Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao cần nhận diện sớm nguy cơ trẻ muốn tự tử?

Chuyện trẻ em muốn tự tử có vẻ như là một nguy cơ ít gặp, bởi ở độ tuổi vị thành niên, trẻ hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ, tươi vui. Thế nhưng nghĩ như vậy là sai lầm. Cần nhận diện nguy cơ này, bởi không ít trẻ em đã nghĩ đến chuyện tự sát.

Khi trẻ rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, gia cảnh bất hạnh, mất niềm tin vào cuộc sống, trầm cảm và tự kỷ, ý định tự sát dễ nảy ra nhất. Đó dường như là lối thoát cuối cùng cho một cuộc sống không hy vọng, không nhìn thấy ánh sáng ở phía trước. Trẻ suy nghĩ tiêu cực, chán nản, cũng có thể suy nghĩ đó ảnh hưởng từ cái nhìn bi quan của người lớn về cuộc sống. Có một số trường hợp trẻ em miền núi đã tự tử, vì nhà nghèo không có tiền đi học hoặc không có tiền may quần áo. Cũng có em, bị xâm hại, hoặc bị ghép ảnh nhạy cảm rồi tung lên mạng, cũng đã tự tử vì cảm thấy nhục nhã, đớn đau, không thiết sống nữa.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Ngày tôi học lớp 3, có một cậu bé học trên tôi 2 lớp, đã đi vào rừng treo cổ tự tử sau khi bị cô giáo cho điểm 4 môn địa. Đó là một cậu bé ngoan, trầm tính, ít nói. Ngày đó ai cũng kinh ngạc vì cậu bé đã dám một mình vào rừng, và dám chết, điều mà ai cũng sợ. Bây giờ nghĩ lại, tôi cho rằng với điểm kém có lẽ là lần đầu tiên trong đời ấy, chắc chắn lòng tự trọng, tự tin của cậu đã bị tổn thương nặng nề. Hẳn là cậu cho rằng mình bị oan ức khi nhận con điểm không xứng đáng.

Tôi cũng nhớ rất rõ ngày còn nhỏ, chừng mười một, mười hai tuổi, mỗi khi bị bố mẹ mắng, tôi thường có ý định tự tử. Sau khi nghĩ đến nhiều cách chết như nhảy xuống sông, đâm đầu vào xe tải, uống thuốc ngủ, ăn lá ngón tôi quyết định mình sẽ chết bằng cách ăn hạt của dây củ đậu - trong Nam gọi là củ sắn. Người ta nói rằng hạt của nó rất độc, có thể làm chết người, và tìm những hạt ấy rất dễ, vì hầu như nhà nào cũng trồng. Nếu chết bằng cách này, tôi nghĩ rằng mình sẽ không phải chịu đau đớn nhiều, và cũng dễ thực hiện. Hẳn là sau khi tôi chết rồi, bố mẹ tôi sẽ tha hồ mà ân hận. Tôi không nhớ mình đã bỏ ý định ấy từ khi nào, nhưng ý định tự sát đã theo tôi một thời gian rất dài.

Tôi kể những câu chuyện thực tế như trên để nói rằng, chuyện trẻ em muốn tự tử không phải là hiếm gặp. Rất nhiều trẻ em thú nhận rằng đã ít nhất một lần nghĩ đến chuyện này. Tại sao vậy?

Người lớn chỉ biết trẻ em hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ, tươi vui, chứ ít biết rằng có nhiều trẻ em vốn có tâm hồn non nớt, nhạy cảm, đặc biệt là những trẻ có khí chất ưu tư, có xu hướng sống hướng nội, khép kín. Khi phải đối mặt với những biến cố trong cuộc đời, sự nhạy cảm thổi phồng những mất mát, những bất công, những phũ phàng, khiến cho trẻ cảm thấy không thể nào chịu đựng nổi. Trẻ càng nhạy cảm, càng sống khép kín thì ý tưởng tự tử càng dễ nảy sinh.

Trẻ có ý định tự tử cũng là do trải qua cảm giác cô đơn bế tắc, không người thấu hiểu. Bản tính khép kín khiến trẻ không biết cách chia sẻ với người thân, với bạn bè để giải tỏa những uất ức, những khúc mắc gặp phải. Nếu cha mẹ, người thân ít chú ý đến con, không hiểu những gì diễn ra trong lòng trẻ, xử sự một cách vô tình lại càng khiến trẻ lún sâu vào cõi cô độc, bế tắc của mình. Khi ấy, việc trẻ tìm đến cái chết như một sự giải thoát càng dễ xảy ra.

Trẻ tìm đến cái chết, cũng là do tâm lý muốn trả thù, muốn cho những người đã khiến mình tổn thương phải đau khổ, ân hận suốt cả cuộc đời. Khi nghĩ như vậy, trẻ không còn sợ chết nữa, lại càng quyết tâm thực hiện ý định của mình. Trẻ tự tử cũng còn vì thiếu nghị lực, bản lĩnh đương đầu với thử thách, thiếu cái nhìn cuộc sống tích cực. Giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường cũng còn khiếm khuyết, khi chưa trang bị cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ bản thân, để vượt qua những khó khăn bế tắc trong cuộc sống.

Thực ra, việc tự tử hiện nay không có gì khó khăn. Thuốc ngủ, thuốc diệt cỏ bán tràn lan, ai cũng có thể mua được. Chỉ vài chục ngàn là đã có thể cầm trong tay một lọ thuốc, uống ực mấy ngụm là có thể giải thoát được những khổ đau nặng nề ám ảnh. Đừng hỏi vì sao chuyện trẻ em tự tử lại có thể xảy ra dễ dàng như vậy.

Vậy chúng ta có thể làm gì để tránh khỏi nguy cơ này?

Hiểu con, làm bạn với con, thường xuyên trò chuyện tâm tình, chia sẻ với con những câu chuyện hàng ngày là điều cần thiết nhất. Với những trẻ nhạy cảm, sống nội tâm, khép kín, cha mẹ cần khéo léo tìm cách tiếp cận phù hợp để con cảm thấy tin cậy, mạnh dạn sẻ chia suy nghĩ, cảm nhận của mình.

Phải hết sức tránh xúc phạm con, làm con tổn thương, áp đặt suy nghĩ của con. Khi có những biến cố xảy ra với trẻ, cha mẹ, người thân phải là chỗ dựa tinh thần cho trẻ.

Hướng con đến những suy nghĩ tích cực, lạc quan, uốn nắn để trẻ tự định hướng suy nghĩ, hành động của mình một cách đúng đắn.

Gần đây, thử thách “Cá voi xanh”, thử thách tự sát Momo xuất hiện trên mạng dẫn dắt suy nghĩ, định hướng hành động bạo lực và khuyến khích trẻ tự sát là một nguy cơ đe dọa những trẻ thường xuyên tiếp xúc với internet. Tốt nhất là cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con, tìm hiểu xem con có những hoạt động gì trên mạng, tương tác với ai. Từ đó giúp con nhận diện được những tình huống không an toàn, cách ứng phó với những thông tin không phù hợp trên mạng.

Trẻ em có ý định tự sát không phải là chuyện khó tin. Cha mẹ, người thân cần có đủ hiểu biết để tránh cho con em nguy cơ này.

Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X