Hotline 24/7
08983-08983

Tập thể dục và lợi ích với bệnh ung thư vú

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp và là nguyên nhân tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ. Theo Globocan năm 2018, tại Việt Nam có 15.229 ca mới mắc ung thư vú ( chiếm 9,2% tổng số ca ung thư mới mắc), đứng hàng thứ 4 sau ung thư gan, phổi và dạ dày.

Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư vú

Tập thể dục và ung thư vú?

Lần đầu tiên, một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra tác động sinh học trực tiếp của việc tập thể dục đối với bộc lộ gen ung thư vú, củng cố thêm cho các báo cáo trước đây về tỉ lệ tử vong thấp hơn ở nhóm bệnh nhân tập thể dục thường xuyên với nhóm không thường xuyên.

Theo bác sĩ Jennifer Ligibel, trung tâm Ung thư Dana - Farber, Boston, Massachusetts: “Chúng tôi chỉ nhận thấy tập thể dục có tác động giảm nguy cơ tử vong, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng xác định liệu có cơ sở sinh học nào cho những nhận định này hay không, và đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy tập thể dục có thể tạo ra những thay đổi trong khối u ở người. Phát hiện này tương tự như kết quả  trên các mô hình ở động vật. Điều này giúp những phát hiện của chúng tôi có thêm giá trị”.

Thử nghiệm có tên PreHAB (Pre-Operative Health and Body Trial) được công bố trên tạp chí Clinical Cancer Research tháng 5/2019: đánh giá hiệu quả của liệu pháp tập thể dục tiền phẫu lên các dấu ấn sinh học ở mô và huyết thanh của những phụ nữ mới được chẩn đoán Ung thư vú.

27 bệnh nhân nữ được chọn ngẫu nhiên vào nhóm tập thể dục có kiểm soát, ở nhóm đối chứng là 22 bệnh nhân tập thể dục tự do - được cung cấp sách và file âm thanh hướng dẫn tập luyện.

Ở nhóm tập thể dục có kiểm soát được tăng hoạt động thể chất lên 220 phút tập thể dục mỗi tuần, bao gồm 40 phút luyện tập thể lực và 180 phút tập Aerobic cường độ vừa phải. Đối với nhóm tập thể dục tự do, thời gian tập chỉ tăng thêm 23 phút mỗi tuần, khác biệt thời gian giữa 2 nhóm có ý nghĩa thống kê ( P<0.0001). Thời gian trung bình từ lúc nghiên cứu đến thời điểm phẫu thuật là 29,3 ngày.

Những thay đổi dấu ấn sinh học ở mô

Mẫu mô bệnh lấy từ sinh thiết và phẫu thuật được lấy từ 39 bệnh nhân đã chỉ ra rằng tập thể dục không làm thay đổi sự tăng sinh, cũng như chỉ số Ki-67 ở nhóm tập thể dục có can thiệp với nhóm đối chứng (Ki-67 là một chỉ dấu kháng thể đối với kháng nguyên khối u được tìm thấy trong tế bào ung thư vú. Chỉ số Ki-67 càng cao, thường trên 20%, nghĩa là tế bào ung thư tăng trưởng và phân chia với tốc độ càng lớn).

Mặt khác, các mẫu mô bệnh được ghép từ 32 bệnh nhân (16 bệnh nhân mỗi nhóm) cho thấy sự bộc lộ gen khối u tăng lên đáng kể ở nhóm bệnh nhân tập thể dục có kiểm soát, trong khi không có sự thay đổi nào ở nhóm đối chứng.

Sự tăng biểu hiện gen liên quan đến phản ứng viêm và điều hòa miễn dịch, tương tác giữa cytokine - thụ thể cytokine, đường dẫn tín hiệu NF-kB, các tế bào giết tự nhiên (Natural killer cells), trình diện kháng nguyên, tín hiệu thụ thể tế bào lympho T.

Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy tập thể dục có thể mang lại rất nhiều lợi ích đối với bệnh nhân ung thư vú như:

Lợi ích của tập thể dục

- Tăng cường sức khỏe, giảm mệt mỏi

- Kiểm soát cân nặng

- Giảm căng thẳng và lo âu

- Cải thiện hệ tim mạch, hệ thống xương

- Cải thiện giấc ngủ

- Phòng ngừa táo bón

Tuy đây chỉ là nghiên cứu bước đầu trên số lượng bệnh nhân còn ít nhưng đã mở ra hướng đi mới trong nghiên cứu điều trị ung thư vú nói riêng và điều trị ung thư nói chung.

BS.CK1 Nguyễn Anh Tuấn
Khoa Xạ trị, xạ phẫu, Viện Ung thư

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X