Hotline 24/7
08983-08983

Khi nào dùng đến kháng sinh?

Nhiễm trùng là tình trạng cơ thể bị tấn công bởi các tác nhân vi sinh nói chung, tác nhân đó có thể là vi khuẩn hay virus. Những bệnh nhiễm trùng phổ biến gây ra bởi virus không cần sử dụng kháng sinh vì kháng sinh không có khả năng diệt được virus.

Một vài bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn cũng vậy, chúng có thể tự khỏi mà không cần đến kháng sinh. Sử dụng quá nhiều kháng sinh không cần thiết có thể khiến các vi trùng trở nên kháng thuốc. Hậu quả là khi chúng ta thực sự cần kháng sinh để chữa bệnh thì nó lại không có tác dụng. Kháng sinh thỉnh thoảng cũng gây ra một số tác dụng phụ đáng kể. Đó là lý do tại sao kháng sinh không được kê toa trong một số bệnh nhiễm trùng.

Ảnh minh họa - nguồn internet
Ảnh minh họa - nguồn internet

Nhiễm virus

Virus gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng phổ biến ở mũi, xoang, tai, phổi, đường ruột. Virus có thể gây ra một số bệnh giống cúm, ở đường ruột virus có thể gây ra tiêu chảy hay nôn ói… Nếu cơ thể bạn khỏe mạnh, hệ miễn dịch có thể chống lại hầu hết các virus này. Sử dụng kháng sinh là không cần thiết bởi các lý do sau đây:

- Kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn, không diệt được virus
- Kháng sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ như dị ứng, tiêu chảy, phát ban, mệt mỏi,…
- Lạm dụng kháng sinh khi không cần thiết có thể khiến vi khuẩn trở nên đề kháng. Có nghĩa là khi bạn thực sự cần kháng sinh để điều trị nhiễm trùng thì kháng sinh không có tác dụng nữa.
Bạn có thể cảm thấy không khỏe trong vài ngày hoặc nhiều hơn cho đến khi virus được loại khỏi cơ thể.

Điều trị chỉ nhằm làm giảm bớt triệu chứng để giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Một số phương pháp được khuyên trong điều trị nhiễm virus bao gồm:
- Paracetamol hay ibuprofen giúp hạ sốt, giảm đau đầu, nhức mỏi.
- Đảm bảo uống đủ nước để tránh mất nước. Tình trạng mất nước xảy ra khi bạn sốt cao, điều này có thể làm cho đau đầu, mệt mỏi nhiều hơn.
- Khi bạn sốt, hãy tìm cách hạ sốt, không nên đắp chăn hay mặc nhiều quần áo. Điều này đặc biệt quan trọng ở trẻ em. Nếu trẻ bị sốt, hãy cởi bớt quần áo của trẻ, lau mát và xem xét có cần sử dụng paracetamol hay ibuprofen để hạ sốt hay không.
- Một số vấn đề khác, ví dụ như sử dụng thuốc giúp mũi thông thoáng khi bạn bị nghẹt mũi, hãy hỏi ý kiến dược sĩ để có thêm thông tin cần thiết

Nhiễm vi khuẩn

Hệ thống miễn dịch của chúng ta có khả năng chống lại nhiều loại nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn. Kháng sinh thường có ít vai trò trong tăng tốc độ lành bệnh của một số nhiễm trùng thông thường như viêm phế quản, hoặc nhiễm trùng tai, mũi, họng. Tuy nhiên, bạn sẽ phải cần đến kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng nặng, như viêm phổi hay viêm màng não… Các bác sĩ sẽ thăm khám và quyết định liệu bạn có thực sự cần phải sử dụng kháng sinh hay không.

Nếu bằng chứng khoa học và các hướng dẫn điều trị nói rằng một nhiễm trùng nào đó không cần sử dụng kháng sinh thì tốt nhất là không nên sử dụng chúng một cách không cần thiết. Lạm dụng kháng sinh khiến cho vi khuẩn trở nên “quen” và thích nghi với thuốc, khi đó vi khuẩn trở nên “kháng thuốc”, nghĩa là kháng sinh sẽ không còn khả năng tiêu diệt vi khuẩn nữa. Một khi vi khuẩn đã đề kháng với các thuốc kháng sinh, các bác sĩ không còn cách nào hiệu quả hơn để điều trị thì nhiễm trùng sẽ diễn tiến nặng và đe dọa tính mạng người bệnh.

Đôi khi, nhiễm trùng nhẹ do vi trùng (virus hoặc vi khuẩn) có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Hãy đến khám bác sĩ nếu bệnh của bạn nặng hơn hoặc không tự thuyên giảm sau vài ngày hoặc nếu bạn lo lắng về một triệu chứng nào đó mới xuất hiện. Nếu bệnh của bạn trở nên nặng hơn hoặc có biến chứng có thể bạn sẽ cần đến kháng sinh, bác sĩ sẽ chọn loại kháng sinh thích hợp cho bệnh của bạn.

Thỉnh thoảng, bạn có thể nhận được một “toa dự phòng” (back-up prescription), đây là một cách nhằm hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh đang tăng nhanh. Theo đó, khi bạn đến khám vì một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, bác sĩ có thể không cho bạn dùng kháng sinh ngay mà dặn dò bạn theo dõi thêm một thời gian, nếu bệnh không cải thiện bạn mới dùng đến kháng sinh trong toa thuốc đó. Dĩ nhiên, trong trường hợp này bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn biết trong tình huống nào thì nên bắt đầu uống thuốc. Nếu bạn không chắc chắn về bất kỳ điều gì, hãy gọi điện thoại hoặc đến gặp bác sĩ để được tư vấn thêm.

Năm sai lầm cần tránh khi dùng kháng sinh

1. Uống thuốc mau dứt triệu chứng mới là thuốc tốt

Khi bị bệnh, ai cũng muốn bệnh mau khỏi. Chính tâm lý này mà bệnh nhân tin rằng thuốc “mạnh” mới  là thuốc tốt. Vì  thế, một số (không phải tất cả) bác sĩ (hoặc nhà thuốc) đã “chiều lòng” bệnh nhân mà kê đơn thuốc kháng sinh liều cao, thuốc thế hệ mới... khi chưa cần thiết phải dùng.

2. Uống thuốc không đủ liều

Tâm lý chung dựa trên sự hiểu biết không đầy đủ của rất nhiều người bệnh thường là “thuốc tây nó hại” lắm, cho nên chỉ cần uống mấy liều thấy đỡ rồi thì thôi, chứ uống làm gì nhiều cho hại người. Tuy nhiên, kháng sinh có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm khuẩn, nhưng phải được sử dụng đúng liều và đủ thời gian thì mới có được tác dụng này. Nếu dừng thuốc khi bệnh mới thuyên giảm (chưa hết thời gian dùng thuốc), vi khuẩn lúc này mới chỉ bị yếu đi, sẽ sống lại trong môi trường kháng sinh đã giảm nồng độ.

3. Dùng thuốc theo mách bảo

Thường các phụ huynh hay chia sẻ với nhau về bệnh của con mình. Chia sẻ này thường nhận được sự cảm thông: “Bệnh này giống hệt bệnh của con tôi, để tôi đưa cho cái thuốc con bé nhà tôi đã dùng, nhanh khỏi lắm, đỡ phải đưa con đi khám bệnh vừa tốn kém, vừa chờ đợi lâu mà biết đâu lại bị lây bệnh khác...”. Và  thế là không ít phụ huynh “tặc lưỡi” nhận thuốc được tặng (hoặc đi mua thuốc giống hệt) về dùng cho con.

Điều này là sai lầm lớn, nhưng thực tế lâm sàng lại rất hay gặp ở các phụ huynh. Bởi ngay cả khi có thể là bệnh giống hệt nhau thì việc dùng kháng sinh trên mỗi cá thể bệnh nhân lại khác nhau.

4. Dùng lại thuốc của lần trước

Với tâm lý ngại đi khám bệnh và tiếc tiền thuốc, không ít các trường hợp bệnh nhân sử dụng lại thuốc của lần dùng trước, khi có triệu chứng bệnh giống nhau. Đây là một sai lầm lớn, bởi có thể bệnh lần sau dù có  triệu chứng “giống” với lần trước nhưng chưa chắc đã phải cùng là một bệnh. Mà ngay cả khi bệnh đó tái phát thì việc dùng thuốc của lần sau chưa chắc đã giống lần trước. Hơn nữa, thuốc của lần trước (đã mua được bao nhiêu ngày, tháng? Đã mở hộp/lọ/vỉ thuốc ra  chưa?) thì chất lượng thuốc không chắc đã được bảo đảm. Bởi chất lượng cuả thuốc còn phụ thuộc vào việc bảo quản: Nhiệt độ, tủ thuốc, ánh sáng... Nếu việc bảo quản này không tốt có thể làm thay đổi, thậm chí mất tác dụng của thuốc. Do đó, đừng bao giờ trả giá với sinh mệnh của mình khi dùng lại thuốc đã cũ.

5. Tự ý đổi thuốc

Kháng sinh dù có mạnh đến đâu, cũng cần có thời gian nhất định để phát huy tác dụng, chứ không thể vừa uống, bệnh đã khỏi. Nhiều cha mẹ cho con uống thuốc chưa hết liều nhưng thấy con không có dấu hiệu thuyên giảm thì yêu cầu bác sĩ đổi thuốc ngay. Nhiều trường hợp bác sĩ giải thích thì không nghe, còn chê “bác sĩ trình độ kém” và đi khám bệnh nơi khác chiều ý mình mới chịu. Đây cũng là một sai lầm của rất nhiều bệnh nhân.

Còn đối với bác sĩ, khi bệnh nhân dùng thuốc không có tác dụng, họ sẽ cần xem xét đến các khía


BS Bùi Diễm Khuê - Cổng thông tin YHCĐ
Tài liệu tham khảo
http://patient.info/health/why-wasnt-i-prescribed-antibiotics


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X