Thuốc nào điều trị đau dây thần kinh số V?
Lê Việt Hùng (Hà Nội)
Chào bạn,
Đau dây V vô căn là một bệnh lý hay gặp, biểu hiện bằng những cơn đau
kiểu rát bỏng hoặc luồng điện ở mặt xen kẽ những thời điểm không đau.
Một ngày có thể có nhiều cơn, mỗi cơn kéo dài vài giây đến vài phút,
trong cơn bệnh nhân rất đau, thậm chí phải ngừng tất cả mọi công việc.
Càng ngày cơn đau càng mau hơn và tăng về cường độ. Cơn đau có thể xuất hiện tự nhiên hoặc khi nói, nhai, hoặc khi kích thích vào một điểm (da, niêm mạc miệng). Ngoài cơn đau, bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không có cảm giác tê bì hay kiến bò vùng đau, không có các tổn thương khác kèm theo.
Do không tìm được nguyên nhân nên người ta gọi là “vô căn”, việc điều trị bằng nội khoa cũng chỉ nhằm đạt được mục đích giảm đau, giảm các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân chứ chưa có loại thuốc hữu hiệu điều trị khỏi hẳn bệnh này.
Carbamazepine là thuốc hiệu quả tốt trong đa số các trường hợp bị đau
dây thần kinh số V. Thuốc được chỉ định từ liều nhỏ rồi tăng dần liều
cho tới liều hiệu quả, tuy nhiên không được dùng quá 1.400mg/ngày; duy
trì ở liều đó trong vài tháng rồi giảm dần và ngừng thuốc nếu không có
cơn tái phát.
Tuy là loại thuốc khá hiệu quả, nhưng cũng có những tác
dụng không mong muốn như: chóng mặt, buồn nôn lúc bắt đầu điều trị; hội
chứng tiền đình tiểu não hoặc lú lẫn do quá liều; giảm nhẹ bạch cầu
trung tính; rối loạn dẫn truyền tim; nhiễm độc da, viêm gan, thiểu sản
tuỷ xương.
Trong quá trình điều trị, cần theo dõi thường xuyên công thức máu và chức năng gan (vào ngày thứ 7, ngày thứ 15, ngày thứ 30 và sau đó 1 tháng một lần). Ngừng thuốc ngay lập tức trong trường hợp mụn nước ngoài da, viêm gan hoặc những biểu hiện thay đổi công thức máu nặng. Với bệnh nhân có nhịp tim chậm thì không được dùng thuốc này.
Nếu điều trị bằng carbamazepine không hiệu quả, có thể dùng một trong
các loại thuốc sau: phenytoine, thuốc có tác dụng phụ là: buồn ngủ; hội
chứng tiền đình tiểu não do quá liều (đi loạng choạng, chóng mặt); ngộ
độc da, viêm gan, do đó cần theo dõi thường xuyên chức năng gan và cần
ngừng thuốc ngay lập tức trong trường hợp xuất hiện mụn mủ ngoài da hoặc
viêm gan; clonazepam cótác dụng không mong muốn là ngủ gà, giảm trí
nhớ (người già).
Chống chỉ định trong trường hợp mẫn cảm với thuốc;
gabapentin, tác dụng không mong muốn: ngủ gà, đau đầu, chóng mặt, buồn
nôn, đi loạng choạng, run. Chống chỉ định trong trường hợp có thai hoặc
cho con bú, dị ứng với thành phần của thuốc; amitriptyline, tác dụng
phụ: hạ huyết áp tư thế, ngủ gà, lú lẫn, khô miệng, run, táo bón, bí
đái, tăng cân.
Chống chỉ định: glocom góc đóng, u tuyến tiền liệt, loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, động kinh, có thai. Hoặc phối hợp carbamazepine và baclofen (Lioresal). Kết hợp điều trị nội khoa và châm cứu cũng có thể mang lại hiệu quả cao.
Trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại, ở một số trường hợp cần can thiệp phẫu thuật. Có nhiều kỹ thuật được áp dụng và đặc biệt là kỹ thuật “đông nhiệt” hạch Gasser. Đây là phương pháp cắt chọn lọc những sợi thần kinh sau hạch Gasser nhằm làm giảm triệu chứng đau. Hoặc nếu có dấu hiệu chèn ép dây thần kinh số V thì phẫu thuật giải phóng chèn ép.
Trên đây là một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh đau dây thần kinh số V và vài biện pháp ngoại khoa có thể mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, để dùng thuốc gì hay biện pháp ngoại khoa nào mang lại hiệu quả cao nhất, bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh uy tín để được khám và tư vấn điều trị.
Theo BS. Hải Hà - Sức khỏe và Đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
- Trang chủ
- Tin y tế
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình