Hotline 24/7
08983-08983

Hỏng mắt do hóa chất khai thác đá

Vài năm trở lại đây, BV Mắt Trung ương tiếp nhận rất nhiều trường hợp bỏng mắt do một loại hóa chất dùng để làm lở đá trong khai thác đá

Chấn thương mắt là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa hiện nay. Theo thống kê của Bệnh viện (BV) Mắt Trung ương và BV Mắt TP. Hồ Chí Minh, chấn thương mắt do tai nạn lao động là hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ 51,7%; sau đó đến tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, tai nạn thể thao, vui chơi.


Hỏng mắt do hóa chất khai thác đá
Khi thấy có bất thường ở mắt, người bệnh nên đi khám ngay để được cứu chữa kịp thời. Ảnh: Trần Minh

Chỉ sau tích tắc, tất cả đã là bóng tối

Nhìn đôi mắt mờ đục không còn nhìn thấy lòng đen và những vết trầy xước do hóa chất văng vào trên gương mặt người thanh niên trẻ Nguyễn Văn T., (25 tuổi, Ninh Bình) không ai không khỏi xót xa. Mẹ T., người đàn bà 62 tuổi vẫn nghẹn ngào không thốt nên lời về tai nạn bất ngờ giáng xuống đầu đứa con trai út của bà. Chỉ mấy ngày trước thôi, tương lai với T. vẫn còn đẹp lắm. Vậy mà...

T. kể: “Em xin vào làm ở một công ty xây dựng và khai thác đá ở Lai Châu. Có một thứ bột người ta đưa cho công nhân, hòa với nước rồi đổ vào lỗ khoan đá thì đá sẽ bở ra rồi san lấp. Các anh em công nhân đều biết bột đó mà vào tay, vào người thì sẽ gây bỏng nặng, nhưng chẳng một ai có bất kỳ phương tiện bảo hộ lao động nào, tất cả chỉ là những đôi tay trần làm việc, mọi người chỉ còn cách cố gắng tránh tối đa bột hóa chất dính vào người”.

Ngày 4/5, sau khi khoan được 1 lỗ khoan, như thường lệ, T. đổ xô hóa chất đã pha loãng vào lỗ khoan thì bất ngờ hóa chất bắn thẳng vào mắt. Đau rát, choáng váng, tối tăm mặt mũi, T. hô lên kêu cứu và được mọi người đưa lên BVĐK tỉnh Lai Châu. Hơn 1 ngày sau, T. được chuyển lên BV Mắt Trung ương.

Có thể mù vĩnh viễn

TS.BS. Ngô Văn Thắng, Khoa Chấn thương, BV Mắt Trung ương cho biết: Bệnh nhân (BN) Nguyễn Văn T. nhập viện trong tình trạng 2 mi mắt sưng nề, phồng rộp da mi. Kết mạc phù trắng đục, thiếu máu gần như toàn bộ kết mạc.

Giác mạc trợt, phù đục trắng như sứ, mất thị lực, chỉ nhận biết lờ mờ sáng tối, bóng bàn tay. TS. Thắng nhận định đây là trường hợp bỏng nặng do kiềm. Bỏng hóa chất thường gây ra những tổn thương nặng nề cho mắt, bỏng kiềm đặc biệt nặng, nhất là đối với trường hợp này không được xử trí kịp thời tại chỗ, khi đến BV tỉnh cũng chưa được gắp hết những mảng hóa chất bám vào và rửa sạch.

Nguyên tắc sơ cứu quan trọng trong những trường hợp bỏng hóa chất thế này là phải rửa sạch, nhanh bằng bất kỳ nguồn nước sạch nào sẵn có, thậm chí kể cả nước ao (rửa càng sạch, càng lâu, càng nhiều càng tốt) để làm sao loại bỏ được tác nhân gây bỏng khỏi mắt sớm nhất. Hiện tại, mắt của T. độ pH chưa về lại được trạng thái bình thường, vẫn phải truyền rửa liên tục và lấy bỏ dị vật từ bề mặt nhãn cầu và tách dính mi cầu.

Hỏng mắt do hóa chất khai thác đá
Bỏng giác mạc, kết mạc do hóa chất.

Các bác sĩ cho biết, với những BN bỏng giác mạc do hóa chất, tùy mức độ tổn thương (nặng hay nhẹ) sẽ có các biện pháp xử trí khác nhau.

Trường hợp của BN T. bỏng rất sâu trong cả nhu mô (hóa chất ngấm hết vào bề dày giác mạc, một bên mắt phải đã bị bỏng quá nặng, không còn mạch máu để nuôi dưỡng và đã hoại tử) nên giải pháp sẽ phải ghép giác mạc bên mắt trái để loại bỏ tác nhân gây bỏng còn trên giác mạc cũ.

Tuy nhiên, theo TS.BS. Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết giác mạc của BV, ghép giác mạc trên nền một con mắt bỏng, còn hóa chất, dinh dưỡng kém thì khả năng sống của mảnh ghép cũng sẽ rất hạn chế. Nhưng nếu không ghép thì trước sau giác mạc vẫn bị nhuyễn và có thể phải bỏ nhãn cầu. Nếu vậy, BN sẽ vĩnh viễn mù lòa, nên còn nước còn tát, may ra BN còn cơ hội tìm lại ánh sáng. Ngày 12/5, các bác sĩ sẽ tiến hành ghép giác mạc mắt trái cho T.

Đây là bài học đắt giá cho người lao động. Đồng thời cảnh báo về một loại hóa chất hiểm họa đang được sử dụng bừa bãi tại các khu vực mỏ, quặng khai thác đá hiện nay. Người lao động hãy tự biết bảo vệ và yêu cầu đơn vị sử dụng lao động bảo vệ tính mạng của mình.

Xử trí ban đầu khi bị chấn thương mắt trong lao động

Đối với dị vật kết giác mạc (phoi tiện, cát, bụi, côn trùng...): Tránh dụi mắt vì có thể làm dị vật ghim sâu hơn hay làm trầy lòng giác mạc. Hãy chớp mắt để dị vật trôi ra ngoài. Nếu không được hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được lấy dị vật ra.

Đối với các trường hợp bỏng mắt: Dù do bất cứ nguyên nhân gì đều phải rửa mắt ngay tại chỗ bằng các loại nước sạch có sẵn, rửa càng nhiều càng tốt. Trừ trường hợp bỏng vôi sống phải gắp vôi ra trước khi tiến hành rửa mắt. Sau đó che mắt và chuyển đến BV chuyên khoa mắt không được chậm trễ vì bất cứ lý do gì.

Đối với các trường hợp có vết thương ở mắt kèm dịch nhầy nhớt, lẫn máu: Băng mắt và chuyển đến cơ sở có chuyên khoa mắt gần nhất, không rửa mắt và tuyệt đối không được tự ý rút những vật lạ như: gỗ, đá, móc sắt, đinh... cắm trong mắt ra.

AloBacsi.vn
Theo Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X