Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ chậm phát triển nếu dùng nhiều thiết bị điện tử

Càng tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử, trình độ giao tiếp, kỹ năng vận động và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ càng thấp.

 So với bạn bè cùng trang lứa dành ít thời gian cho các thiết bị điện tử, những đứa trẻ tiếp xúc quá nhiều với tivi, máy tính bảng, điện thoại thông minh có nguy cơ chậm phát triển về năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp hoặc các kỹ năng học tập cần thiết, Reuters đưa tin.

Theo nghiên cứu đăng trên JAMA Pediatrics, trung bình trẻ em sử dụng thiết bị điện tử 17 giờ mỗi tuần khi hai tuổi và 25 giờ mỗi tuần khi lên ba. Những con số này vượt quá thời gian tối đa một giờ mỗi ngày do Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến nghị.

"Các thiết bị điện tử làm trẻ ít vận động và trở nên thụ động, không tạo nhiều cơ hội phát triển toàn diện trí não cho các cháu", bà Sheri Madigan, tiến sĩ tâm lý tại Đại học Calgary và Viện nghiên cứu Bệnh viện Nhi Alberta (Canada) đứng đầu nghiên cứu trên nói.


Qua nghiên cứu của mình, bà Madigan phát hiện trẻ hai tuổi tiếp xúc thường xuyên với thiết bị điện tử có kết quả kém trong bài kiểm tra mức độ phát triển khi lên ba. Bài kiểm tra này đánh giá trình độ giao tiếp, kỹ năng vận động thô và tinh, năng lực giải quyết vấn đề và các kỹ năng xã hội.

Kết quả tương tự được phát hiện ở trẻ ba tuổi. Thời gian tiếp xúc màn hình tivi, điện thoại càng nhiều, kết quả bài kiểm tra khi chúng lên năm tuổi càng thấp.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là não của trẻ ở độ tuổi tập đi chưa phát triển hoàn thiện để có thể liên hệ những gì học được trên màn hình ảo với trải nghiệm thật trong cuộc sống. "Việc xem nhiều video xây nhà không hề giúp trẻ tự xây được một ngôi nhà trong đời thực," tiến sĩ Madigan lý giải.

Thêm nữa, ngồi hàng tiếng đồng hồ với máy tính bảng hay tivi đồng nghĩa với việc trẻ mất đi cơ hội thỏa sức sáng tạo với những cây bút màu hay chơi các trò vận động cơ thể như tập đá, tập chuyền bóng.

"Những kỹ năng đó rất quan trọng trong thời thơ ấu, cần được trau dồi đầy đủ trước khi trẻ bước sang giai đoạn phát triển khác", bà Madigan chia sẻ. "Bạn phải học đi trước khi học chạy, cũng như phải biết cầm bút mới có thể viết được tên mình".

Ông Gary Goldfield, nhà nghiên cứu tại Đại học Ottawa, người không tham gia nghiên cứu trên cho biết công trình của bà Madigan đã chứng minh mối liên quan giữa việc hạn chế thời gian trẻ ngồi trước màn hình điện tử với sự phát triển tốt hơn về nhận thức, sức khỏe thể chất và tinh thần.

"Hầu hết trẻ em ở mọi lứa tuổi đều sử dụng thiết bị điện tử quá thời gian cho phép, vì thế các bậc phụ huynh cần phải nghiêm khắc hơn khi tạo một thời gian biểu khoa học cho trẻ," ông Goldfield khuyến cáo.

Với trẻ không kiểm soát được thời gian dùng thiết bị di động, phụ huynh có thể giảm tác động xấu của thói quen này bằng cách đảm bảo giấc ngủ bé không bị ảnh hưởng. Khuyến khích trẻ tham gia đầy đủ hoạt động thể chất hàng ngày, cũng như tăng tương tác trực tiếp với gia đình, bạn bè.

Ngoài ra, phụ huynh hãy đảm bảo những chương trình mà trẻ dành thời gian xem có chất lượng tốt, giúp kích thích phát triển trí não.

"Bố mẹ có thể hạn chế tối đa tác hại của thiết bị điện tử bằng cách chọn các chương trình phù hợp với độ tuổi của trẻ, nội dung mang tính giáo dục và dành thời gian theo dõi cùng con mình", tiến sĩ Suzy Tomopoulos tại Bệnh viện Nhi Hassenfeld và Trung tâm Bệnh viện Bellevue cho biết.

"Tôi cũng khuyên người lớn nên tắt tivi khi nhà không có ai xem, trong bữa ăn và một giờ trước giờ đi ngủ."

Theo Vnexpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X