Hotline 24/7
08983-08983

Sống chung với đái tháo đường, tăng huyết áp thế nào?

Số bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp và đái tháo đường ngày càng gia tăng chủ yếu là sự thay đổi lối sống, thói quen ăn uống.

Bệnh mãn tính nhiều biến chứng

Bà Hoàng Thị Cảnh (65 tuổi, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên phải lui tới Bệnh viện Lão khoa Trung ương để kiểm soát căn bệnh tiểu đường kèm theo tăng huyết áp của bà.

Bà Cảnh bị đái tháo đường tuýp 2 nhiều năm liền và biến chứng sang bệnh tăng huyết áp. Mỗi ngày bà phải kiểm soát đường huyết của mình và huyết áp vào buổi chiều.

"Mặc dù trong nhà con cháu sắm đủ máy đo huyết áp và đường huyết nhưng tôi vẫn phải đến bệnh viện kiểm tra lại thường xuyên. Bị bệnh nào cũng khổ nhưng bệnh này nó dai dẳng không chữa được mình phải sông chung với nó đến lúc chết thôi" - bà chia sẻ.

Vì bị cả hai bệnh liền lúc nên việc ăn uống, chế độ kiêng khem của bà Cảnh khá vất vả. Con cái mua đồ ăn về mình chẳng dám ăn gì, đi chơi xa cũng không dám đi. Nhiều lần muốn về thăm quê (Quảng Bình) cũng khó vì xa và sợ bệnh đổ giữa đường nhất là khi thời tiết lạnh giá và nắng nóng.

Theo BS.CKI Nguyễn Văn Long, khoa Khám bệnh của BV Lão Khoa Trung ương, số bệnh nhân đến khám bệnh vừa mắc đái tháo đường và cao huyết áp trung bình chiếm tới 10 % số bệnh nhân đến khám.

Tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường rất thường gặp và là yếu tố làm tăng mức độ nặng của đái tháo đường. Theo tổng kết, tỷ lệ số người tăng huyết áp và tần suất tăng huyết áp ở các bệnh nhân này cao hơn ở người không bị đái tháo đường. Theo tính toán, đái tháo đường có nguy cơ tăng huyết áp từ 1,5 đến 3 lần.

Hai bệnh có nguy cơ chính của biến chứng mạch máu lớn và biến chứng vi mạch nên bệnh nhân vừa bị đái tháo đường kèm tăng huyết áp thì nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh thận và bệnh võng mạc tăng rất cao. Đáng chú ý hơn, trên nhóm bệnh nhân này nguy cơ xuất hiện suy thận giai đoạn cuối cao gấp 5 -6 lần so với bệnh nhân tăng huyết áp đơn thuần. Và nguy cơ tim mạch, bệnh lý mạch vành và đột quỵ lớn 2-3 lần so với ở người không mắc.

Sự khác nhau giữa bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 1, chứng tăng huyết áp thường xuất hiện vài năm sau khi chẩn đoán đái tháo đường và có liên quan đến bệnh thận. Còn trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 thì bệnh tăng huyết áp có thể xuất hiện ở thời điểm chẩn đoán hay trước khi chẩn đoán đái tháo đường và có thể cùng xuất hiện với các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch, các yếu tố này đều có cùng một rối loạn tiềm ẩn là đề kháng insulin và tăng insulin máu.

Ăn uống để sống chung với bệnh

Cao huyết áp và đái tháo đường là bệnh mãn tính nên người bệnh phải tìm cách sống chung với bệnh để tránh những biến chứng về tim mạch cũng như suy thận. BS Long cho biết cần phải có lối sống sinh hoạt, thói quen lành mạnh. Đối với ăn uống không nên ăn quá mặn, ăn giảm mỡ. Ăn kiêng đường, bánh kẹo, đồ ngọt. Chế độ ăn uống bệnh nhân phải đảm bảo được đủ năng lượng để hoạt động.

BS Long cho biết người Việt luôn có thói quen ăn nhiều vào bữa tối và ăn ít vào bữa sáng, thói quen này không đúng. Bữa sáng là quan trọng nhất bởi nó cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động cả ngày. Đối với những bệnh nhân đặc biệt trên cần ăn đều, ăn nhiều bữa trong ngày và nên ăn nhiều vào bữa sáng, giảm vào bữa tối.

Nếu trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị bệnh tăng huyết áp kèm đái tháo đường thì phải tuân thủ các chế độ trên chặt chẽ hơn, cần phải khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Nên thay thế mỡ động vật bằng dầu ăn thực vật chế từ đậu nành, lạc, vừng. Tăng cường thức ăn có nhiều vitamin C, E,PP (bưởi, hoa hoè, giá đỗ). Không nên uống rượu bia, cà phê và đặc biệt là không hút thuốc lá. Bệnh nhân cố gắng tránh tình trạng thừa cân, béo phì.

Còn đối với chế độ tập luyện thể dục, thể thao bệnh nhân cần thoải mái về tình thần, tránh căng thẳng stress. Rèn luyện thể lực, thể dục thể thao. Nên tập thường xuyên ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài ít nhất 30 phút. Những môn thể thao phù hợp như đi bộ, chơi cầu lông, bơi. Thể dục thể thao thường xuyên làm tăng Lipoprotein HDL là loại protein tốt có tác dụng phòng chống xơ vữa động mạch.

Biến chứng nguy hiểm, điều trị khó khăn khiến đái tháo đường và tăng huyết áp là "ác mộng" với nhiều người. Nếu không may bị bệnh này "ghé thăm", người bệnh cần có những biện pháp nhằm kiềm chế đường huyết trong cơ thể phải tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ. Giữ mức huyết áp ở ngưỡng an toàn 85/130, cần có máy đo huyết áp tại nhà.

Đối với thuốc điều trị các hướng dẫn quốc tế đồng nhất khuyến cáo ức chế men chuyển là thuốc đầu tay cho bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp, tuy nhiên chưa có nhiều bằng chứng ủng hộ khuyến cáo này.

Một nghiên cứu ALLHAT ở Mỹ gồm trên 12.000 người bị đái tháo đường tuýp 2 và tưng huyết áp nhằm so sánh thuốc lợi tiểu tương tự thiazide (chlortalidone) với ức chế canxi (amlodipine) hoặc ức chế men chuyển (lisinopril) như thuốc đầu tay và kết quả cho thấy ức chế men chuyển không ưu thế hơn thuốc lợi tiểu tương tự thiazide về giảm biến cố hoặc tử vong tim mạch hoặc mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. ALLHAT phụ thêm với các nghiên cứu khác mới đây đã giúp loại bỏ việc lo ngại về độ an toàn và hiệu quả của ức chế canxi và thuốc lợi tiểu thiazide/tương tự thiazide trong điều trị đái tháo đường..

AloBacsi.vn
Theo Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X