Hotline 24/7
08983-08983

Giao lưu trực tuyến: Chụp cộng hưởng từ phát hiện bệnh gì, chuẩn bị ra sao?

10g sáng 18/4, BS CK1. Lê Thị Phong Lan - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ tư vấn về chụp cộng hưởng từ - MRI, trả lời câu hỏi mà nhiều người quan tâm: chụp cộng hưởng từ phát hiện những bệnh gì, trước khi chụp cần chuẩn bị ra sao?


BS.CK1 Lê Thị Phong Lan - phó khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ giải đáp cụ thể những băn khoăn của nhiều bệnh nhân/bạn đọc về phương pháp chẩn đoán hình ảnh chụp cộng hưởng từ - MRI:

- Chụp cộng hưởng từ phát hiện những bệnh gì?
- Quy trình chụp MRI gồm các bước nào?
- Liệu có nên chụp MRI toàn thân hay không?
- Chỉ định và chống chỉ định của chụp MRI?

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

1. Trong các kỹ thuật cao cấp về chẩn đoán hình ảnh, người ta thường nhắc đến chụp CT và chụp cộng hưởng từ - MRI. Hai phương pháp này khác nhau như thế nào ạ?

BS.CK1 Lê Thị Phong Lan

Cả 2 phương pháp này đều là phương pháp phổ biến trong chẩn đoán hình ảnh.

CT sử dụng tia X mang tính phóng xạ, cộng hưởng từ sử dụng từ trường và sóng radio nên an toàn cho bệnh nhân, nhất là trẻ em và những bệnh nhân phải chụp nhiều lần.

Đối với CT, thời gian chụp ngắn. VD với máy CT 128 lát cắt, thời gian chụp não dưới 30 giây, trong khi khảo sát não bằng cộng hưởng từ (MRI) trung bình khoảng 30 phút.

CT ít bị ảnh hưởng bởi kim loại. Còn đối với MRI thì sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, làm nhiễu hình ảnh, có thể không khảo sát được. VD như mảnh kim loại ở đầu, răng giả sẽ hạn chế khảo sát nhu mô não.

Tuy nhiên, MRI sẽ khảo sát tốt hơn do mô tả được chi tiết các cấu trúc giải phẫu và bản chất của tổn thương.

Thân mến.



2. Chụp cộng hưởng từ phát hiện những bệnh gì, khi nào bác sĩ cho chỉ định chụp cộng hưởng từ ạ?

BS.CK1 Lê Thị Phong Lan

Chụp cộng hưởng từ có chỉ định khi cần chẩn đoán các bệnh lý sau:

- Bệnh lý nhu mô não, nhồi máu não, xuất huyết não, u, viêm, áp xe

- Bệnh lý mạch máu não: dị dạng, túi phình, hẹp, tắc, thông nối động tĩnh mạch

- Khảo sát trong đau đầu chưa rõ nguyên nhân

- Khảo sát bệnh lý ống tai trong

- Tìm kiếm tổn thương trong động kinh

- Khảo sát các sụn, dây chằng và các khớp

- Khảo sát trong chấn thương khớp vai,rách chóp xoay

- Chẩn đoán hoại tử mạch máu trong bệnh lý mạch máu của cơ xương khớp

- Khảo sát các u mô mềm của toàn bộ cơ thể

- Khảo sát u xương, nang và thoát vị đĩa đệm của cột sống

- Khảo sát mạch máu trong tất cả các trường hợp có thể có tiêm thuốc cản từ hay không cần phải tiêm thuốc cản từ

- Khảo sát vần đề tim mạch không cần xâm lấn

- Khảo sát và sinh thiết các tổn thương ở vú, túi ngực

- …

3. Trước khi chụp cộng hưởng từ, người bệnh cần chuẩn bị ra sao?

BS.CK1 Lê Thị Phong Lan

Trước khi chụp MRI, bệnh nhân cần mang theo hồ sơ, bệnh án, các xét nghiệm và các hình ảnh đã có như film chụp Xquang, siêu âm, CT, MRI.

- Không cần nhịn đói trước khi chụp MRI. Trường hợp chụp MRI có tiêm thuốc cản từ hoặc cần gây mê, quý khách phải nhịn đói trước khi chụp từ 4-6 giờ.

- Uống một ít nước vì trong vùng từ trường, bệnh nhân rất dễ bị khô họng.

- Thay quần áo chuyên dụng cho MRI

- Tháo các vật kim loại: răng giả tháo lắp, đồ trang sức, đồng hồ, kẹp tóc, điện thoại, máy tính, thẻ tín dụng…

- Đi vệ sinh trước khi chụp

- Bạn sẽ được thực hiện một bảng kiểm các thiết bị như: máy tạo nhịp tim, máy trợ thính, các stent mạch máu, vật kim loại nội sọ, vật kim loại trong hốc mắt, trong cơ thể (khớp giả, nẹp xương, đinh nội tủy…).


Máy cộng hưởng từ - MRI 3.0 Tesla tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ S.I.S - Ảnh: Hoàng Long

4. Quy trình chụp MRI gồm các bước nào?

BS.CK1 Lê Thị Phong Lan

Bệnh nhân vào phòng, nằm lên bàn chụp, đeo tai nghe để giảm ồn, cầm bóng báo hiệu để gọi kỹ thuật viên trong tình huống khẩn cấp (VD: khó thở, chóng mặt,…)

Kỹ thuật viên sẽ đặt khung chụp (coil) lên vùng cần khảo sát.

Bàn sẽ di chuyển vào lồng máy MRI, tùy theo cơ quan khảo sát mà thời gian sẽ khác nhau. Với máy MRI 3.0 Tesla, thời gian gợi ý như sau:

- Sọ não, mạch máu não: 30 phút

- Cột sống cổ, thắt lưng: 10 phút

- Bụng, chậu: 30 phút

- Khớp vai, khớp gối: 15 phút

- Mạch máu chi: 30 phút

- Toàn thân: 60 phút

Trong quá trình chụp, máy vận hành có thể phát ra âm thanh ồn, bạn đừng lo lắng. Nên nằm yên tĩnh, không cử động để cho chất lượng hình ảnh tốt. Bạn có thể trao đổi ý kiến với nhân viên y tế qua máy đàm thoại.

5. Nếu nói là chụp cộng hưởng từ an toàn cho người bệnh, vậy người dân có thể đến các trung tâm y tế  yêu cầu được chụp mà không cần chỉ định của bác sĩ không?

BS.CK1 Lê Thị Phong Lan

Chụp cộng hưởng từ an toàn cho người bệnh, tuy nhiên bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ khám để có chỉ định chính xác cơ quan cần khảo sát hoặc kết hợp nhiều phương tiện cận lâm sàng khác như: Xquang, CT, siêu âm,… hoặc xét nghiệm máu, nước tiểu…

VD: Bệnh nhân yếu liệt tay chân nhưng nguyên nhân chính lại nằm ở não và cột sống, BS sẽ cho bệnh nhân chụp MRI não và/hoặc cột sống. Tuy nhiên, yếu liệt tay chân cũng có thể do hạ kali máu thì cần làm xét nghiệm máu sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn.

Thân mến!



6. Theo BS, liệu có nên chụp MRI toàn thân hay không, vì khá nhiều người tin rằng chụp MRI toàn thân thì nếu có u cục gì lạ trong người cũng sẽ thấy hết?

BS.CK1 Lê Thị Phong Lan

MRI toàn thân dành cho tầm soát ung thư ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao, lập kế hoạch điều trị, theo dõi trong ung thư, tầm soát di căn, đặc biệt phát hiện giai đoạn sớm di căn tủy xương, phân giai đoạn một số u nguyên phát, đánh giá đáp ứng điều trị ung thư.

Bệnh lý toàn thân như bệnh mô bào Langerhans, u tân sinh nội tiết nhiều nơi, bệnh xương nhiều nơi ở trẻ em, viêm cơ nhiều nơi, bệnh loạn sản sợi cơ, đa u sợi thần kinh, đa u sụn xương cũng được khảo sát tốt bằng MRI toàn thân.

Đối với lymphoma, MRI giúp phát hiện tốt các tổn thương hạch và ngoài hạch.

Do đó, MRI toàn thân nên được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.


7. Trường hợp nào chống chỉ định chụp cộng hưởng từ, thưa BS? Nếu không chụp MRI thì thay thế bằng phương pháp nào?

BS.CK1 Lê Thị Phong Lan

Chống chỉ định tuyệt đối (những vật có tính sắt từ mạnh): Máy cấy ghép tạo nhịp và máy khử rung tim cấy ghép; Máy trợ thính; Ốc tai điện tử; Máy kích hoạt thần kinh; Bơm tiêm insulin; Mảnh kim loại trong mắt…

Chống chỉ định tương đối (thiết bị, vật cấy ghép chứa từ tính, có tính dẫn điện, chứa thành phần bị ảnh hưởng bởi sóng RF): Clip mạch máu; Dụng cụ cấy ghép: khớp giả, nẹp xương, đinh nội tủy…; Đạn và mảnh đạn…

Trường hợp chống chỉ định chụp MRI, bệnh nhân có thể được khảo sát bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác như: Xquang, CT, DSA… theo chỉ định của bác sĩ.



8. Thuốc tương phản trong chụp MRI có tác dụng phụ gì không, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thị Phong Lan

Thuốc tương phản từ (Gadolinium) ít tác dụng phụ, tuy nhiên, có thể gặp các triệu chứng sau:

- Nôn, cảm giác nóng, đỏ bừng mặt trong ít phút

- Hiếm xảy ra sốc phản vệ: đau đầu, buồn nôn (1/100.000)

- Chống chỉ định dùng thuốc tương phản từ với bệnh nhân suy thận nặng

9. Khi tiếp nhận một bệnh nhân đột quỵ,  CT và MRI được chụp khi nào?

BS.CK1 Lê Thị Phong Lan

Khi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ, CT được lựa chọn đầu tiên để loại trừ xuất huyết não. Tiếp theo là MRI để phát hiện ổ nhồi máu sớm hoặc tổn thương ở hố sọ sau, những tổn thương có kích thước nhỏ nằm ở vỏ não, và khảo sát mạch máu nội sọ mà không cần tiêm thuốc tương phản từ.

MRI còn đánh giá các mô sống còn của não, tình trạng tưới máu, giúp chọn lựa bệnh nhân trong điều trị tái thông mạch máu.

Theo hướng dẫn của AHA/ASA năm 2013, khảo sát MRI trước khi điều trị tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch để loại trừ xuất huyết.

AloBacsi chân thành cảm ơn BS.CK1 Lê Thị Phong Lan và khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ S.I.S đã nhiệt tình tham gia tư vấn, chia sẻ những thông tin bổ ích giúp bạn đọc hiểu rõ về phương pháp chụp cộng hưởng từ - MRI.



BS.CK1 Lê Thị Phong Lan

Quá trình đào tạo:
• Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2000 tại Trường Đại học Cần Thơ
• Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa 1 chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh năm 2016 tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
• Giấy chứng nhận Siêu âm thực hành tổng quát năm 2001 của Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP. Hồ Chí Minh
• Giấy chứng nhận Siêu âm tim năm 2010 của Viện Tim TP. Hồ Chí Minh
• Giấy chứng nhận định hướng chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh năm 2013 của Đại học Y Dược Cần Thơ.

Kinh nghiệm làm việc:
• Giảng viên bộ môn Chẩn Đoán Hình Ảnh – Trường Đại Học Y Dược Cần Thơ
• Bác sĩ điều trị - Phòng khám Đa khoa Trọng Nghĩa
Chức vụ (công việc) tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ:
• Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh


Thực hiện: Hồng Nhung, Mỹ Thi
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X