Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư không phải lỗi của bạn - hay của bất kỳ ai

Nhiều bệnh nhân ung thư cảm thấy mình như có lỗi. Đó là cảm giác bị trách móc và hối hận thường khó chấp nhận và diễn đạt. Mặc cảm có lỗi thường khiến người ta nghĩ đi nghĩ lại về các hoàn cảnh “nếu như…” hay “giá mà…” nhằm tìm ra cách làm khác đi hay để sửa chữa sai lầm.

Bệnh nhân ung thư có thể cảm thấy có lỗi ở những thời điểm khác nhau vì những lí do khác nhau. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy có lỗi vì:

- Bạn đã có thể nhận ra triệu chứng sớm hơn hay đến khám bác sĩ sớm hơn.
- Bạn lo lắng mình sẽ là gánh nặng cho gia đình hay người chăm sóc mình.
- Phương pháp điều trị không có kết quả như mong đợi.
- Chữa trị ung thư sẽ tốn kém hoặc khiến bạn mất thời gian làm việc. Cân nhắc tìm kiếm giúp đỡ cho việc quản lý chi phí điều trị ung thư.
- Bạn có thể vượt qua bệnh ung thư trong khi người khác thì không. Điều này thường được gọi là “mặc cảm của người sống sót”.
- Bạn tự trách mình hoặc cảm thấy xấu hổ vì lối sống và thói quen có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Gia đình, bạn bè, và người chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng có thể cảm thấy có lỗi vì họ:

- Khỏe mạnh trong khi người họ quan tâm lại bệnh tật ốm đau.
- Không thể giúp gì hơn.
- Không thể giúp bệnh nhân khỏe hơn.
- Cảm thấy áp lực hay buồn bã.

Thích nghi với mặc cảm có lỗi


Mặc dù cảm giác có lỗi là thường gặp, việc chú tâm suy nghĩ về nó sẽ không tốt cho sức khỏe. Cảm giác rất có lỗi về những việc nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn và việc không thể cho qua các mặc cảm đó có thể dẫn đến trầm cảm. Tuy trầm cảm hay gặp ở người mắc ung thư, không nên xem đó là một phần bình thường của việc sống chung với căn bệnh. Hãy tìm hiểu thêm về triệu chứng và dấu hiệu của trầm cảm và cách tìm kiếm sự giúp đỡ.

Từ bỏ mặc cảm có lỗi


Từ bỏ mặc cảm có lỗi có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và khả năng đối phó với bệnh ung thư. Để giảm cảm giác có lỗi:

- Nhớ rằng ung thư không phải lỗi của bạn - hay của bất kỳ ai. Các chuyên gia vẫn chưa hiểu hết nguyên nhân gây nên đa số bệnh ung thư. Đôi khi người mắc ung thư cảm thấy có lỗi vì những lựa chọn về lối sống của họ, ví dụ như hút thuốc. Nhưng điều quan trọng hơn là biết từ bỏ những sai lầm mà bạn nghĩ mình đã phạm phải trong quá khứ và tha thứ cho bản thân cũng như người khác.

- Biết rằng cảm giác có lỗi sẽ đến rồi đi. Giống như mọi cảm xúc khó khăn khác khởi phát sau chẩn đoán ung thư, cảm giác có lỗi của bạn sẽ thay đổi theo thời gian.

- Chia sẻ cảm xúc của mình. Nói chuyện về cảm giác có lỗi với người bạn tin tưởng, với một chuyên gia tư vấn hoặc nhân viên xã hội. Tìm hiểu thêm về lợi ích của việc tham vấn và những nội dung mà các nhân viên xã hội có thể giúp đỡ.

- Tham gia nhóm hỗ trợ. Đa số bệnh nhân sẽ thấy nhẹ nhõm hơn khi biết có những người khác cũng từng ở trong hoàn cảnh giống họ và trải qua cảm giác tương tự. Tìm hiểu thêm về các nhóm hỗ trợ và làm sao để tìm nhóm thích hợp cho bạn. Đọc thêm về các cộng đồng trợ giúp trên mạng.

- Tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống mà bạn cảm thấy biết ơn. Tìm đến những hoạt động thoải mái hoặc giúp bạn thư giãn. Làm những điều bạn yêu thích, như gặp gỡ một người bạn hoặc xem một bộ phim vui. Đọc thêm về cách thích nghi với ung thư thông qua sự hài hước.

- Tìm những cách lành mạnh để bộc lộ cảm xúc. Cân nhắc việc biểu lộ cảm xúc của bạn qua những hoạt động sáng tạo yêu thích, như âm nhạc hay hội họa. Hoặc bạn có thể ghi lại suy nghĩ và cảm xúc của mình vào nhật ký. Tìm hiểu thêm về cách giúp bản thân thoải mái hơn thông qua nhật ký.

Theo Bác sĩ Hoàng Đức - Y học cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X