Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần đặc biệt lưu ý khi cho trẻ ra ngoài trời lạnh

Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người, trong đó đặc biệt là trẻ em do hệ hô hấp còn yếu.

Để trẻ không bị mắc bệnh, khi ra ngoài trong những ngày này các bậc cha mẹ cần phải đặc biệt lưu ý.

nhung dieu can dac biet luu y khi cho tre ra ngoai troi lanh
(Ảnh: Time Out)

Vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết biến đổi bất thường. Nhiệt độ giảm đột ngột kèm theo những cơn gió lạnh đầu mùa, khiến cho cơ thể trẻ khó thích nghi kịp.

Nhiều ông bố bà mẹ luôn lo ngại khi nhiệt độ ngoài trời lạnh, trẻ ra ngoài trời sẽ dễ bị cảm lạnh và ốm. Vì thế, có những đứa trẻ gần như chỉ ở trong nhà trong suốt cả mùa đông. Sự bao bọc thái quá của bố mẹ không khác giam lỏng trẻ là mấy. Như thế, chỉ làm đứa trẻ yếu ớt và sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể giảm.

Theo BS Lê Thanh (khoa Nhi, BV Xanh Pôn Hà Nội) cho biết: "Nhiều cha mẹ bao bọc con thái quá đã làm trẻ yếu càng thêm yếu ớt. Các bậc phụ huynh nên cho con vui chơi ngoài trời cả 4 mùa sẽ khỏe mạnh hơn. Con được tiếp xúc trực tiếp với nắng gió, được vận động, nhìn ngắm, khám phá sẽ phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ. Vì vậy, cả 4 mùa cha mẹ đều nên cho trẻ em ra ngoài để hít thở khí trời đều đặn sẽ tốt cho sự phát triển của trẻ".

Các phụ huynh đừng quá lo lắng về mùa đông giá lạnh mà "cách ly" trẻ ngoài trời, mà cần chọn thời điểm, nhiệt độ phù hợp để cho con ra chơi. Khi cho trẻ ra ngoài, chỉ cần lưu ý một số điều dưới đây:

Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài

Đeo khẩu trang không chỉ giúp cản bụi bặm khi ra ngoài đường mà còn giúp ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Đặc biệt trong lúc giao mùa, nhiều bệnh dịch, đeo khẩu trang sẽ bảo vệ trẻ khỏi sự lây nhiễm trực tiếp từ không khí, nước bọt, dịch đường mũi họng…

nhung dieu can dac biet luu y khi cho tre ra ngoai troi lanh
(Ảnh: Truyền hình Nghệ An)

Mặc quần áo phù hợp

Thời tiết lúc giao mùa có thể biến đổi từ lạnh sang nóng, từ nắng đến mưa chỉ ngay trong một ngày… do vậy bố mẹ nên chuẩn bị áo quần thích hợp cho bé. Bởi nếu mặc ấm quá thì trẻ sẽ ra mồ hôi nhiều mà mặc phong phanh thì cũng dễ bị cảm lạnh, ho, sốt….

Nếu trẻ đến trường, trong balo của trẻ cần có quần áo của cả 3 mùa, áo khoác khi đi đường, bộ dài tay nếu trời trở lạnh, bộ ngắn tay nếu trời nóng lên.

Nếu trẻ ra ngoài chơi thì không nên cho trẻ mặc quá nhiều quần áo, chỉ cần mặc ấm vừa đủ khi trẻ mới ra vì trẻ ra ngoài để vận động chứ ko phải hứng gió. Tất chân, găng tay, mũ, khăn quàng cổ nên dùng loại mềm mỏng để trẻ không bị nóng, nhưng đủ giúp các bộ phận nhạy gió của cơ thể không bị nhiễm lạnh. Quá trình chơi trẻ cảm thấy nóng có thể cởi ra thoải mái.

nhung dieu can dac biet luu y khi cho tre ra ngoai troi lanh
(Ảnh: Afamily)

Thời gian ra ngoài

Quá sớm hoặc quá muộn hay giữa trưa không phải là thời điểm thích hợp để trẻ chơi bên ngoài. Nhiệt độ quá lạnh hoặc vào giờ nghỉ ngơi sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ. Bố mẹ nên cho trẻ đi chơi vào khoảng 9-10g sáng hoặc 3-5g chiều. Lúc này, không quá lạnh và trẻ có thể thoải mái chạy nhảy.

Tùy vào độ tuổi của trẻ mà để trẻ chơi bên ngoài. Với trẻ nhỏ chưa tự đi được thì không nên đi quá 30 phút mỗi ngày. Trẻ lớn hơn có thể chơi từ 30 phút đến 1 giờ, hoặc hơn nếu thời tiết ấm áp.

Đừng quên mũ, tất chân và bao tay cho bé

Tuyệt đối không để bé đầu trần ra ngoài khi trời lạnh, cần đội mũ ấm cho bé vì đầu là khu vực nhiệt độ thoát ra nhiều nhất ở bé, bao tay, tất chân cũng rất quan trọng giúp bé ấm áp hơn.

Cho bé nằm trong xe đẩy

Với những trẻ nhỏ nên cho nằm trong xe đẩy vì bé sẽ ấm áp hơn khi bế bé trực tiếp. Ngoài ra, nhiều xe đẩy có thêm mui xe và tấm chắn bằng lưới giúp bé tránh bị gió lùa và côn trùng tấn công, nếu xe đẩy nhà bạn không có tấm chắn lưới thì có thể mua một tấm khăn voan mỏng để che cho bé.

nhung dieu can dac biet luu y khi cho tre ra ngoai troi lanh
Cho bé nằm trên xe đẩy có tấm lưới giúp bé ấm áp tránh gió hơn là bế bé trên tay. (Ảnh: Mặt trời của bé)

Khi nào không nên cho trẻ ra ngoài trời lạnh?

- Khi trẻ bị ốm, sốt, mệt mỏi.

- Trẻ nhỏ đang được đẩy trong nôi.

- Những ngày nhiệt độ giảm mạnh dưới 10 độ C, lại có gió mùa thì không nên để trẻ chơi bên ngoài vì dễ bị cảm lạnh, ho, sốt, ốm.

Một số lưu ý để phòng bệnh tốt nhất cho trẻ trong mùa lạnh

- Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với trẻ vào mùa đông. Để nâng cao sức đề kháng, bạn nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu vitamin C, bổ sung sắt, kẽm.

- Trước khi đi ngủ hoặc sau khi ngủ dậy nên uống sữa ấm hoặc mật ong để tốt cho đường hô hấp và giữ cho thân nhiệt luôn ấm áp.

- Bạn hãy lưu ý lịch tiêm chủng ở địa phương để tiêm cho trẻ đầy đủ nhằm bảo vệ trẻ khỏi các bệnh hô hấp nặng nề.

- Mùa đông, việc tắm cho trẻ nhỏ không nên lâu quá 10 phút và không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Một tuần có thể tắm 2 - 3 lần, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo trẻ được lau rửa và thay quần áo sạch sẽ hàng ngày.

- Nên cho trẻ sử dụng dung dịch nhỏ mũi sát khuẩn, súc miệng bằng nước muối hàng ngày.

- Điều cuối cùng bạn phải hết sức tuân thủ, đó là không được tự ý dùng thuốc cho trẻ, đặc biệt là sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể làm cho bệnh của trẻ nặng hơn.

Theo Kiều Vân - Đời sống và Pháp lý

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X