Hotline 24/7
08983-08983

Lẹo mắt điều trị, kiêng cữ thế nào cho nhanh khỏi?

Lẹo mắt tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng tình trạng viêm sưng, nhiễm trùng sẽ tạo sự khó chịu cho người mắc phải căn bệnh này. Vậy nên làm gì khi bị lẹo mắt, cần kiêng cữ ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp tất cả những vấn đề này.

Lẹo mắt là gì?


Lẹo mắt là một khối sưng nề đỏ và có nhân vàng giống như mụn nhọt nằm ngay ở chân các lông mi. Đôi khi chỉ là một vùng sưng đỏ một phần hoặc thậm chí cả bờ mi mắt.

Mắt bị lẹo là chứng viêm cấp tính, do một loại tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi hoặc vi khuẩn như Staphylocoque gây nên. Vi khuẩn này có nhiều ở mũi trẻ nên khi khi con của chị dụi mũi và sau đó dụi vào mắt thì cũng có thể đem vi khuẩn lên trên mi mắt.

Nếu căn bệnh này không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho mắt như tổn thương giác mạc, thậm chí mù lòa.

Lẹo xuất hiện bên trong hoặc bên ngoài mí mắt, nó có thể trông giống như mụn nhọt ở gốc lông mi và làm cho mí mắt của bạn đỏ, sưng, đau. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Lẹo có các dạng dưới đây:

Lẹo bên trong: Thường kín đáo hơn, nằm ở mặt trong của mi mắt, tức là phần kết mạc của mi, khi lật mi ra chúng ta có thể nhìn thấy được, trong một số trường hợp còn có thể thấy đầu mủ trắng của lẹo.

Lẹo bên ngoài: Là một nốt đỏ ở mi mắt, kích thước và độ rắn giống như hạt đậu.

Đa lẹo: Có rất nhiều đầu lẹo trên một mi hay cả hai mi, thậm chí hai mắt.

Nguyên nhân gây lẹo mắt


Khi khe hở của lông mi trên mắt bị chặn bởi các tuyến dầu hoặc bụi bẩn, vi khuẩn sẽ phát triển ở bên trong và gây nhiễm trùng. Điều này sẽ làm cho lẹo mắt xuất hiện. Đôi khi, đôi khi lẹo mắt còn là kết quả của viêm nhiễm lan rộng do viêm bờ mi đã có sẵn.

Ngoài ra, một số yếu tố khác làm bạn dễ mác bệnh lẹo đó là: Sử dụng khăn chung với người khác, dùng quá nhiều mỹ phẩm hoặc mỹ phẩm cũ (quá hạn sử dụng), ăn nhiều đồ cay nóng, bị rối loạn tiêu hóa, cản trở sự hấp thụ dinh dưỡng, dùng tay chưa vệ sinh sạch sẽ khi thay kính áp tròng hoặc không khử trùng kính áp tròng trước khi đặt vào mắt…

Các triệu chứng nhận biết bị lẹo mắt


Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn dễ bị lên lẹo như viêm mí mắt, nhiễm trùng... Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi, sau khoảng 3-4 ngày, lẹo sẽ mưng mủ và vỡ.

Bệnh nhân bị lẹo thường sưng đỏ vùng mi mắt, ấn thấy đau bờ mi, sau hóa cứng, đồng thời bệnh nhân chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác như có dị vật ở mắt; mưng mủ ở trung tâm chỗ hóa cứng, ít lâu sau áp-xe vỡ ra, chảy mủ rồi hết đau. Lẹo ở trong mi mắt diễn biến nặng hơn, áp-xe hiện ra ổ, thường tái phát.

Lẹo có đặc điểm là rất hay tái phát, có thể bị ở một hoặc 2 mi mắt, có khi sưng to cả mi mắt và gây ứ phù màng tiếp hợp.

Nếu bạn bị lẹo mắt có kèm theo các triệu chứng như sốt, gặp vấn đề về thị lực, mụt lẹo không cải thiện sau 2-3 ngày, đỏ và sưng bên dưới mi mắt, sưng má và vài bộ phận trên khuôn mặt hoặc lẹo chảy máu, sưng lớn và đau đớn thì nên đi khám ngay để tránh biến chứng.

Lẹo mắt và bệnh chắp có phải là một?


Chắp và lẹo là những bệnh thường gặp ở bờ mi mắt. Hai bệnh này khác nhau nhưng hay bị nhầm lẫn. Một số dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt được lẹo và chắp.


Lẹo

Chắp

- Lẹo diễn biến cấp tính, thường có ở bờ mi mắt.

 

- Lẹo có dạng một nốt tròn, đỏ, trung tâm có chấm trắng hoặc vàng trên bề mặt, đau nhức.

 

- Lúc lẹo mới mọc, mi mắt sưng nhẹ, hơi đỏ, ngứa, đau, tiếp đó ở chỗ đau nổi lên một khối rắn to cỡ hạt gạo.

 

- Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi, sau 3-4 ngày lẹo mưng mủ và vỡ.

 

- Có cảm giác cộm như có sạn trong mắt.

 

- Nhạy cảm với ánh sáng.

 

- Chảy nước mắt và rỉ dịch.

 

- Trong hầu hết các trường hợp, mụt lẹo sẽ vỡ và tự khỏi mà không cần can thiệp gì.

 

- Lẹo rất hay tái phát, lan từ mi này sang mi khác.

- Diễn biến của chắp thường mạn tính và ở trong mi mắt.

 

- Chắp có dạng một u chắc, thường là không đau (có thể một vài ngày đầu có đau nhẹ, giống như lẹo), phát triển thường ra phía ngoài da hơn là vào trong kết mạc.

 

- Chắp sưng to hơn lẹo nhưng thường là ít đau và có thể là không đau.

 

- Đôi khi, chắp có thể sưng to đến mức trông như một u lớn che hết tầm nhìn của mắt.

 

- Sau vài ngày chắp xẹp xuống chỉ còn khối tròn không đau, lớn dần trên mi mắt thành một khối màu đỏ, xám dưới kết mạc.

 

- Vết sưng do chắp có thể kéo dài đến vài tháng.

 

- Chắp cũng hay tái phát như lẹo.

 

Lẹo mắt có tự khỏi không?


Khi bị lẹo mắt, bạn không nên trang điểm cho đến khi chiếc mụn lẹo ở mí mắt đã lành hẳn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Cách điều trị lẹo và chắp tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của tổn thương của người bệnh.

Thông thường, lẹo sẽ tự khỏi nếu biết giữ gìn và vệ sinh đúng cách nhưng nếu thấy lẹo sưng đau, mắt khó nhìn, chảy máu... hãy tới bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và tư vấn điều trị, tránh tái phát nhiều lần.

Các bác sĩ sẽ có những biện pháp hỗ trợ như dùng thêm thuốc kháng sinh dạng mỡ để bôi lên mi mắt, tiêm steroid vào chỗ sưng để giảm đau và sưng tấy (nếu cần thiết) theo chỉ định của bác sĩ. Trong hầu hết các trường hợp điều trị hỗ trợ như vậy là mắt sẽ lành, chỉ có một số ít trường hợp lẹo tạo mủ thì các bác sĩ sẽ phải rạch dẫn lưu mủ.

Ở nhà, bạn có thể lấy một chiếc khăn mỏng nhúng vào nước ấm sau đó vắt khô đi một chút và áp lên mi mắt. Làm như vậy 3 lần một ngày, mỗi lần 10 phút, việc làm này sẽ có tác dụng làm cho lẹo khu trú lại và dễ thoát lưu mủ hơn. Để tăng tốc độ quá trình chữa bệnh, cũng có thể sử dụng dung dịch muối loãng ấm thay vì nước ấm.

Lưu ý, không nên chích, rạch, nặn mủ tại nhà, tránh làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu gây mi quặp.

Bệnh lẹo mắt có lây không?


Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mọc lẹo ở mi mắt. Trên thực tế, lẹo rất dễ lây lan. Vì vậy, không nên dùng chung gối, khăn lau mặt với những người khác.

Bị lẹo mắt kiêng ăn gì?


Để tránh vết thương ở mắt sưng tấy hoặc lâu xẹp xuống, cần tránh những loại thức ăn có tính nhiệt vì sẽ làm gia tăng sự viêm sưng trong cơ thể như xoài, nhãn, vải, ổi, đồ ăn cay nóng, nhiều ớt, hành, tiêu, thịt dê, hải sản… Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm soát việc tiêu thụ nước ngọt có gas, các loại kẹo bánh chứa nhiều đường và các món ăn chứa nhiều nitrat như thịt xông khói, hotdog, thực phẩm đóng hộp vì nó làm cản trở lưu thông máu ở mắt, gia tăng các cục máu đông trong cơ thể và sự viêm nhiễm.

Vậy trong giai đoạn bị lẹo bạn nên ăn gì?

Đó là những loại vitamin A, C, E có trong cà rốt, bí đỏ, rau ngót, mồng tơi, bó xôi hay ớt chuông, bưởi, cam, quýt, hạt hạnh nhân, quả bơ... Ngoài ra, những loại thực phẩm mát như lê, dưa hấu, bưởi, hạt sen, hạt chia, khổ qua, nhãn nhục, đậu xanh, đậu phụ… còn giúp cơ thể chống lại viêm nhiễm, giảm sưng tấy, tăng cường sức đề kháng cho người bệnh.

Lưu ý khi bị lẹo mắt


Khi bị lẹo mắt, bạn không nên trang điểm mắt hoặc soi gương cho đến khi chiếc mụn lẹo ở mí mắt đã lành hẳn.

Ngoài ra, trước khi đắp miếng vải (băng gạc) ấm lên mắt, tra thuốc mỡ hay thuốc nhỏ mắt thì cần rửa tay sạch sẽ. Các lọ thuốc này cũng nên vệ sinh cẩn thận, tốt nhất không nên sử dụng thuốc đã dùng dở và để lâu, không để thuốc chạm vào mắt, mí mắt.

Để phòng ngừa lẹo mắt bạn không nên chà mắt vì có thể gây kích ứng và nhiễm trùng lây lan. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Phòng ngừa lẹo mắt như thế nào?


- Không chà mắt của bạn vì điều này có thể gây kích ứng mắt và nhiễm trùng lây lan.

- Bảo vệ mắt bạn khỏi khói bụi và ô nhiễm không khí bằng cách đeo kính an toàn mỗi khi bạn đang ở bên ngoài, đặc biệt khi bạn làm việc nhà như dọn dẹp nhà cửa hay cắt cỏ.

- Tránh đến những nơi bụi bẩn hoặc nơi bị ô nhiễm không khí nặng nề.

- Nếu bạn là người thường xuyên trang điểm, cần tẩy trang cho mắt sạch sẽ hàng ngày.

- Thay mascara ít nhất mỗi 6 tháng/ lần bởi vì vi khuẩn có thể phát triển khi mắt được trang điểm. Tránh dùng chung khăn tắm, khăn lau hoặc đồ trang điểm mắt.

- Rửa tay thường xuyên và luôn để tay rời xa khỏi tầm mắt của bạn, đặc biệt là khi chăm sóc cho một người khác với một mụn lẹo ở mí mắt hay bất kỳ loại nhiễm khuẩn nào khác.

H.T (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X