Hotline 24/7
08983-08983

Việc nên làm để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, hạn chế dùng thuốc kháng sinh

Để hạn chế dùng thuốc kháng sinh, điều quan trọng là cần ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Muốn vậy, bạn nên thực hiện ngay những điều như sau.

1. Rửa tay sạch

Sử dụng xà phòng và nước ấm rửa tay thường xuyên là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, hạn chế dùng thuốc kháng sinh. Bạn cần chà tay trong ít nhất 15 giây. Chà lòng bàn tay, móng tay, giữa các ngón tay và mu bàn tay. Hoặc nếu bàn tay không bẩn, bạn có thể vệ sinh bằng nước rửa tay chứa cồn. Xoa nước sát trùng lên tay, đặc biệt là dưới móng tay và giữa các ngón tay cho đến khi tay khô. Rửa tay trước khi ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh, chơi với thú cưng, ở bên ngoài về...

2. Tắm sạch hàng ngày

Tắm vòi hoa sen hoặc tắm bằng bồn tắm nước ấm hàng ngày giúp làm sạch cơ thể cũng như giúp loại bỏ mồ hôi, vi khuẩn tích tụ trên da.

Chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp hệ miễn dịch không bị quá tải bởi vi trùng. Da là một phần quan trọng của hệ miễn dịch vì nó chính là rào cản giữa vi trùng và cơ thể. Tuy vi trùng không thể thấm vào cơ thể qua da, nhưng chúng có thể xâm nhập qua mũi, miệng, mắt hoặc các vết xước trên da. Giữ vệ sinh cá nhân tốt sẽ giúp hạn chế khả năng vi khuẩn, virus tìm đường vào cơ thể.

3. Đánh răng 2 lần/ngày

Chăm sóc răng miệng tốt là điều rất quan trọng. Răng miệng sạch sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

4. Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi

Nhiều bệnh lây lan qua hắt hơi và ho. Khi bạn hắt hơi hoặc ho, vi khuẩn, virus có thể bay xa tới hơn 1m. Che miệng và mũi bằng khăn giấy để ngăn chặn sự lây lan nhiễm trùng sang người khác. Vứt bỏ ngay khăn giấy sau khi dùng. Nếu không có khăn giấy, bạn có thể hắt hơi hay ho vào khuỷu tay hay bàn tay. Nếu dùng bàn tay thì nên rửa sạch tay ngay.

Che miệng khi ho và hắt hơi giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn

5. Tránh tiếp xúc với người bệnh

Với những người đang bị hắt hơi, ho... nên tránh lại gần và tránh bắt tay. Trong trường hợp bạn bị bệnh lây nhiễm, nên chủ động tránh lại gần người khác.

6. Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ

Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ sẽ giúp bảo vệ mọi người tránh mắc những bệnh sau:

- Thủy đậu;
- Bệnh sởi;
- Uốn ván;
- Viêm màng não;
- Zona;
- Quai bị;
- Viêm gan;
- Cúm;
- Ho gà;
- Viêm phổi;
- Rubella;
- Virus HPV.

7. Dinh dưỡng đầy đủ

Ăn các bữa ăn cân bằng dinh dưỡng đặc biệt quan trọng, nhất là với người đang hồi phục sau bệnh. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh bao gồm: Trái cây, rau xanh, củ, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, các sản phẩm từ sữa, thịt nạc, thịt gia cầm, cá, đậu, trứng, hạn chế muối và đường...

Ăn nhiều rau củ quả giúp bổ sung vitamin và khoáng chất, tăng cường hệ miễn dịch

Rau củ quả giàu vitamin và khoáng chất. Protein cần thiết cho việc chữa lành vết thương. Thực phẩm giàu chất xơ như hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp nhuận tràng, tránh táo bón.

Một số loại vitamin có thể giúp ngăn ngừa tổn thương các tế bào của cơ thể. Chúng cũng có thể giúp sửa chữa hư hại cho mô gây ra bởi một căn bệnh mạn tính nào đó. Acid béo omega-3 được tìm thấy nhiều trong cá có thể giúp giảm táo bón và viêm nhiễm.

8. Bổ sung vi chất dinh dưỡng

Bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng từ các sản phẩm thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng cũng là lựa chọn được nhiều người áp dụng để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, hạn chế dùng thuốc kháng sinh, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ để biết cách bổ sung hợp lý.

Theo Vân Anh - Tạp Chí Thực Phẩm Chức Năng Health+

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X