Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh giải đáp bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim

Làm sao nhận diện đau thắt ngực do nhồi máu cơ tim? Dùng thuốc xịt cắt cơn sao cho đúng? Cách xử trí tại nhà khi bị đau thắt ngực... là một trong những thắc mắc đã được PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Nguyên Phó Giám đốc Viện Tim TPHCM giải đáp trong chương trình tư vấn chiều ngày 11/2/2020.

PHẦN 1: ĐỐI THOẠI VỚI MC KIM ÁNH

[HOI]MC Kim Ánh: Thưa PGS Vinh, chúng ta vẫn thường nghe đột quỵ não hay tai biến mạch máu não, còn “đột quỵ tim” dường như chưa nhiều người hiểu rõ. Xin BS chỉ rõ đột quỵ tim là tình trạng như thế nào, thường do nguyên nhân gì?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Đột quỵ là từ chúng ta dịch theo tiếng nước anh - Stroke. Stroke là từ chung của đột quỵ.

Nếu chúng ta có có đột quỵ, ví dụ như nhồi máu não, xuất huyết não thì đó gọi là tai biến mạch máu não hoặc đột quỵ não. Còn trường hợp về tim, nhồi máu cơ tim cũng có thể gọi là đột quỵ tim. Ở ngoài thường nếu dùng từ đột qụy thì người nghe sẽ không hiểu được đột quỵ xảy ra ở não hay tim. Tôi nghĩ dùng đúng phải là đột quỵ não hoặc đột quỵ tim.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Thưa phó giáo sư, chuyện về nhồi máu cơ tim là vấn đề được cộng đồng quan tâm vì đây được coi là tình trạng khẩn cấp. Với những biểu hiện của cơn nhồi máu cơ tim, đặc biệt là cơn đau thắt ngực mà nhiều người cảm nhận thì theo phó giáo sư cơn đau thắt ngực trong nhồi máu cơ tim với những bệnh lý khác thì có điểm gì khác biệt? Chúng ta nhận diện một cơn đau thắt ngực trong nhồi máu cơ tim như thế nào?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Thường cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi gắng sức, trong bệnh cảnh gọi là bệnh động mạch vành mạn tính. Lúc chúng ta leo cầu thang, lên dốc, đi bộ nhanh thì có cảm giác nghẹn ở ngực. Còn cơn đau thắt ngực trong nhồi máu cơ tim thì ngược lại, xảy ra trong khi chúng ta nghỉ, thường là buổi sáng hoặc ban đêm. Hoặc cũng có trường hợp một ông giáo sư đang thuyết trình có thể bị nhồi máu cơ tim cấp, tử vong ngay tại bàn thuyết trình.[/DAP]

[HOI] MC Kim Ánh: Với cơn đau thắt ngực, thường các bệnh nhân đến có miêu tả được đúng cơn đau thắt ngực với biểu hiện giống như mình đã nói hay không? Trong những trường hợp đó cơn đau thắt ngực có phải là một trong những lý do dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim cấp hay không?[/HOI]

[DAP] PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Cơn đau thắt ngực có một số đặc điểm mà bác sĩ chuyên khoa hoặc ngay cả sinh viên có thể nhận biết được, ví dụ có cảm giác nghẹn hay tức sau xương ức. Thường người bệnh sẽ mô tả cảm thấy nghẹn ở ngực, và thường nó không khu trú một điểm. Đặc biệt một số phụ nữ có thể hơi tức ở bên trái, và cảm giác thường lan lên tay trái.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Xin BS cho biết thêm, ngoại trừ đau thắt ngực do bệnh mạch vành, còn những cơn đau khác tại ngực có thể do những bệnh gì?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Có một số trường hợp bệnh nhân có thể mắc bệnh khác, ngay cả những người bị bệnh về thực quản như trào ngược dạ dày thực quản cũng có triệu chứng tức ở sau xương ức. Hoặc một số bệnh thần kinh, bệnh về cơ cũng gây tức ở ngực.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Như vậy, đối với bệnh nhân thì xem ra cũng  khó có thể phân biệt rõ ràng cơn đau thắt ngực của NMCT và cơn đau thắt ngực của những bệnh lý khác phải không thưa BS?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Đúng vậy. Thực ra ngay cả khi người BS nghe bệnh nhân tả cũng không nhận biết ngay được, và đa số chúng tôi cần thêm những cận lâm sàng để xác định cảm giác đó của người bệnh có phải đúng là bệnh mạch vành hay không?[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Ở phần đầu PGS có chia sẻ một vài tình huống có thể dẫn đến cơn đau thắt ngực của cơn nhồi máu cơ tim, như vậy những tình huống này bệnh nhân đến họ có miêu tả đúng triệu chứng hay không?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Thực ra nó còn tùy thuộc vào người bệnh. Có những người bệnh tả rất rõ ràng. Nhưng một số bác lớn tuổi hoặc những chị em phụ nữ thì miêu tả không rõ thì lúc đó chính người thầy thuốc phải đặt ra những câu hỏi để hiểu đúng những triệu chứng của người bệnh.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Có những con số thống kê nào cho thấy với những tình huống có thể xảy ra dẫn đến cơn đau thắt ngực không thưa BS Vinh? Những tình huống nào xảy ra nhiều hơn và những con số thống kê có cho thấy điều đó không?[/HOI]

[DAP] PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Thực ra thống kê không rõ ràng nhưng đa số xảy ra vào khi gắng sức, hoặc trong những hoàn cảnh bị stress, tức giận chuyện con cái, chuyện gia đình cũng có thể lên cơn đau thắt ngực.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Thưa bác sĩ những cơn đau thắt ngực, hay nhồi máu cơ tim hiện nay đang ngày càng trẻ hóa. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, liệu có phải do stress hay bệnh lý nền?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Thường, bệnh lý mạch vành nguyên nhân chính là do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch có 4 yếu tố nguy cơ chính. Thứ nhất là hút thuốc lá nhiều. Thứ 2 là bị cao huyết áp mà không điều trị đúng. Thứ 3 là rối loạn mỡ máu (lipid máu) và cũng không được điều trị đúng. Thứ 4 là tiểu đường. Đó là 4 yếu tố nguy cơ chính đưa đến xơ vữa động mạch và đến bệnh lý động mạch vành.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Có phải tình trạng xơ vữa động mạch dẫn đến cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim sẽ thường xuất hiện nhiều hơn ở những người có độ tuổi 50 trở lên, còn những vấn đề liên quan đến lối sống thường gặp ở độ tuổi trẻ hơn phải không thưa BS?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Thông thường bệnh lý mạch vành xảy ra ở người từ 40 - 50 tuổi trở lên. Nhưng những năm gần đây, do lối sống của một số người trẻ không khoa học thì có thể sớm hơn. Thí dụ, tôi đã gặp trường hợp bị nhồi máu cơ tim ở một thanh niên 25 tuổi. Tôi đã hỏi và nhận được câu trả lời từ người bệnh là mỗi ngày cậu ấy hút 2 bao thuốc lá, và hút từ năm 15 tuổi.

Do đó, trong một số trường hợp, nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở những đối tượng trẻ hơn. Hoặc là một số người, không phải tại họ, mà là do rối loạn cholesterol gia đình nên dẫn đến mắc bệnh mạch vành từ rất sớm.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Khi có cơn đau thắt ngực thì tại nhà có thể nhận diện như thế nào, xử lý ra sao thưa PGS?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Ở đây chúng ta phải chia ra 2 trường hợp.

Một là cơn đau thắt ngực trong bệnh lý bệnh mạch vành mạn tính. Nếu người bệnh gắng sức khi lên cầu thang và cảm thấy nghẹn ngực thì hãy ngồi nghỉ, sau đó nếu gia đình đã có sẵn thuốc của anh em hay cha mẹ thì chúng ta ngậm hoặc bơm vào họng cho bớt đau, sau đó phải đến thầy thuốc hoặc bệnh viện khám.

Hai là nếu cơn đau thắt ngực xảy ra trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim cấp thì phải gọi Cấp cứu ngay lập tức, không xử trí tại nhà.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Gọi cấp cứu bệnh viện thì hiện nay chúng ta có hệ thống cấp cứu 115 phải không ạ? Nhưng đó là ở cấp độ mà mình còn đủ thời gian để giải quyết. Còn nếu như trong tình huống bệnh nhân có những vấn đề của cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim thì người thân hay người xung quanh sẽ hỗ trợ  cho bệnh nhân như thế nào? Chúng ta có thể làm được những gì?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Tôi lấy thí dụ như một người có người thân trong gia đình bị NMCT cấp, có thể là ngất xỉu ngay lúc đó hoặc ngưng tim, thì người thân nên cấp cứu: nếu ngưng tim thì dùng tay ấn vào ngực 1/3 dưới xương ức. Không nên cạo gió, hay làm bất cứ điều gì khác mà nên học cách ấn vào ngực và sau đó đưa đến bệnh viện.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Thưa PGS, với những bệnh nhân có cơn đau thắt ngực, có các loại thuốc nào giúp giải quyết cơn đau lúc đó hoặc phòng những cơn đau lần sau?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Trong tình huống khi chúng ta đang đi bộ hoặc lên cầu thang mà cảm thấy tức nghẹn ở ngực thì cần phải ngưng lại ngay. Khi chúng ta nghỉ thì cũng đã giảm được công của tim.

Nếu lúc đó chúng ta có thuốc làm giãn mạch vành, ví dụ như Nitroglycerin dạng ngậm hoặc dạng bơm vào họng thì nên ngậm hoặc bơm vào sẽ bớt. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng nếu bơm thuốc Nitroglycerin thì phải ngồi xuống mới bơm, sau đó nằm xuống nghỉ. Không nên đứng khi bơm thuốc.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Như PGS Vinh đã nói, trong một số tình huống, cơn đau thắt ngực sẽ xuất hiện khi người bệnh gắng sức. Vậy PGS có thể phân tích thêm, để tránh những tình trạng gắng sức như vậy, những người có yếu tố bị đau thắt ngực nên hạn chế những điều gì?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Thực ra, việc hạn chế vận động đúng ra là không nên, nhưng ví dụ, tôi có bệnh nhân bị bệnh động mạch vành mạn tính đã qua chẩn đoán, chắc chắn tôi sẽ khuyên người bệnh không được đánh tennis, không nên chơi thể thao ganh đua, không nên đánh golf... Đó là một số vận động quá mức.

Nhưng thông thường, ngay cả những người có mạch vành tôi sẽ khuyên tập thể dục mỗi ngày, kể cả tập gym cũng có thể tập vừa phải, đi bộ và bơi lội đều được. Tuy nhiên, quan trọng nhất, vẫn là trong lối sống, cần thay đổi. Trong ăn uống, bệnh nhân không nên ăn thịt, chỉ nên ăn cá, rau củ quả sẽ bớt xơ vữa động mạch.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Trong bệnh lý mạch vành, ngoài dùng thuốc thì còn phương pháp điều trị nào khác ạ?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Biện pháp không dùng thuốc đúng ra quan trọng không kém gì thuốc. Chẳng hạn nếu người bệnh hút thuốc lá, uống rượu bia thì tôi sẽ đưa ra lời khuyên nên bỏ thuốc lá, rượu bia. Ngoài ra, nên ăn nhiều rau, củ, quả. Thực sự, nếu ăn chay được thì rất tốt. Ăn chay nhưng cần lưu ý là không ăn nhiều món chiên. Thịt đỏ rất có hại, chẳng hạn như các loại thịt: thịt heo, thịt bò, thịt dê... chúng ta nên hạn chế và thay thế bằng cá.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Đối với thuốc sử dụng dạng uống, BS có lưu ý gì đối với bệnh nhân sử dụng để cắt cơn đau thắt ngực không ạ?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Thuốc uống không có tác dụng ngay. Nhóm thuốc isosorbid dinitrat hay nitroglycerin, nếu muốn dùng ngay thì phải ngậm dưới lưỡi, nhưng đối với dạng bơm thì nhanh và tiện hơn.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Ngoài phương pháp điều trị nội khoa, với những bệnh lý mạch vành, phẫu thuật cũng được lựa chọn. Phẫu thuật đối với bệnh lý mạch vành thì chỉ định ra sao, có các phương pháp nào?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Đối với phương pháp không dùng thuốc, tái lưu thông mạch vành thì đa số bây giờ chúng ta can thiệp mạch vành đặt stent. Thứ hai, những trường hợp không can thiệp thì sẽ phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Hiện, ở Việt Nam nong mạch vành đặt stent được áp dụng nhiều hơn. Riêng TPHCM có 17-20 trung tâm, bệnh viện có thể thực hiện nong mạch vành đặt stent cấp cứu. Còn phẫu thuật thì ít hơn.

Theo tôi cả 2 phương pháp đều có lợi nhưng tùy theo trường hợp bệnh, có những trường hợp mạch vành nghẽn, lan tỏa quá thì không đặt stent được, chúng ta bắt buộc phải phẫu thuật bắc cầu mạch vành.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: PGS vừa nói đến những yếu tố có thể dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim hay bệnh lý mạch vành sẽ liên quan rất nhiều đến lối sống, chằng hạn như hút thuốc lá, uống bia rượu… Bác sĩ có nhận thấy là hiện nay những  vấn đề nay sau rất nhiều đợt tuyên truyền thì người ta có ý thức hơn và giảm lượng hút thuốc lá để giảm bớt những nguy cơ trong bệnh lý mạch vành?[/HOI]

[DAP] PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Tôi thấy ở Việt Nam số người hút thuốc lá nhiều hơn nước ngoài. Cứ nhìn thống kê số lượng tiêu thụ thuốc lá sẽ biết. Và đúng ra, nhà nước có thể cấm, ví dụ như cấm uống bia rượu khi tham gia giao thông mà.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Vậy thưa bác sĩ, có phải chỉ khi nào phương pháp điều trị nội khoa thất bại thì mới nghĩ đến phương pháp phẫu thuật phải không ạ?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Trong bệnh lý động mạch vành mạn tính thì chúng ta luôn luôn điều trị nội khoa hàng đầu, sau đó nếu bệnh nhân đau ngực nhiều thì mới nghĩ cần tái lưu thông, tức là can thiệp đặt stent hoặc bắc cầu động mạch vành. Nhưng trong nhồi máu cơ tim cấp lại khác, bệnh nhân đến với chúng ta thì phải thông mạch vành ngay, sau đó điều trị nội khoa.[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Điều trị nội khoa hay phẫu thuật thì đều có những chỉ định chặt chẽ. Đối với những người áp dụng phương pháp phẫu thuật, khi phẫu thuật các bệnh lý mạch vành thì cần lưu ý những vấn đề gì?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Tái lưu thông mạch vành có 2 cái, hoặc nong bằng đặt stent, hoặc bắc cầu động mạch vành. Nhưng điều quan trọng là, dù chúng ta can thiệp mạch vành bằng đặt stent hay bắc cầu, chúng ta không dùng thuốc hay không thay đổi lối sống coi như vô ích, chỉ mấy tháng sau hay 1 năm sẽ nghẽn trở lại.

Gần đây có nghiên cứu chứng minh rất hay, nếu nong so với nhóm uống thuốc không nong, kết quả có thể tương đương nếu thay đổi lối sống và uống thuốc đúng vẫn có lợi cho người bệnh. Vì vậy chúng tôi thường dặn người bệnh như thế này: Bác đã phẫu thuật bắc cầu rồi, đã đặt 5 stent rồi, toàn thân bọc thép rồi, nếu bác không chịu uống thuốc, không chịu thay đổi lối sống cũng vô ích thôi…[/DAP]

[HOI]MC Kim Ánh: Thưa BS, đối với 2 phương pháp BS vừa chia sẻ: đặt stent và phẫu thuật bắc cầu, Kim Ánh thấy rằng đó là những phương pháp tiên tiến hiện nay. Trong quá trình làm việc, bác sĩ có nhớ hay ấn tượng với một vài trường hợp nào mà qua những phương pháp này đã giúp bệnh nhân hồi phục và trở lại cuộc sống khẻo mạnh không ạ?[/HOI]

[DAP]PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời: Đúng là có sự tiến bộ mà phẫu thuật bắc cầu mạch vành là kỳ diệu, bắt nguồn từ một số tác giả bên Mỹ. Trước kia chúng ta không làm được vậy. Đặt stent mạch vành cũng như thế, đó là thành tựu của nhóm tác giả châu Âu. Đó là kết quả của sự tiến bộ. Nhưng tất cả những tiến bộ hòa chung  vào điều trị nội khoa, đặt stent, và bắc cầu, người thầy thuốc vẫn luôn luôn cân nhắc khi nào mới nên sử dụng những kỹ thuật đó.[/DAP]

PHẦN 2: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC ALOBACSI

[HOI]Vũ Thị Hồng Gấm - Vuthihong...@gmail.co

Kính chào PGS Phạm Nguyễn Vinh,

Ông ngoại em 82 tuổi, từng bị nhồi máu cơ tim và có bệnh nền đái tháo đường. Cho em hỏi những người bị nhồi máu cơ tim kèm bệnh nền như ông ngoại em thì cần điều trị như thế nào? Người bệnh cần nên ăn những gì và không nên ăn những gì? Sinh hoạt cần chú ý ra sao?

Hiện tại ngoại em ăn kém, chỉ uống nước. Huyết áp 110/90, 100/60, 90/60 qua các ngày, nhịp tim 20l/phút. Bác sĩ chích thuốc ngay bụng và rất đau. Mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Xin cám ơn PGS Vinh rất nhiều![/HOI]
[DAP]

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời:

Bạn thân mến,

Ông ngoại của bạn là bệnh nhân lớn tuổi, bị nhồi máu cơ tim kèm theo đái tháo đường thường tổn thương sẽ nặng. Vì chúng ta đã biết đái tháo đường làm tăng xơ vữa động mạch và cũng làm tổn thương thận.

Trường hợp của ông ngoại bạn, chúng tôi vẫn phải cấp cứu như người không có bệnh đái tháo đường. Tức là nếu đường máu cao thì sẽ dùng insulin ổn định đường huyết và nếu nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thì đưa vào phòng thông tin can thiệp, dù ông ngoại 82 tuổi vẫn có thể đặt stent mạch vành. Ở bệnh viện chúng tôi đã từng can thiệp cho những bệnh nhân đã 94-95 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp và sau đó vẫn xuất viện được.

Về điều trị lâu dài thì giữ đường máu ổn định, giữ huyết áp tốt ở mức 100/60mmHg mà ông ngoại bạn đi lại không chóng mặt là chấp nhận được rồi. Ngoài ra, còn sử dụng các biện pháp khác để giảm xơ vữa động mạch, đưa cholesterol xuống và đương nhiên phải dùng thuốc chống đông máu, chống kết tập tiểu cầu.[/DAP]

[HOI]Châu Nam - Thanh Hóa

Chào BS, tôi muốn hỏi về mảnh xơ vữa ở mạch vành. Nếu mảng xơ vữa bong ra thì có thể trôi đến những đâu, và gây tắc những mạch máu ở vị trí nào ạ?[/HOI]

[DAP]

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời:

Chào bạn, trong mạch vành có mảng xơ vữa. Thường có 3 nhánh mạch vành: những mạch vành chụp thấy trên hình, những nhánh ở thượng mạc tim (khá lớn), có thể mảng xơ vữa dễ tróc, nhưng thường không đến nỗi nào. Nói chung, chụp mạch vành xong sẽ thấy. Chúng ta có thể dùng bóng nong hoặc đăt stent ngay lập tức trên người bệnh. Nếu mảng xơ vữa tróc trong lúc làm thì dễ làm nghẽn những mạch phía dưới và điều này không có lợi, nhưng chúng ta cũng không có cách nào lấy ra được.

Cái khéo của người thấy thuốc là nếu nong tốt thì chắc sẽ không bị, nhưng đa số bác sĩ can thiệp bây giờ rất giỏi và người bệnh sẽ không có biến cố nghiêm trọng. nếu bệnh nhân có những huyết khối, nếu nong có thể trôi đi, nhưng bây giờ chúng ta thuốc chống tập kết tiểu cầu vẫn có lợi cho người bệnh.[/DAP]

[HOI]Minh Đăng - Hà Nội

Xin hỏi BS vì sao dùng thuốc xịt cắt cơn đau mạch vành thì không được đứng ạ? Nếu nằm thì nằm nghiêng hay nằm ngửa vậy BS? Và nếu nằm nghiêng thì nghiêng bên nào giúp mau bớt đau hơn ạ?[/HOI]
[DAP]

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời:

Chúng ta dùng thuốc bơm dùng để giãn mạch vành ra thì chắc chắn là thuốc tốt nhưng bệnh nhân đang đi ngoài đường mà nói nằm ngay thì chắc là không được. Vì vậy, chúng tôi thường khuyên bệnh nhân, khi muốn xịt thì tìm chỗ nào ngồi xuống và bơm thuốc vào, sau đó nếu cảm thấy hơi chóng mặt thì nằm xuống, chứ thông thường ngồi là đủ rồi. Vì sao lại vậy? Vì khi bơm thuốc vào trong miệng sẽ có tác dụng ngay, thuốc hấp thu vào máu làm giãn mạch máu ra thì hơi tụt huyết áp một chút. Tư thế nằm không quan trọng đâu. Nằm nghiêng, nằm ngửa, bên trái hay bên phải đều được, điều này không quyết định đến hiệu quả của thuốc.[/DAP]

[HOI]Nguyễn Thị Lệ Phương - TPHCM

Cho tôi hỏi thuốc giãn mạch vành có tác dụng phụ gì nếu sử dụng lâu dài không, thưa BS? Thuốc Nitroglycerin làm giãn cơ trơn thì nó có ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể khi sử dụng thuốc này không ạ? Cảm ơn BS![/HOI]

[DAP]

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời:

Chào bạn,

Thuốc giãn mạch vành là thuốc giãn động mạch vành, và cũng giãn tĩnh mạch trong cơ thể. Do đó, thuốc giãn mạch vành thường làm thấp huyết áp, nhưng quan trọng là làm giãn mạch máu não gây nhức đầu. Những năm tôi đang học y khoa, bệnh nhân nay than nhức đầu, do đó người thầy thuốc phải cắt nghĩa cho người bệnh, có thể bắt đầu bằng dùng dược liệu thấp, và giải thích rằng: Bác ơi, tôi cho bác thuốc này, mới uống bác có thể nhức đầu, nhưng từ từ bác sẽ quen dần. Mấy ngày sau, thì sẽ hết nhức. Còn nếu nhức quá thì trở lại đây, chúng tôi sẽ tìm cách khác.

Có những bệnh nhân nhức đầu với thuốc giãn mạch vành này nhưng không nhức đầu với thuốc khác. Hiện nay chúng ta có nhiều thứ giúp thư giãn mạch vành.

Thân mến.[/DAP]

[HOI]Đinh Thế Anh - anhdinh89…@gmail.com

Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu của bệnh mạch vành ở những người trẻ (tuổi từ 25-35). Vì sao ngày nay bệnh mành vành ngày càng trẻ hóa? Có phải do lối sống hay vì bệnh có yếu tố di truyền? (Cha tôi 69 tuổi bị tim mạch và cao huyết áp; Anh tôi từng bị nhồi máu cơ tim).

Mong PGS giải đáp giúp tôi. Kính chúc PGS nhiều sức khỏe.[/HOI]
[DAP]

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời:

Bạn Thế Anh thân mến,

Có 3 yếu tố chính đưa đến nhồi máu cơ tim sớm ở người trẻ.

Thứ nhất là rối loạn cholesterol máu di truyền. Ví dụ như một bệnh nhân có cha bị nhồi máu cơ tim trước 55 tuổi và bây giờ anh bị nhồi máu cơ tim thì chắc chắn anh ấy có yếu tố di truyền từ người cha. Khi thử cholesterol máu của người bệnh đó quá cao thì bây giờ đã có kỹ thuật xét nghiệm di truyền, tìm ra gen bất thường của người bệnh. Nếu tìm được thì phải khảo sát đến đời con của người bệnh luôn.

Thứ hai là hút thuốc lá. Như đã nói nếu một người hút thuốc lá từ năm 15 tuổi, đều đặn ngày 2 bao thì có khả năng nhồi máu cơ tim ở tuổi 25.

Thứ ba là một người sinh ra đã có vị trí mạch vành bất thường trong tim thì có thể có nhồi máu cơ tim sớm.[/DAP]

[HOI]Nguyen Cuong - ncuong...@gmail.com

Năm nay tôi 46 tuổi, mới đây tôi lại bị đau thắt ở ngực bên phải lúc đang nằm xem tivi buổi tối, cảm giác lúc đó như muốn ngừng thở vậy, giống như có 1 vật gì chặn ngang chỗ đó vậy, không nói chuyện được, không dám thở mạnh mà phải thở nhẹ và từ từ. Sau khoảng thời gian nằm thở nhẹ và từ từ khoảng 10 phút thì cơn đau thắt trôi qua.

Sau 2 tháng xảy ra, tôi đã đi khám bệnh ở Viện Tim TPHCM, nhưng không thấy gì bất thường. Cơn đau xảy ra nhiều lần cách đây 10 năm, giữa 2 lần cách nhau khoảng 1 năm. Với cơn đau thắt ngực như vậy có phải là bệnh mạch vành không, xin bác sĩ tư vấn giúp. Xin chân thành cám ơn.[/HOI]

[DAP]

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời:

Chào bạn,

Khi chúng tôi khám cho bệnh nhân đau vị trí bất thường bên phải, có thể có nhưng thường ít, đa số đau giữa xương ức và bên trái. Cơn đau xảy ra khi nghỉ thường nặng lắm, lúc đó cơn đau thắt ngực đã không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Luôn luôn chúng tôi hỏi: bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nào, có hút thuốc lá không, có tiểu đường không, có rối loạn lipid máu hay không, có tăng huyết áp không. Những người bệnh nhân này có nguy cơ bị nhiều hơn. Trường hợp đó bệnh nhân cần được làm trắc nghiệm gắng sức  hay siêu âm để xác định, chứ còn dựa theo triệu chứng thì không thể nói bệnh động mạch vành được.[/DAP]

[HOI]Đỗ Thanh Huy - TPHCM

Tôi từng đi cấp cứu hai lần với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, suy tim độ II và được các BS cho uống thuốc kháng đông, chống kết tập tiểu cầu, giảm tiền tải, hậu tải. Xin hỏi, bệnh tôi có cách nào trị dứt không? Tôi có cần phải phẫu thuật không và chi phí là bao nhiêu nếu tôi có bảo hiểm y tế?[/HOI]

[DAP]

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời:

Thanh Huy thân mến,

Nếu bị nhồi máu cơ tim 2 lần thì tôi nghĩ sau lần đầu tiên chữa chưa đúng. Vì như tôi đã nói nguyên nhân nhồi máu cơ tim là do xơ vữa động mạch. Theo tôi bệnh nhân nên ngưng thuốc lá, không nên uống rượu. Thứ 2 là nhờ bác sĩ điều trị ổn định cholesterol máu, Triglyceride máu, giữ huyết áp ở mức 120/70, 120/80mmHg. Thứ 3 là đường máu cũng nên ổn định.

Bên cạnh đó, thay đổi lối sống, tập thể dục thường xuyên, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tôi nghĩ nếu làm tốt những điều này thì sẽ tránh được nhồi máu cơ tim lần thứ 2, 3. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành không phải giải quyết được hết các vấn đề, vì phương pháp này vẫn có tỷ lệ từ vong đến 3-5%. Do đó, chỉ khi nào có chỉ định từ bác sĩ thì mới tiến hành hành phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Mặt khác, nếu bắc cầu xong mà chúng ta vẫn không uống thuốc, vẫn hút thuốc thì chắc chắc cầu cũng bị nghẽn và có nguy cơ tái phát.[/DAP]

[HOI]Nguyễn Thị Trầm - Long An

Thưa PGS Vinh, tôi vừa được bác sĩ kê đơn Nitroglycerin dạng xịt dùng trong tình huống cấp cứu tại nhà. Vì trí nhớ kém nên lúc hướng dẫn chưa nắm rõ.

Mong PGS tư vấn giúp tôi, thường thì sau khi xịt bao lâu sẽ thấy đỡ? Trong bao lâu vẫn không đỡ thì phải xịt thêm, thưa BS? Xịt nhiều lần có ảnh hưởng gì không? Trong trường hợp nào cần phải cấp cứu? Xin cảm ơn bác sĩ.[/HOI]

[DAP]

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời:

Chào bạn,

Thường thì xịt 1-2 phút sau sẽ có tác dụng ngay, nhưng tốt nhất nhân lúc bơm thì nhớ ngồi xuống sẽ có tác dụng, sau đó chừng 5-10 phút nếu không thấy tác dụng thì chúng ta có thể xịt lần 2. Nếu xịt lần 2 xong 10 phút sau vẫn không thấy tác dụng thì không nên xịt nữa mà nên đến bệnh viện ngay vì lúc đó có thể chúng ta đã bị nhồi máu cơ tim cấp. Khi bị nhồi máu cơ tim, thuốc xịt không hiệu quả.[/DAP]

[HOI]Nguyên Xuân Hoà - Đồng Nai

Tôi bị mỡ trong máu cao, điều trị nhiều năm không giảm, 2 năm nay lại thêm chứng thiếu máu cơ tim, đã nằm viện 3 lần. Hiện tại ở nhà tôi thỉnh thoảng bị đau thắt ngực trái, chỉ biết ôm ngực xoa. Xin bác sĩ cho biết các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim? Từ thiếu máu qua nhồi máu có nhanh không? Mong sớm nhận được hồi âm của bác sĩ.[/HOI]
[DAP]

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời:

Chào bạn Xuân Hòa,

Trường hợp bệnh nhân bị cơn đau thắt ngực ổn định, nghĩa là cảm giác tức hay nghẹn sau xương ức hay bên ngực trái khi gắng sức. Nhiều bệnh nhân thường hay mơ hồ chuyện gắng sức, vì vậy khi khám tôi hay hỏi “Bác lên cầu thang 2 tầng lầu thì có thấy tức ngực không? Hoặc đi từ nhà ra chợ bác có thấy nghẹn ngực không? Lúc đó gọi là cơn đau thắt ngực ổn định. Còn nếu chúng ta đang ngồi yên tự nhiên đau nhói trên 15-20 phút lúc đó thì coi chừng nhồi máu cơ tim.

Vì thế, tốt nhất là nên đến bác sĩ chuyên khoa điều trị chứ không có cách nào cả. Khi đến bác sĩ chuyên khoa sẽ được làm đủ khảo sát về máu, khảo sát chỉ điểm sinh học của nhồi máu cơ tim, đo điện tâm đồ, siêu âm tim. Sau cùng nếu cần thiết sẽ chụp mạch vành để xác định bệnh và can thiệp cho người bệnh.[/DAP]

[HOI]Nguyễn Hải - ant…@yahoo.com

Tôi năm nay 58 tuổi. Cách đây 3 năm tôi bị đau ngực và được chẩn đoán là bị nhồi máu cơ tim vùng sau dưới (BS địa phương dựa vào bản điện tim và siêu âm). Từ đó đến nay BS điều trị nội khoa bằng thuốc uống liên tục: thuốc kháng đông Clopistad 75 mg, Vastarel 35mg, Apo-Isdn 10mg.

Hiện nay sức khỏe tôi cảm thấy bình thường, chỉ khi làm việc hơi nặng thì hơi mệt. Xin BS tư vấn cho các vấn đề sau:
- Tôi nên làm gì để ngừa nguy cơ tái diễn nhồi máu cơ tim?
- Vì uống thuốc kháng đông liên tục như vậy, khi bị chảy máu hoặc cấp cứu có thuốc nào chống kháng đông không?
- Hiện nay bác sĩ địa phương đề nghị tôi chụp MSCT hệ mạch vành để tầm soát, tôi có nên chụp không? Cần lưu ý những gì thưa bác sĩ?[/HOI]

[DAP]

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trả lời:

Chào bạn,

Khi chúng ta đã bị nhồi máu cơ tim 1 lần, nhồi máu cơ tim vùng hoành thì tương đối nhẹ, nhưng nếu không chữa tiếp thì chúng ta có thể bị nhồi máu cơm tim vùng khác. Như vậy, chữa tiếp bằng cách nào? Tôi nghĩ bệnh nhân nên tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, tức là giữ huyết áp ổn định, giữ đường máu đừng cao, hạ thấp cholesterol máu, bỏ thuốc lá, thay đổi lối sống, tuân thủ điều trị… quan trọng nhất bệnh nhân cần tập thể dục mỗi ngày. Nếu làm đúng có thể ngăn được nhồi máu cơ tim.

Còn bây giờ bệnh nhân cảm thấy hơi nghẹn ở ngực, đa số Viện Tim hay BV Tim Tâm Đức, chúng tôi sẽ khuyên người bệnh làm siêu âm tim gắng sức, để xem có thiếu máu cơ tim hay không, chứ thường dựa vào lời khai của bệnh nhân không đủ để chẩn đoán. Và sau đó sẽ chụp mạch vành. Hiện nay, phương pháp MSCT mạch vành rất có lợi, vì chụp khá nhẹ nhàng để chúng ta biết có tắc nghẽn hay không. Đây là phương pháp hữu ích để xem người bệnh có bị hay không.

Trước kia, nếu chúng ta muốn biết mạch vành có nghẽn hay không, để chắc chắn chúng ta phải thông tim, chích vào động mạch, nằm bệnh viện ít nhất 1-2 ngày. Đối với CT, đặc biệt là MSCT, chúng ta chỉ đến chụp rồi về, không phải chích vào người, chỉ tiêm một chút thuốc, không phải thông tim, giá thành rẻ hơn. Thí dụ, một MSCT hiện nay, bệnh nhân mạch vành trả chừng 3-4 triệu là nhiều. Trong khi nếu chụp mạch vành qua thông tim mất đến 10 triệu và tốn thời gian nằm viện. Đây là phương pháp khá tốt hiện nay để chúng ta tìm bệnh mạch vành.[/DAP]

Trân trọng cảm ơn PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Nguyên Phó Giám đốc Viện Tim TPHCM đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích về bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim.

Trân trọng cảm ơn Văn phòng đại diện Egis (Egis Pharmaceuticals PLC) - một trong những công ty dược phẩm dẫn đầu khu vực Trung Đông Âu với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Bên cạnh đó, nhằm cung cấp cho bạn đọc kiến thức, cách xử trí và ứng phó khi bị đau thắt ngực tại nhà và bất kỳ đâu ngoài bệnh viện, Website https://toiquantam.vn/ và ứng dụng NITROXIT (https://toiquantam.vn/tien-ich/) được phát triển bởi Hội Tim mạch học Việt Nam là 2 kênh thông tin chuyên bệnh mạch vành với đầy đủ các nội dung về nguyên nhân, triệu chứng, cách phát hiện phòng ngừa bệnh, các phương pháp để xử lý khi lên cơn đau thắt ngực cấp tại nhà, giúp theo dõi và kiểm soát bệnh tốt hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X