Hotline 24/7
08983-08983

Thai phụ cần đề phòng bị vỡ tử cung

Có nhiều nguyên nhân gây ra vỡ tử cung và bà bầu cần phải xem mình có thuộc nhóm nguy cơ cao không để phòng tránh sớm.

Vỡ tử cung là gì?

Vỡ tử cung là một vết rách trên thành tử cung, thường ở vị trí của vết mổ đẻ trước đó. Khi bị vỡ hoàn toàn, vết rách toạc qua các lớp của thành tử cung và hậu quả có thể nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi.
May mắn là vỡ tử cung thường hiếm xảy ra, nhất là đối với những phụ nữ chưa từng đẻ mổ, chưa từng có phẫu thuật tử cung hoặc chưa từng bị vỡ tử cung trước đó. Vỡ tử cung thường xảy ra trong quá trình lâm bồn, nhưng cũng có thể xảy ra trước khi bà bầu có các cơn co tử cung sắp sinh.

 
 
Dấu hiệu vỡ tử cung thế nào?

Vỡ tử cung thường xảy ra trước khi lâm bồn, dù bà bầu và bác sĩ không nhận biết các dấu hiệu. Dấu hiệu đầu tiên của vỡ tử cung là thường có sự bất thường trong nhịp tim của thai nhi. Bà bầu có các triệu chứng như đau bụng, chảy máu âm đạo, mạch nhanh và một vài dấu hiệu bị sốc. Bà bầu thậm chí cũng cảm thấy đau ngực do bị kích thích ở cơ hoành từ hiện tượng chảy máu trong. Các cơn co tử cung sắp sinh có thể chậm lại hoặc ngừng hẳn.

Nguyên nhân

- Nguyên nhân chính của vỡ tử cung thường xảy ra ở vết sẹo do lần đẻ mổ trước đó. Vỡ tử cung thường xảy ra trong quá trình lâm bồn bởi vết sẹo không thể chịu được sự kéo giãn của các cơn co bóp tử cung sắp sinh.

Nếu bà bầu từng đẻ mổ với vết rạch ngang thấp ở tử cung và được bác sĩ chẩn đoán là có thể tiếp tục đẻ thường ở lần mang bầu sau, vỡ tử cung trong quá trình lâm bồn chỉ chiếm thấp hơn 1%.

Nếu bà bầu từng có vết rạch đẻ mổ theo kiểu truyền thống, theo chiều dọc từ dưới lên phần cao hơn và phần có nhiều cơ của tử cung, bà bầu có nguy cơ bị vỡ tử cung rất cao và phải được đẻ mổ trước khi có các cơn co tử cung sắp sinh.

- Những bà bầu từng phẫu thuật ở tử cung, như phẫu thuật cắt bỏ xơ tử cung hoặc chỉnh sửa tử cung bị méo, cũng có nguy cơ bị vỡ tử cung.

- Nếu bà bầu từng bị vỡ tử cung trước đó thì lần mang thai sau cũng có nguy cơ bị vỡ tử cung và cần phải chuẩn bị đẻ mổ.

- Dù ít có khả năng tử cung không bị sẹo lại có thể bị vỡ nhưng vẫn có khả năng xảy ra, khi thai phụ ở trong trường hợp như: đã sinh từ 5 con trở lên, nhau thai gắn quá chặt vào thành tử cung, tử cung căng quá to (do quá nhiều nước ối hoặc mang thai đôi trở lên), các cơn co bóp tử cung quá thường xuyên và quá mạnh, quá trình lâm bồn kéo dài do thai nhi quá to trong khi khung xương chậu của mẹ lại nhỏ.

- Các tổn thương tử cung, như bị tai nạn giao thông hoặc trong quá trình xoay ngôi thai ngoài hoặc sử dụng forcep khó, cũng có thể khiến tử cung bị vỡ.

Điều trị như thế nào?

- Thai nhi phải được lấy ra bằng cách mổ cấp cứu. Nếu tổn thương ở tử cung của người mẹ quá rộng và chảy máu liên tục, thai phụ cần phải được cắt bỏ ngay tử cung. Một cách điều trị khác là thai phụ phải được khâu ngay tử cung lại. Do bị mất rất nhiều máu nên thai phụ cần phải được truyền máu. Thai phụ cũng thường phải được tiêm thuốc kháng sinh để tránh bị nhiễm trùng.

- Nếu không cần phải cắt tử cung, thai phụ cần phải giữ gìn cẩn thận để có thể phục hồi sau ca phẫu thuật và khắc phục những tác động do bị mất nhiều máu. Thai phụ có thể cảm thấy yếu và choáng váng, do đó không nên tự ra khỏi giường một mình. Khi được xuất viện về nhà, thai phụ cần phải nghỉ ngơi thật tốt, ăn các thứ ăn bổ dưỡng và uống nhiều nước, uống sắt và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Nếu tiếp tục mang thai, bà bầu cần phải đẻ mổ. Thông báo cho bác sĩ về
tiền sử vỡ tử cung của mình.

AloBacsi.vn
Theo Nam Ngọc - Gia đình Việt Nam


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X