đo không chính xác do đường thở trong trường hợp này bị tắc nghẽn nhiều.

- Bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính sẽ làm tăng FeNO dẫn đến sai lệch thông tin. Thường những bệnh nhân này cần được đo 3 đến 4 tuần sau khi nhiễm trùng ổn định.

- Bệnh nhân với thể tích phổi bị giới hạn có thể không thực hiện được xét nghiệm này.

3. Những điều bạn cần chuẩn bị trước khi đo FeNO:

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả đo FeNO của bạn. Do đó, bạn cần nắm những thông tin sau trước khi đo FeNO giúp kết quả của mình thật sự chính xác:

- Ăn những thức ăn chứa nhiều Nitrate như: rau ngò gai, cần tây, củ cải, dâu tây, trái cherry, thịt lợn muối xong khói,… có thể làm sai lệch kết quả FeNO của bạn. Tránh ăn những thức ăn này trước đo 2 giờ và tốt nhất hạn chế ăn vào ngày làm xét nghiệm.

- Tránh uống rượu, cà phê và hút thuốc 1 giờ trước đo.

- Tránh vận động gắng sức trước đo.

- Những thuốc có thể ảnh hưởng kết quả đo FeNO như: corticoid uống hay hít làm giảm khí NO thở ra, thuốc dãn phế quản và những thuốc có chứa NO hay L-Arginine có thể làm nhiễu kết quả đo của bạn.

Bạn cũng nên có một phim X quang phổi trước đo giúp loại trừ những trường hợp mà việc đo FeNO có thể không cần thiết.

4. Quy trình và kỹ thuật đo FeNO:

Bệnh nhân ngồi thẳng trên ghế, mắt hướng vào màn hình máy tính và làm theo các bước hướng dẫn của kỹ thuật viên. Quy trình một lần đo sẽ gồm 3 bước:

- Bước 1: Người đo thở hết ra hoàn toàn

- Bước 2: Sau nghi thở hết ra hoàn toàn, tiến hành ngậm ống thở (đó là một bộ lọc dành riêng cho từng người đo) hít thở vào nhẹ nhàng qua ống thở đường miệng sao cho lực hít của bạn giữ cho kim đồng hồ trên màn hình nằm trong vạch xanh với áp lực -5 cmH2O đến -10 cmH2O như Hình 1 (lưu ý: mũi của bạn có thể được bịt lại để ngăn việc hít thở tự động bằng đường mũi). Bước 2 sẽ kết thúc khi bạn không còn khả năng hít thêm được nữa.

- Bước 3: Kết thúc bước 2, bắt đầu thời kỳ thở ra. Lúc đầu bạn thở ra hơi nhanh và mạnh, sau đó lưu ý trên màn hình máy tính sẽ thay đổi. Bạn cần thở ra với áp lực đủ để giữ kim đồng hồ nằm trong vạch xanh như Hình 2. Bước 3 sẽ kết thúc khi kỹ thuật viên ra hiệu.

Thông thường, mỗi máy đo FeNO được thiết kế 4 mức lưu lượng đo: 50 ml/s, 100 ml/s, 150 ml/s và 350 ml/s. Tùy vào mục đích đo FeNO, người bác sĩ sẽ chỉ định bạn đo ở mức nào và thông thường nhất là đo ở mức 50 ml/s. Mỗi mức lưu lượng đo đòi hỏi ít nhất 2 lần đo với độ tin cậy đạt trên 60%.

5. Lý giải kết quả đo FeNo:

Kết quả FeNO đo được sẽ cung cấp những thông tin như sau:

- FeNO < 25 ppb ở người lớn hay < 20 ppb ở trẻ dưới 12 tuổi ám chỉ không có viêm đường thở hiện diện hoặc có viêm đường thở nhưng không liên quan bạch cầu ái toan.

- FeNO > 50 ppb ở người lớn hay > 35 ppb ở trẻ em đề nghị khả năng viêm đường thở liên quan bạch cầu ái toan.

- FeNO nằm trong khoảng 25 - 50 ppb ở người lớn (20 - 35 ppb ở trẻ em) nên được giải thích một cách cẩn thận kết hợp với lâm sàng từng bệnh nhân.

- FeNO tăng 25 ppb hay 20% so với FeNO nền trước đây đề nghị tình trạng viêm liên quan bạch cầu ái toan đang gia tăng.

- FeNO giảm 20% so với FeNO nền (với điều kiện FeNO nền > 50ppb) hay giảm 10 ppb với FeNO nền (với điều kiện FeNO nền < 50 ppb) đề nghị tình trạng viêm đường thở liên quan bạch cầu ái toan đã được cải thiện.

Những bệnh lý với giá trị FeNO đo được sẽ thấp như xơ nang phổi, tăng áp động mạch phổi, hội chứng bất động lông chuyển và loạn sản phế quản phổi. Những bệnh lý với giá trị FeNO đo được cao như Hen, viêm phế quản liên quan bạch cầu ái toan, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và nhiễm virus hô hấp trên.

Kết luận

Nếu bạn đang bị hen suyễn, ho kéo dài hoặc những bệnh lý được đề cập ở trên mà việc chẩn đoán và theo dõi là cần thiết, xét nghiệm đo FeNO có thể sẽ giúp bạn có thêm thông tin để theo dõi, cung cấp hướng điều trị cũng như nguyên nhân căn bệnh của mình. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị của mình về chỉ định xét nghiệm trước khi quyết định thực hiện.

ThS. BS Nguyễn Hồ Lam
Phòng khám đa khoa Ngọc Minh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X