Khổ như… chứng khó tiêu
Phần nổi của tảng băng trôi
Chứng khó tiêu được xác định như là những cơn đau dai dẳng, hay tái diễn đều đặn hoặc sự khó chịu ở phần trên của bụng, đặc biệt là khi bạn căng thẳng. Chúng thường “hỏi thăm” sức khỏe của bạn sau một bữa ăn thịnh soạn nhiều đạm, nhiều dầu mỡ, các món ăn cay và nóng hoặc khi bộ máy tiêu hóa có một chút trục trặc tạm thời ở khâu chức năng. Thật may là trong hai trường hợp này, những biểu hiện đáng ghét ấy cũng sẽ chịu chấm dứt sau khi bạn cải thiện chế độ ăn hoặc dùng thuốc hỗ trợ.
Tuy nhiên, những dấu hiệu rõ ràng đó có thể chỉ là một phần nổi của tảng băng, bảy phần chìm ẩn đằng sau nó có khi là những căn bệnh đáng ngại như trào hơi dạ dày - thực quản viêm loét, viêm tụy mãn tính, liệt nhẹ dạ dày, nhiễm trùng dạ dày hay thậm chí là ung thư dạ dày... Nhưng đâu chỉ có thế, những căn bệnh không liên quan đến bộ máy tiêu hóa như đái tháo đường, cường giáp, viêm gan, sỏi mật... cũng có thể là nguồn căn của chứng khó tiêu.
Bởi vậy, trong điều trị các bác sĩ thường chia chứng khó tiêu thành hai nhóm: khó tiêu chức năng hay còn gọi là khó tiêu không có loét (chướng bụng, đau tức, khó chịu ở vùng thượng vị mà không có tổn thương của các cơ quan nội tạng trong cơ thể) và khó tiêu do bệnh nhân mắc một chứng bệnh thực thể. Việc xác định rõ nguyên nhân đóng vai trò quyết định trong điều trị chứng “ách tắc đường sướng” này.
Ảnh minh họa |
Những kẻ thù giấu mặt gây ra chứng khó tiêu
Để xác định rõ cảm giác ấm ách mà bạn đang chịu đựng chỉ là chứng khó tiêu đơn thuần hay nó đang che giấu những mối họa nguy hiểm bạn cần tiến hành một số xét nghiệm mới có câu trả lời đích xác.
Tuy nhiên, khi các triệu chứng khó tiêu đi kèm với một số dấu hiệu như: sốt, nôn, đi ngoài ra máu, thiếu máu, chán ăn, sụt cân, nuốt đau, người bệnh trên 45 tuổi hoặc gia đình có người bị ung thư dạ dày… cần có sự lưu tâm đặc biệt và phải được đưa đến bác sĩ để có hướng điều trị hợp lý.
Với chứng khó tiêu chức năng, mặc dù không xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng giới chuyên môn cũng ghi nhận một số yếu tố làm khởi phát hoặc làm nặng thêm triệu chứng như:
Thói quen ăn uống: Thói quen ăn nhanh, nuốt vội khiến cho thức ăn không được nghiền nhuyễn làm hạn chế khả năng tiếp xúc của các enzym, vì thế làm giảm tốc độ tiêu hóa. Ăn uống thất thường, không đúng giờ cũng khiến cho dịch tiêu hóa tiết ra vừa ít vừa kém chất lượng.
Các món ăn chua, cay, nhiều gia vị, dầu mỡ, nhiều đạm thường là những món ăn khó tiêu; và với một số người, thức ăn nhiều tinh bột cũng khiến họ bị đầy bụng. Việc lạm dụng chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá làm tăng tiết acid dịch vị gây ợ chua và cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị.
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: Có đến 50% trường hợp mắc chứng khó tiêu được xác định là có nhiễm khuẩn Helicobacter pylori. Khi điều trị khỏi nhiễm khuẩn thì các triệu chứng khó tiêu cũng thuyên giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn. Có lẽ từ mối liên hệ này mà người ta ghi nhận đây là một trong những nhân tố liên quan đến chứng bệnh này.
Strees và tác dụng phụ của một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng viêm, corticoid, thuốc dãn phế quản... cũng có thể làm gia tăng các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu.
3 cách chữa cháy hiệu quả
Khó tiêu được đánh giá là loại bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó mang lại không ít phiền toái. Vì vậy, tạo dựng một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học hợp lý, tránh những căng thẳng không cần thiết là điều bạn nên làm. Trong trường hợp “sự đã rồi”, bạn có thể chữa cháy bằng các cách sau:
1. Cứu trợ từ thuốc
Trên thị trường có khá nhiều các loại thuốc chống tiết acid và chống đầy hơi như maalox plus, phosphalugel, gasvicon, pepsan... Chúng có tác dụng vừa trung hòa acid vừa chống đầy hơi trong dạ dày.
Với các trường hợp khó tiêu kèm theo ợ chua do trào ngược dạ dày thực quản nên dùng các thuốc có chứa thêm thành phần alginate. Bởi alginat có tác dụng bảo vệ niêm mạc thực quản không để acid dịch vị làm hại thực quản.
Một trong những nguyên nhân gây khó tiêu, chậm tiêu là do dạ dày co bóp kém nên thức ăn từ dạ dày đẩy xuống ruột chậm. Các loại thuốc có khả năng điều hòa sự co bóp dạ dày như metoclopramid, domperidon (motilium-M) có thể giúp bạn khắc phục sự cố.
2. Liệu pháp enzym
Quá trình tiêu hóa là chuỗi phản ứng hóa học nhờ chất xúc tác của enzyme để biến thức ăn thành dưỡng chất hấp thụ vào máu. Khi thức ăn tồn đọng nhiều trong dạ dày mà không được tiêu hóa sẽ gây căng tức, ợ chua (các triệu chứng khó tiêu). Việc cung cấp ngay một lượng enzyme cần thiết tức thời sẽ giúp ích cho việc tiêu hóa khối thức ăn tồn trong dạ dày.
Bạn có thể sử dụng các loại men tiêu hóa như neopeptin, alipase, festal; hoặc lựa chọn các loại viên sủi chứa enzyme chống đầy hơi và muối đệm trung hòa acid trong dạ dày. Loại này khá tiện dụng, tác dụng nhanh, thường có thêm hương vị (cam, chanh) nên dễ uống hơn.
Tuy nhiên, bạn cần cẩn trọng khi sử dụng các loại viên sủi này khi đang trong chế độ ăn kiêng muối (bệnh cao huyết áp không kiểm soát được, suy tim sung huyết hay bệnh gan nặng).
3. Mẹo hay từ rau củ quả trị chứng khó tiêu
Một nghiên cứu được thực hiện bởi bốn trường đại học ở Đức và Úc đã cho thấy khả năng trị chứng khó tiêu của nước ép khoai tây. Sau một tuần điều trị với nước ép khoai tây (uống 2 lần/ngày, mỗi lần 100ml, nửa tiếng trước khi ăn sáng và trước khi đi ngủ), các triệu chứng khó tiêu, đầy bụng đã giảm rõ rệt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nướng một củ gừng, cạo vỏ, giã nhỏ cho nước nóng vào khoảng chừng nửa bát, thêm một chút đường để dễ uống hơn; uống từ từ từng ngụm nhỏ, sau đó xoa nóng toàn lưng, cảm giác khó chịu sẽ giảm đi đáng kể.
Theo Huyền Trang - Sức khỏe gia đình
Bài viết có hữu ích với bạn?
- Trang chủ
- Tin y tế
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình