Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về lao phổi

Lao phổi xảy ra khi vi khuẩn lao tấn công vào phổi của bạn. Đây là một bệnh lí có thể gây tử vong nhưng nó có thể chữa khỏi nếu bạn được điều trị đúng cách và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Vi khuẩn lao còn có tên là Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn này có thể gây ra nhiều loại lao khác nhau nhưng lao phổi là phổ biến nhất. Bạn có thể bị nhiễm vi khuẩn lao nếu bạn hít phải giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của người bị lao. Mặc dù lao có thể phòng ngừa và điều trị được nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 66% người bị lao sẽ tử vong nếu không được chăm sóc y tế thích hợp. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị lao phổi, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Nếu bạn tiếp xúc với người bị lao, hãy đi làm xét nghiệm lao.

Phân loại

Lao tiềm tàng (thể ẩn) và bệnh lao

Khi bạn phơi nhiễm với vi khuẩn lao không có nghĩa là bạn sẽ bị lao. Khoảng 1/3 dân số thế giới mang vi khuẩn này. Hầu hết những người mang vi khuẩn lao không bị bệnh ngay bởi hệ miễn dịch của họ có thể chống lại vi khuẩn. Bệnh sẽ ở thể ẩn, hay còn gọi là lao phổi tiềm tàng, không gây ra triệu chứng gì và nó sẽ không khiến bạn bị ốm nhưng vẫn cần được xét nghiệm và điều trị vì bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, gây ra lao phổi.

Yếu tố nguy cơ

Những người dễ mắc bệnh lao nhất là:

  • Người già
  • Trẻ nhỏ
  • Những người hút thuốc lá
  • Những người suy giảm miễn dịch, ví dụ như người nhiễm HIV
  • Những người không đi khám định kì, ví dụ như những người vô gia cư
  • Những người sống ở nơi đông đúc, ví dụ như nhà tù

Tình hình bệnh lao trên thế giới

Ở thế kỉ XX, lao là nguyên nhân tử vong thường gặp nhất ở Mỹ, nhưng theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), số ca mắc lao ở Mỹ đã tụt giảm trong vòng 50 năm qua. Lao thường gặp ở những nước đang phát triển do mật độ dân cư cao và sự hạn chế về chăm sóc y tế.

Ở một số nước mà tỉ lệ lao ở mức nguy hiểm, vaccin phòng lao (BCG) được sử dụng rộng rãi.

Lây truyền

Bạn có thể bị nhiễm lao khi hít phải những giọt nhỏ li ti trong không khí khi những người bị lao ho, hắt hơi, cười hoặc hát. Vi khuẩn lao có thể trôi nổi trong không khí một vài giờ, vì vậy, bạn có thể hít phải vi khuẩn khi người bị lao không ở cùng phòng với bạn.

Bạn không thể bị nhiễm lao thông qua bắt tay, ăn chung đồ ăn, nước uống...

Triệu chứng

Những người bị lao phổi thể ẩn có thể không có triệu chứng nhưng họ vẫn nên điều trị. Những triệu chứng của lao phổi bao gồm:

+ Ho kéo dài trong một vài ngày
+ Ho ra máu
+ Sốt nhẹ và kéo dài
+ Vã mồ hôi
+ Đau ngực
+ Sụt cân
+ Mệt mỏi

Bởi vì những dấu hiệu này cũng có thể gặp ở các bệnh khác nên bạn cần đến khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.

Chẩn đoán

Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có triệu chứng của bệnh lao. Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng và có thể chụp Xquang phổi. Nếu bạn nghĩ mình có thể bị lao hoặc từng tiếp xúc với người mắc bệnh thì bạn cần làm một số xét nghiệm.

Có 2 loại xét nghiệm lao là test da và xét nghiệm máu. Test da rất phổ biến và ít tốn kém nhưng bạn cần đến gặp bác sĩ 2 lần. Nếu bạn đến khám lần thứ 2, bạn nên yêu cầu bác sĩ nếu bạn có thể làm xét nghiệm máu.

Test da

Bác sĩ hoặc y tá sẽ tiêm một lượng nhỏ protein của vi khuẩn lao vào dưới da của bạn (không đủ làm bạn bị bệnh). Vị trí tiêm có thể hơi ngứa một chút nhưng bạn không nên gãi vì nó có thể khiến bác sĩ khó đọc kết quả. Bạn sẽ đến gặp bác sĩ vào 2-3 ngày sau. Khi đó, bác sĩ sẽ quan sát vị trí tiêm: nếu bạn bị phù cứng từ 5 mm trở lên thì bạn có thể bị nhiễm lao. Đỏ da ở vị trí này là bình thường và không phải là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Xét nghiệm máu

Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của bạn làm xét nghiệm và kết quả sẽ có trong vòng 24h.

Điều trị

Những người bị lao thể ẩn không có triệu chứng và không thể truyền bệnh cho người khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc điều trị vẫn cần được tiến hành vì bạn có thể bị bệnh lao trong tương lai.

Nếu bạn bị lao thể ẩn, bạn chỉ cần uống một loại thuốc chống lao. Nếu bạn bị bệnh lao, bác sĩ sẽ kê cho bạn một vài loại thuốc và bạn cần uống trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn. 4 loại thuốc chống lao thông dụng nhất bao gồm:


+ Isoniazid
+ Rifampicin (Rifadin, Rimactane)
+ Ethambutol (Myambutol)
+ Pyrazinamid

Mặc dù bạn sẽ cảm thấy tốt hơn sau khi bắt đầu uống thuốc nhưng bạn vẫn cần tiếp tục tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Ngừng thuốc hoặc uống không đúng liều có thể khiến vi khuẩn lao kháng thuốc, dẫn đến một loại lao rất nguy hiểm gọi là “lao đa kháng thuốc”.

Để giúp bạn điều trị hoàn toàn, bác sĩ có thể khuyến cáo bạn sử dụng “liệu pháp giám sát trực tiếp” (DOT). Khi đó, nhân viên y tế, ví dụ như y tá sẽ gặp bạn hàng ngày hoặc vài lần một tuần để giám sát việc sử dụng thuốc của bạn, đảm bảo bạn không quên uống thuốc.

Nếu bạn không sử dụng DOT, bạn nên có kế hoạch uống thuốc để không quên liều. Một số mẹo giúp bạn nhớ uống thuốc:

+ Uống cùng một thời điểm mỗi ngày
+ Viết nhắc nhở lên lịch hàng ngày để biết bạn cần uống thuốc
+ Nhờ một người nhắc bạn uống thuốc hàng ngày

Biến chứng

Bệnh lao không được điều trị thường gây tử vong. Mặc dù được điều trị nhưng lao vẫn có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn ở phổi, khiến bạn bị khó thở hoặc suy hô hấp.

Lao phổi không điều trị có thể lan truyền sang các cơ quan khác, ví dụ như não, gan hoặc tim. Nó có thể gây tổn thương những cơ quan này và dẫn đến tử vong.

Tiên lượng

Lao có thể chữa khỏi nhưng nếu không điều trị hoặc điều trị không đầy đủ, nó thường gây tử vong. Đó là lý do tại sao bạn cần phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ.

Bảo vệ người khác

Những người bị lao thể ẩn sẽ không cần tránh tiếp xúc với người khác.

Nếu bạn bị bệnh lao, bạn sẽ cần nghỉ học, hoặc nghỉ làm và hạn chế tiếp xúc với người khác. Bác sĩ sẽ cho bạn biết khi nào bệnh không còn lây nhiễm nữa và khi đó bạn sẽ có thể quay trở lại các hoạt động thường ngày.

Phòng bệnh

Bạn có thể phòng được lao bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh. Điều này thường là không thể vì bạn có thể làm việc ở bệnh viện, phòng khám, nhà tù hoặc ở nơi dành cho người vô gia cư - đó là những khu vực có người bị nhiễm bệnh. Bạn cũng có thể chăm sóc cho những người thân hoặc bạn bè bị bệnh. Để phòng lao trong những trường hợp này, bạn cần:

+ Tránh ở cùng phòng với người bị lao trong thời gian dài
+ Để không khí trong phòng được lưu thông thường xuyên với bên ngoài
+ Đeo khẩu trang
+ Bất kì ai tiếp xúc với người bị lao nên được xét nghiệm kiểm tra.

Theo Viện y học ứng dụng/ Healthline

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X