TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ tư vấn: Thoát vị đĩa đệm khi nào cần mổ?
Thoát vị đĩa đệm khi nào cần mổ, khi nào điều trị bảo tồn? Thực hư thông tin chữa khỏi thoát vị đĩa đệm không cần dùng thuốc hay phẫu thuật ra sao?... TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giúp bạn hiểu tường tận căn bệnh này.
1.Thoát vị đĩa đệm là nỗi lo lắng của nhiều người khi bước vào tuổi trung niên, nó gắn liền với những cơn đau thắt lưng không dứt. Đầu tiên, xin BS cắt nghĩa “thoát vị đĩa đệm” hay “thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng” là tình trạng như thế nào ạ?
Đau lưng là một triệu chứng đưa người bệnh đến bệnh viện khám bệnh chiếm 85% trong số trường hợp mắc bệnh. Trong số đó người ta chia ra “đau lưng cấp”, “đau lưng bán cấp” và “đau lưng mạn tính”, trong các nhóm đau lưng chỉ có 1% bị thoát vị đĩa đệm.
Cột sống gồm 7 đốt cổ, 12 đốt ngực và 5 đốt thắt lưng, phía dưới là một khối cùng cụt, giữa các đốt sống có một đĩa đệm có nhiệm vụ hấp thu lực khi cơ thể di chuyển, vận động. Khi đĩa đệm bị tổn thương và có thể di chuyển khỏi vị trí bình thường của nó, được gọi là “thoát vị” và do di chuyển khỏi đĩa đệm đang nằm nên được gọi là “thoát vị đĩa đệm”.
Thoát vị đĩa đệm là hậu quả của một quá trình thoái hóa đã tiến triển đến giai đoạn thoát vị, có thể xảy ra sau một tai nạn người ta gọi là thoát vị đĩa đệm sau chấn thương. Thường thì xảy ra trên một chấn thương mạnh đột ngột và sai tư thế.
Thoát vị đĩa đệm giữa chấn thương và bệnh lý có gì khác nhau:
- Thoát vị đĩa đệm chấn thương thường còn nguyên chức năng nhưng do chấn thương ở lực mạnh, lực xé và sai tư thế nên đĩa đệm di chuyển khỏi vị trí bình thường và gây nên thoát vị. Nhưng đĩa này còn nguyên tính chất của một đĩa đệm.
- Thoát vị đĩa đệm thoái hóa: trên một đĩa đệm mất chức năng và chuyển tiếp qua từng giai đoạn của thoái hóa đến một thời điểm gây nên thoát vị đĩa đệm gây chèn ép thần kinh, chèn ép tủy, chèn ép bao rễ và đẩy bệnh nhân vào bệnh viện. Trường hợp này đĩa đệm đã mất chức năng.
Do đó cần phân biệt giữa “thoát vị đĩa đệm chấn thương” và “thoát vị đĩa đệm bệnh lý” để có thái độ xử trí phù hợp.
“Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng” là một thể của thoát vị đĩa đệm nói chung, xảy ra trên các đốt sống ở phần thắt lưng gồm L1,2,3,4,5. Vì ở phần thắt lưng nên được gọi là thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
Về tần suất, thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở cổ và thắt lưng là 2 đoạn vận chuyển lớn nhất trong trục cột sống. Đối với thoát vị đĩa đệm thắt lưng, trường hợp thường gặp là thoát vị ở tầng L5S1 chiếm 45-50% số trường hợp, kế tiếp là L4,5 chiếm 40-45%, tiếp theo là tầng L3,4 chiếm 5% số trường hợp, các tầng còn lại như L1,2 và L2,3 thì chiếm khoảng 1-2% số trường hợp.
Như đã nói trên thoát vị đĩa đệm gồm thoát vị đĩa đệm sau chấn thương hoắc thoát vị đĩa đệm do thoái hóa. Độ tuổi trung niên đã trải qua quá trình sống và làm việc nên đĩa đệm của họ thường hay bị thoái hóa. Do đó tuổi trung niên là tuổi của thoát vị đĩa đệm thoái hóa và gây nên theo trình tự 1 đĩa đệm còn nguyên tính năng sau đó thoái hóa.
Trong thoái hóa chia làm 2 loại thoái hóa không triệu chứng và thoái hóa có triệu chứng, sau đó chuyển qua thể tiếp theo là thoát vị (thoát vị nằm trong bao hoặc thoát vị ngoài bao).
Thoát vị được chia làm 2 loại thoát vị nằm trong bao hay bị đứt vỡ dây chằng và gây thể di chuyển của thoát vị trong lòng đốt sống.
Như vậy đối với người trung niên bị đau lưng, thoát vị đĩa đệm do thoái hóa thì sẽ có từng giai đoạn và triệu chứng khi đi khám cũng diễn tiến theo từng giai đoạn đó.
Từng được dìu dắt bởi người anh, người thầy, đến lượt mình, BS Chu Tấn Sĩ tận tâm tận lực truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ sau
2. Thoát vị đĩa đệm và đau thần kinh tọa có mối quan hệ ra sao, thưa BS?
Thứ nhất ta phải làm quen với khái niệm “thần kinh tọa” là gì? Thần kinh tọa là tập hợp của các rễ thần kinh L3, L4, L5 và khối cùng cụt từ S1-S5, do nó là sự tập hợp của các rễ thần kinh của thắt lưng và cùng cụt nên khi các rễ này gom lại thì tạo ra một cái dây thần kinh rất to gọi là dây thần kinh hông to, trong cộng đồng hay gọi là thần kinh tọa.
Thần kinh tọa là tập hợp của các rễ thần kinh ở phần cuối của ống sống. Khi bị tổn thương thần kinh tọa, các rễ thần kinh mà tập hợp tạo ra nó đều có thể bị tổn thương và tùy theo cái rễ nào bị tổn thương mà có biểu hiện lâm sàng phù hợp với vị trí mà rễ đó bị chèn ép. Như vậy với các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ suy đoán ra vùng đĩa đệm bị thoát vị chèn ép vào dây thần kinh nào phù hợp.
Ví dụ, nếu rễ L5S1 bị tổn thương thì nó có thể biểu hiện ra bên ngoài là bệnh nhân sẽ đau, tê theo mặt sau của đùi, mặt sau của cẳng chân và lan tới ngón út. Nếu bệnh nhân bị tổn thương rễ ở tầng L4,5 thì tổn thương sẽ làm mặt ngoài của đùi, mặt ngoài của cẳng chân và lan đến ngón cái. Tương tự L3,4 thì tổn thương sẽ gây đau tê ở mặt trước của đùi.
Giống như vừa nói thì thần kinh tọa là tập hợp của các rễ, do đó thoát vị đĩa đệm xảy ra ở các tầng riêng lẻ L3, 4; L4, 5 và L5S1. Khi nói đến đau dây thần kinh tọa là nói đau chung cho tất cả các rễ này. Trên lâm sàng thực tế bệnh nhân có thể tổn thương ở 1 tầng thôi, người ta cũng đã gọi là đau thần kinh tọa có thể làm L3,4; có thể L4,5 và cũng có thể L5S1 thì mình gọi chung một từ là đau thần kinh tọa.
3. Xin BS cho biết, để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân sẽ được làm những gì khi đến bệnh viện?
Khi bệnh nhân bị các triệu chứng của hội chứng chèn ép rễ, thường họ sẽ đến khám vì đau lưng. Đau lưng sẽ có từng có giai đoạn đau lưng cấp, đau lưng mặt bán cấp và mạn tính.
Bệnh nhân đến với tổn thương thoái hóa thì thường ở giai đoạn đau lưng mạn tính, sau đó đau sẽ tăng dần về tần số và cường độ, lan xuống lưng, lan xuống mông, lan xuống đùi và cẳng chân và bàn chân. Tùy theo rễ chi phối của vị trí ở các chi, thành phần của chi mà sẽ có các biểu hiện lâm sàng phù hợp với rễ bị tổn thương. Ví dụ bệnh nhân bị tổn thương ở tầng L5S1, đau lưng lan xuống mặt sau của mông, xuống mặt sau của đùi, cẳng chân và tận hết ở ngón út. Bệnh nhân bị tổn thương ở tầng L4,5 thì bệnh nhân sẽ đau ở mông xuống mặt ngoài của đùi, mặt ngoài của cẳng chân và tận hết ở ngón cái.
Như vậy khi bác sĩ lâm sàng thăm khám, đánh giá vị trí tổn thương thì thường người ta sẽ gợi ý bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm L4,5 hoặc L5S1 sau đó sẽ đề xuất các cận lâm sàng phù hợp. Các cận lâm sàng bao gồm Xquang cột sống kinh điển hoặc Xquang cột sống thẳng nghiêng và cúi ngửa để xác định các vị trí bị tổn thương trên hai mặt phẳng trước sau và phải trái.
Nếu có vấn đề thì bệnh nhân có thể đề nghị thêm điện cơ để đo tốc độ dẫn truyền thần kinh cơ xem bị gián đoạn ở dây nào và thể tổn thương đó là mạn tính hay cấp tính.
Xét nghiệm thứ ba được đề xuất thường là CT scanner để đánh giá mức độ tổn thương của xương có liên quan trong các bệnh lý thoái hóa và cuối cùng là xét nghiệm cộng hưởng từ MRI để đánh giá mức độ của thoái hóa đĩa đệm mức độ chèn ép dây thần kinh và vị trí chèn ép lên tổ chức thần kinh đó là ở đâu.
4. Thoát vị đĩa đệm có bao nhiêu mức độ, khi nào thì điều trị bảo tồn, khi nào phải phẫu thuật ạ?
Về vị trí tổn thương thì bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có nhiều có thể lâm sàng khác nhau, có thể bị tổn thương thần kinh ở vị trí trung tâm, tổn thương thần kinh ở vị trí sau bên, tổn thương thần kinh ở vị trí lỗ liên hợp và tổn thương ở vị trí ngoài lỗ liên hợp.
Theo y văn, ta chia làm bốn mức độ chèn ép ở 4 vị trí khác nhau và càng ra ngoại biên, tức là càng ra xa thì vấn đề điều trị càng khó khăn. Vì phẫu trường sẽ thay đổi so với những thể ở trung tâm và sau bên, về mức độ lâm sàng của thoát vị đĩa đệm thì bệnh nhân sẽ chuyển qua từng giai đoạn là thoái hóa: thoái hóa không triệu chứng, thoái hóa có triệu chứng, thoát vị còn trong bao và thoát vị đã ra ngoài bao.
Thông thường một chỉ định điều trị sẽ tùy thuộc vào nhiều dấu hiệu để quyết định hướng điều trị.
Bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa bảo tồn với những trường hợp bệnh nhân mới bắt đầu bị đau và những triệu chứng đó chưa được điều trị nội khoa, hoặc đã điều trị nội khoa nhưng chưa đầy đủ, chưa đúng cách thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa tiếp tục cho người bệnh.
Thông thường điều trị nội khoa gồm thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc giãn cơ, thuốc an thần nhẹ kết hợp với vật lý trị liệu, nghỉ ngơi và có thể sinh hoạt những động tác vận động nhẹ như bơi lội hoặc thể dục.
Tuy nhiên, điều trị nội khoa thông thường chỉ nên kéo dài trong khoảng 6 đến 8 tuần, nếu bệnh nhân có đáp ứng thì sẽ tiếp tục. Nếu bệnh nhân không vượt qua được mà triệu chứng đau có thể tái phát trở lại ngay sau khi ngưng uống thuốc hoặc chỉ sau một thời gian ngắn sau khi đã điều trị nội khoa thì các bệnh nhân này sẽ được xem xét chỉ định phẫu thuật.
Điều trị nội khoa đối với thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn mới thì thường là 80 - 90% thành công, có nghĩa bệnh nhân sẽ không cần phải phẫu thuật, 10 - 20% còn lại là bệnh nhân đã điều trị nội khoa nhiều đợt, điều trị nội khoa không thành công vì tổn thương thoát vị đĩa đệm đó quá lớn thì bệnh nhân sẽ được xác định mổ.
Trong chỉ định mổ, có thể ở 2 trạng thái khác nhau: thứ nhất, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ cấp cứu khi có đau dữ dội, có nghĩa là bệnh nhân đau không thể chịu đựng được không có tư thế giảm đau kể cả dùng morphin cũng không hết đau. Chỉ định mổ thứ hai trong cấp cứu là bệnh nhân liệt đột ngột, có thể ở thời điểm thăm khám không liệt nhưng mà vài tiếng sau xuất hiện, triệu chứng tiến triển nhanh thì sẽ được chỉ định mổ cấp cứu. Đặc biệt nhất là bệnh nhân được xét chỉ định mổ cấp cứu càng sớm càng tốt để tranh thủ vấn đề hồi phục khi có triệu chứng chèn ép.
Ở các trường hợp còn lại thì sẽ chỉ định mổ chương trình khi bệnh nhân nằm trong nhóm điều trị nội khoa thất bại, điều trị nội khoa nhưng tái phát trở lại, bệnh nhân điều trị nội khoa nhưng xuất hiện các dấu hiệu mới như liệt tiến triển hoặc đau nhiều hơn, không thể dung nạp được với thuốc điều trị nội khoa hoặc bệnh nhân điều trị nội khoa nhưng dạ dày họ không chịu được các tác dụng phụ của thuốc thì tất cả đều phải được xét chuyển qua chỉ định phẫu thuật.
5. Khi phẫu thuật, cụ thể bác sĩ sẽ làm gì ạ? Sau phẫu thuật bao lâu bệnh nhân sẽ hồi phục, trở lại sinh hoạt thường nhật, thưa BS?
Đối với phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, đối với chuyên ngành phẫu thuật thần kinh thì không quá phức tạp, có nghĩa là phẫu thuật có thể chỉ tiến hành trong vòng 45 - 60 phút cho một tầng thoát vị thì bệnh nhân sẽ được mở cửa sổ giữa hai bản sống không có cắt xương, chỉ cắt dây chằng và vén rễ thần kinh để lấy khối thoát vị. Do đó sau khi cắt khối thoát vị xong thì ngay sau khi mổ 24 - 48 tiếng là bệnh nhân có thể tự sinh hoạt cá nhân và có thể xuất viện sau 48 - 72 tiếng.
Với những bệnh nhân mà thoát vị đĩa đệm đơn giản thì sau 24 - 72 tiếng thì có thể sinh hoạt cá nhân lại bình thường.
Tuy nhiên để mà thực hiện lại được các công việc hàng ngày có thể phải chờ tới 2 tháng để vết thương lành, vấn đề co cơ thắt lưng được phục hồi lại thì bệnh nhân có thể sinh hoạt trở lại cuộc sống bình thường.
Một số trường hợp khó hơn có nghĩa là bệnh nhân được mổ thoát vị đĩa đệm kèm theo thay đĩa đệm hoặc làm cứng cột sống bằng các phương tiện kết hợp xương thì họ phải chờ thêm từ 6 tháng tới 1 năm để quá trình lành xương được diễn ra thì lúc đó cột sống mới trở nên chắc chắn trở lại để có thể sinh hoạt lại các công việc bình thường.
6. Trường hợp cần phẫu thuật nhưng bệnh nhân từ chối thì diễn tiến bệnh tiếp theo sẽ như thế nào, thưa BS?
Nói đến mổ thì ai cũng sợ, bác sĩ cũng sợ, tuy nhiên khi bác sĩ khuyến cáo chỉ định mổ thì mình nên tham khảo và nên cân nhắc quyết định điều trị của người bác sĩ. Bởi vì bác sĩ đã được đào tạo chuyên khoa, đã đánh giá các quá trình và khi khuyến cáo nên mổ nghĩa là có cơ sở cần thiết để hướng đến một chỉ định mổ.
Bác sĩ cũng không muốn bệnh nhân phải mổ nếu chưa cần thiết, cho nên bệnh nhân được điều trị nội khoa trước từ 6 - 8 tuần, nếu không có kết quả thì mới khuyến cáo người bệnh đi mổ ở trường hợp thoát vị đĩa đệm.
Một số trường hợp bệnh nhân sợ mổ có thể họ cố gắng điều trị nội khoa, tập vật lý trị liệu, bơi lội. Một số bệnh nhân có thể qua được chỉ định mổ nhưng khối thoát vị đó không bao giờ tự thụt vô mà mãi mãi nằm ở đó, có nghĩa là người bệnh phải chấp nhận “sống chung với lũ”, nghĩa là thường xuyên là phải chấp nhận đau, những cơn đến đột xuất, bất ngờ, có thể từ một chuyến đi chơi xa đi nhiều xuất hiện cơn đau và coi như cuộc chơi đó dừng lại.
Do đó một số bệnh nhân có thể tự vượt qua được nhưng một số trường hợp còn lại thì bệnh sẽ tiến triển nhiều hơn. Đầu tiên là khi tổn thương thần kinh xuất hiện thì rễ thần kinh đó sẽ không hoạt động nữa và như vậy trên cơ thể mình sẽ có một phần chức năng không được điều trị. Khi có một bộ phận nào đó trên cơ thể không được duy trì có nghĩa là xu hướng sẽ mất dần những chức năng đó và tự thoái hóa đi. Nghĩa là phần cơ, động tác được chi phối bởi rễ thần kinh đó sẽ bị teo dần chân sẽ nhỏ dần và động tác được chi phối bởi cơ đó sẽ mất dần, có thể đến một thời điểm nào đó không hồi phục, phần để làm động tác co cơ cũng sẽ mất.
Vì vậy, thoát vị đĩa đệm đã chèn ép thần kinh và đã gây liệt thần kinh thì dứt khoát là bệnh nhân phải được can thiệp, nếu để kéo dài sẽ dẫn đến những tổn thương không hồi phục và bệnh nhân sẽ mất luôn chức năng đó kể cả khi được điều trị.
TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ và MC Minh Khuê
7. Người cao tuổi thường có kèm bệnh lý nội khoa như tiểu đường, tim mạch, huyết áp. Trường hợp này BS sẽ tư vấn cho bệnh nhân như thế nào? Bệnh nhân cao tuổi nhất được khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm là bao nhiêu tuổi, thưa BS?
Ở Bệnh viện Nhân dân 115 khoa ngoại thần kinh, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt thoát vị đĩa đệm tuổi cao nhất là 82 tuổi.
Một người bệnh lớn tuổi thường sẽ đi kèm với bệnh lý nội khoa như tim, gan, phổi, thận, tiểu đường, huyết áp, bác sĩ sẽ cân nhắc lợi hại giữa các bệnh nội khoa đó với cuộc mổ. Nếu lợi ích mang lại từ cuộc mổ lớn hơn thì sẽ khuyến cáo người bệnh mổ, mà nếu lợi ích mang lại từ cái cuộc mổ không lớn hơn được hoặc bằng với các nguy cơ của bệnh lý nội khoa thì sẽ hướng bệnh nhân đến điều trị bảo tồn.
Nhóm người cao tuổi là những bệnh nhân “dễ vỡ”, họ đang nằm bình thường nhưng khi lên trên bàn mổ, nếu tâm lý lo sợ, tăng huyết áp thì mọi thứ sẽ hoãn, không tiến hành cuộc mổ được. Tuy nhiên, nếu được bác sĩ tư vấn đầy đủ trước khi mổ, có thể hạn chế được tình trạng này.
Ở những bệnh nhân lớn tuổi là một yếu tố phải quan tâm nhiều nhưng không phải là chống chỉ định, có thể làm tất cả những xét nghiệm cần thiết để bác sĩ gây mê đánh giá những yếu tố đó để đồng thuận cho cuộc mổ (BS.CK2 Lưu Kính Khương giải đáp về gây mê hồi sức ngoại). Nếu tất cả những yếu tố đó đảm bảo an toàn thì bác sĩ đồng ý, lúc đó mới tiến hành cuộc mổ.
Khi quyết định mổ mà tôi xin nhắc lại là người ta đã cân nhắc cái lợi và cái hại giữa mổ và không mổ, tại vì cuộc mổ chỉ kéo dài 45 - 60 phút nhưng nếu không làm được thì người bệnh sẽ có một cuộc sống trong đau đớn sau đó, mất chức năng và thậm chí sẽ nằm yên một chỗ luôn không đi lại được.
Trường hợp bệnh nhân lớn tuổi nhất phẫu thuật cắt đĩa đệm tại Bệnh viện Nhân Dân 115, khi chúng tôi tư vấn mổ thì bản thân bệnh nhân và gia đình cũng rất lo, họ đặt rất nhiều câu hỏi về hướng điều trị cho người bệnh. Họ sẽ hỏi nếu không mổ có được không, nếu không mổ thì chuyện gì xảy ra mà nếu mổ thì cái gì có thể xảy ra và mức độ an toàn là bao nhiêu phần trăm?
Thông thường những trường hợp này, chính người bệnh là người sẽ quyết định phẫu thuật hay không, thậm chí quyết định mổ kể cả khi gia đình không đồng ý. Người bệnh nói: “Bây giờ phải để cho ba mổ và ba biết cái đau này ba chịu nổi hay không. Ba biết sức của ba có thể chịu đựng được không. Với cách tư vấn của bác sĩ như vậy thì ba quyết định mổ”. Những người thân cũng từ từ mà xuôi theo quyết định của ba họ.
8. Theo BS, có thể chữa khỏi thoát vị đĩa đệm mà không dùng thuốc hay phẫu thuật không?
Giống như các bước của thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân điều trị nội khoa bảo tồn 80 - 90% tự hồi phục, một số bệnh nhân không dùng thuốc cũng có thể hồi phục với những biện pháp là nghỉ ngơi hoặc vật lý trị liệu. Tối thiểu thì bệnh nhân cũng có thể vượt qua đợt đau cấp tính tự nhiên. Tuy nhiên, khối thoát vị một khi đã đi ra khỏi vị trí bình thường của nó, nó sẽ nằm yên ở đó hoặc đi ra nhiều hơn chứ không bao giờ khối thoát vị tự chạy trở lại vị trí ban đầu.
Trên một số trang thông tin có đăng điều trị thoát vị đĩa đệm mà không cần mổ thì bạn đọc cũng hết sức lưu ý: đó là điều trị để nâng đỡ, kéo dài quá trình điều trị nội khoa, bảo tồn chứ không điều trị dứt khoát được một khối thoát vị. Nghĩa là nếu bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có bằng chứng bằng hình ảnh học là một khối thoát vị đã di chuyển ra khỏi vị trí bình thường cho phép, thì nó sẽ nằm mãi ở đây cho tới khi nào được lấy ra bằng các biện pháp cơ học là phẫu thuật.
Còn các biện pháp khác thì chỉ để nhằm kéo giãn lỗ liên hợp ra làm cho tỷ lệ giữa khối thoát vị và dây thần kinh với lỗ liên hợp tương đối thì cơn đau sẽ kéo qua. Nhưng một thời gian sau, bệnh nhân sinh hoạt lại đẩy lỗ liên hợp hẹp trở lại. Một số trường hợp, bệnh nhân cảm thấy là sau khi vật lý trị liệu xong rất dễ chịu, rất thoải mái nhưng sau thời gian thì quay trở lại tất cả các triệu chứng như ban đầu thậm chí là nặng hơn. Do đó nên cân nhắc để quyết định một thái độ điều trị phù hợp với từng bệnh, đặc biệt là bệnh riêng của mình.
9. Theo BS, chúng ta có thể phòng tránh thoát vị đĩa đệm được không, và bằng cách nào? Những động tác nào trong sinh hoạt thường ngày gây ảnh hưởng xấu đến cột sống thắt lưng ạ?
Thông thường thì thoát vị đến sau một quá trình thoái hóa, vậy nên làm gì để quá trình thoái hóa chậm lại và diễn ra ở một tốc độ chậm hơn thì sẽ tránh được thoát vị đĩa đệm. Để phòng tránh thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, ngay trong quá trình làm việc của mình là lúc trẻ phải tuân thủ các tư thế làm việc sao cho tốt nhất.
Trong sinh hoạt hay lao động, chúng ta nên tránh mang vác vật nặng mà lệch ra khỏi trục của cơ thể, ví dụ như khom lưng nâng một vật nặng lên thì hoàn toàn lệch trục. Các nhà vật lý đã phân tích: khi nâng một vật lên mà lệch trục khỏi cơ thể, trọng lượng của nó có thể nặng hơn tới 40- 50 lần so với vật đó được nâng nằm trục cơ thể. Do đó những người lao động mang tính thủ công, lao động nặng, hay khiêng vác làm cho trục của cuộc sống vẹo đi, rất dễ diễn tiến thoái hóa sớm và gây nên những tổn thương đĩa đệm sớm hơn cái lứa tuổi đã được thống kê.
Còn người làm việc ở văn phòng thì nên ngồi ở tư thế vuông góc 90 độ với trục cột sống, đừng để cột sống bị quằn xuống, bị cong xuống trong suốt quá trình làm việc. Khoảng 30 phút hoặc 1 giờ phải đứng lên làm những động tác thể dục tại chỗ để làm giảm áp lực thì quá trình thoái hóa sẽ giảm đi.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình