Hotline 24/7
08983-08983

Những công dụng hữu ích từ khoai lang

Ngoài là bài thuốc nhuận tràng rất hữu hiệu, khoai lang còn có nhiều công dụng trong chữa trị các loại bệnh khác như lỵ, di tinh, tiểu đục, kinh nguyệt không đều…

Củ khoai lang (Hình minh họa: procedural.co)
Củ khoai lang (Hình minh họa: procedural.co)

Khoai lang là loại lương thực rất quen thuộc ở Việt Nam. Củ khoai lang vừa thơm, vừa ngậy khi chế biến thành món chiên, món luộc đều là món ăn vặt yêu thích của nhiều người. Đặc biệt, khoai lang nướng còn là món ăn "khoái khẩu" rất được yêu thích với người dân miền Bắc khi mùa đông tới.

Ngoài vai trò là loại thực phẩm thơm ngon, khoai lang cũng là vị thuốc có khá nhiều công dụng, đặc biệt là trị chứng táo bón. Theo cuốn sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" (NXB Khoa học và Kỹ thuật), khoai lang vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ, nhuận tràng.

Khoai lang được dùng làm thuốc nhuận tràng, làm phân mềm, không gây đau bụng với công thức: khoai lang sống một củ, rửa sạch, gọt vỏ, giã nhỏ, chế với nước chín, quấy đều, uống một bát vào sáng sớm. Sau vài giờ, nếu vẫn táo bón chưa đi được, tiếp tục uống thêm. Dùng vài ngày hay lâu hơn đến khi hết táo bón. Có thể dùng từ 60 đến 100g lá tươi hoặc từ 30 đến 40g lá khô, sắc uống.

Để chữa bệnh lỵ mới phát, lấy vài củ khoai nướng cho đến khi cháy hết vỏ, phần bên trong vừa chín, bóc ăn lúc còn nóng thì đại tiện thông, hết mót rặn. Khoai lang khô tán bột, uống mỗi lần từ 15 đến 20g vào sáng sớm và trước khi đi ngủ là bài thuốc chữa di tinh (hiện tượng nam giới không kiểm soát được vấn đề xuất tinh của mình) và tiểu đục. Dùng công thức này trong vài tuần.

Ngoài ra, khoai lang còn có công dụng hữu hiệu trong chữa chứng cảm sốt mùa hè, thân thể đau nhức, khát nước, không muốn ăn với công thức củ khoai lang khô 1 bát, ngấy tía, sắn dây, rau má mỗi vị 1 nắm. Tất cả sắc uống với liều lượng ngày một thang.

Khoai lang cũng có tác dụng chữa kinh nguyệt không đều ở phụ nữ bằng cách ăn chúng mỗi tháng một vài tuần ở giữa hai kỳ kinh.

Ở nước ngoài, các bộ phận khác từ cây khoai lang như lá, ngọn non, rễ... cũng được sử dụng rất nhiều trong chữa trị các loại bệnh.

Ở một sô nước Đông Nam Á và Ấn Độ, nhân dân dùng lá và ngọn non khoai lang làm thuốc nhuận tràng và trị lỵ.

Ở Malaysia, rễ hoặc củ khoai lang đun lấy nước uống để giảm khát khi bị sốt, ngọn khoai lang non là thuốc đắp để mụn chóng mưng mủ. Lá khoai lang giã nhuyễn, bôi chữa khớp bị cứng và vết bỏng, dùng cả dây giã đắp lại là bài thuốc trị chứng khớp cứng do thấp khớp.

Ở Papua Niu Ghinê, nhân dân điều trị vết đứt hoặc bỏng bằng dịch từ củ khoai lang hơ nóng. Khi khô, dịch này trở thành một loại nhựa dẻo bám vào da. Giống khoai lang lá đỏ được dùng để dự phòng mụn nhọt, lở loét ở da trẻ nhỏ và trị đái tháo đường. Nước sắc lá khoai lang uống có tác dụng chữa bệnh đau dạ dày.

Ở Indonesia, cây khoai lang được dùng ngoài để trị nhọt.

Ở Gana, nhân dân dùng lá giã với ít muối đắp trị chín mé (một bệnh rất hay gặp trong các nhiễm khuẩn ở đầu ngón tay, gây ra bởi virus herpes). Bột nhão rễ hoặc lá đắp trị bọ cạp cắn.

Theo VTV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X