Hotline 24/7
08983-08983

Liệu pháp miễn dịch không phải màu hồng

Giải Nobel Y học 2018 cho hai nhà nghiên cứu P. Allison (Hoa Kỳ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) về liệu pháp miễn dịch (LPMD) trong chữa trị một số bệnh ung thư...

Tỏ ra hứa hẹn trong điều trị ung thư, nhưng thuốc miễn dịch còn phải chứng minh vì còn quá mới.
Tỏ ra hứa hẹn trong điều trị ung thư, nhưng thuốc miễn dịch còn phải chứng minh vì còn quá mới.

Mới nhưng phải hiệu quả

Phát hiện ung thư phổi giữa năm qua, anh D., một kỹ sư cơ khí 42 tuổi, đã phẫu thuật cắt bướu ở một bệnh viện TP.HCM. Đầu năm nay, qua tư vấn của một bác sĩ quen, anh sang Singapore điều trị tiếp bằng liệu pháp miễn dịch. Tuy nhiên, sau ba tháng chữa trị tốn mất hơn 600 triệu đồng, khối u không nhỏ đi mà còn di căn đi nơi khác. Theo kết luận của bác sĩ, trường hợp anh D. xem như thất bại.

Anh D. không phải cá biệt, dĩ nhiên không ít người cũng áp dụng LPMD thành công, nhưng theo giới chuyên môn, thành công đến mức độ nào và bệnh nhân kéo dài cuộc sống được bao lâu thì không ai nói được, vì LPMD còn quá mới.

Tuần qua, gặp lại Trương Thanh Thuỷ, người được báo chí nước ngoài ca ngợi là “Nữ hoàng khởi nghiệp” và được tạp chí Forbes Vietnam vinh danh vào năm 2015 trong danh sách “Forbes 30 Under 30”. Nhưng không chỉ nổi tiếng về chuyện này, Thuỷ Muối (biệt danh mà cộng đồng công nghệ Việt gọi) còn được biết đến với cuộc chiến chống ung thư phổi giai đoạn cuối mà cô mắc hai năm qua.

Cô chia sẻ: “Tôi vừa mổ phổi, đây là lần mổ thứ hai sau khi mắc bệnh. Hiện nay tôi không còn theo bất kỳ phác đồ điều trị nào mà tham gia nghiên cứu thử nghiệm một loại thuốc miễn dịch. LPMD là một liệu pháp mới, nhưng ở Mỹ, mới chưa đủ mà còn phải hiệu quả”.

Tháng 12.2016, trên nhật báo nổi tiếng Mỹ The New York Times, cây bút Matt Richtel tường thuật một ca thất bại trong điều trị ung thư bằng thuốc miễn dịch. Đó là ông Chuck Peal, 61 tuổi, cấp cứu tại một bệnh viện ở TP Waterbury, bang Connecticut, trong tình trạng mê man, huyết áp tụt, lượng potassium máu tăng vọt và đường máu tăng gấp mười lần bình thường.

Thoạt đầu bác sĩ nghi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, nhưng sau đó mới biết cơ thể ông bị tự tấn công, một phản ứng nghiêm trọng gây ra bởi hệ miễn dịch khi ông dùng hai loại thuốc miễn dịch để chữa u hắc tố melanoma. Theo bác sĩ lý giải, khi hệ miễn dịch người được phát động để tấn công tế bào ác tính thì nó cũng có thể tấn công những cơ quan sinh tồn mạnh khoẻ như ruột, gan, phổi, thận, tuyến thượng thận, tuyến yên, tuỵ tạng, và trong một số trường hợp là tim. Các bác sĩ của đại học Yale cũng tin rằng, ông Peal còn mắc phải một phản ứng phụ đặc biệt hiếm gặp của thuốc là tình trạng tiểu đường khởi phát cấp.

Tại những bệnh viện ung thư khắp thế giới và trong một số nghiên cứu thử nghiệm, người ta nhận thấy phản ứng phụ nghiêm trọng của thuốc miễn dịch gặp phải 20% trường hợp điều trị bằng một loại thuốc, và tăng đến hơn 50% nếu dùng thuốc kết hợp.

Giá thuốc quá đắt

Được ví như “món quà của thượng đế”, “đột phá điều trị ung thư”, về mặt lý thuyết LPMD rõ ràng đầy hứa hẹn. Thế nhưng cản trở lớn nhất để tiếp cận phương pháp điều trị này là giá thành. Tại Việt Nam, từ đầu năm nay một số bệnh viện đã dùng thuốc miễn dịch để điều trị một số bệnh ung thư, mỗi lần dùng thuốc, bệnh nhân tốn xấp xỉ 100 triệu đồng và phải chi trả hoàn toàn vì bảo hiểm y tế chưa thanh toán. Nhưng ngay tại Mỹ, cái nôi của LPMD, không phải bệnh nhân nào cũng kham nổi thuốc miễn dịch. Ezekiel Emanuel, GS đạo đức y học và chính sách sức khoẻ của đại học Pennsylvania, nói với báo chí: “Trong hai thập kỷ qua, giá thuốc ung thư đã vượt trần, mỗi năm giá thuốc lại cao hơn. Điều này không chỉ khiến bệnh nhân khó tiếp cận, mà còn khiến hệ thống y tế trở nên không bền vững”.

Ước tính chi phí trung bình các loại thuốc ung thư gấp bốn lần thu nhập trung bình mỗi hộ gia đình ở Mỹ. Vào những năm 1990, mỗi bệnh nhân ung thư trả khoảng 50.000 USD, nhưng nay là… 250.000 USD. Đối với thuốc miễn dịch, có bệnh nhân trả đến 850.000 USD.

Tại Mỹ, bảo hiểm cũng từ chối thanh toán thuốc miễn dịch. Một số hãng thuốc cũng có chính sách giảm giá, trong đó bệnh nhân đồng chi trả 25%.Nhưng ngay cả trường hợp này, nhiều bệnh nhân cũng phải bỏ điều trị. Thật vậy, chi phí một tháng chữa thuốc miễn dịch khoảng 10.000 USD, nếu trả 25%, bệnh nhân mất 2.500 USD, một số tiền lớn.

Giá thuốc cao được lý giải là do công ty bỏ ra chi phí nghiên cứu quá nhiều. Trong một bài bình luận trên Wall Street Journal, GS Emanuel lưu ý ngay cả khi chi phí nghiên cứu thuốc Kymriah trị ung thư máu của Novartis được cho là 1 tỷ USD, thì chỉ cần điều trị 2.700 bệnh nhân, hãng thuốc này đã có thể lấy lại chi phí đầu tư. Ngay cả khi công ty áp dụng chính sách giảm giá cho nhiều bệnh nhân, lợi nhuận thu về cũng quá nhiều.

Một bất hợp lý là những năm qua viện Sức khoẻ quốc gia (NIH) Hoa Kỳ đã tài trợ cho các hãng thuốc 100 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển thuốc miễn dịch. Tiền này do dân Mỹ góp vào từ thuế, nhưng khi bị bệnh không phải ai cũng nhận được lợi ích từ tiền thuế mà mình đóng góp.

Tại Việt Nam, theo TS Vũ Văn Vũ, trưởng khoa nội 1 – bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho rằng chắc chắn nhiều người không thể tiếp cận được LPMD, do thuốc quá đắt. Trong hoàn cảnh đó, bệnh nhân vẫn có thể tăng cường miễn dịch bản thân bằng lối sống tích cực, lạc quan, tăng cường tập luyện và ăn uống lành mạnh.  Ông nói: “Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân chiến thắng ung thư bằng giải pháp tăng cường miễn dịch như thế. Còn nếu dùng thuốc miễn dịch mà vẫn bi quan, sống không lành mạnh thì thuốc có tốt đến mấy cũng chịu thua”.

Theo TGTT/Thế giới hội nhập

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X