Hotline 24/7
08983-08983

Hít nhiều hơi sơn, véc-ni: Dễ bị hen suyễn, rối loạn sinh sản

Nam giới thường xuyên tiếp xúc với hóa chất sơn có nguy cơ gặp nhiều rối loạn sinh sản hơn và những lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe lâu dài...

Sơn và véc-ni đang được sử dụng phổ biến cho đồ gia dụng và nội thất. Sử dụng loại hoá chất này như thế nào để vừa đảm bảo sức khoẻ vừa không ảnh hưởng đến môi trường?
 
Sơn: Ảnh hưởng tới đàn ông!

TS Đặng Chí Hiền, trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Hóa Dược phẩm, Viện Công nghệ hóa học (VAST) cho biết, sơn hay véc-ni là hỗn hợp theo một tỷ lệ nhất định giữa bột màu và chất tạo màng được dùng bằng cách phết với cọ sơn hoặc dùng súng phun, nhiệm vụ là bảo vệ mặt vật liệu phủ sơn, chống gỉ, tạo thẩm mỹ cho vật liệu, đồng thời thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt đó là sơn chống hà, sơn cách điện.

Thành phần trong sơn  gồm có chất tạo màng, bột màu là những oxit, sunfua hay muối kim loại như BaSO4 , ZnC02... dung môi là những chất lỏng dễ bay hơn được trộn vào sơn để giữ nồng độ sơn thích hợp cho người sử dụng, và một số phụ gia khác như chất chống lắng, chất chống oxy hóa, chất chống nhăn.

Công nhân đang dùng sơn chống gỉ sắt

Đối với véc-ni cũng có những thành phần dung môi pha trộn và tác dụng như sơn đó là bảo vệ như tráng hộp thiếc, dùng trong trang trí phủ đồ gỗ nội thất...

Vẫn theo TS Đặng Chí Hiền, với sơn và véc-ni, bên cạnh cái lợi của chúng đem lại cho cuộc sống thì cái hại phải kể đến là khi sử dụng đều phải pha trộn một số loại dung môi, chính vì vậy độ ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và môi trường là điều không thể tránh khỏi. Sơn được dùng trong nhà có chứa các hóa chất độc hại như các dung môi và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs).

Khi sơn khô, những chất này sẽ bay vào không khí và cơ thể hít phải. Khi hít phải các VOCs, chúng có thể gây kích thích mắt, mũi, họng. Với số lượng lớn, nghiên cứu trên động vật cho thấy có sự liên quan của những chất này với các dị tật bẩm sinh, ung thư và nguy cơ tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Theo một số nghiên cứu, nam giới thường xuyên tiếp xúc với hóa chất sơn có nguy cơ gặp nhiều rối loạn sinh sản hơn và những lo ngại về những ảnh hưởng sức khoẻ lâu dài của sự phát tán hơi sơn. Sơn bám trên da cũng dẫn tới nguy cơ dị ứng, phát ban.

Vì vậy, khi sơn dính vào da, hãy dùng rượu trắng để tẩy. Cũng như sơn, véc ni sử dụng trên đồ gỗ có thể chứa các hợp chất VOCs và khi hít vào, nó có thể gây đau đầu, kích thích mắt, mũi, cổ họng. Do đó, sử dụng các hóa chất này đúng kỹ thuật là điều cần thiết.

Véc-ni: Nguy cơ hen suyễn

TS Lê Thượng Mãn, phó chủ tịch Hội Hóa học TPHCM cho biết, sơn có 2 loại gồm: Sơn nước, thường có chứa thể sữa acrylic và hay dùng sơn tường. Loại thứ 2 là sơn gốc dầu, có tác dụng làm bóng. Sơn nước ít nguy cơ độc hại hơn sơn gốc dầu vì chúng có có ít độc tố và ít phát tán mùi hơn. Một cách khác là dùng sơn tự nhiên như sơn sinh thái mà không có gốc dầu, VOCs và không mùi.

Công nhân sơn vật liệu bằng súng phun sơn màu

Song, sơn tự nhiên không phải là hoàn toàn không tạo ra mùi độc hại và có thể rửa sạch bằng nước thông thường thay vì rượu trắng hay dầu thông. Ngoài ra, mọi căn phòng dùng sơn đều cần thông thoáng tối đa và chỉ ở khi sơn đã khô hoàn toàn.

Véc-ni thường có chứa một loại bột sắt công nghiệp, nhiều tạp chất như thủy ngân, chì là những chất nguy hại cho sức khỏe. Cơ thể nếu bị nhiễm chì thì khó đào thải vì chì sẽ theo máu đến các cơ quan như gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ và gây tổn thương ở đó.

Đặc biệt, đối với trẻ em tiếp xúc với các hóa chất này có nguy cơ hen suyễn rất cao. Do đó, nên đánh véc-ni trong những căn phòng thoáng, có nhiều cửa sổ mở, tốt nhất là làm ngoài trời, đeo khẩu trang, đi găng tay bảo vệ da; hạn chế thời gian tiếp xúc, thường xuyên và tránh xa khu dân cư.

Theo Quỳnh Hương - Khoa học và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X