Hotline 24/7
08983-08983

Tự ý sử dụng thuốc chống say tàu xe có thể làm rối loạn chức năng gan, thận

Hiện đang vào mua du lịch, nhiều người do sợ say xe nên đã tự ý mua thuốc chống say tàu xe để uống nhưng theo các bác sĩ không nên lạm dụng loại thuốc này.

Bác sĩ Trần Tất Đạt chia sẻ rằng, say tàu xe thường gặp nhất ở trẻ em từ 3 - 12 tuổi (lứa tuổi chưa phát triển đầy đủ tiền đình ốc tai). Với người trưởng thành, phụ nữ hay gặp hơn nam giới. Triệu chứng say tàu xe thường diễn ra theo chiều hướng leo thang. Bắt đầu bằng cảm giác khó chịu trong người, dễ ngủ gật, buồn nôn. Cảm giác chóng mặt, buồn nôn càng lúc càng dữ dội hơn, kèm theo toát mồ hôi, tiết nước bọt và kết cục thường là bị nôn mửa, đôi khi lạnh toàn thân.

Tránh lạm dụng thuốc chống say xe vì dễ gặp tác dụng phụ 

Thực tế, say tàu xe chỉ là một triệu chứng nhất thời, thường chấm dứt khi chuyến hành trình kết thúc và không để lại di chứng lâu dài với sức khỏe. Tuy nhiên những người mắc chứng say tàu xe thường tự ý ra các tiệm thuốc tây mua thuốc uống để hạn chế các triệu chứng say mà không biết rằng việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Chị Nguyễn Thị Bích Ly (trú tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Mỗi dịp hè Ly thường đi du lịch với gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, chị Ly bị say xe rất nặng nên mỗi lần chuẩn bị lên xe thường ra tiệm thuốc mua và uống thuốc chống say xe
Chị Ly chia sẻ thêm: "Nhiều khi em cũng thắc mắc, lo lắng những tác dụng phụ khi uống thuốc vì mỗi lần mua là lại thấy tiệm thuốc bán cho một loại khác nhau, nhưng vì say xe nên trước mắt em cứ uống cho đỡ mệt đã".

Tương tự như chị Ly, chị Hoàng Thị Thu Hiền (trú tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Các con của chị đứa nào cũng bị say xe nên mỗi lần về quê nội ở Quảng Nam, chơi chị thường mua thuốc hoặc miếng dán chống say xe cho các con dùng. Có lần, bé Minh con chị mới 8 tuổi sau khi dùng miếng dán chống say xe đã có biểu hiện chóng mặt, hoảng loạn, tim đập nhanh, khó thở. Chị nhanh chóng đưa con vào bệnh viện thì các bác sĩ cho biết: bé bị tác dụng phụ về mặt thần kinh của thuốc chống say xe.

Liên quan tới loại thuốc chống say xe, ông Nguyễn Đình Diệm, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết trên báo VTV, hiện nay, thị trường dược phẩm có nhiều loại thuốc chống say tàu xe với nhiều cơ chế tác dụng khác nhau. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng dùng được các loại thuốc này. Bởi ngoài tác dụng chống say tàu xe các loại thuốc này còn có nhiều tác dụng phụ như khô miệng, buồn ngủ, mất định hướng, nhìn mờ, táo bón, rối loạn tâm thần; ít gặp hơn là lú lẫn, khó tiểu…

Trong đó, có những loại thuốc không sử dụng cho trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú. Có những loại thuốc chống say tàu xe chuyển hóa qua gan, thận nên phải thận trọng khi dùng cho người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người già. Riêng những người hay bị say tàu xe lại có tiền sử bệnh tim mạch, tiêu hóa nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Nhiều loại thuốc say tàu xe được khuyến cáo không nên lạm dụng vì có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn của thuốc. Do đó, tốt nhất để tránh các tác dụng phụ, ngoài phương án chọn thuốc tây thì những người hay say tàu xe có thể lựa chọn thảo dược để chống say tàu xe an toàn như tinh dầu, trà gừng, kẹo gừng. Bên cạnh đó, khi đi xe nên tìm chỗ ngồi nơi thoáng, mát, khi xe di chuyển nên nhìn phong cảnh trước mặt, không nên nhìn sang hai bên, không đọc sách báo, xem điện thoại…

Theo VietQ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X