Hotline 24/7
08983-08983

Dịch mật tiết nhiều sau khi đặt ống dẫn lưu có vấn đề gì không?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Bố tôi 74 tuổi, vừa rồi được chẩn đoán ung thư mô biểu tuyến, đã phẫu thuật cắt khối tá tụy thành công. Hiện bố tôi ra viện được hơn 10 ngày nhưng vẫn được đặt ống dẫn lưu dịch mật. Tôi muốn hỏi lúc mới ra viện dịch mật được tiết ra rất ít và hàu như không có, tuy nhiên 2 ngày gần đây lại được tiết ra nhiều, liệu có vấn đề gì không ạ?

Trả lời
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào bạn,

Thông thường, ống dẫn lưu dịch mật thường là ống Kerh, là một ống thông có hình dáng giống như chữ T, một phần dịch mật sẽ được dẫn lưu vào đường tiêu hóa và phần dịch mật còn lại sẽ được đưa ra ngoài qua nhánh dẫn lưu ra da. Dẫn lưu ra da này giúp cho thầy thuốc theo dõi và điều trị bệnh.

Thông thường ống Kerh được lưu lại để tán sỏi sau mổ nhưng đối với các bệnh lý ung thư, ống Kerh được đặt với mục đích giải áp đường mật và theo dõi sau mổ. Thường khi thầy thuốc cho người bệnh xuất viện là tình trạng người bệnh tạm ổn định nên số lượng dịch mật thoát ra ngoài ra < 200ml/ngày.

Việc cung cấp đủ nước vào cơ thể sẽ làm gia tăng thêm số lượng dịch mật thoát ra hơn một chút, tuy nhiên, nếu dịch mật tiết ra quá nhiều, thay đổi màu sắc có thể liên quan đến các biến chứng khác như dò tuỵ, tắc ống Kerh sau mổ… 

Do đó, cần phải đánh giá cụ thể lượng dịch trong 24h là bao nhiêu, đặc điểm dịch thế nào, dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân thì mới trả lời được có bất thường hay không. Phẫu thuật cắt khối tá tuỵ là một phẫu thuật lớn, nhiều biến chứng, nếu thấy dịch ra nhiều liên tục trong vài ngày, thay đổi tính chất dịch, tổng trạng bệnh nhân xấu hơn, bạn nên đưa bố đến tái khám chuyên khoa ngay bạn nhé!

Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Khi về nhà, bạn tự chăm sóc bản thân nên cần trang bị kiến thức về cách chăm sóc ống dẫn lưu. Vì thế trong thời gian điều trị tại bệnh viện người bệnh nên lắng nghe điều dưỡng hướng dẫn, thực hiện chăm sóc và theo dõi ống một cách thành thạo.

- Ống dẫn lưu: nên dùng gạc sạch bao đầu ống và cột lại, định kỳ mở ống cho mật chảy ra.

- Thay băng chân ống dẫn lưu: nên thay sau khi tắm. Dùng gòn sạch lau xung quanh ống dẫn lưu và đắp gạc che chân ống dẫn lưu lại.

- Vệ sinh cá nhân: người bệnh vẫn tắm bình thường nhưng tránh chà xà bông trực tiếp lên ống thông hay dùng vòi sen xịt trực tiếp vào chân ống dẫn lưu. Nước xà bông khi tắm trôi qua ống dẫn lưu vẫn không sao.

- Người bệnh cố định ống dẫn lưu chắc chắn vào da bụng và mặc áo bên ngoài bình thường. Khi nằm, ngồi cần chú ý để ống không bị căng hay nằm đè lên ống trong khi ngủ.

Những điều người bệnh cần chú ý:

- Nguy cơ bị tụt ống dẫn lưu: khi có tình trạng nhiễm trùng hay rò rỉ dịch mật ở chân ống, ống Kehr trở nên lỏng lẻo khi đi qua thành bụng, mối chỉ cột vào ống không còn chắc chắn nữa, khi đó người bệnh cần đến ngay bệnh viện kiểm tra để được cố định lại ống.

- Đau bụng: nếu người bệnh thấy đau, căng tức vùng thượng vị hay vùng hạ sườn phải, cần tháo đầu ống để mật chảy ra ngoài cho đến khi thấy bớt đau và giảm căng tức thì cột ống lại. Nếu đau kèm theo sốt hay đau nhiều lần trong ngày thì nên đến bệnh viện tái khám ngay.

- Vàng da: cần đến bệnh viện kiểm tra.

- Rò mật ở chân ống dẫn lưu: thường là do ống bị nghẹt, cần thay băng ngay chân ống dẫn lưu, liên lạc với nhân viên y tế để được tư vấn thêm. Trong các trường hợp này, do dịch mất ra da có tính kiềm có thể làm rôm lở da nên cần phải bôi thuốc bảo vệ da vùng chân ống.

- Thực hiện rửa tay sạch: trước khi ăn, trước khi thay băng hay chăm sóc chân ống dẫn lưu, sau khi thay băng.

- Vệ sinh trong ăn uống.

- Tái khám đúng hẹn.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X