Hotline 24/7
08983-08983

Thai phụ cẩn trọng với chứng xuất huyết nặng vì nhau bong non

Là một trong các nguyên nhân gây băng huyết, theo các bác sĩ sản khoa, nhau bong non nếu không xử trí kịp thời, sản phụ và thai nhi có thể tử vong.

Chuyển biến nhanh, xuất huyết nặng

Cách đây không lâu, các bác sĩ BVĐK Tuyên Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình đã cứu sống sản phụ N.T.H (19 tuổi) trú tại xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa mang thai tháng thứ 7, nhập viện trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, máu ra nhiều. Qua chẩn đoán, các bác sĩ xác định sản phụ H bị nhau bong non, phải mổ cấp cứu. May mắn, hai mẹ con chị H đã bình phục sức khỏe.

“Cũng được xác định là nhau bong non, nhưng không may mắn như sản phụ H, cách đây ít lâu, một sản phụ đã phải cắt bỏ tử cung của mình để giữ tính mạng. Chị nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, quằn quại, người phù lớn, huyết áp tụt. Để cứu sống chị, các bác sĩ bắt buộc phải mổ lấy tử cung, đồng nghĩa với việc thai nhi tử vong và chị không còn khả năng sinh nở” – BS. Phạm Thị Vân, nguyên Trưởng khoa Sản, BV 198 kể.

Cần thăm khám định kỳ, bài bản cho cả thai phụ và thai nhi.
Ảnh: Dương Ngọc
 
Theo BS. Vân, hai bệnh nhân trên đây là trường hợp điển hình cho sản phụ bị nhau bong non. Nhau bong non còn có tên gọi khác là phong huyết tử cung nhau. Đây là trường hợp nhau bám đúng vị trí, nhưng bị bong sớm trước khi thai nhi được sổ ra ngoài, do có sự hình thành khối huyết tụ sau rau. Khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh nhau ra khỏi thành tử cung cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi. Tình trạng này thường xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ, hoặc trong lúc chuyển dạ.

Tình trạng này xảy ra đột ngột, diễn tiến rất nhanh chóng và gây xuất huyết nặng. Trong một số trường hợp có thể gây tử vong mẹ và con. Lý do vì nhau là nguồn cung cấp dinh dưỡng nuôi sống chính từ mẹ sang thai nhi, nếu bị nhau bong sớm, không mổ lấy thai kịp thời, thai sẽ bị chết. Bên cạnh đó, ở thể nặng, tình trạng này cũng có thể gây choáng mất máu do ứ tại tử cung và chảy qua âm đạo; vô niệu do choáng và tụt huyết áp; rối loạn đông máu gây máu chảy không ngừng, người mẹ bị thiếu máu trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Càng lớn tuổi nguy cơ bị càng cao

BS. Vũ Thị Mai (Giám đốc Phòng khám sản phụ khoa Marie Stopes Hà Nội) cho biết: Dù tần suất không cao nhưng nhau bong non không phải là cấp cứu sản khoa hiếm gặp. Người bị té ngã, chấn thương trực tiếp vào vùng bụng, có tiền sử sản giật, tiền sản giật có thể gây nên nhau bong non. Việc sinh con rạ hay con so không liên quan đến khả năng tiềm ẩn gây nhau bong non.

Về mức độ liên quan giữa tuổi và khả năng bị nhau bong non, theo BS. Mai, có thể suy ra từ việc sản phụ lớn tuổi có nguy cơ cao bị tiền sản giật, sản giật. Các đối tượng sinh đông con, có tiền sử nạo phá thai nhiều lần càng có nguy cơ cao bị nhau bong non.

“Đa số những người bị nhau bong non khi nhập viện là bị nặng, bởi bong trong giai đoạn sớm thường không phát hiện ra, bong ở dưới bánh rau và không phải là chảy máu ra ngoài, chỉ tiềm ẩn một chút, sau đó dần dần thì mới xuất huyết” – BS. Vân nói.

Những bệnh nhân được xác định bị nhau bong non thường nhập viện trong tình trạng có thể bị đau vùng bụng dưới xuất hiện một cách đột ngột, lúc đầu đau khu trú vùng tử cung, sau đó đau lan khắp cả bụng, cơn đau có tính chất liên tục, dữ dội và kéo dài. Một số khác cũng bị xuất huyết âm đạo, máu sậm màu (thậm chí màu đen), loãng và không đông. Sản phụ có thể bị tình trạng vật vã, choáng, toàn thân sốc hốt hoảng, thở nhanh – nông, chân tay lạnh, da tái sạm, mạch nhanh, huyết áp tụt, có thể kèm theo hội chứng tiền sản giật. Thường những trường hợp này đã mang thai ngoài 6 tháng.
 

Tuân thủ thăm khám định kỳ cả mẹ lẫn con

Để phòng ngừa bị nhau bong non, theo các bác sĩ, thai phụ phải tuân thủ thăm khám định kỳ, bài bản ở các cơ sở y tế uy tín để phát hiện sớm nguy cơ nhiễm độc thai nghén, những người có chế độ ăn uống quá thấp kém, sống ở những điều kiện sống càng thấp bao nhiêu thì khả năng bị càng cao bấy nhiêu. Đó là lý do vì sao những người lao động nặng nhọc, quá sức, những phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn lại có nguy cơ bị nhau bong non cao hơn thành thị.

(BS. Phạm Thị Vân, nguyên Trưởng khoa Sản – Bệnh viện 198)

 AloBacsi.vn (Theo Gia đình & Xã hội)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X