Hotline 24/7
08983-08983

Viêm da cơ địa ở trẻ: Xử lý như thế nào?

Viêm da cơ địa (bệnh chàm) là bệnh da liễu mạn tính phổ biến. Tuy ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh gây khó chịu và ảnh hưởng đến sự phát triển ở trẻ nhỏ.

Bệnh của trẻ nhỏ

TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng Khám Da liễu cơ sở II, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết, viêm da cơ địa xảy ra do những bất thường ở hệ thống miễn dịch khiến một số chất trong hàng rào bảo vệ của da thiếu hoặc có chỉ số thấp hơn thông thường. Da bị khô, suy yếu, những yếu tố gây dị ứng dễ xâm nhập vào da tạo nên phản ứng miễn dịch dị ứng và gây viêm ở vùng da bị tác động.

Bệnh tập trung ở trẻ sơ sinh và thường khởi phát khi trẻ được ba-sáu tháng tuổi, lúc này hệ miễn dịch và tiêu hóa của trẻ chưa ổn định. Bệnh kéo dài đến khi trẻ hai-ba tuổi và bắt đầu giảm dần, có tính ổn định hơn ở tuổi lên bốn-năm. Tuy nhiên, đến sau 40 tuổi, khi hệ miễn dịch hoạt động yếu, gan lọc kém hơn, bệnh có thể quay trở lại với những người đã từng mắc.

Biểu hiện của bệnh chủ yếu ở trên mặt, tập trung vùng trán, má và cằm với những vệt hồng ban màu đỏ, gây ngứa. Ở giai đoạn cấp tính, bệnh biểu hiện thành những mụn nước, chảy thành dịch, đóng thành mảng và bong tróc dạng vảy. Nếu bị bội nhiễm, vùng da viêm sẽ nhiễm trùng, xuất hiện mụn mủ, gây tổn thương và loét da.

Ở giai đoạn này, sau khi được điều trị vẫn để lại sẹo và vết thâm trên da. Trường hợp bệnh bị bội nhiễm lan đến tay, chân, toàn thân, đặc biệt ở những nếp gấp, những vùng da mỏng thì sẽ gây nhiễm trùng toàn thân và gây sốt. Thậm chí, trường hợp xấu nhất (rất hiếm gặp), vi khuẩn có thể đi vào trong máu gây nhiễm trùng huyết và dẫn đến tử vong.


Ảnh minh họa: Internet

Điều trị: tránh lạm dụng thuốc

Chàm thường dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh: vẩy nến, viêm da tiếp xúc, rôm sảy (ở trẻ em), nấm da. Do vậy, cần phải dựa vào nhiều tiêu chuẩn để xác định bệnh. Cụ thể, ở trẻ nhỏ (dưới năm tuổi), vị trí thương tổn điển hình của bệnh tập trung ở vùng mặt, vùng da mặt trong của tay chân. Biểu hiện bệnh ở trẻ trên năm-sáu tuổi hay người lớn là tình trạng da trông dày lên, tạo thành những hình ô vuông, mặt trong những vùng nếp gấp bị tăng sừng lên, không bị phù nề, tiết dịch như trẻ nhỏ.

Chàm còn thường xuất hiện ở những người mắc các bệnh dị ứng khác như hen, viêm mắt, mũi dị ứng. Những người bị khô da, viêm môi (khô, nứt, bong vảy), thâm quầng mắt, dị ứng thức ăn, bị chứng vẽ nổi (khi dùng tay vẽ lên da sẽ nổi rõ đường vẽ) cũng là những đối tượng dễ bị chàm.

Thông thường, ban đầu bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc thoa tác dụng mạnh, trong thuốc có chứa corticoid để khắc chế bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, chỉ nên thoa thuốc tối đa 14 ngày, đặc biệt nếu thoa lượng thuốc lớn, trên diện rộng thì càng nên hạn chế thời gian thoa. Bởi nếu thoa nhiều trên diện rộng, trong thời gian dài, thuốc có thể thấm qua da, vào máu, làm teo da, giãn mao mạch, vàng da, bị mất máu hoặc rậm lông.

Đồng thời, người bệnh còn bị lệ thuộc vào thuốc, khi thoa thì bớt, nếu ngưng bệnh lại nặng. Sau một liều mạnh khoảng 7-14 ngày, người bệnh nên chuyển sang loại thuốc khác có tác dụng nhẹ hơn, có thể thoa trong thời gian dài.

TS-BS Lê Ngọc Diệp lưu ý, hiện có nhiều nơi bán thuốc Nam dạng viên chữa viêm da cơ địa, bệnh nhân không nên uống một cách tùy tiện. Đồng thời cũng không nên dùng corticoid dạng uống vì đây là chất làm suy giảm miễn dịch, sẽ gây nhiều tác dụng phụ cho cơ thể như tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương…

Chăm sóc: yếu tố quan trọnghạn chế bệnh

Người bị chàm rất nhạy cảm và có phản ứng mạnh với các tác nhân bên ngoài như hóa chất tẩy rửa, khói bụi, phấn hoa, lông chó mèo và những thực phẩm dễ gây dị ứng. Vì vậy, cách tốt nhất để bệnh không trở nặng, không tái phát là cần có chế độ dinh dưỡng, phòng tránh và chăm sóc phù hợp để loại trừ các yếu tố tác động.

Trẻ bị viêm da cơ địa dễ bị dị ứng với các loại sữa phổ biến, trong trường hợp này, có thể đổi sang loại sữa có nguồn gốc từ đậu nành hoặc sữa thủy phân cho trẻ. Một số loại thực phẩm như hải sản, thịt bò, trứng… sẽ gây kích ứng cho trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần quan sát để xác định đúng loại thức ăn gây dị ứng và không nên vì sợ trẻ bị thiếu chất mà tiếp tục cho trẻ ăn. Hãy thay thế bằng những thực phẩm có dưỡng chất tương đương nhưng không gây dị ứng. Trẻ sẽ không thể hấp thu được những thực phẩm gây dị ứng, hơn nữa còn làm cho tình trạng viêm da tăng nặng.

Nếu đang cho con bú mà bé bị chàm thì mẹ cũng phải kiêng những thức ăn gây dị ứng. Rất nhiều phụ huynh gặp sai lầm trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị chàm. Vì sợ con bị thiếu chất nên vẫn tiếp tục cho con ăn những thực phẩm không phù hợp. Do vậy, khá nhiều trẻ viêm da cơ địa nhẹ cân hoặc có nguy cơ suy dinh dưỡng.

Luôn luôn chống khô da bằng thuốc dưỡng ẩm để giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da, kể cả lúc đang bị bệnh hay đã hết, thoa ngay sau khi tắm, lúc da còn ẩm. Điều đó sẽ giúp da lành lâu hơn và tránh tái phát hiệu quả. Song song đó, nên hạn chế tiếp xúc với nước, chất tẩy rửa. Tuyệt đối không dùng phấn rôm hoặc các sản phẩm chăm sóc cơ thể có mùi hương vì đó là những nguyên nhân gây phát bệnh.

Cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, vật dụng nhưng không dùng các chất tẩy rửa. Các chất liệu sinh bụi như len, dạ, bông… cần được tránh tuyệt đối. Sở thích nuôi thú trong nhà như chó, mèo, chim… hoặc trồng hoa cần được gác sang một bên nếu bé nhà bạn bị bệnh chàm.

AloBacsi.vn
Theo Phụ Nữ TP.HCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X