Hotline 24/7
08983-08983

Phòng ngừa và điều trị tắc tia sữa

Tắc tia sữa hay gặp ở các bà mẹ đang cho con bú, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Trong 2-5 ngày đầu sau sinh, ngực của bạn sẽ trở nên lớn hơn, nặng hơn, và hơi đau khi bắt đầu xuống sữa. Cảm giác căng tức sẽ giảm đi trong vòng 2-3 tuần sau sinh và ngực của bạn sẽ trở nên mềm hơn ngay cả khi sữa về nhiều.

Nhưng nếu bạn cảm thấy ngực cứng, sưng, đau nhói, khó chịu thì rất có thể bạn đã bị tắc tia sữa. Tắc tia sữa có thể gây ảnh hưởng đến việc bú của trẻ. Quầng vú cứng có thể làm cho trẻ khó ngậm sâu, bú ít, dẫn đến đau núm vú. Điều này có thể gây phản xạ ngược lại khiến bà mẹ tiết ít sữa đi.

Tắc tia sữa có thể dẫn đến những vấn để sức khỏe nặng nề hơn. Hãy gọi cho bác sĩ nếu ngực bạn trở nên cứng và đau hơn, sốt trên 38OC, hoặc trẻ gặp vấn đề khi bú.

Nguyên nhân


Tong một vài tuần đầu sau sinh, do bé chỉ bú được rất ít sữa mỗi cữ bú nên bà mẹ có thể bị tắc tia sữa nếu không cho con bú thường xuyên và hết cữ bú. Việc cho bé bú đủ cữ để làm rỗng bầu ngực trong những ngày đầu sau sinh rất quan trọng để hạn chế tắc tia sữa và tạo phản xạ tiết sữa. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn bị tắc tia sữa dù cho con bú thường xuyên và đầy đủ.

Bà mẹ cũng có thể bị tắc tia sữa nếu ống dẫn sữa bị tắc. Điều này có thể xảy ra nếu bạn đã nâng ngực và cấy ghép quá nhiều chỗ mà không để lại không gian cho tổ chức tự nhiên ở vú. Ống dẫn sữa cũng có thể bị tắc nếu bạn thường xuyên mặc áo ngực quá chật.


Phòng ngừa

Không phải tất cả các bà mẹ sau sinh đều bị tắc tia sữa. Một số bà mẹ chỉ thấy ngực hơi đầy lên trong khi một số khác lại thấy ngực phát triển đáng kinh ngạc và cứng. Một số phương pháp sau đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị tắc tia sữa:

- Cho con bú ngay trong vòng 2 giờ đầu sau sinh nếu có thể.

- Cho con bú thường xuyên: 8-12 lần một ngày trong 24 giờ đầu tiên. Có thể trong ngày đầu tiên bé sẽ bú ít hơn, không đến 8 lần. Hãy tìm dấu hiệu đói của bé, ôm bé áp vào da bạn sẽ khuyến khích bé bú sữa mẹ. Đánh thức bé dậy nếu bé đã ngủ hơn 3 tiếng từ bữa bú trước.

- Cho bé bú hết một bên vú trước khi chuyển sang bên kia. Mỗi bữa bú của bé thường kéo dài từ 10-20 phút. Nếu bé không bú được ít nhất là 10 phút, hãy hỏi chuyên gia tư vấn cách để cho bé bú được lâu hơn. Nếu bé không bú đến bên vú còn lại thì hãy cho bé bú bên đó vào bữa bú tiếp theo.

- Tránh cho trẻ bú bằng bình hoặc vú giả trong tháng đầu tiên trừ khi có lí do y tế cần phải làm như vậy. Bú bình hoặc vú giả dễ dàng hơn so với bú sữa từ vú mẹ, vì vậy bé có thể gặp khó khăn trong việc bú mẹ sau khi đã bú bình.

- Nếu bác sĩ khuyên bạn cho trẻ bú bình thì hãy vắt sữa ra cho trẻ bú, thay vì sử dụng sữa công thức. Vắt sữa sẽ khiến bà mẹ vẫn tiết sữa đầy đủ, không bị mất sữa sau này.

- Nếu một bữa bú bị bỏ qua hay con bạn bú không tốt, hãy dùng tay hoặc máy vắt sữa để vắt hết sữa ra ngoài. Điều này sẽ khiến cơ thể bà mạ duy trì phản xạ tiết sữa đều đặn.


Giảm tắc tia sữa bằng cách nào?

Dưới đây là các phương pháp giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và giảm tắc tia sữa:

- Trước khi cho bú, đặt một miếng gạc ấm lên ngực vài phút để sữa chảy ra dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể tắm qua với nước ấm hoặc dùng vòi hoa sen xịt những tia nước ấm lên bầu vú. Không sử dụng nhiệt quá 3 phút vì quá nóng cũng có thể làm tăng sưng và khó khăn cho việc tiết sữa.

- Cho bú thường xuyên, nhưng không nhiều hơn 2-3 tiếng một lần. Nếu ngực của bạn quá căng tức và trẻ đang ngủ thì hãy thử vắt bớt đi một ít sữa. Nhiều phụ nữ thấy đau và khó chịu khi vắt sữa, nhưng ngực của bạn sẽ giảm căng tức nếu vắt bớt sữa đi.

- Khi đứa trẻ đang bú, hãy xoa bóp nhẹ nhàng bên ngực bé đang bú để kích thích sữa chảy ra và giảm bớt sự căng tức, khó chịu.

- Khi bé khó khăn trong việc ngậm núm vú, hãy vắt sữa ra. Đầu tiên có thể dùng máy vắt sau đó dùng tay đến khi quầng vú của bạn xẹp bớt đủ để em bé ngậm vào.

- Nếu bạn đang cho bé bú ít nhất 2-3 giờ một lần, tránh vắt sữa trừ khi bạn cần làm mềm ngực. Chỉ vắt ít sữa trong khoảng vài phút, không vắt quá nhiều dẫn đến ứ sữa và tắc tia sữa kéo dài.

- Để làm giảm đau và sưng, hãy dùng túi chườm lạnh lên ngực trước khi cho con bú. Bạn có thể sử dụng đá bào bọc trong túi nilon và bên ngoài bọc một lớp vải mỏng.

- Một chiếc áo ngực hỗ trợ cho con bú có thể giúp bà mẹ rất nhiều và thậm chí có thể mặc chúng vào ban đêm, nhưng hãy chắc chắc chúng vừa vặn và không có gọng. Áo ngực chật hoặc có gọng có thể gây co thắt và tắc ống dẫn sữa.

- Cân nhắc sử dụng các thuốc giảm đau an toàn khi cho con bú như Acetaminophen hay Ibuprofen trong trường hợp bạn thấy đau nhiều.

- Nếu bạn có các triệu chứng giống như cảm cúm, hoặc sốt trên 38 độ, cùng với đau tức ở vú, hãy gọi bác sĩ vì bạn có thể bị nhiễm khuẩn vú.

Tắc tia sữa thường kéo dài bao lâu?

Nếu bạn vẫn cho con bú hay vắt sữa ít nhất 2-3 giờ một lần thì cảm giác căng tức sẽ dần giảm đi trong vòng 24-48 giờ. Nếu không được điều trị, tắc tia sữa có thể kéo dài đến 10 ngày. Khi không còn tắc tia sữa, ngực của bạn sẽ mềm hơn mặc dù vẫn đầy sữa.

Nếu bạn không cho con bú thì cũng có thể vắt sữa ra ngoài để làm giảm áp lực ở ngực và giảm nguy cơ nhiễm trùng vú. Hãy hỏi nhân viên ý tế để được tư vấn, hướng dẫn thích hợp.

Tắc tia sữa có ảnh hưởng đến đứa trẻ không?

Tắc tia sữa có thể làm cho con bạn khó ngậm vú, khó bú vì vậy không nhận được đủ lượng sữa cần thiết. Hãy nói với bác sĩ nếu tình trạng này kéo dài vài ngày, để nhận được lời khuyên hữu ích về việc cho bé bú.

Tắc tia sữa có thể gây thiếu sữa, tắc ống dẫn sữa, viêm vú, hoặc áp xe vú, vì vậy hãy cho con bú thường xuyên ngay cả khi thấy có hiện tượng tắc tia sữa. Hãy hỏi bác sỹ để điều trị kịp thời tình trạng này.

Theo ThS.BSThu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X