Hotline 24/7
08983-08983

Hãy trao cho con cơ hội chủ động trong cuộc sống

Ba mẹ nào cũng yêu thương con, mỗi người yêu con theo cái cách của riêng mình. Tuy nhiên, ai cũng có một cuộc đời phải sống. Làm thay con mọi việc tức là tước đoạt của con cơ hội chủ động trong cuộc sống.

Không phải tất cả những đứa trẻ đều ngay lập tức trở nên độc lập và chăm ngoan, nếu chúng vẫn được những người lớn chở che và bao bọc.

Ở chỗ tôi ai cũng ngưỡng mộ chị Nhàn. Người đàn bà này chẳng biết có ba đầu sáu tay hay không mà mọi việc trong tay chị cứ trơn tuồn tuột.

Chị quản một mình hai cửa hàng trong khi vẫn làm công sở, vẫn có thời gian làm đẹp và mọi người luôn thấy chị rất đẹp. Đàn bà đẹp bền lâu vừa tốn tiền vừa tốn thời gian chưa kể phải là người có phông kiến thức và hiểu biết. Sắc đẹp của đàn bà mong manh như hoa, không khéo giữ chả mấy mà tàn.

Ai cũng thắc mắc sao chị bận rộn thế mà lúc nào cũng rạng rỡ xinh đẹp. Chị  thường nói chuyện với mọi người rằng ở nhà chị ai cũng phải tự lo nỗi lo của người ấy.

Hồi bọn trẻ nhà chị đi mẫu giáo, chúng tự biết thu xếp đồ dùng để mang theo. Bố mẹ chở đến trường tự vào chào cô và cất đồ đạc. Lên lớp ba chị bắt đầu cho con đi xe buýt theo tuyến. Chúng phải tự lo lắng và biết cách bảo quản hành lý và cả bản thân mình.

Chị tâm sự rằng thay bằng nỗi sợ hãi thì hãy cho con mình kỹ năng đối mặt và giải quyết các tình huống thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày. Thực sự để bọn trẻ đạt được kỹ năng tự làm mọi việc và tự chịu trách nhiệm về bản thân từ rất sớm như con chị, cả chị và con đã phải trải qua khá nhiều rắc rối và mệt mỏi mới đi vào đúng quĩ đạo. Cô bé con nhà chị hồi mới vào lớp một, nhiều lần cháu chuẩn bị sách vở và đồ dùng học tập bị thiếu, cô giáo phê bình cháu ngay tại lớp rồi gọi điện cho phụ huynh. Con bé về nhà khóc mếu bắt đền mẹ đòi không đi học nữa. Chị ôn tồn giải thích và phân tích cho con nghe. Đồng thời chị cũng sắp xếp thời gian gặp gỡ cô giáo chủ nhiệm để bày tỏ quan điểm để cô giáo và chị cùng kết hợp, tạo cho cháu bé một thói quen tự lập và chủ động.

Ví dụ như khi lần đầu cho cậu con trai lớn mới vào lớp ba đi xe buýt, chị phải dành thời gian để dậy sớm cùng con, chờ xe và lên xe cùng con đến trường hai ba lần, trên xe chị hướng dẫn con cách lên xe, tìm ghế ngồi và đến đúng điểm cần xuống thì phải xuống xe. Tất nhiên cậu bé con nhà chị cũng khá linh hoạt, nhưng cũng vài lần cháu đánh mất mũ, để quên vài thứ này nọ rồi mới bắt đầu thông thạo và độc lập mà không có chuyện gì xảy ra.

Trẻ sẽ không bao giờ "lớn" được nếu có sự che chở, bảo bọc của gia đình

Chị Mai là giáo viên cấp hai ở Hải Phòng, hai đứa con nhà chị lớn tướng ra vẫn thụ động dựa dẫm vào mẹ. Nếu chị vắng nhà quá một buổi là anh chồng chị và cả hai đứa con đều ''cơm không có mà ăn''. Anh chồng chị, cơm cũng chẳng biết nấu, hai đứa con một đứa học xong cấp ba, cô thứ hai mới vào lớp mười nhưng chưa từng biết cắm nồi cơm. Chưa từng biết giặt quần áo, đến đồ ăn sáng cũng toàn mẹ mua về. Thực ra tại chị quá chiều chồng, chiều con, không biết san sẻ mọi việc trong gia đình cho chồng con đỡ đần giúp. Cái chính là chị đã làm mất đi cơ hội tự chủ của chồng, con mình. Ai cũng có một cuộc đời phải sống. Nếu chị cứ làm thay mọi việc cho chồng con sẽ làm họ mất đi cơ hội chủ động trong mọi việc.

Mỗi người mẹ sinh ra con đều yêu con và dạy con theo cái cách của riêng mình. Như chị Nhàn, chị Mai, các chị đều rất yêu con nhưng hai người yêu theo hai hướng.  Đôi lúc làm mẹ thật khó, ai cũng muốn con mình trưởng thành độc lập và tự chủ. Nhưng để  đạt được cái thành quả mà chúng ta mong muốn ấy không hề dễ. Lắm khi người mẹ bắt buộc phải đẩy cả bản thân mình và con mình vào một sự “lạnh lùng” và mạo hiểm. Nếu không “lạnh lùng”, mẹ sẽ  lại làm thay con, sống hộ con rất nhiều quãng thời gian niên thiếu mà lẽ ra bọn trẻ phải tự thân vận động.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X