Hotline 24/7
08983-08983

Dùng kem tẩy lông có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản?

Cho đến 16g chiều, đã có rất nhiều câu hỏi và cuộc điện thoại "đặt lịch" nhờ BS Cao Thị Lan Hương tư vấn, mời bạn đọc đón xem câu trả lời lúc 18g cùng ngày.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Nhân dân 115

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Dương Hân Hân

Chào BS,

Hiện em đang dùng miếng wax lông trực tiếp trên da. Sau khi wax xong em có dùng thuốc triệt lông của Tina Lê đã trên 6 tháng nay. BS cho hỏi, nếu dùng thường có ảnh hưởng đến sức khỏe hay sinh sản của em sau này không? Em xin cảm ơn BS ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thường các loại kem tẩy lông có thành phần chứa các hỗn hợp lưu huỳnh và các nguyên tố như Natri, Barri hoặc chất Thyogycolate để ức chế làm lông rụng ngay trên bề mặt da mà không can thiệp đến phần chân lông dưới da.

Cơ quan quản lý Y tế Mỹ đã đưa ra cảnh báo là không nên lạm dụng sử dụng kem tẩy lông quá nhiều (mọi loại kem tẩy) để tránh biến chứng cho sức khỏe (tăng nguy cơ bị chàm, rậm lông, nổi ban đỏ, khô da, bong da, gan, thận...), không dùng trên phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Hiện nay chưa có nghiên cứu chứng minh tác động của kem tẩy lông em đang dùng trên sức khỏe sinh sản, do vậy, an toàn nhất là em nên ngưng sử dụng kem tẩy lông trước khi có dự định có thai khoảng 3 tháng.

 

- Đăng Khoa

Thưa BS, bạn em bị đau đầu sau gáy, xin lời khuyên từ BS ạ!


BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hội chứng đau vai gáy, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, thường gặp nhất là bệnh lý của cột sống cổ (thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm vùng cột sống cổ, dãn dây chằng...), hay đau do căng mỏi cơ vì ngồi sai tư thế, hoạt động nhiều, do tăng huyết áp, bệnh lý mạch máu não...

Bạn em nên đến cơ sở y tế để xác định bệnh (qua thăm khám, chụp X-quang cột sống cổ, khớp vai...). Điều trị chung giảm triệu chứng đau cho mọi nguyên nhân bao gồm nghỉ ngơi, đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Panadol, mát-xa, ấn huyệt, châm cứu đều có tác dụng


- An Khuê

BS ơi cho em hỏi,

Em bị rụng tóc càng ngày càng nhiều, tóc càng thưa dần. Em rất sợ. Không biết nên đi khám ở đâu và ăn uống những chất gì để hỗ trợ ạ? Cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em, có những nguyên nhân chính khiến cho tóc rụng nhiều: ăn uống mất cân bằng, thiếu hụt vitamin B5, biotin; ảnh hưởng của thuốc điều trị bệnh; Tạo quá nhiều áp lực lên tóc (uốn, duỗi, nhuộm…); Căng thẳng, lo lắng nhiều; Di truyền; Các bệnh về da đầu (nấm, vảy nến, eczema…), bệnh hệ thống (thiếu máu, mất cân bằng nội tiết tố...)...

Vấn đề này em khám tại chuyên khoa  Da liễu là tốt nhất, trước hết phải loại trừ các bệnh lý, sau đó tùy theo nguyên nhân mà bác sĩ bổ sung thuốc thích hợp cho em.


- Minh Châu

Chào BS,

Gần đây trong tai bên phải của em có tiếng ve kêu lúc nhỏ, lúc lớn. Vậy em bị bệnh gì, điều trị thế nào? Mong BS tư vấn.

Em 15 tuổi, đi khám ở tỉnh, nội soi lỗ tai thì bình thường, màng nhĩ bình thường không có gì hết.  Xin hỏi BS, đó có phải là rối loạn tiền đình không ạ?

BS khám cho em bảo phải lên TPHCM vào chuyên khoa Tai Mũi Họng để khám. Mong rằng BS TPHCM sẽ có thể trị khỏi bệnh.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tiếng ve kêu trong tai còn gọi là ù tai. Triệu chứng ù tai kéo dài có thể gặp trong các nguyên nhân sau: viêm tai giữa mạn, viêm tắc vòi tai, viêm mê nhĩ, rối loạn vận mạch mê nhĩ, u dây thần kinh, tăng áp lực nội sọ, tổn thương tăng sinh ở cơ quan lân cận như u vòm họng, ngộ độc thuốc (như thuốc điều trị lao), bệnh xốp xơ tai (otosclerosis), tắc ống tai ngoài... BS tại tỉnh đã loại trừ được những nguyên nhân cơ bản là màng nhĩ, ống tai ngoài.

Nay em muốn vào TPHCM khám chuyên khoa lớn cũng hợp lý, em có thể khám tại BV Tai mũi họng để BS kiểm tra sâu thêm cho em. Tùy theo bệnh mới có hướng điều trị thích hợp.


- Đức Thịnh

BS cho cháu hỏi,

Cháu đang tuổi dậy thì và có bị mụn. Cháu có nên đến hiệu thuốc để mua thuốc Tây bôi hoặc uống mà không cần đến BS khám được không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Có nhiều nguyên nhân gây ra mụn: sự gia tăng bài tiết chất bã nhờn ở hệ thống nang lông tuyến bã, môi trường (ô nhiễm và ánh nắng mặt trời gay gắt), chế độ ăn uống sinh nhiệt (đồ biển, đồ cay, cafe, bia rượu), nghỉ ngơi không hợp lý (thức khuya), hóa chất kích ứng da (sữa rửa mặt, mỹ phẩm không phù hợp), nội tiết tố không ổn định (tuổi dậy thì, stress...) dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn ngay lỗ chân lông làm sinh mụn.

Nếu mụn không nhiều thì em có thể mua thuốc tại hiệu thuốc Tây và điều chỉnh các yếu tố gây mụn đã trình bày ở trên. Nếu mụn nhiều, mụn bọc, da mặt nhờn dầu nhiều thì cần khám chuyên khoa Da liễu để bác sĩ kê thuốc uống và bôi thích hợp (trong đó sẽ có kháng sinh, giảm viêm...) thì mới bớt và tránh tác dụng phụ, biến chứng, kháng thuốc.


- Thủy Béoo

Thưa BS,
Em đang có bầu chuẩn bị sinh rồi. Nhưng gần đây em cứ bị đau nhức cửa mình với 2 bên mông, đi lại khó khăn. Liệu em có bị sao không, có ảnh hưởng gì con em không ạ?


BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Biểu hiện của em có thể do thai xoay đầu chuẩn bị chào đời tì đè vào vùng chậu, cũng có thể do nguyên nhân bệnh lý như chèn ép cột sống thắt lưng...

Những tuần sắp sinh em cần được theo dõi thai kỳ sát bởi bác sĩ chuyên khoa Sản, bác sĩ khám mẹ và thai sẽ tiên liệu được cuộc sinh và lên kế hoạch sinh tốt nhất cho mẹ và bé. Em nên khám thai để xác định nguyên nhân và xử trí thích hợp, em nhé.


- Huỳnh Lê Tấn Phúc

Nhờ BS giúp em so sánh giữa VAT và SAT? Chỉ định, chống chỉ định. Em có đọc tài liệu nhưng không hiểu cho lắm. Khi nào cần tiêm mỗi VAT, khi nào tiêm cả 2 ạ?


BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Phòng bệnh uốn ván có thể tiêm một trong hai hoặc cả hai loại sau:

+ Huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván (SAT): sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, tạo miễn dịch thụ động, trung hòa ngay độc tố uốn ván, nhưng không tồn tại lâu trong cơ thể.

+ Vắc-xin phòng bệnh (VAT) để tạo miễn dịch chủ động, cơ thể cần thời gian để sinh ra kháng thể chống lại trực khuẩn uốn ván, tồn tại trong thời gian dài.

Người bị vết thương có nguy cơ cao nhiễm uốn ván (nặng nhất là dẫm phải đinh) thì sẽ được xử trí như sau:

+ Nếu đã tiêm miễn dịch cơ bản đầy đủ hoặc đã được tiêm liều nhắc lại trong 5 năm thì không cần tiêm nữa.

+ Nếu đã quá 5 năm và nghi ngờ bị uốn ván thì tiêm ngay 0,5ml vacxin VAT.

+ Nếu tiền sử không rõ thì tiêm 1500IU huyết thanh kháng uốn ván (SAT) và 0,5ml vacxin (VAT) bằng 02 (hai) bơm tiêm ở hai vị trí khác nhau. Hai tuần sau tiêm nhắc lại một liều vacxin 0,5ml và một tháng sau tiêm liều thứ ba với 0,5ml.

 

- Cỏ Dại

BS ơi,

Em bị viêm amidan. Trên mặt amidan có nhiều hốc mủ, 1 hốc mủ bị vỡ tạo thành hố lõm, em cho tâm bông vào được khoảng 1cm. Em có nên cắt amidan không ạ? Nếu cắt, thì cắt ở đâu thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Viêm Amidan hốc mủ cần phải điều trị kháng sinh, kháng viêm thích hợp. Em không được lấy tăm bông chọc vào hốc mủ amidan vì có thể sẽ kích hoạt phản ứng viêm nặng hơn, gây chảy máu nặng nề nếu chạm vào mạch máu, gây nhiễm thêm vi khuẩn độc từ bên ngoài vào...

Chỉ định cắt amiđan bao gồm: Amidan phì đại gây ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ hoặc nhiễm trùng tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh, hay khi Amidan có nhiều ngóc ngách chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, nuốt vướng, hoặc nghi ngờ ác tính.

Em nên đến khám tại chuyên khoa Tai mũi họng để được kiểm tra và điều trị thích hợp.


- diep…@gmail.com

BS ơi cho em hỏi,

Sau khi quan hệ tình dục không an toàn 3 ngày, quan hệ với vợ khả năng truyền HIV cho vợ cao không ạ?           

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu như em quan hệ tình dục không an toàn với người có nguy cơ bị nhiễm HIV thì em có khả năng bị lây nhiễm HIV. Sau đó, em quan hệ với vợ mình thì 3 ngày là cũng đủ lây nhiễm HIV nếu tình huống xấu là em đã bị lây nhiễm HIV.

Nguy cơ 1 người bị nhiễm HIV từ người mang HIV sau 1 lần quan hệ qua đường âm đạo là 0.2 - 0.3%, nhưng con số này dao động tùy vào giai đoạn nhiễm HIV của người mang bệnh, quan hệ có ra máu hay không...

Để biết chính xác có nhiễm HIV hay không, chỉ có 1 cách duy nhất là xét nghiệm máu, nếu làm xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV thì kết quả chính xác nhất là từ 3-6 tháng sau khi có hành vi nguy cơ, còn xét nghiệm PCR HIV thì khả năng phát hiện sớm cao hơn. Ngoài HIV, hai vợ chồng em còn cần cảnh giác với bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, như giang mai, lậu, sùi mào gà...

 

- Hoang Nam - Nghệ An

Chào AloBacsi,

Cho tôi hỏi 1 chút về bệnh HIV ạ.

Bạn tôi là công an, ngày hôm nay có tham gia bắt các đối tượng có HIV sử dụng trái phép chất ma túy. Trong lúc giằng co, đối tượng dùng tay cầm kim tiêm có dính máu cào cấu lên tay bạn tôi nhưng tay bạn tôi không chảy máu. Sau đó bạn tôi rửa tay qua nước sơ sơ rồi tắm lại bằng xà phòng. Vậy cho tôi hỏi, bạn tôi có khả năng bị lây nhiễm hay không? Nếu tay đối tượng có dính máu thì cào cấu vậy bạn tôi có khả năng lây nhiễm cao không? Tôi xin chân thành cảm ơn và mong sớm nhận được câu trả lời ạ!    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tình huống bạn cung cấp là đối tượng nhiễm HIV có cào cấu lên tay người công an nhưng không có vết thương chảy máu. Trước hết, phải xác định là thật sự có vết thương nào xảy ra trong lúc va chạm và bị bỏ sót hay không? Vì nếu có vết trầy xước dính máu của người nhiễm HIV, dù không tạo thành vết thương chảy máu rõ thì người công an vẫn có nguy cơ bị nhiễm HIV.

Một dấu hiệu tinh tế để nhận ra là khi sát trùng hoặc tắm bằng xà phòng sẽ có cảm giác rát nơi xây xát có trầy xướt da, nhưng nhiều người ít để ý dấu hiệu này vì nó nhẹ như kiến cắn.

Nếu không rõ có bị trầy xước da hay không thì tốt hơn hết là người công an nên báo với đơn vị công tác để được xét nghiệm kiểm tra HIV (và ngành công an là ngành nghề nhiều rủi ro, cần thiết kiểm tra định kỳ nhiễm HIV mỗi 6 tháng - 1 năm), và cân nhắc điều trị sơ nhiễm HIV (nếu sau khi hỏi kỹ lại tình huống va chạm thấy có nhiều nguy cơ và đối tượng nhiễm HIV đang ở thời kỳ cuối).


- Võ Thị Lan, 21 tuổi - TPHCM

Chào BS,

3 ngày trước, em bị đụng xe nên có bị bầm tím tại ngón tay trỏ. Sau đó em có ra hiệu thuốc, DS có cho thuốc Alphachoay với Tydol về uống. Sau đó 1 ngày vết bầm tím lan rộng cả móng tay. BS cho em hỏi, liệu để lâu có bị hoại tử móng tay không? Em cảm ơn BS!   

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Với diện tụ máu lớn, nếu em sờ vào thấy phập phều thì em nên đến trạm y tế để rạch lấy khối máu tụ ra (thường giai đoạn này không còn đau nhiều) vì để lâu sẽ hoại tử hôi, không nên tự xử trí tại nhà vì rất dễ nhiễm trùng. Nếu cũng bị bầm tím toàn bộ móng nhưng ấn vào không thấy phập phều thì móng sẽ dần dần chết đi rồi tự bong ra, sau đó mới thay móng mới (nhưng chú ý là thời gian này khá lâu, cũng mất vài tháng).

 

- Hồng Quyền, 36 tuổi - Vũng Tàu

Thưa BS,

Em bị đau nhức toàn thân, đau đầu, người sốt nhẹ, đã uống thuốc hạ sốt 4 ngày rồi nhưng cứ đến chiều lại bị sốt lại. Đo nhiệt độ 38.5 độ, cứ uống thuốc hạ sốt thì đỡ chút sau đó bị lại khi hết thuốc. Nhờ BS chuẩn đoán và có hướng điều trị giúp em với. Em bị 4 ngày nay rồi. Cảm ơn BS nhiều!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu như em chỉ đau toàn thân nhẹ, đau đầu, sốt nhẹ và không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào như ho khạc đàm, khó thở, đau ngực, tiểu gắt buốt, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn - nôn, đặc biệt là từng tiếp xúc với người bị nhiễm siêu vi thì nhiều khả năng em bị sốt siêu vi.

Bệnh nhiễm siêu vi có đặc điểm là sốt cao, làm người mệt mỏi và đau cơ toàn thân, hướng xử trí là nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau hạ sốt (paracetamol, panadol 500mg ngày 3 lần), bổ sung thêm vitamin C, uống nhiều nước và bệnh kéo dài khoảng 3 - 5 ngày sẽ hết.

Nếu có các triệu chứng bất thường nào khác ngoài đau nhức toàn thân thì coi chừng có cơ quan bị viêm nhiễm. Bản thân nhiễm siêu vi cũng coi chừng có sốt xuất huyết, đặc điểm là có chấm xuất huyết trên da, nặng hơn thì đánh răng chảy máu, chảy máu mũi, rong kinh, người đừ nhiều, phù tay chân...

Do vậy, nếu em sốt trên 5 ngày hay có triệu chứng gì bất thường thì phải vào bệnh viện là kiểm tra.

Sau đây là lịch tư vấn tuần này (từ thứ hai ngày 23/5 đến chủ nhật ngày 29/5), AloBacsi trân trọng cập nhật để bạn đọc tiện theo dõi.

Trân trọng thông báo:

Thứ

Bác sĩ phụ trách

Thời gian tư vấn

Ghi chú

Hai

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

Ba

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

Năm

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

Sáu

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

Bảy

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

Chủ nhật

BS Cao Thị Lan Hương

 

Tư vấn qua email

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X