Hotline 24/7
08983-08983

Hở van tim 3 lá 2/4 có ảnh hưởng tới việc sanh con?

Em bị hở van tim 3 lá 2/4. Nhưng chỉ 2 tháng mà đã tăng từ 1/4 lên 2/4, vậy có đáng lo ngại không ạ?

Xin chào bác sĩ,
 
Em xin hỏi về trường hợp của em như sau:
 
Cách đây 3 năm em có đi khám tổng quát ở bệnh viện thì bác sĩ bảo em bị hở van tim 2 lá nhẹ 1/4 do bẩm sinh, không cần uống thuốc điều trị gì, chỉ cần ăn uống điều độ, không làm việc nặng. Do đó, em không theo dõi hay khám định kỳ gì cả.
 
Nhưng ngay từ nhỏ em đã thấy khó thở, tim đập nhanh. Và cách đây 3 tháng, em có đi khám lại thì bác sĩ bảo em bị hở van tim 2 lá: 2.5/4, van 3 lá : 1/4. Và hẹn 2 tháng sau tái khám (do em đang có thai).
 
Và tuần vừa rồi em đã tái khám, kết quả là: van 2 lá: 2.5/4, van 3 lá: 2/4. Em hơi thắc mắc là bác sĩ chỉ đề cập đến việc hở van tim 2 lá, còn van 3 lá thì sao? Sao không nghe bác sĩ nhắc đến? Do độ hở van 3 lá ở mức nhẹ? Nhưng chỉ 2 tháng mà đã tăng từ 1/4 lên 2/4, vậy có đáng lo ngại gì không ạ? Và trường hợp này có ảnh hưởng gì tới việc em sanh thường hay sanh mổ không ạ?
 
Em có đọc một số tài liệu bảo rằng hở van tim từ 3.5/4 mới phải điều trị, vậy trường hợp của em (hở 2.5/4) thì không cần điều trị, đúng không ạ? Và như vậy con em có bị di truyền không ạ? (Vì em nghe nói bệnh tim có di truyền). Em rất mong được sự trả lời từ bác sĩ. Em chân thành cảm ơn.
 
(Mèo Bé - doan...@gmail.com)
 
Chào em,
 
Đầu tiên BS muốn hỏi là em khám ở BV nào, do BS chuyên khoa khám? Ngoài siêu âm tim ra em có làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác để kiểm tra chưa (như X-quang ngực, đo điện tâm đồ, xét nghiệm máu...), để tìm nguyên nhân của bệnh lý van tim này.

Còn vấn đề hở van tim (2 lá, 3 lá, hở van động mạch chủ... ) bao nhiêu phần (1/4, 2/4, 3/4... ) là kết luận trên siêu âm, và tùy thuộc cách đo, cách đặt đầu dò của BS cận lâm sàng (tức hơi chủ quan), còn vấn đề điều trị là của BS điều trị. BS điều trị sẽ kết hợp thêm các dấu hiệu (triệu chứng) trên bệnh nhân, thêm các xét nghiệm khác hỗ trợ tìm nguyên nhân và có hướng điều trị đúng.
 
Tuy nhiên khi có thai, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn (cung cấp thêm oxy và dưỡng chất cho thai nhi) nên có thể sẽ mệt hơn và làm nặng hơn một chút bệnh tim vốn có từ trước.

Nếu em có bệnh lý ở tim, tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới cuộc sanh. Luôn luôn các BS đặt vấn đề sinh thường lên trước tiên, nếu có trở ngại (bất tương xứng thai và khung chậu, chuyển dạ kéo dài, suy thai,... ) thì sẽ cân nhắc vấn đề sinh mổ. Vì vậy khi khám BS sản khoa, em phải cung cấp các thông tin bệnh lý van tim em hiện có để BS sản tiên lượng trước.

Bệnh tim của em không di truyền đâu, đừng quá lo lắng mà ảnh hưởng đến thai nhi, cố gắng ăn uống đủ chất, khám thai định kỳ, tăng cân đạt yêu cầu là được rồi.
 
Chúc em khỏe, sinh nở mẹ tròn con vuông.

BS-CK1 Bùi Thường Hương Thy


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

 

Chương trình được tài trợ bởi nhãn hàng NattoEnzym.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X