Hotline 24/7
08983-08983

Dạy trẻ tránh xa tính ích kỷ

Trẻ có tính ích kỷ sẽ khó hòa nhập với xã hội, ít bạn bè, cô độc… Người có tính ích kỷ thường trở nên thực dụng, thậm chí bất chấp thủ đoạn để mưu cầu lợi ích cho riêng mình.

Ích kỷ là chỉ biết đến ích lợi của riêng mình mà không nghĩ đến người khác. Ích kỷ được cho là nguồn gốc của nhiều tính xấu khác: tham lam, độc đoán, háo danh, bội bạc, gia trưởng… Chính vì thế, giáo dục cho trẻ biết kiềm chế tính ích kỷ là điều rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

Hầu như đứa trẻ nào cũng có tính ích kỷ, biểu hiện như lúc nào cũng muốn mình là trung tâm của sự yêu thương, chăm sóc, ưu tiên của cả gia đình. Đặc biệt là giai đoạn trẻ 4 - 5 tuổi, giai đoạn cái tôi cá nhân được phát triển hết sức mạnh mẽ. Ở lứa tuổi này, trẻ đã bắt đầu có ý thức rất rõ ràng về sự sở hữu. Nhiều trẻ thường bực tức, phản ứng thái quá khi có ai đó dám chạm vào đồ chơi hay đồ vật của mình.

Trẻ không thích chia sẻ đồ chơi cho bạn bè hay anh chị em là một biểu hiện của tính ích kỷ. Ảnh: internet

Ngay khi nhận ra các biểu hiện ích kỷ của trẻ, việc cha mẹ cần làm là bình tĩnh lên kế hoạch bảo ban trẻ từ từ. Để dễ dàng hơn trong việc định hướng, các gia đình có thể tham khảo 4 cách giúp trẻ kiềm chế tính ích kỷ sau đây:

1- Cho trẻ thấy niềm vui của sự chia sẻ

Cách đơn giản nhất là hãy đưa cho trẻ một nắm kẹo, bánh... và dặn trẻ đem chia cho các thành viên trong gia đình cùng ăn. Mọi người khi nhận được quà bánh từ tay bé, nên nói cảm ơn và một ít lời khen tặng, dần dà bé sẽ không còn cảm thấy chia sẻ là cái gì đó quá khó khăn, mất mát như lúc ban đầu nữa.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia những trò chơi, hoạt động mang tính tập thể như cùng gia đình nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, trồng cây… Những kỷ niệm vui vẻ khi được cùng nhau san sẻ công việc, cùng hưởng thành quả sẽ khắc rất sâu trong đầu trẻ.

2- Giúp trẻ sống hòa đồng

Tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi với bạn bè. Khi được chơi chung, trẻ sẽ biết san sẻ đồ chơi với bạn, biết sử dụng chung các đồ dùng tập thể, tư duy của bé sẽ dần dần được hoàn thiện. Trẻ sẽ tự mình nhận ra sự khác biệt và ý muốn của mỗi người là khác nhau. Từ đó, bản thân trẻ sẽ rút ra những quy tắc để hòa đồng vào tập thể.

Dĩ nhiên san sẻ là điều tốt, nhưng cha mẹ cũng phải nhắc nhở bé không phải bất cứ thứ gì cũng có thể cho đi. Tùy theo món đồ mà dạy bé có cách cư xử khác nhau, ví như đồ chơi chỉ nên cho mượn, nếu bé muốn cho hẳn, nên hỏi ý kiến cha mẹ và nêu lý do chính đáng.

Khuyến khích trẻ chơi những trò chơi tập thể để trẻ tự biết cách hoà đồng. Ảnh: internet

3- Dạy trẻ biết cảm thông

Cha mẹ nên đưa ra những tình huống thực tế và dạy trẻ tự đặt mình vào hoàn cảnh đó, để có thể tưởng tượng ra cảm xúc của người khác. Từ đó, trước khi quyết định bất cứ điều gì có ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, chắc hẳn trẻ sẽ bắt đầu nghĩ suy. Sự cảm thông còn giúp tình yêu thương của cha mẹ và con cái trở nên gắn bó hơn. Vì trẻ bắt đầu biết nghĩ cho những khó khăn của cha mẹ, thôi hờn trách và đòi hỏi.

4 - Làm gương tốt cho trẻ

Không có cách giáo dục nào tốt bằng việc cha mẹ làm gương cho trẻ. Đơn giản như việc mẹ gắp thức ăn cho ba, tặng một ít rau củ cho hàng xóm, chia kẹo bánh cho các bạn của con khi chúng đến nhà chơi… Trẻ sẽ nhìn vào những hành động biết sẻ chia của cha mẹ mà tự nhận thức và làm theo.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X