Hotline 24/7
08983-08983

Nôn ra chậu máu, hôn mê chờ ngày chết: Vì rượu

Với các bác sĩ ở Khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai), cảnh bệnh nhân nghiện rượu lên cơn, ú ớ la hét, vật vã dữ dội, thậm chí đạp cả vào người nhân viên y tế… không phải chuyện hiếm.

Bệnh nhân sảng rượu đang điều trị tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Võ Thu
Bệnh nhân sảng rượu đang điều trị tại Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai. Ảnh: Võ Thu

Sảng rượu - Chứng ảo giác nguy hiểm

Phòng Cấp cứu (Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai) có 10 bệnh nhân nặng đang điều trị. Phần lớn trong số các bệnh nhân này đều mắc các bệnh lý liên quan đến rượu như xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, viêm tụy cấp…

Bệnh nhân Đỗ Văn T (ở Nghĩa Hưng, Nam Định) dù mới 34 tuổi nhưng đã bị xơ gan giai đoạn cuối, tiên lượng khó nói trước. Do trong quá trình điều trị xuất hiện tình trạng sảng rượu (hoang tưởng, mất hoàn toàn khả năng nhận thức, không làm chủ được hành vi - PV), tay chân anh phải trói vào thành giường. Dù vậy, chân tay anh không ngừng run rẩy, miệng liên tục ú ớ...

Cách đây gần một tuần, anh T được đưa vào viện trong tình trạng chân tay run nhiều, nói nhảm, lơ mơ, nôn ra máu, đi ngoài nhiều, niêm mạc nhợt… Mẹ bệnh nhân T cho biết, con trai bà có tiền sử uống rượu. Trước đây, gia đình từng đưa anh đi khám và kết luận bị khô gan, bệnh đường ruột, chỉ cần kiêng rượu và uống thuốc thì bệnh sẽ đỡ. Nhưng anh T chứng nào tật đó, uống thuốc được đôi tháng rồi lại bỏ, còn rượu thì không bỏ được ngày nào. Từ nhiều năm nay, dù mới ngoài 30 tuổi, đáng lẽ là trụ cột gia đình nhưng anh T chỉ biết uống rượu, mình chị Nguyễn Thị Xuân (vợ anh T) phải “còng lưng” nuôi hai con nhỏ và chồng.

“Chồng tôi uống rượu hàng ngày. Sáng ra, cứ mở mắt lúc nào là anh ấy uống lúc đó. Ngày trước còn khỏe, uống rượu xong là anh ấy đánh vợ. Bây giờ sức khỏe yếu quá, còn không đánh nổi nữa, lại quay sang chửi vợ con. Mấy lần anh ấy bị tai nạn xe máy cũng vì uống rượu. Trong gia đình có người chú mới mất cách đây 2 năm cũng vì rượu, nhưng chồng tôi vẫn không “tỉnh” ra. Tôi là vợ mà khuyên cũng không được”, chị Xuân thở dài buồn bã.

Đưa chồng đi viện, chị Xuân phải gửi hai con nhỏ cho bà ngoại trông nom. Chị bật khóc khi nhắc đến số tiền điều trị bệnh cho chồng. Chị bảo, đó là số tiền quá lớn đối với một hộ nghèo như gia đình chị. Kinh tế gia đình khó khăn, nhưng như lời chị Xuân kể, cứ ngày ngày anh T lại ra quán mua “chịu” 2 chai rượu, với giá 6.000 đồng/chai. Đến cuối tháng, chị lại phải đi trả nợ cho chồng. Tính ra, số tiền rượu nợ cũng khoảng 400.000 đồng. “Tiền chồng uống rượu cả năm có khi tôi mua được mấy chỉ vàng”, chị Xuân nói.

Theo các bác sĩ, khi mới nhập viện, tình trạng của bệnh nhân T rất kinh khủng. Đêm đầu tiên, vì không được uống rượu, bệnh nhân la hét khiến nhiều người phải lao vào giữ tay chân. Các y bác sĩ phải dùng vải buộc tay chân bệnh nhân cố định trên giường bệnh. Suốt 3 đêm liên tục, bệnh nhân T mê sảng không ngủ. Hiện nay, gia đình vẫn phải chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, vì đến việc đi vệ sinh, bệnh nhân cũng không thể tự chủ được.

Một bệnh nhân khác ở Phòng Cấp cứu (Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai) cũng bị trói tay chân trên giường bệnh là ông Nguyễn Văn S (63 tuổi, ở Gia Viễn, Ninh Bình). Ông S có “thâm niên” uống rượu hơn 40 năm, từ khi chưa lấy vợ, sinh con. Mỗi ngày ông uống đều đặn 500ml rượu trắng tự nấu, mỗi lần nhấp vài chén, thay cả nước lọc.

“Bình thường, bố tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, không làm được việc gì vì sức khỏe quá yếu. Cách đây 4-5 hôm, thấy ông ngủ mãi không dậy, gia đình kiểm tra thì phát hiện ông tiểu tiện không tự chủ, liền đưa ông đến bệnh viện. Nhiều lần gia đình khuyên can ông bỏ rượu, nhưng rồi đâu lại vào đấy”, con gái ông S chia sẻ.

Không kém gì... ngáo đá

Tại Khoa Tiêu hóa của BV Bạch Mai, từ Tết Nguyên đán đến nay, số ca xuất huyết tiêu hóa, xơ gan hoặc viêm tụy cấp do rượu gia tăng, có ngày tiếp nhận hàng chục trường hợp. Hiện Khoa Tiêu hóa đang điều trị cho hơn 50 bệnh nhân có liên quan đến rượu.

Theo TS Vũ Trường Khanh - Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh nhân nhập viện với hội chứng cai (hay còn gọi là rối loạn tâm thần do rượu), sảng rượu không phải là hiếm gặp. Đa phần người bệnh ban đầu vào viện do xơ gan, xuất huyết tiêu hóa… Sau vài ngày điều trị, không được uống rượu, người bệnh bắt đầu có biểu hiện của hội chứng cai, trong đó mức độ nặng nhất là sảng rượu.

Với bệnh nhân sảng rượu, biểu hiện thường gặp vào ngày đầu tiên lên cơn là bồn chồn, mất ngủ, sau đó chân tay run lẩy bẩy, vã mồ hôi toàn thân, hoang tưởng, ảo giác, la hét, vật vã. Bệnh nhân mất hoàn toàn khả năng phối hợp các hành vi, khả năng nhận thức.

Không ít bệnh nhân đang nằm yên thì bật dậy trong trạng thái vô thức, la hét. Họ hoảng sợ, luôn miệng nói lảm nhảm, thậm chí, có người còn có ý định tự tử... Do đó, các y bác sĩ phải trói bệnh nhân để phòng tình huống xấu có thể xảy ra. Với bệnh nhân sảng rượu, nhiều khi phải cần tới 10 người để giữ và trói tay chân bệnh nhân lại.

Theo TS Vũ Trường Khanh, tình trạng sảng rượu hay gặp ở người uống rượu thường xuyên, sau đó bị ốm không uống được nữa. Ngoài ra, người không uống được rượu, hoặc chỉ uống một chút cũng xuất hiện tình trạng hoang tưởng, ảo giác nguy hiểm. Trong khi đó, việc điều trị cho các bệnh nhân này rất khó khăn. Nhiều bệnh nhân chức năng gan kém, bác sĩ không thể cho uống thuốc an thần để hết sảng rượu vì nếu làm như vậy, bệnh nhân sẽ hôn mê sâu. Nguy hại nhất là tình trạng bệnh nhân bị co giật, rối loạn về điện giải như kali máu, hạ đường máu. Nếu không điều trị tốt, bệnh nhân có thể tử vong. Trong khi đó, những bệnh nhân nghiện rượu này sức đề kháng yếu, hay bị nhiễm trùng.

Thống kê của Khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai) cho thấy, có những bệnh nhân nhập viện tới 10 lần do xuất huyết đường tiêu hóa sau khi uống nhiều rượu, trong đó có cả những người mới hơn 30 tuổi. Năm 2015, Khoa Tiêu hóa cũng điều trị gần 4.000 trường hợp xơ gan, trong đó xơ gan do rượu chiếm gần 70%, chưa kể gần 700 bệnh nhân viêm tụy cấp do rượu.


Theo Thu Nguyên - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X