Hotline 24/7
08983-08983

Những câu hỏi thường gặp về ung thư vú

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư vú trên thế giới ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam ung thư vú đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và thứ 3 về tỷ lệ tử vong ở nữ giới.

1. Độ tuổi nào dễ mắc ung thư vú?
Ung thư vú phổ biến hơn ở người cao tuổi (thường sau 50 tuổi rủi ro bắt đầu tăng) tuy nhiên nữ giới ở bất kì độ tuổi nào cũng có thể mắc ung thư vú. Đặc biệt theo nhiều thống kê, ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa đáng báo động khi số lượng bệnh nhân trẻ phát hiện ung thư vú ngày một nhiều.
2. Làm sao để biết mình có bị ung thư vú hay không?
Rất đông bệnh nhân phát hiện mình mắc ung thư vú khi đã ở giai đoạn muộn và có triệu chứng đặc hiệu. Thời gian ủ bệnh của ung thư vú khá lâu (có thể kéo dài tới 8-10 năm) và không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn sớm.
Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh là tham gia thăm khám, sàng lọc ung thư vú tại cơ sở chuyên khoa định kì. Phụ nữ từ 25 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư vú với tần suất mỗi 1-3 năm/lần và tập thói quen khám vú tại nhà để dễ dàng nhận ra các bất thường. Với người có nguy cơ cao mắc bệnh nên tầm soát mỗi 3-6 tháng/lần.

Phụ nữ từ 25 tuổi nên tầm soát ung thư vú để phòng ngừa bệnh và can thiệp kịp thời

3. Dấu hiệu của ung thư vú là gì?
Bất kỳ thay đổi bất thường nào ở vú đều có thể là dấu hiệu của ung thư vú:
- Khối u: Một khối u không đau, cứng, bất động, với các bờ không đều có nhiều khả năng là ung thư. Một khối u ở vùng nách cũng có thể là một triệu chứng. Tuy nhiên, không phải tất cả các khối u đều là ung thư.
- Thay đổi kết cấu da: Da bị co lại, lõm hoặc trạng thái như vỏ cam, da dày lên.
- Đỏ, sưng tất cả hoặc một phần của vú.
- Thay đổi núm vú: Đầu vú bị tụt, núm vú chảy dịch bất thường…
Khi phát hiện ra những điểm bất thường bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám trực tiếp, đánh giá tình trạng bệnh.
4. Bệnh này có liên quan đến di truyền không?
Ung thư vú được xem là có liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình bạn có người cùng huyết thống từng mắc ung thư vú thì bạn sẽ được xếp vào nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh do thừa hưởng các gen bất thường.

Hiện tượng đột biến khi xảy ra trên 2 gen BRCA1 và BRCA2 là nguyên nhân chính gây ra ung thư vú. Vì vậy, bạn cần tăng cường khám sàng lọc ung thư vú nếu thuộc nhóm gia đình có tiền sử bệnh này.
5. Nên khám vú hay tầm soát ung thư vú vào thời gian nào?
Bạn nên khám và tầm soát ung thư vú vào khoảng thời gian 5-7 ngày sau khi sạch kinh. Thời điểm này nồng độ estrogen trong máu giảm, tuyến vú bớt giữ nước và bớt căng hơn, việc quan sát hình ảnh sẽ dễ hơn. Phụ nữ sau 25 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư vú.

6. Cần làm gì để phòng ngừa ung thư vú?

Giới chuyên môn khuyến cáo khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú là cách đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa ung thư vú và can thiệp kịp thời khi cần. Bên cạnh đó bạn cần xây dựng chế độ ăn lành mạnh (uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, giảm thiểu chất béo); cân bằng công việc và vận động tích cực mỗi ngày; cân nhắc sử dụng liệu pháp thay thế hormone giai đoạn mãn kinh; hạn chế tối đa rượu bia, thuốc lá, không nên sinh con đầu lòng muộn và nên tích cực nuôi con bằng sữa mẹ…

7. Ung thư vú có chữa khỏi được không?

Ung thư vú có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tiên lượng sống của bệnh nhân giảm dần theo giai đoạn bệnh. Việc phát hiện sớm không chỉ tăng thêm cơ hội chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân mà còn giúp tiết kiệm chi phí, giảm đau đớn, tăng tuổi thọ và tăng cơ hội phẫu thuật bóc tách khối u thành công, bảo toàn nét đẹp nữ tính.

8. U vú lành tính có dẫn tới ung thư vú không?

U vú lành tính (khối u vú được kết luận lành tính khi đã thực hiện sinh thiết, có hình ảnh tế bào học) thì khả năng chuyển thành ung thư rất thấp. Tuy nhiên khối u vú vẫn được xem là yếu tố nguy cơ gây ra ung thư vú vì vậy bạn vẫn cần theo dõi sát sao sức khỏe tuyến vú, thực hiện khám sàng lọc ung thư vú định kì để phòng ngừa bệnh hay can thiệp sớm khi cần.

Khi có vấn đề sức khỏe tuyến vú bạn nên tới các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và tư vấn chi tiết tình trạng bệnh và hướng điều trị

9. Các phương pháp điều trị ung thư vú cơ bản?

- Trong điều trị ung thư vú, phẫu thuật vẫn là phương pháp cơ bản nhất. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bóc tách khối u hay phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú.

- Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia năng lượng cao như tia X, proton... để tiêu diệt tế bào ung thư và phòng ngừa ung thư tái phát.

- Hóa trị là cách sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư, liệu pháp này được sử dụng để điều trị những người mà tế bào ung thư có nguy cơ tái phát cao hoặc lan rộng sang các bộ phận khác của cơ thể. Hóa trị có thể được áp dụng trước khi phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước khối u.

- Liệu pháp hormone là cách sử dụng thuốc làm chậm hoặc ngừng phát triển các khối u, liệu pháp này cũng có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ tái phát ung thư vú.

- Điều trị đích: Sử dụng thuốc hướng vào các mục tiêu cụ thể nhằm ngăn chặn sự phát triển hay lan rộng của các khối u (chúng tấn công vào các gen hay protein chuyên biệt được tìm thấy trong các tế bào ung thư hoặc tế bào liên quan mật thiết tới sự phát triển của khối u).

10. Ung thư vú ảnh hưởng thế nào đến vấn đề thai sản và nuôi con?

Đây là một câu hỏi có phạm vi rất rộng. Ung thư vú có ảnh hưởng đến vấn đề thai sản và nuôi con, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh, tình trạng bệnh cụ thể và phác đồ điều trị họ áp dụng (ví dụ với bệnh nhân ung thư vú có điều trị hóa chất thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng buồng trứng… ). Tuy nhiên với bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú trong độ tuổi sinh sản, họ vẫn có cơ hội mang thai và sinh con.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X