Hotline 24/7
08983-08983

Nhận biết và xử trí tiêu chảy cấp mùa nắng nóng

Mùa hè, nhiệt độ cao thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm nên thức ăn bị hư hỏng nhanh...

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nảy nở, làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống. Một trong những bệnh thường gặp khi mùa hè đến là bệnh tiêu chảy cấp.

Tiêu chảy dễ lây lan

Tiêu chảy thường là dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột; do nhiễm vi khuẩn gây bệnh tả, thương hàn, kiết lỵ; Virut đường ruột: Rotavirus; Ký sinh trùng đường ruột. Ngoài ra, có thể do nhiễm độc hóa chất, dị ứng thức ăn.

Bệnh lây nhanh, dễ gây thành dịch lớn và có thể tử vong cao. Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh nhưng một số đối tượng dễ mắc là trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa, chủ yếu là đường phân - miệng qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn: Do thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh; Do không rửa tay, vệ sinh dụng cụ chế biến thức ăn; Do không bảo quản thức ăn đúng cách (ruồi nhặng bâu đậu, thức ăn để lâu, để ở nhiệt độ không đúng quy định).

Khi trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống oresol theo đúng liều lượng để phòng mất nước.Khi trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống oresol theo đúng liều lượng để phòng mất nước.

Thời tiết nóng dễ bị tiêu chảy

Nguyên nhân dẫn đến dễ bị tiêu chảy là do khí hậu nóng ẩm trong mùa hè tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virut gây tiêu chảy dễ bùng phát và xâm nhập qua đường thức ăn, đồ uống gây bệnh cho con người. Tiêu chảy do nhiễm khuẩn chủ yếu là do vi khuẩn và độc tố của chúng. Những người mắc các bệnh mạn tính ở đường tiêu hoá như viêm loét dạ dày - tá tràng... cũng dễ bị tiêu chảy hơn người bình thường.

Đây là một dạng bệnh dễ mắc phải, nhưng rất nguy hiểm vì tính lan truyền của nó. Nếu người dân còn thiếu kiến thức về bệnh cũng như ý thức kém trong vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống thì sẽ nhiều người mắc trong một gia đình và khu ở.

Càng tiêu chảy nhiều lần trong ngày thì hiện tượng mất nước và mất chất điện giải ngày càng tăng làm cho bệnh nhân bị trụy tim mạch cấp tính trong một khoảng thời gian ngắn có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Sự nguy hiểm của bệnh tả là nguy kịch và có thể làm cho nhiều người mắc bệnh nếu cùng ăn, uống một loại thực phẩm, nước uống bị nhiễm vi khuẩn tả.

Dấu hiệu nhận biết và xử trí

Tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài trên 3 lần/ngày, phân lỏng toàn nước hoặc trong phân có lẫn máu. Thời gian bị tiêu chảy không quá 14 ngày. Tiểu chảy cấp là một trong những nguyên nhân chính làm mất nước và rối loạn điện giải, gây ảnh hưởng tiêu cực và nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chính vì thế, khám và điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em càng sớm càng hạn chế được những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Ở những trường hợp mắc bệnh do virut thường có các triệu chứng như: trẻ sốt (38-40 độ C), quấy khóc, ói, đi tiêu lỏng nhiều nước, đi nhiều lần trong ngày. Thời gian bệnh thường kéo dài từ 3-7 ngày. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp thường rất mệt mỏi, sụt cân, kém ăn.

Còn những trẻ bị tiêu chảy cấp do nhiễm trùng (như: E.Coli, lị trực khuẩn, lị amip…) ngoài những biểu hiện như trên còn thêm một điểm là tiêu phân đờm có máu. Với những trường hợp bị bệnh này, cần phải dùng kháng sinh để điều trị, thời gian chữa trị thường kéo dài trong 2 tuần.

Trẻ bị tiêu chảy cấp thường mất nước nên cần phải bù nước, chú ý trước khi pha cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì, không được làm theo mách bảo. Một số bà mẹ có quan niệm sai lầm khi thấy trẻ bị tiêu chảy thường cho trẻ nhịn ăn, nhịn uống, thậm chí ngừng cho bú hay pha sữa đặc hơn. Ngược lại, cần cho trẻ ăn nhiều hơn 1-2 cữ so với các bữa ăn hàng ngày, thức ăn phải loãng, dễ tiêu hóa, uống thêm nước (100ml nước/1 lần đi tiêu). Ngoài thức ăn bình thường cần uống thêm vitamin, yếu tố vi lượng là kẽm để tăng sức đề kháng cho trẻ. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt liên tục, ói không cầm, ăn uống kém, ngủ li bì, phân có máu, khát nước (đòi uống liên tục)…, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời vì bệnh đã trở nặng. Không nên tự mua thuốc ngoài uống, càng không được cho trẻ uống những chế phẩm làm ngừng tiêu chảy tạm thời khác.

Làm gì để phòng ngừa bệnh?

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Thường xuyên rửa tay cho trẻ và người chăm sóc trẻ với nước sạch và xà phòng: trước và sau khi chăm sóc trẻ; trước khi cho trẻ ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi che miệng khi ho, hắt hơi.

Không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, không uống nước lã... Tốt nhất nên ăn lúc nào nấu chín lúc đó, không ăn thức ăn đã nấu chín nhưng để thời gian quá lâu mà không được bảo quản cẩn thận vì có thể ruồi, nhặng hoặc gián xâm nhập mang theo mầm bệnh.

Nước dùng để rửa thực phẩm không nên dùng nước ao hồ, sông, suối. Dụng cụ dùng để chế biến thực phẩm, dùng trong bữa ăn như bát, đũa, cốc, chén, muôi, thìa... sau khi rửa sạch bằng nước lã cần được nhúng qua nước đang đun sôi. Trẻ phải được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia, đặc biệt là tiêm phòng bệnh sởi.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X