Hotline 24/7
08983-08983

Nam bác sĩ sản khoa Cuba chăm sóc thai kỳ và đỡ sinh cho bà bầu Việt

"Mỗi ca sinh thành công là thêm một kỷ niệm đẹp của tôi về con người Việt Nam", bác sĩ William chia sẻ.

Bác sĩ Guillermo Peraza Vilorio, thường được gọi là William, người Cuba, 54 tuổi, làm việc hơn 27 năm trong lĩnh vực sản phụ khoa. Năm 2017, ông từ Cuba sang Việt Nam làm việc tại một bệnh viện đa khoa quốc tế tư nhân ở Hà Nội. Từ đó ông gắn bó với công việc thăm khám, chăm sóc thai kỳ và đỡ sinh cho các bà bầu Việt.

"Tình mẫu tử của phụ nữ Việt khiến tôi kính nể", ông nói.

Bác sĩ William tại phòng làm việc. Ảnh: Thùy An

Ông thường xuyên chứng kiến khoảnh khắc em bé chào đời cũng là lúc người mẹ khóc òa vì hạnh phúc. Lần đầu đón con, hầu như người mẹ nào cũng xúc động hôn và áp con vào ngực để sưởi ấm. Ngoài tiếng khóc của bé, cái ôm đầu tiên chính là khoảnh khắc cả mẹ cùng con mong chờ để cảm nhận hơi ấm và sự liên kết thiêng liêng của tình mẫu tử.

Nam bác sĩ sản khoa Cuba bày tỏ sự thích thú khi được nhìn thấy sự bỡ ngỡ, lúng túng xen lẫn vụng về của các ông bố khi ôm lần đầu ôm con vào lòng. Tiếp xúc "da kề da" cũng giúp bố con cảm nhận hơi ấm của nhau, gắn chặt tình cảm phụ tử.

Bác sĩ và điều dưỡng đang thăm khám cho thai phụ. Ảnh: Thùy An

Chọn Việt Nam để sinh sống và làm việc, bác sĩ William nói rằng "đến Việt Nam như trở về nhà".

Việt Nam và Cuba nằm trên hai bán cầu, từ lâu có mối quan hệ hữu nghị. Bác sĩ kể, ở Cuba trồng rất nhiều tre và đồn điền cà phê lớn, khí hậu mát mẻ với nhiều bãi biển đẹp giống Việt Nam. Người dân Cuba còn xây dựng nhiều ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và công viên Hồ Chí Minh ở trung tâm thành phố La Habana, thủ đô Cuba.

Tình cảm người dân hai nước cũng là một điểm nhấn văn hóa nổi bật. "Hầu hết bác sĩ ở Cuba đều muốn một lần đến Việt Nam làm việc", ông nói.

Bác sĩ William bày tỏ sự hứng thú khi được nghe tiếng Việt trên quê hương của mình. Khi ấy ông ước muốn được sang Việt Nam và sẽ học nói ngôn ngữ thú vị này. Ông cũng tự nhủ sẽ tìm hiểu về ẩm thực và phong tục Việt để nhanh chóng hòa nhập.

Cuối cùng ông đạt được ước nguyện. Năm 2017, bác sĩ sang Việt Nam và bắt đầu hành trình thử thách bản thân ở đất nước mới.

Bác sĩ William đang cùng các y bác sĩ tiến hành một ca mổ đẻ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

"Khác biệt ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất", bác sĩ khẳng định. Ông cho rằng trong những ca sinh thường, trò chuyện giữa bác sĩ và thai phụ quyết định đến 50% thành công. Nhờ phiên dịch viên hỗ trợ và nhiều sản phụ có thể tự giao tiếp đã giúp bác sĩ William giảm bớt lo lắng khi làm việc.

3 tháng đầu tiên làm việc ở bệnh viện, bác sĩ quan sát và làm quen với quy trình thăm khám, cường độ công việc và yêu cầu của sản phụ. Đồng thời, ông và đội ngũ y bác sĩ cũng liên tục cập nhật thông tin để thích nghi với công việc nhanh hơn.

Hàng ngày, William làm việc từ 8h đến 17h và thường xuyên trực đêm. Nữ hộ sinh là cánh tay phải đắc lực của bác sĩ, giúp theo dõi những dấu hiệu bất thường của thai phụ để kịp thời xử lý.

Áp lực trong ngành sản phụ khoa rất lớn, có độ khó của chuyên môn cũng như nguy cơ đối diện với rủi ro nghề nghiệp. Thực tế, không một bác sĩ nào có thể nói sản phụ sẽ được đảm bảo an toàn 100% trong suốt thai kỳ cho đến khi vượt cạn. Thai phụ dù được theo dõi sát sao thai kỳ cũng có những trường hợp bệnh lý đột phát.

Khó khăn thứ hai của ông là tâm lý bệnh nhân. "Sản phụ ở nước ngoài rất thích được bác sĩ nam đỡ đẻ, còn sản phụ Việt Nam thì nhiều ngại ngùng", bác sĩ chia sẻ.

Khi đến viện, thường sản phụ và người nhà yêu cầu được bác sĩ nữ khám. Đó là tâm lý chung vì sản phụ khá ngại ngần khi bác sĩ nam khám những phần nhạy cảm. Hơn nữa, người phương Đông khá đề cao sự nhẹ nhàng, tinh tế của phụ nữ nên William cũng không quá bất ngờ.

Với trường hợp này, bác sĩ nói ấn tượng đầu tiên là quan trọng. Ban đầu, ông phải trò chuyện, dỗ dành sản phụ và người nhà. Khi thăm khám, bác sĩ phải nhẹ nhàng, ân cần để tạo sự tin tưởng. Sau đó, William tư vấn và chỉ ra tình trạng của thai phụ. Khi gia đình đồng ý và cởi mở hơn, bác sĩ mới tiến hành khám chuyên sâu và sử dụng các thủ thuật khác.

Sau giờ làm, bác sĩ dành thời gian ít ỏi để chăm sóc sức khỏe. Ông có thói quen đọc sách và tìm tòi thêm kiến thức về sản khoa ở Việt Nam cũng như thế giới.

Sau hai năm, William khám phá được nhiều điều đặc biệt tại Việt Nam, nói được tiếng Việt, ăn món ăn Việt. Ông còn tham Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cho rằng sự thân thiện của con người Việt và điều kiện làm việc thuận lợi giúp ông có thêm tình yêu với nghề.

"Mỗi ngày trôi qua tôi luôn hết mình với công việc", nam bác sĩ sản khoa Cuba tâm sự. "Tôi mong sẽ tiếp tục được sản phụ Việt Nam tin tưởng, giúp họ có thai kỳ an toàn".

Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X