Hotline 24/7
08983-08983

Lá han: Cây độc cực ngứa

“Ngứa như phải lá Han”, khi chạm vào lá, cả cơ thể sẽ bị phát ngứa, lở loét đến buốt thấu da thịt. Nếu những ai da mỏng vô tình chạm phải lá han voi - loại lá han độc nhất còn có thể bị dị ứng nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong.

Ở vùng núi phía Bắc, cứ đến tháng 10, hoa lá han lại nở bung khắp các nẻo đường, triền đồi, bên trong những ngách cây mọc thành từng bụi rậm. Tuy nhiên, chẳng ai dám đến lại gần vì đây được mệnh danh là loài cây “ác mộng”. Lỡ chạm phải lá là ngứa không cách nào chịu được. Vậy lá han là loài cây sinh sống thế nào, thường mọc ở đâu, có tác dụng gì và tác hại của cây lá han ra sao? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây.

1. Lá han


Nằm trong top 10 các loại cây gây ngứa cực độc, cây lá han mọc hoang dại tại các bụi rậm, bờ sông ở vùng rừng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Lá han thân gỗ, lá to bản, có răng cưa. Đặc trưng của lá là chứa chất làm ngứa rất mạnh. Nguy hiểm hơn, chỗ ngứa dai dẳng kéo dài trong nhiều ngày liền. Vì vậy, mà đối với những người sinh sống tại vùng rừng núi Tây Bắc không dám tiến đến gần những nơi có mọc cây lá han.

Cây lá han có tên khoa học là Dendrocnide Urentissima, thuộc họ tầm ma. Loài cây này chủ yếu phân bố ở các tỉnh miền núi phía Tây Bắc như: Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang Lai Châu, Hòa Bình… Bên trong mỗi lá han đều chứa một hoạt chất gây ngứa cực mạnh.

Trong tự nhiên có tới 3 loại lá han, đó là: Han voi, han tía và han trắng. Trong đó, han voi là loài cây độc nhất.

Cây lá han khá dễ nhận dạng. Nếu chẳng may bị lá cây này gây ngứa, bạn chỉ được lấy nước rửa nhẹ, không được gãi để tránh trầy xước da, có thể gây nhiễm trùng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

2. Vì sao nên tránh cây lá han?


Khi vô tình chạm phải vào cây lá han, chỗ tiếp xúc sẽ rất ngứa ngáy, khó chịu. Càng gãi càng ngứa, nếu gãi nhiều sẽ khiến cho làn da bị phồng rộp, lở loét, dễ nhiễm trùng rất khó lành. Nhiều trường hợp bị ngứa dai dẳng trong một thời gian dài, kéo liền hàng tháng trời. Nếu bị nặng còn có thể gây tử vong. Trẻ em, phụ nữ khi bị dính độc lá han có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Mặc dù đây là loại cây rất độc, khiến người tiếp xúc cảm thấy ngứa rát. Tuy nhiên, một số bộ phận của cây vẫn có thể được dùng làm thuốc chữa bệnh. Có lẽ vì vậy mà đây được xếp vào danh sách những loài cây độc lạ của Việt Nam.

3. Cây lá han voi


Tên gọi khác: Mán voi, Lá han; Tên khoa học: Dendrocnide Urentissima (Gagnep.); Tên đồng nghĩa: Laportea Urentissima Gagnep; Loài D. Urentissima…

Cây mọc thành bụi rậm hay gỗ nhỏ có chiều cao khoảng 2-6m. Lá mọc gần nhau, phiến lá có hình tim, dài khoảng 20cm, chóp nhọn, mặt dưới lá có màu tim tím; lá kèm hình tam giác nhọn, có lông trắng ở lưng. Hoa lá han voi mọc thành cụm ở nách lá, hình chuỳ. Cụm hoa đực có nhánh mảnh. Cụm hoa cái có nhánh khoẻ. Quả bế hình thấu kính, rộng khoảng 3mm, lổn nhổn những mụn ở trên bề mặt, đầu nhuỵ dạng sợi, dài 2-5mm, có gợn nhiều.

Cây lá han voi thường ra hoa vào tháng 10.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc trên các núi đá vôi từ Lạng Sơn, Hà Bắc cho tới Ninh Thuận (Cà Ná), Campuchia cũng có loại cây này.

Bộ phận dùng được: Rễ, cành lá - Radix et Ramulus Dendrocnides.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lông lá han rất ngứa và nguy hiểm. Rễ han voi được dùng để làm thuốc chữa bệnh ho và hen. Cành hái trụi lá nếu đem nấu nước tắm đun sôi, sau đó để nguội, không pha với nước lã, dùng khăn khô nhúng vào nước và chậu, gáo khô để múc nước tắm có thể chữa được bệnh lở loét, mẩn ngứa rất hiệu quả. Nhiều người cho rằng, loại lá này gây ngứa kịch liệt nhưng dùng chính nó đun trong nước sôi mang đi tắm lại chữa ngứa, một trong những bài thuốc lấy độc trị độc.

Cách chữa ngứa lá han voi: Nếu quệt phải lá han voi thì lấy thân cây, cành cây giã nát vắt lấy nước bôi lên chỗ ngứa.

Cây lá han mọc tại các bụi rậm, bờ sông ở vùng rừng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

3. Cây lá han tía


Tên tiếng Việt: Han tía, Nàng hai tía, Han lình; Tên khoa học: Laportea violacea Gagnep; thuộc họ: Urticaceae.

Dạng cây thảo hay bụi nhỏ, cao 2-4m. Thân có nhiều nhánh nhẵn, có sẹo lá hình mắt chim san sát nhau. Lá có phiến xoan tròn, dài khoảng 5-12cm, có lông ngứa ngắn, mép có răng to; cuống dài 4-9cm; lá kèm 2mm. Hoa mọc nách lá, có lông, dạng chuỳ 4-8 nhánh; cụm hoa đực dài 5cm; cụm hoa cái dài 15-20cm. Hoa đực có 5 lá đài, 5 nhị, nhuỵ cái lép; hoa cái có 4 lá đài. Quả bế hình trái xoan dẹp, có mụn trên bề mặt, vòi nhuỵ cong.

Cây lá han tía thường ra hoa vào mùa hè.

Phân bố, sinh thái:

Cây thường gặp trên núi đá vôi tại Lạng Sơn, Thanh Hóa.

Han tía là loài cây sinh trưởng mạnh trong mùa hè - thu; có khả năng tái sinh cây chồi sau khi bị chặt phá. Ra hoa quả nhiều hàng năm; hạt vẫn nảy mầm thành cây con nếu rơi vào các kẽ đá, hốc cây.

Han tía là loại cây ít được ưa chuộng vì lông tuyến của nó thường gây ngứa và dị ứng da. Cây trồng được bằng gốc (còn rễ) hoặc cây con mọc lên từ hạt.

Bộ phận dùng được: Rễ, thu hái quanh năm, phơi khô.

Tác dụng của cây han tía:

- Thuốc giun, dễ tiêu, ỉa ra máu (Rễ dùng để sắc uống).
- Theo kinh nghiệm nhân dân, rễ cây han tía có tác dụng giảm đau, chống co thắt.
- Lông rất ngứa; nhưng rễ được dùng làm thuốc trừ giun, ỉa ra máu và làm dễ tiêu hoá.
- Ngoài ra, cây han tía còn được dùng chữa tê thấp, hen phế quản với liều 8-10g.

Bài thuốc có han tía:

- Chữa tê thấp: Rễ han tía 40g, vỏ thân ngũ gia bì 12g, hai vị thái nhỏ, phơi khô, ngâm rượu, uống mỗi lần một chén nhỏ. Ngày 2 lần.

- Chữa hen phế quản: Rễ han tía 10g, củ ráy 10g, vỏ quả bưởi đào hay vỏ quít 20g, tất cả thái nhỏ, phơi khô sao vàng, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 5-7 ngày liền.

Ngoài ra, lá han còn là một loại cây chữa bệnh trĩ rất hiệu quả. Theo kinh nghiệm dân gian, lấy lá han đắp trên đỉnh đầu sẽ khỏi bệnh trĩ ngay lập tức.

Được mệnh danh là loài cây độc dược, nghĩ đến cây lá han, nhiều người nghĩ ngay đến tác hại của loài cây này. Thế nhưng, bên cạnh tác hại của cây lá han thì loài cây này cũng có những công dụng nhất định. Một số bộ phận của cây lá han có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.

Ngoài ra còn có cây han trắng, cũng chứa độc dược không kém han voi và han tía. Nếu dính phải lá, cũng ngứa rát, càng gãi càng ngứa gây lở loét, phồng rộp lớp da. Tuy nhiên, ở nước ta đa số là cây lá han voi và han tía.

Hiểu được những đặc tính nguy hiểm của lòai cây độc dược này, tốt nhất không nên tiếp xúc với cả lá, cành và thân cây. Nếu phải hái cây lá han để chữa bệnh, tốt nhất nên đeo gang tay dày, mặc quần áo kín, để tránh tiếp xúc với cây han, đặc biệt là lá han và tránh được những triệu chứng nguy hiểm về loài cây luôn là nỗi ám ảnh của những người đi phượt và những người sinh sống ở vùng núi Tây Bắc - những người hiểu rõ hơn ai hết sự nguy hiểm từ loài cây độc “ác mộng” này.

Với những người da mỏng, nếu đụng phải loại han voi còn có thể gây dị ứng tới mức tử vong. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Trên đây là những thông tin về cây lá han: Đặc điểm, tên gọi, phân loại, nơi sinh sống, tác hại của cây lá han cũng như công dụng của lá han. AloBacsi.vn hy vọng rằng đây sẽ là những thông tin hữu ích đối với các bạn. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!

Thi Ngọc (tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X