Hotline 24/7
08983-08983

Nhiễm ký sinh trùng: Uống một viên là hết

Tưởng tượng có con giun (ký sinh trùng) len lỏi trong người, chui lên não khiến nhiều người lo lắng không yên. Thuốc điều trị ký sinh trùng chỉ dùng một liều duy nhất nhưng nhiều người lạm dụng uống liên tục, kéo dài gây tác hại cho cơ thể.

Mấy tuần gần đây, lượng bệnh nhân đến Phòng khám Chuyên khoa ký sinh trùng của BV Bệnh nhiệt đới, TPHCM bỗng dưng tăng đột biến, từ 20 bệnh nhân/ngày tăng lên 40-50 bệnh nhân/ngày. Theo các bác sĩ, nguyên nhân là người dân sau khi đọc báo thấy nói ký sinh trùng (KTS) có thể chui lên não, gây biến chứng hôn mê và chết nên rất hoang mang. Có người còn sa sút tinh thần, kém ăn, đòi tự vẫn…

Ám ảnh sợ KST chui vô não

Bà NTH (45 tuổi, quận 8) bị ngứa nhiều ở tay, đã đi khám chuyên khoa da liễu nhưng không biết là bệnh gì, uống thuốc dị ứng cũng không hết. Được hàng xóm mách nước bà đi làm xét nghiệm máu, kết quả dương tính với KTS giun đũa chó. Sau bốn năm điều trị nhiều nơi, bà H. nghĩ căn bệnh của mình chữa cả đời cũng không hết nên tinh thần sa sút và định tự vẫn. Trước khi tự vẫn, bà đến BV Bệnh nhiệt đới… cầu may lần cuối!

Còn chị LTTT (25 tuổi, Tiền Giang) bị ngứa suốt hai năm qua, cứ ngưng thuốc 1-2 ngày là ngứa. Kết quả xét nghiệm tại một trung tâm y khoa TPHCM cho biết chị nhiễm giun lươn nhưng uống thuốc hoài không thấy hết. Quá lo lắng, sáng 7/12, cả bốn người trong gia đình chị đến BV Bệnh nhiệt đới kiểm tra KST.

Bệnh nhân chỉ cho bác sĩ chỗ ngứa điều trị hoài không hết nên nghĩ là bị nhiễm KST. Ảnh: DUY TÍNH


Hầu hết bệnh nhân đi khám KST đều bị ngứa, lo lắng, khổ sở đến mức ám ảnh. Có người đến xin bác sĩ cho thuốc nặng “đô” để khỏi cảm thấy có con gì đó bò, nhéo dưới da, nhói nhói trong ruột. Không ít người đã nghe lời hù dọa của hàng xóm: “Coi chừng mấy con KST nó chui vào não!”.

Một xét nghiệm không nói được điều gì

BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn (Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Bệnh nhiệt đới) cho biết: Thống kê tại bệnh viện cho thấy chỉ có 30% có biểu hiện nhiễm KST. Đa số bệnh nhân đến BV Bệnh nhiệt đới sau khi đã đi nhiều nơi điều trị KST nhưng triệu chứng vẫn còn y nguyên (ngứa, đau đầu, huyết thanh dương tính KST, não có tổn thương chất trắng khi MRI). Nhiều người xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh dương tính KST. Mặc dù bác sĩ đã giải thích là không bị bệnh gì nhưng nhiều bệnh nhân cứ khăng khăng tự cho là đã nhiễm KST. Một số bác sĩ bệnh viện, phòng khám tư cho bệnh nhân uống thuốc diệt KST kéo dài, tốn kém mà kết quả mơ hồ khiến bệnh nhân rất lo lắng.

Theo BS Mẫn, kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với KST thì không chắc tại thời điểm đó bệnh nhân bị nhiễm KST. Vì có thể bệnh nhân đã bị nhiễm KST từ vài năm trước, đã khỏi bệnh và sau đó kháng thể vẫn tiếp tục tồn tại trong máu. Do đó, nếu chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm huyết thanh thì kết luận nhiễm KST sẽ không chính xác.

Các xét nghiệm miễn dịch về KST khó có độ đặc hiệu cao vì có khả năng dương tính chéo do các loại KST có kháng nguyên gần giống nhau. Thí dụ, một người bị nhiễm giun đường ruột nhưng xét nghiệm huyết thanh có thể dương tính chéo với bệnh ấu trùng giun đũa chó.

BS Mẫn cho biết để chẩn đoán một người bị nhiễm KST, cần kết hợp nhiều thứ như xét nghiệm huyết thanh, xét nghiệm công thức máu tìm bạch cầu ái toan...

Lạm dụng thuốc gây hệ quả xấu

Theo BS Mẫn, điều trị KST không khó, thuốc điều trị KST chỉ cần uống một liều nhưng tại một số phòng khám tư, bác sĩ cứ cho bệnh nhân uống hoài hoài. Thuốc này khá đắt tiền (giá bán ở bệnh viện là hơn 100.000 đồng/viên, còn ở các phòng khám từ 500.000 đến 1 triệu đồng/viên).

“Thuốc KST uống lâu ngày sẽ làm suy gan, tăng men gan (bình thường <40 U/l nhưng sau khi uống nhiều thuốc KST, men gan có thể tăng lên gấp 4-5 lần). Lúc đó bệnh nhân có thể bị chán ăn, vàng da…; thậm chí triệu chứng ngứa có thể trầm trọng hơn do gan hoặc do dị ứng thuốc. Phụ nữ mang thai nếu uống thuốc này vào sẽ rất nguy hiểm” - BS Mẫn khuyến cáo.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết thêm: “Không phải triệu chứng ngứa nào cũng do KST mà đa phần là do dị ứng. Nếu uống đúng liều mà không hết ngứa thì bệnh nhân nên nghĩ đến bệnh khác vì KST vốn không kháng thuốc”.

. KST có thể dễ dàng chui lên não và sinh sôi ở đó?

+ Sai. KST khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tìm đường tới chỗ nào thích hợp nhất để ký sinh. Có thể KST đi lạc lên đến não nhưng qua giai đoạn thâm nhập, nó có thể tự chết do không thích nghi được. (Nếu KST thích nghi thì sẽ xảy ra một số triệu chứng nhưng không đặc hiệu).

. Nếu có triệu chứng ngứa đi kèm với xét nghiệm máu dương tính với KST thì phải uống thuốc diệt KST?

+ Sai. Đừng tự chẩn đoán KST nếu chỉ dựa vào một triệu chứng hay xét nghiệm nào đó mà cần để các chuyên gia về KST dựa trên nhiều dữ kiện về dịch tễ, lâm sàng, xét nghiệm hoặc thậm chí điều trị thử mới kết luận được bệnh nhân có nhiễm KST hay không.

. Ngứa không phải là bệnh nan y và có thể chữa được?

+ Đúng. 70% bệnh nhân khám ở BV Bệnh nhiệt đới không bị nhiễm KST mà bị dị ứng, bị ngứa do nấm da, chàm... Các trường hợp này nếu chẩn đoán đúng sẽ điều trị khỏi.


Theo Duy Tính - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X