Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết khi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TPHCM

Câu hỏi

Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TPHCM khám và điều trị tất cả các bệnh lý huyết học ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Trong bài viết sau, AloBacsi sẽ cung cấp về thời gian làm việc, các dịch vụ cũng như chi phí, bảng giá để bạn đọc thuận tiện hơn khi thăm khám tại bệnh viện.

Trả lời

Lịch sử hình thành Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TPHCM



Tháng 5/1975, Viện truyền máu Quốc có tên gọi mới là Viện Truyền Máu, tiếp tục nhiệm vụ lấy máu, phân phối, cung cấp cho các bệnh viện thành phố. Năm 1976, Viện Truyền Máu được chuyển cho thành phố và hoạt động dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM. Đến năm 1979, Viện Truyền Máu được đổi tên thành Trung tâm Truyền máu - Huyết học.

Trung tâm Truyền máu - Huyết học trở thành trung tâm ghép tủy đầu tiên của cả nước, đánh dấu một bước ngoặc mới trong lịch sử phát triển của y học nước nhà.

Năm 2001, Trung tâm Truyền máu - Huyết học tiếp tục thành lập Ngân hàng máu cuống rốn đầu tiên của Việt Nam để lưu trữ tế bào gốc tạo máu để điều trị các bệnh máu ác tính và di truyền.

Năm 2002, Trung tâm Truyền máu - Huyết học được đổi tên thành Bệnh viện Truyền Máu - Huyết Học.

Năm 2009, bệnh viện được xếp hạng 2, phát triển những ngành mũi nhọn là lĩnh vực xét nghiệm chẩn đoán kỹ thuật cao như: Di truyền sinh học phân tử, Dấu ấn miễn dịch, Giải phẫu bệnh,…

Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học
TPHCM lúc đầu có qui mô đơn giản: 1 khoa Dự trữ máu, 1 khoa Miễn dịch, 1 khoa Huyết sinh học và 1 khoa điều trị, khoa Dược và các phòng chức năng.

Đến năm 2010, cùng với sự phát triển của xã hội, của khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, Bệnh viện Truyền Máu - Huyết Học TPHCM đã dần lớn mạnh và mở rộng. Bệnh viện đã xây dựng mới cơ sở 118 Hùng Vương (phường 12, Quận 5) và cải tạo cơ sở 201 Phạm Viết Chánh (phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1) để hình thành được 5 khối:

- Khối Điều trị: đã phát triển thành 6 khoa (2 khoa nhi, 2 khoa người lớn, 1 khoa ghép tế bào gốc, khoa khám bệnh và 1 khoa HSCC).

- Khối Ngân hàng máu: đạt tiêu chuẩn ngân hàng máu khu vực, gồm có 3 khoa: Tiếp nhận hiến máu, Sàng lọc máu, Điều chế cấp phát, cùng với tổ Quản lý chất lượng.

- Khối Cận lâm sàng: là hệ thống 5 khoa xét ghiệm chuyên biệt bao gồm: Khoa Huyết sinh học, khoa Miễn dịch, khoa Di truyền học phân tử, khoa Giải phẫu bệnh và khoa Sàng lọc máu. Bốn khoa sau được tách ra từ khoa Miễn dịch. Bên cạnh đó còn có khoa Dược, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bộ phận chẩn đoán hình ảnh.

- Ngân hàng Tế bào gốc: tiền thân của nó là Ngân hàng Máu cuống rốn đã được thành lập theo Quyết định số 2352/QĐ-BYT ngày 5/7/2012.

- Khối phòng Chức năng: bao gồm 7 phòng.

Giữa năm 2013, Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TPHCM lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật ghép khó nhất từ trước đến nay, ngay cả trên thế giới cũng rất ít trung tâm thực hiện được, đó là ghép nửa thuận hợp HLA (hay còn gọi là ghép Haplo) dành cho những người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao không có người cho phù hợp HLA hoàn toàn.

Năm 2014, Bệnh viện Truyền máu Huyết học được xếp hạng I và là đơn vị chỉ đạo tuyến về chuyên khoa Huyết học cho các tỉnh phía Nam.

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM có những dịch vụ gì?




Chức năng của bệnh viện là chuyên khám và điều trị các bệnh lý huyết học. Tổ chức tiếp nhận; thu gom; sàng lọc; điều chế; bảo quản; phân phối máu và các thành phần máu cho tất cả các bệnh viện trong TPHCM.

Từ khi thành lập và đi vào phát triển đến nay, bệnh viện đã quy tụ được đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế có chuyên môn cao; có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực y khoa. Trong đó, có thể kể đến các thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa như: ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Hoa, BS.CK1 Nguyễn Phước Bích Hạnh, BS Nguyễn Thị Tuyết Thu, BS.CK1 Lê Thanh Tú, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Vân, TS.BS Phan Thị Sinh…

Bệnh viện xây dựng và tích hợp được nhiều chuyên khoa như: Khoa Khám bệnh; Hồi sức cấp cứu; Huyết học Người lớn; Huyết Học Trẻ em; Ghép tế bào gốc; Khoa Huyết sinh học; Khoa Miễn dịch; Giải phẫu bệnh; Kiểm soát nhiễm khuẩn; Dược; Hiến Máu; Sàng lọc máu; lưu trữ máu cuống rốn, ứng dụng ghép tế bào gốc máu cuống rốn cho bệnh nhân huyết học.

Các dịch vụ nổi bật có thể kể đến như:

Xét nghiệm DNA - huyết thống: Bệnh viện có nhận xét nghiệm ADN tại 118 Hồng Bàng, P.12, Q.5. Khi có nhu cầu về dịch vụ này, bạn đọc có thể liên hệ lầu 1, phòng tư vấn DNA huyết thống. Khi đi cần mang theo CMND hoặc hộ chiếu, nếu trẻ dưới 18 tuổi cần có giấy khai sinh, giấy chứng sinh (hoặc người giám hộ đi theo, phải có giấy xác nhận quyền giám hộ. Ký xác nhận cam đoan và đồng thuận để xét nghiệm cho trẻ). Ngoài ra, nếu giấy khai sinh hoặc chứng sinh không có tên cha mẹ, người giám hộ sẽ phải ký xác nhận cam đoan.

Thời gian trả kết quả và chi phí thực hiện xét nghiệm như sau: Xét nghiệm cho 1 người  (5 ngày làm việc) 3.600.000 đồng, xét nghiệm 2 người để biết liên hệ cha-con, mẹ-con 7.200.000 đồng (6 ngày làm việc), xét nghiệm 3 người để tìm liên hệ cha-con, mẹ-con 9.600.000 đồng (7 ngày làm việc). Cứ mỗi xét nghiệm thêm 1 người sẽ chi trả thêm khoảng 2,4 triệu đồng, cấp thêm hoặc cấp lại bảng kết quả khoàng 150.000 đồng. Trong trường hợp kết quả cần kiểm tra thêm sẽ 18 ngày làm việc. Tất cả các thời gian nhận kết quả trên đều không tính thứ 7, chủ nhật và ngày Lễ, Tết.

ĐT liên hệ: 028 3957 5334 hoặc 028 3957 1342 - Số nội bộ: 189.

Máu cuống rốn: Tế bào gốc máu cuống rốn đã được dùng để điều trị nhiều bệnh lý của hệ tạo máu, những bệnh lý rối loạn miễn dịch di truyền và nhiều hứa hẹn cho lĩnh vực y học tái tạo đang nghiên cứu và ứng dụng. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, bệnh viện đã lưu trữ hơn 2.500 đơn vị tế bào gốc máu cuỗng rốn. Hệ thống lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn, lưu trữ bằng Nitơ lỏng -196 độ C.

Chi phí để lưu máu cuống rốn trong ngân hàng tế bào gốc là khoảng 27 triệu đồng/ mẫu trong năm đầu tiên. Những năm sau đó, chi phí lưu trữ trung bình khoảng 2,2 triệu đồng/ mẫu và việc lưu trữ sẽ kéo dài trong suốt 18 năm. Lưu ý: đây là mức giá trung bình, có thể tăng hoặc giảm ở từng trường hợp cụ thể.

Những trường hợp không nên lưu trữ máu cuống rốn: Từng mắc bệnh hoặc kiểm tra dương tính các loại virus viêm gan B, C, HIV, HTLV1; Bị bất kỳ bệnh ung thư nào, hoặc các bệnh về máu như suy tủy,...; Bị các rối loạn về máu hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch do di truyền hay do lây nhiễm; Bị các bệnh lây lan qua đường tình dục trong đó có giang mai; Bị bất kỳ biến chứng hay bị mắc bệnh trong thời gian mang thai cũng như sinh nở; Có thai ở độ tuổi dưới 18.

Ngân hàng Tế bào gốc: 028 3957 1042 - 0943 253 968.

Giữ hồng cầu đông lạnh: Thay vì chỉ bảo quản được tối đa 42 ngày, bệnh viện đã tìm ra kỹ thuật có thể lưu trữ, bảo quản hồng cầu đông lạnh đến 10 năm. Việc này không chỉ giúp những bệnh nhân có nhóm máu hiếm trong những tình huống cấp cứu khẩn cấp, mà còn mở ra cơ hội cho những bệnh nhân có nhu cầu sử dụng máu của chính mình (truyền máu tự thân) để bảo đảm sự an toàn cần thiết. Hiện nay, giá dịch vụ sử dụng máu dự trữ bằng kỹ thuật đông lạnh hồng cầu khá lớn do chi phí để ứng dụng kỹ thuật này khó và điều kiện bảo quản ngặt nghèo nên chưa thể triển khai đại trà, chỉ sử dụng trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Bạn đọc có nhu cầu cần liên hệ trực tiếp đến bệnh viện.

Xét nghiệm miễn dịch:

Hiện tại, bệnh viện đã và đang triển khai 3 loại hình miễn dịch xét nghiệm:

- Xét nghiệm Coombs test: Đây là loại hình xét nghiệm với mục đích là phát hiện kháng thể IgG trên hồng cầu, chi phí khoảng 70.000 đồng (đã thanh toán BHYT). Thông thường, kết quả sẽ được trả sau 1 ngày thăm khám, trường hợp khẩn cấp thì sau 2 giờ.

- Xét nghiệm nhóm máu khó nhằm xác định nhóm ABO, Rhesus, chi phí khoảng 180.000 đồng. Kết quả xét nghiệm thường sẽ có sau khoảng 2 ngày.

- Xét nghiệm HBV-DNA (khoảng 1,7 triệu đồng), HCV-RNA (khoảng 1,7 triệu đồng), CMV-DNA (khoảng 1,5 triệu đồng) nhằm định lượng số copies virus viêm gan B, C, CMV trong huyết thanh để phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị. Thời gian trả kết quả có thể kéo dài trong 5 ngày làm việc.

HLA:

- HLA - B27 là xét nghiệm có giá trị trong chẩn đoán bệnh viêm cột sống dính khớp và một số bệnh xương khớp khác. Chi phí xét nghiệm khoảng 700.000 đồng/mẫu.

- Kháng thể kháng HLA: Ở người nhận, sự tồn tại kháng thể kháng HLA đặc hiệu với kháng nguyên HLA người cho có thể dẫn tới hiện tượng thải ghép. Do đó, các bệnh nhân dự tính ghép nên làm xét nghiệm sàng lọc kháng thể kháng HLA để xác định trạng thái tiền mẫn cảm, từ đó có phương án lựa chọn người cho thích hợp. Chi phí xét nghiệm khoảng 5.293.000 đồng/ mẫu.

- Định type HLA: Hệ thống HLA có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch và là tác nhân tiên quyết gây ra hiện tượng thải ghép.

Nếu giữa bệnh nhân cần ghép và người cho không có sự phù hợp HLA thì các tế bào gốc hay cơ quan của người cho có thể bị hủy hoại bởi hệ miễn dịch của người nhận, từ đó gây ra triệu chứng thải ghép, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là tử vong. Ngược lại, nếu có sự tương đồng HLA giữa hai cá thể cho và nhận thì ca ghép có tỷ lệ thành công cao. Như vậy, việc xác định kiểu gen HLA, nhằm tìm người cho có sự tương đồng về HLA với người nhận, là bắt buộc và là yếu tố quan trọng cho việc thành công của ca ghép.

Xét nghiệm xác định HLA tại Bệnh viện Truyền máu Huyết xác định kiểu gen của 5 locus HLA quan trọng trong ghép là HLA-A, HLA-B, HLA-C, HLA-DRB1 và HLA-DQB1. Chi phí xét nghiệm là 2.080.000 VNĐ/1 locus, cho 5 locus A, B, C, DR, DQ là 10.400.000 đồng/mẫu.

ĐT liên hệ: 028 39 571 342 (Số nội bộ 108 hoặc 181).

Kinh nghiệm khám ở Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM

Phiếu hướng dẫn thông tin tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM


Cách đặt lịch khám ở Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM

Để không mất thời gian chờ tại bệnh viện, bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 028 1080 để đặt lịch khám ngay trong ngày (hoặc đăng ký trước 30 ngày), cung cấp thông tin người đến khám (họ tên, năm sinh, điện thoại), ngày đăng ký và nhu cầu khám. Khi đi khám, đến bệnh viện trước 30 phút so với giờ hẹn, liên hệ trực tiếp tại quầy hướng dẫn để được hỗ trợ thêm về các thủ tục.

Bạn sẽ thuộc đối tượng ưu tiên nếu là: Các trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 1 tuổi, người khuyết tật nặng, người già từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng (có thẻ chứng nhận), phụ nữ mang thai trên 7 tháng, các bệnh viện khác chuyển bệnh hoặc mẫu xét nghiệm đến (có nhân viên y tế đi kèm), bệnh nhân từ bệnh viện khác đến chỉ làm thủ thuật và người bệnh đã ghép tế bào gốc.

Thủ tục khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM

Các thủ tục BHYT

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM là bệnh viện chuyên khoa hạng I (tuyến tỉnh), người bệnh khi muốn khám có BHYT cần có thêm điều kiện sau:

- Thẻ BHYT phải còn thời hạn sử dụng (bản chính + 01 bản photo)

- Giấy tờ tùy thân có dán ảnh và có mộc giáp lai trên ảnh (trừ trẻ em dưới 6 tuổi) (bản chính + 01 bản photo).

- Giấy chuyển tuyến (có giá trị sử dụng trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký) (bản chính + 01 bản photo) à chỉ nộp vào lần đầu tiên sử dụng Giấy chuyển tuyến mới.

Lưu ý: Nếu bạn chưa chuẩn bị giấy tờ trước đó thì nhân viên y tế tại bệnh viện sẽ hỗ trợ photo miễn phí. Bạn có thể liên hệ đến quầy hướng dẫn. Người bệnh chỉ nộp đủ các giấy tờ nêu trên vào lần khám đầu tiên hoặc khi sử dụng Giấy chuyển tuyến mới. Nếu tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, người bệnh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT và Giấy tờ tùy thân (bản chính).

Các trường hợp cần nộp Giấy chuyển tuyến mới là:
Người bệnh đến khám bệnh BHYT lần đầu tại bệnh viện; Người bệnh tái khám không đúng hẹn tái khám theo quy định; Người bệnh mới sử dụng thẻ BHYT lần đầu; Người bệnh chuyển trái tuyến sang đối tượng BHYT đúng tuyến; Thẻ BHYT hết hạn và được cấp thẻ BHYT mới; Lần khám đầu tiên vào đầu mỗi năm Dương lịch.

Quy định của Bộ Y tế về việc sử dụng Giấy chuyển tuyến:

- Các trường hợp mắc các bệnh lý các bệnh lý Huyết học mạn tính: được sử dụng Giấy chuyển tuyến 01 lần trong năm dương lịch. Bao gồm:


STT

TÊN BỆNH

01

Ung thư

02

Đa hồng cầu

03

Thiếu máu bất sản tủy

04

Thiếu máu tế bào hình liềm

05

Thiếu máu tán huyết di truyền khác

06

Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia)

07

Tan máu tự miễn

08

Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

09

Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm

10

Bệnh Hemophilia

11

Các thiếu hụt yếu tố đông máu

12

Các rối loạn đông máu

13

Von Willerbrand

14

Bệnh lý chức năng tiểu cầu

15

Hội chức thực bào máu

16

Hội chứng Anti-phospholipid

17

Suy tủy

18

Tăng sinh tủy

19

Lupus ban đỏ

20

Hội chứng loạn sản tủy xương

21

Xơ tủy

22

Hội chứng Evans

23

Hội chứng tăng tiểu cầu tiên phát

24

Bệnh lý gama đơn dòng

25

Thiếu máu thiếu G6PD

26

Bệnh mô bào của tế bào Langerhan

27

Các trường hợp có chỉ định sử dụng thuốc chống thải ghép sau ghép mô, bộ phận cơ thể người


- Các trường hợp khác: mỗi giấy chuyển tuyến được sử dụng 2 lần: 01 lần khám theo giấy chuyển tuyến và 1 lần khám tiếp theo nếu bác sĩ có hẹn tái khám. Từ lần tái khám thứ 3 trở đi, người bệnh phải có Giấy chuyển tuyến mới.

Làm sao để hiến máu tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM?


Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM thường xuyên tổ chức ngày hội hiến máu nhân đạo thu hút nhiều người tham dự. Nếu bạn đã lên kế hoạch hiến máu, hãy đến bệnh viện vào các ngày từ thứ 2 - thứ 6, sáng từ 7g - 11g30, chiều từ 13g30 - 17g30. Khi tham gia hiến máu các bạn nhớ mang theo CMND.

Ngoài ra, nếu các đơn vị muốn đăng ký hiến máu số lượng từ 50 người trở lên, bệnh viện sẽ có xe đến lấy máu trực tiếp tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ 7 và chủ nhật.

Bảng giá và chi phí khám tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM



Giờ làm việc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM


Thứ 2 - thứ 6: 7g - 16g30p
Thứ 7: 7g – 12g

Địa chỉ và số điện thoại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM


Trụ sở chính (Ngân hàng máu - Ngân hàng tế bào gốc):
118 Hồng Bàng, Q.5, TPHCM
ĐT: 028 3957 1342
Website: http://bthh.org.vn

Chi nhánh (Khám chữa bệnh):
201 Phạm Viết Chánh, P. Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TPHCM
ĐT: 028 3839 7535
Website: http://bthh.org.vn

Phương Nguyên (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X