Hotline 24/7
08983-08983

Người gầy dễ mắc bệnh giun sán phải không AloBacsi?

Qua email ngày 9/3, BS Lan Hương trả lời nhiều bạn đọc bị viêm dạ dày, viêm mũi họng lâu ngày chưa khỏi, và thắc mắc về người gầy có dễ mắc bệnh giun sán.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Tran Thao - tranthao…@gmail.com (hỏi tiếp)

Câu trước: Uống thuốc vẫn đau bụng, có cần nội soi đại tràng?

Dạ vâng, cháu cảm ơn BS Hương ạ.

Cháu mới đi khám ở BV Đại học Y. BS yêu cầu nội soi dạ dày, siêu âm ổ bụng và xét nghiệm phân, kết luận cháu bị viêm dạ dày và đưa cho cháu 1 tài liệu tham khảo về hội chứng ruột kích thích. BS đưa ra đơn thuốc uống trong 3 tháng và bảo cháu nếu uống hết thuốc mà vẫn bị đau bụng thì đi nội soi đại tràng.

BS cho cháu hỏi: Viêm dạ dày chữa có nhanh khỏi không ạ? Cháu đang có dự định có em bé nên rất sốt ruột. Mong BS thông cảm ạ. Cháu xin chân thành cảm ơn BS ạ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Thảo,

Viêm dạ dày là bệnh thường gặp, có thể chữa được khỏi hẳn nhưng có thể tái phát và thời gian điều trị kéo dài hay không khác nhau ở mỗi người. Nguyên nhân gây viêm dạ dày (bao tử) thường gặp nhất là do vi khuẩn Hp, tiếp đó là do dùng thuốc (thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc điều trị đau khớp...), căng thẳng đầu óc - ăn uống thất thường, hội chứng khó tiêu chức năng.

Để bệnh nhanh khỏi, em nên uống thuốc theo hướng dẫn của BS. ngoài ra, em cần chú ý hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm/ vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ. Nếu uống hết 3 tháng thuốc mà vẫn bị đau bụng thì nên đi nội soi đại tràng.


- Thanh Bình - thanhbinh…@gmail.com (hỏi tiếp)

Câu trước: Đau vùng lưng ở người trẻ, bệnh gì?

Dạ trước hết chân thành cám ơn các BS,

Em vừa rồi đi BV Chấn Thương Chỉnh Hình (TPHCM), khám và chụp phim, BS kết luận em bị đau cơ năng. Em thấy BS cho em chủ yếu là thuốc giảm đau, sau khi uống vài ngày em thấy đỡ đau hẳn nhưng em nghĩ là do thuốc giảm đau.

Theo BS em có nên đi khám lại ở BV nào nữa không? Cám ơn các BS đã chỉ dẫn nhiệt tình!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thanh Bình,

BV Chấn Thương Chỉnh Hình là BV chuyên khoa sâu, em đã được khám và chụp phim kiểm tra thì nên tin tưởng BS điều trị.

Điều trị đau cơ năng thì chủ yếu vẫn là thuốc giảm đau, nghỉ ngơi và tập thể dục đúng cách, việc điều trị này đúng theo phác đồ chứ không phải BS điều trị khỏa lấp triệu chứng rồi thôi.

Như vậy, em nên uống thuốc theo toa của BS, duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh bao gồm tập thể dục thể thao, trong đó hiệu quả nhất là yoga, tập gym, bơi lội, các bài tập vận động toàn bộ cơ thể. Song song đó, em chú ý nệm nằm cần nệm đủ chắc, không lò xo, khi nằm ngửa tạo được thế thẳng lưng, chú ý dáng ngồi dáng đi.

Nếu đau ngày càng nhiều, đau liên tục, sụt cân, sốt về chiều, da nổi ban bất thường, cứng khớp thì cần phải khám BS chuyên khoa cơ xương khớp để tìm các bệnh lý hiếm gặp ảnh hưởng lên hệ cơ xương khớp ở người trẻ. Khi đó em có thể tái khám tại Bv chấn thương chỉnh hình, hoặc nếu lo lắng thì có thể tái khám ở chuyên khoa cơ xương khớp của BV khác.


- Bạn đọc Duyên - tranthithuy…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 26 tuổi, là nữ. Dạo gần đây (khoảng 2 tuần) em có cảm giác cổ bị vướng 1 vật gì đó, hay ợ hơi, mỏi hàm, mệt mỏi trong người... BS có thể cho em biết đang bị gì không? Em cám ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Duyên,

Triệu chứng vướng đàm trong cổ, ợ hơi, mệt mỏi thường gặp trong viêm họng (có thể cấp hoặc cấp trên nền mạn), trào ngược dạ dày thực quản, thiếu nước khô họng, cảm nhiễm...

Tốt hơn hết em nên khám chuyên khoa tai mũi họng để BS khám và soi kỹ khu vực hầu họng để định bệnh và điều trị thích hợp.

Bên cạnh đó, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi.


- Nguyễn Minh Tuấn - mw…@yahoo.com

Cháu chào BS,

Cháu là nam, cao 183.5cm, nặng 73.5kg. Hiện nay cơ bắp toàn thân của cháu trở nên mềm hơn, nhất là cơ tay, cơ chân, cơ mông, mấy chỗ đó rất mềm, như là chỉ có da và mỡ vậy.

BS cho cháu hỏi, cháu có thể bị những bệnh gì. Cháu đi khám đã nhiều nhưng không phát hiện được bệnh. Cháu cảm ơn ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tuấn thân mến,

Chỉ số khối cơ thể của em tính toán dựa trên chiều cao và cân nặng em cung cấp so với tiêu chuẩn của thế giới nói chung và của dân châu Á nói riêng đều là bình thường. Tuy nhiên nếu em nhiều mỡ ít cơ thì là dư cân. Em cảm thấy chân tay mình bị teo nhão nhưng đi khám nhiều nơi vẫn “không phát hiện được bệnh” thì có 2 khả năng:

1> Các BS khám đều kết luận bình thường, không có bệnh thì nhiều khả năng em chạm vào phần mỡ của chính mình mà nghĩ đó là cơ! Trường hợp này em nên tập thể dục để giảm mỡ và giúp cơ săn chắc hơn.

2> Các BS khám nhận định là bất thường nhưng chưa phát hiện ra bệnh gì. Khi đó thường sẽ đi kèm theo sức cơ yếu. Vậy thì em nên khám ở chuyên khoa nội thần kinh, BS cần thăm khám, khai thác kỹ lại bệnh sử, xem các xét nghiệm em đã làm và có thể đề nghị thêm 1 số xét nghiệm chuyên biệt khác để xác định nguyên nhân, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp, em nhé.


- Huỳnh Thị Trúc Thanh - thanh…@gmail.com

Chào BS,

Xin BS giải thích cho em hiểu thêm về kết quả xét nghiệm máu về bệnh bướu cổ. Kết quả là:

Free T4 kết quả 1,41 khoảng tham chiếu (0,93 -1.7) ng/dl.

TSH có kết quả (1.93) khoảng tham chiếu (0, 27 -4,20)mIU/mL.

TPOAB có kết quả 36,53 khoảng tham chiếu < 34ml.

Xin hỏi BS có nghiêm trọng không? Cám ơn BS rất nhiều.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Thanh,

Kháng thể Thyroperoxidase (TPO- Ab) một dấu ấn của bệnh tuyến giáp tự miễn; đặc biệt anti TPO tăng cao trong viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto, bệnh Basedow. Anti TPO không nói lên được là bệnh nặng hay nhẹ.

Trong viêm giáp mạn tính, xét nghiệm Anti TPO tăng rất cao cho thấy bệnh viêm giáp mạn tính sẽ chuyển biến từ cường giáp rồi thành suy giáp mạn tính về sau, vì cơ thể đã tạo ra kháng thể kháng lại tuyến giáp.

Trong Basedow, xét nghiệm Anti TPO tăng rất cao cho thấy nếu điều trị thuốc thì sẽ kéo dài vì nguy cơ tái phát bệnh cao, nếu có con thì sẽ ảnh hưởng đến con.

Với các xét nghiệm hiện tại cho thấy chức năng tuyến giáp của em trong giới hạn bình thường, TPO-ab chỉ tăng nhẹ, do đó BS cần nắm rõ tiền căn bệnh lý tuyến giáp của em, bệnh sử, triệu chứng kết hợp với thăm khám toàn thân + khám tuyến giáp, các xét nghiệm trước đây thì mới kết luận được.

Em nên đưa kết quả này đến khám BS chuyên khoa nội tiết để BS phối hợp với với các thông tin khác như bệnh sử, thăm khám và các xét nghiệm khác, sẽ đưa ra kết luận chính xác, em nhé.


- Nguyễn Tấn Thịnh - Quận 1

Chào các BS,

Cho em hỏi dạo gần đây buổi sáng khi súc miệng (chà lưỡi) em hay bị nhợn ói, nhiều lúc khi tắm buổi sáng cảm giác vướn ở cổ cũng nhợn ói ra ít đàm. Và nuốt nước miếng có cảm giác bị đắng ở cổ họng. Các BS có thể cho em biết em bị bệnh gì không và làm sao để nuốt nước miếng không bị đắng nữa. Em xin cám ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tấn Thịnh thân mến,

Biểu hiện sáng thức dậy thấy miệng đắng, cảm giác nhợn ói thường gặp trong viêm dạ dày kèm trào ngược dạ dày thực quản, viêm họng/ viêm amidan, bệnh lý răng lợi...

Như vậy, em nên khám chuyên khoa tai mũi họng trước để BS kiểm tra cho em, khi thấy có dấu hiệu bất thường ngoài chuyên môn thì BS sẽ hướng dẫn khám thêm chuyên khoa tiêu hóa và nha khoa.

Ngoài ra, em nên súc miệng nước muối ấm pha loãng trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh và không chà sâu), uống nhiều nước trong ngày, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng.


- Trần Mạnh Tiến - 14…@gm...vn

Chào BS,

Cách đây khoảng 3 tháng em bắt đầu có triệu chứng đau lưng và vùng bẹn sau mỗi lần đá banh. Trước đó thì em có tập gym và em nghĩ là em tập sai tư thế dẫn đến đau lưng. Bây giờ mỗi lần đá banh em đều rất đau và phải 2-3 ngày không hoạt động mạnh mới hết. Liệu nếu không hoạt động 1 thời gian dài thì có hết đau lưng không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tiến thân mến,

Triệu chứng đau lưng, đau vùng bẹn chỉ xảy ra sau mỗi lần chơi đá banh, nghỉ ngơi thì hết, không kèm theo triệu chứng gì khác thì nhiều khả năng là do vận động trong lúc chơi đá banh của em có vấn đề, thường gặp là khởi động không kỹ, cú sút không đúng kỹ thuật... Trường hợp có bất thường cơ xương khớp vùng chậu trước đó, gù vẹo cột sống làm sai tư thế... ít gặp hơn.

Trong tình hình này, tốt nhất là em nên tập gym/ chơi đá banh dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên. Nếu vẫn còn đau thì cần phải khám chuyên khoa cơ xương khớp để BS thăm khám + chụp phim để chẩn đoán bệnh và điều trị thích hợp, em nhé.


- Tai Huynh - anhtai…@gmail.com

Xin chào BS!

Cách đây khoảng 5 tháng em có đi khám bệnh ở BV Đại học Y Dược. Qua nội soi BS chẩn đoán em bị viêm xung huyết hang môn vị và bị trào ngược dạ dày. Sau khi điều trị được 3 tháng, thì BS bảo ngưng thuốc. Nhưng em thấy chứng trào ngược vẫn còn.

Sau đó thì em chuyển sang uống thuốc đông y hoàn nguyên vị hơn 2 tháng nay nhưng vẫn thấy không hết, vẫn thấy bị nghẹn ở cổ rất khó chịu và hay bị ợ hơi. BS cho em hỏi bệnh trào ngược có thể trị hết không?

Xin BS chỉ cho em biết BV nào chuyên điều trị về bệnh này. Em xin chân thành cám ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em đã từng kiểm tra nhiễm Hp chưa? Nếu chưa làm thì em nên làm xét nghiệm này.

Trào ngược dạ dày thực quản - GERD không phải là bệnh ác tính nhưng dễ tái phát và thời gian điều trị dài hơn 2 tuần, khi triệu chứng giảm nhiều thì không cắt thuốc đột ngột mà phải giảm dần liều.

Do đó em nên quay lại tái khám BS chuyên khoa tiêu hóa để được cho thuốc lại. Khi bệnh giảm vẫn phải tái khám khi hết thuốc để điều chỉnh thuốc cho phù hợp cho tới khi bệnh hết hẳn.

Song song đó, nên hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, ngủ nên nằm đầu cao.


- Lê Thanh Tuyền - thanhtuyen…@gmail.com

Thưa BS,

Cháu có triệu chứng đau ở dạ dày và ăn uống gì cũng ói ra. Cháu lên BV khám thì nội soi và BS bảo cháu bị viêm dạ dày với tá tràng nhưng cháu đều trị đã 3 tháng rồi, không thấy giảm.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tuyền thân mến,

Triệu chứng đau ở vùng dạ dày kèm nôn ói khi ăn thường gặp trong viêm loét dạ dày, hội chứng khó tiêu chức năng, ít gặp hơn là bệnh hở van tâm vị hay yếu cơ vòng thực quản - dạ dày, bệnh tuyến giáp, viêm dạ dày mãn...

Em đã khám BS và nội soi có viêm dạ dày, nhưng uống thuốc lại không đỡ nhiều thì trước hết nên xem lại:

- Có nhiễm Hp hay không

- Có dùng thuốc gì ảnh hưởng lên dạ dày hay không, như các thuốc giảm đau nhóm NSAID, corticoide

- Căng thẳng đầu óc dẫn đến hội chứng khó tiêu chức năng

- Một số bệnh lý khác như đã nêu trên.

Ngoài ra, còn phải xem lại chế độ sinh hoạt, hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm/ vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ.

Và vẫn phải duy trì thuốc điều trị bệnh dạ dày theo toa của BS chuyên khoa tiêu hóa. Em có thể khám lại chuyên khoa tiêu hóa ở BV lớn để kiểm tra lại xem có nguyên nhân nào khác như BS đã nêu trên hay không để điều chỉnh thuốc và điều trị thích hợp.


- Bùi Ngọc Thiện - Hà Nội

BS cho cháu hỏi:

Mới hôm nay cháu có cảm giác mắc nghẹn ở họng, cố khạc ra thì không được, có đôi khi ợ lên thức ăn. Khi nuốt nước bọt thấy vướng ở cổ. Cháu cố uống nước nhưng không đỡ hơn. Bệnh của cháu có thể là gì ạ, có nặng không ạ, có nên đi BV không ạ, nếu phải đi viện thì cháu nên đi viện nào ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Thiện,

Triệu chứng nuốt nước bọt thấy vướng, ợ lên thức ăn thường gặp trong viêm họng (có thể cấp hoặc cấp trên nền mạn), trào ngược dạ dày thực quản... Tốt hơn hết em nên khám chuyên khoa tai mũi họng hoặc chuyên khoa tiêu hóa để BS khám và soi kỹ khu vực hầu họng để định bệnh và điều trị thích hợp.

Bên cạnh đó, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas. Không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi.


- Châu Nguyễn - nngochau…@gmail.com

Sau 1 lần đi chơi, em đã uống cà phê với sữa tươi chung và ghiền tới bây giờ. Em muốn hỏi là sữa tươi với cà phê có làm em tăng cân và nổi mụn không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Châu thân mến,

Có nhiều nguyên nhân gây ra mụn: sự gia tăng bài tiết chất bã nhờn ở hệ thống nang lông tuyến bã, môi trường (ô nhiễm và ánh nắng mặt trời gay gắt), chế độ ăn uống sinh nhiệt (đồ biển, đồ cay, cafe, bia rượu, nhiều đường), nghỉ ngơi không hợp lý (thức khuya), hóa chất kích ứng da (sữa rửa mặt, mỹ phẩm không phù hợp), nội tiết tố không ổn định (tuổi dậy thì, stress...) dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn ngay lỗ chân lông làm sinh mụn.

Như vậy, nếu em uống sữa kèm cafe mà chế độ ăn trong ngày không gia giảm lại để lượng calo cho cân đối kèm giảm ngọt, giảm béo trong bữa ăn thì em có thể tăng cân và nổi thêm mụn.


- Cao Quyen - nguyencao…@gmail.com

Người gầy dễ mắc bệnh giun sán phải không thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Không phải chỉ có người gầy mới dễ mắc bệnh giun sán.

Giun sán có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ (rau sống, thịt tái, sushi...), uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm.

Triệu chứng của nhiễm giun sán có thể lẫn trong các bệnh lý khác, bao gồm rối loạn tiêu hóa, xanh xao, đau bụng, dị ứng da...

Nước ta là vùng dịch tễ của nhiễm giun sán, vì vậy em chú ý để phòng tránh nhiễm giun cho mình và người thân nhé.


- Nguyen Huong - hg…@gmail.com

Cháu năm nay 19 tuổi. Năm trước cháu hay bị đau đầu nên đi ra hiệu thuốc hỏi thì họ bảo do cháu áp lực học tập và stress. Sau khi thi xong thì cháu ít bị đau đầu hơn. Nhưng đến gần đây cháu hay bị đau đầu mỗi khi đang ngồi hay đứng dậy thì cảm thấy choáng.

Cháu hay bị đau đầu ở giữa chán và thường bị đau bên trái chỗ thái dương và gần đấy. Vậy BS có thể cho cháu biết bệnh của cháu có nặng không và bị sao ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Những triệu chứng đau nửa đầu kèm choáng váng khi thay đổi tư thế ở độ tuổi của em có thể do bệnh đau nửa đầu Migraine, do căng thẳng quá mức, thiếu máu và thiếu dưỡng chất, tụt huyết áp tư thế, bệnh lý ở mắt...

Trước hết, em nên khám chuyên khoa nội thần kinh, xem có bệnh lý nào tiềm ẩn gây ra các bất thường kể trên không để điều trị thích hợp sớm.

Đồng thời, em nên sắp xếp thời khóa biểu học tập và nghỉ ngơi hợp lý hơn, có thể nghe nhạc giao hưởng trong lúc học để giải stress, không uống cafe vào buổi tối, tập thể dục để giải tỏa năng lượng xấu, ăn uống tẩm bổ, có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng hỗ trợ tuần hoàn não, vitamin và khoáng chất.


- Huyền Mai - ngochuyen…@gmail.com

Thưa BS, lúc đầu em bị đau nhức ở đuôi mắt, sau một ngày thì đau hơn và có sưng hơn chút ạ. Như vậy là sao thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Huyền Mai,

Đau nhức kèm sưng nề vùng đuôi mắt có thể gặp trong nhiều nguyên nhân, như chắp lẹo, viêm da dị ứng, viêm kết mạc, lông mi quặm... Do vậy, em cần phải khám chuyên khoa mắt, để BS định rõ bệnh và điều trị theo nguyên nhân thì mới an toàn.

Trong thời gian đó, em cần nhỏ mắt thường xuyên với nước muối sinh lý 0.9%, tránh dụi mắt, đeo kính râm khi ra đường lúc trời nắng gắt, em nhé.


- Nguyễn Thị Tình - nguyentinh…@gm...com

Chào BS, cho cháu hỏi,

Cháu bị đau họng một thời gian. Vì công việc phải nói nhiều nên bây giờ giọng bị khàn. Thỉnh thoảng lại bị rát và đau. Nếu cứ kéo dài mà không khỏi thì có ảnh hưởng gì không ạ? Cháu sợ cháu đi dạy mà nói nhiều thì giọng sẽ như thế này mãi.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Tình,

Công việc của em cần nói nhiều, em bắt đầu có triệu chứng đau họng kéo dài kèm nói khàn thì nhiều khả năng em bị viêm họng mạn, coi chừng có hạt xơ dây thanh. Nếu không điều trị thì bệnh sẽ ngày càng nặng, nói khàn hơn thậm chí mất tiếng, đau họng cấp tái đi tái lại.

Do vậy, tốt hơn hết là em nên khám BS chuyên khoa tai mũi họng, soi hầu họng - thanh quản để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Song song đó em cần phân bổ thời gian nói hợp lý, uống nhiều nước, đặc biệt nước trà ấm; thường xuyên vệ sinh mũi họng; điều trị dứt điểm các bệnh đường hô hấp cũng như bệnh trào ngược dạ dày, thực quản; đeo khẩu trang để tránh bụi… Nên hạn chế nói to, nói nhiều; sử dụng dụng cụ khuyếch đại âm thanh hỗ trợ, không uống nước lạnh hay ăn các gia vị có tính kích thích như: ớt, hạt tiêu… không uống rượu, bia, hút thuốc lá.

Thân mến,



- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X