Hotline 24/7
08983-08983

Tiến sĩ Viện Ung thư MD Anderson hướng dẫn phòng ngừa và tầm soát ung thư từng độ tuổi

Chỉ cần thay đổi thói quen rất đơn giản dưới đây theo hướng dẫn của TS Phan Minh Liêm đến từ Viện ung thư lớn nhất Hoa Kỳ sẽ giúp giảm được đáng kể nguy cơ ung thư của chính mình, người thân.

Đột biến gien là căn nguyên gây ra ung thư

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm và không ngừng gia tăng cả về số liệu mắc mới và tử vong. Theo thống kê năm 2018, mỗi năm trên thế giới có hơn 17 triệu ca ung thư mắc mới, 9 triệu trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Rất nhiều thông tin bổ ích về cách phòng ngừa, tầm soát ung thư được TS Phan Minh Liêm - Thành viên của Hiệp hội Di truyền Hoa Kỳ đưa ra trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Ứng dụng công nghệ xét nghiệm gien y khoa trong tầm soát, điều trị ung thư và các bệnh lý di truyền” vào sáng ngày 13/7/2019 tại Bệnh viện Gia An 115.

TS Phan Minh Liêm - Thành viên của Hiệp hội Di truyền Hoa Kỳ

Đột biến gien là nguồn gốc gây ra ung thư. Sự thay đổi về gien sinh ung thư có thể là di truyền từ cha mẹ sang con cái, cũng có thể là mới phát sinh trong cuộc đời của một cá nhân, xuất phát từ các lỗi xảy ra trong quá trình phân chia tế bào hoặc từ sự tổn hại ADN.

Các tác nhân gây đột biến gien dẫn đến ung thư gồm: lối sống (thói quen hút thuốc lá, rượu bia…), môi trường (ô nhiễm, chất gây ung thư), tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn…) và các bệnh khác (béo phì, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…).

Sự nguy hiểm của ung thư nằm ở chỗ các triệu chứng mơ hồ, khó phát hiện, tình trạng kháng thuốc và thường di căn đến các cơ quan quan trọng, từ não đến phổi, gan... gây cản trở chức năng, dẫn đến hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể không có khả năng chống lại nhiễm trùng, cuối cùng tử vong.

Dù ung thư khó nhận biết ở giai đoạn sớm nhưng không phải là tuyệt đối. Nếu mỗi người quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, chú ý những bất thường dù nhỏ nhất cũng là cơ hội để chống lại bệnh tật.

TS Liêm khuyến cáo, khi xuất hiện 1 trong 12 dấu hiệu sau cần đến gặp bác sĩ ngay, đó có thể là triệu chứng khởi phát của ung thư, hoặc một bệnh lý cần được điều trị.

Đó là nhức đầu kinh niên; Ngộp, khó thở; Ho dai dẳng, khan tiếng, đau ở cổ; Khó tiêu hóa, khó nuốt; giảm hoặc mất khẩu vị; Vết thương, vết bầm lâu hoặc không lành, đau dai dẳng; Thay đổi nhu cầu đại tiểu tiện; Thay đổi màu sắc, hình dạng móng tay; Có máu trong nước tiểu, phân, đàm; Nốt ruồi thay đổi kích thước, hình dạng, màu sắc, chảy máu, xâm lấn; Sụt cân, mệt mỏi; Xuất hiện các khối u dưới da.


Những xét nghiệm tầm soát ung thư cần thiết theo từng độ tuổi

Theo Trung tâm ung thư MD Anderson, 2/3 số ca ung thư có thể phòng tránh được nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp tầm soát và phòng ngừa.

Kiểm tra sức khỏe và tầm soát định kỳ thường xuyên là việc không bao giờ "dư thừa". Tần suất và phương thức tầm soát phụ thuộc vào tuổi, giới tính, tiền sử bệnh của gia đình, tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp, môi trường và lối sống...

Với các chị em phụ nữ, từ 20-19 tuổi cần khám ngực và cổ tử cung, xét nghiệm PAP bắt đầu từ năm 21 tuổi tại bệnh viện chuyên khoa mỗi 1 đến 3 năm. Từ 30 - 39 tuổi, ngoài khám ngực thì cần làm thêm xét nghiệm virus HPV mỗi 5 năm. Từ 40-49 tuổi cần chụp thêm nhũ ảnh và khám ngực mỗi năm, khám cổ tử cung và xét nghiệm virus HPV mỗi 5 năm. Từ 50-75 tuổi, ngoài các xét nghiệm phải làm như ở tuổi 49 thì cần chụp CT ruột mỗi 5 năm hoặc nội soi ruột mỗi 10 năm. Riêng với độ tuổi từ 76 tuổi trở lên, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa các lợi ích và nguy cơ khi tầm soát ung thư để đưa ra chỉ định phù hợp.

Với nam giới, các mốc độ tuổi không quá phức tạp, chỉ cần nhớ 3 giai đoạn. Một là từ 40-49 tuổi, cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về lợi ích và hạn chế của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Nếu thuộc diện nguy cơ cao, từ năm 45 tuổi nên khám tuyến tiền liệt và đại tràng, xét nghiệm PSA mỗi năm.

Từ 50-75 tuổi, ngoài các xét nghiệm như năm 45 tuổi, cần chụp CT ruột mỗi 5 năm hoặc nội soi ruột mỗi 10 năm. Khi trên 76 tuổi, bác sĩ sẽ tư vấn riêng về việc tầm soát ung thư. Cần lưu ý thêm, PSA là một chỉ số giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt, nhưng có nhiều trường hợp PSA tăng do các nguyên nhân không phải bệnh lý ác tính. Do đó, khi PSA cao cần siêu âm và khám chuyên khoa Nam khoa hoặc Thận niệu.

Đặc biệt, những người có nguy cơ cao như thành viên trong gia đình mắc ung thư khi dưới 50 tuổi hoặc 2 người trong gia đình đều mắc ung thư, xuất hiện đa polyp, làm việc trong môi trường tiếp xúc hóa chất, tiểu đường type 2, béo phì… thì cần được giải mã đột biến gien để “quét” sạch tế bào ung thư.

Điều này mang ý nghĩa rất lớn để đưa ra chiến lược phòng ngừa cho mỗi cá nhân. Bởi theo ước tính, khoảng 10% số ca ung thư hiện nay do các đột biến gien di truyền. Nếu các gien quan trọng như BRCA1, BRCA2, TP53, ATM… bị đột biến sẽ góp sức làm tăng từ 35-90% nguy cơ mắc ung thư.

100gr thịt nướng = 6 hút điếu thuốc lá

Bên cạnh đó, dinh dưỡng là một phần thiết yếu trong cuộc sống. Nếu biết tận dụng và dùng đúng cách sẽ trở thành trợ thủ đắc lực xây dựng hàng rào phòng thủ ngừa ung thư vững chắc.

Đầu tiên là trong khẩu phần mỗi ngày nên đa dạng, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, nên chọn thực phẩm đã được nhiều chứng minh có tác dụng phòng ngừa ung thư như: khoai lang, súp lơ xanh - trắng, cải bó xôi, cần tây, xà lách, cà chua, bột ngũ cốc, yến mạch, cam, lê, tỏi, nho, dâu, nghệ, hải sản, đậu phụ, đậu đen, đậu đỏ, cá, gạo lức, trà xanh, sữa ít béo, nước ép và sinh tố trái cây không thêm đường, dầu ô liu (nên ăn sống), trái cây thì có măng cụt, nho, bơ, việt quất, táo, mãng cầu, dâu, kiwi, lựu, cam, thanh long…


Một số món nên hạn chế như thịt bò, thịt đỏ có nguồn gốc từ gia súc như thịt heo, thịt trâu, thịt cừu, thịt dê... thay bằng hải sản sạch, nếu như hiện nay hải sản ở biển làm chúng ta lo lắng thì có thể chuyển sang cá nước ngọt cũng rất tốt.

Tiếp đến, chế biến đúng cách sẽ tránh được yếu tố thực phẩm biến tính, gây hại sức khỏe. Lưu ý, không nên nấu thức ăn ở nhiệt độ trên 135 độ C, lý tưởng nhất là đạt từ 100-125 độ C, mạnh dạn loại trừ thực phẩm bị cháy khét. Hạn chế sử dụng các vật dụng bằng nhựa, xốp, nilon để chứa thức ăn, nước uống.

Hạn chế dùng thịt heo xông khói, xúc xích, đồ hộp có chứa nhiều chất bảo quản thực phẩm, đồ nướng... Bởi chỉ với 1 miếng thịt nướng 100gr, độc hại tương đương hút 6 điếu thuốc lá. Để giải “cơn thèm” đồ nướng, khi chế biến có thể bọc thêm lớp giấy bạc để tránh tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa, gây cháy khét.

TS Liêm đặc biệt lưu ý, ở nước ta tương, chao... là gia vị rất phổ biến, kích thích vị giác nhưng với những sản phẩm nếu chưa được kiểm định hàm lượng độc tố aflatoxin, khi vào cơ thể sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư gan.

Ngoài ra, để ngừa ung thư cần quan tâm các yếu tố khác như: Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc; Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân ung thư (tránh tia tử ngoại từ 10g - 16g); Chích ngừa viêm gan siêu vi B, HPV...; Sống yêu đời, vui vẻ; Duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục thường xuyên trung bình 40 phút/ lần 4 buổi trong 1 tuần.


TS Phan Minh Liêm, nhà khoa học chân chính làm rạng danh người Việt Nam ở Mỹ. Anh là người duy nhất được Viện Ung thư lớn nhất Hoa Kỳ, MD Anderson vinh danh nhiều lần trên bức tường ghi tên các nhà khoa học có những phát hiện mới trong điều trị, khống chế căn bệnh ung thư.

Ở Hoa Kỳ, TS Phan Minh Liêm đang nghiên cứu và phát triển các liệu pháp mới để chữa trị và phòng ngừa ung thư tại Viện này. Anh cũng là Tổng biên tập Tạp chí Khoa học, với hơn 200 nhà khoa học tham gia - trụ sở chính tại Hoa Kỳ.

Tại Việt Nam, bài viết về chân dung của TS Phan Minh Liêm xuất hiện trang trọng trên hầu hết các tờ báo lớn từ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VNExpress, Tiền Phong, Zing...

Anh là người góp công rất lớn trong việc thành lập Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ, bắc nhịp cầu quý giá để bệnh nhân ung thư Việt Nam đến gần hơn với các phương pháp điều trị ung thư hiện đại nhất Hoa Kỳ hiện nay.

Ngoài ra, TS Phan Minh Liêm là 1 chuyên gia tư vấn được bạn đọc AloBacsi hết sức quý mến.

Những buổi giao lưu trực tuyến, những câu tư vấn về cách phòng ngừa, nấu ăn, dinh dưỡng cho người đang điều trị ung thư...thu hút rất đông bạn đọc quan tâm, theo dõi.

Một trong những câu tư vấn hot nhất của TS Liêm trên AloBacsi:

- TS Phan Minh Liêm: Thực phẩm phòng ngừa ung thư và dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

- TS Phan Minh Liêm tư vấn chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư

“Thay đổi những thói quen nhỏ có thể giảm 2/3 nguy cơ ung thư”

- TS Phan Minh Liêm và hội thảo ung thư: Câu chuyện của 4 tiếng đồng hồ và 300 khách mời

Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X