Hotline 24/7
08983-08983

Đau bụng trên rốn là biểu hiện bệnh gì vậy AloBacsi?

BS Lan Hương giải đáp về các triệu chứng đau bụng trên rốn, chấm đen ở lưỡi, rối loạn tiền đình, đau đầu sau gáy kèm chóng mặt...

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Nguyễn Việt Hoàng - wdnv…@gmail.com

Chào BS,

Cháu 27 tuổi. 1 năm trước trên gáy cháu có xuất hiện 1 hình tròn như đồng xu 1 ngàn, có viền như sợi chỉ đỏ nhạt, trong lòng có màu hồng nhạt như bị lột da, sờ vào có cảm giác nhẵn mịn trơn trơn, không ngứa không đau. Chỉ khi đi đường ánh nắng chiếu vào gáy cảm giác rất nóng rát tập trung vào phần đồng xu rất khó chịu. Cháu để ý thấy nó lan rộng và lớn lên.

Gần đây cháu thấy xuất hiện thêm 1 đồng xu tương tự dưới cổ phía trước. Cháu chưa đi khám. Mong BS tư vấn cho cháu, nó có thể bị bệnh gì ạ. Cháu cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Việt Hoàng,

Qua miêu tả sơ bộ của em về tổn thương da ở vùng gáy, có khả năng đó là lang beng, chàm da...với tình hình này, tốt hơn hết em nên khám chuyên khoa da liễu. BS cần xem xét đánh giá trực tiếp tổn thương, khi cần thiết có thể làm thêm 1 ít xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp tương ứng.

Trong thời gian đó em chú ý luôn giữ cho da khô, sạch, thoáng mát và tránh gãi để không làm trầy da; Thường xuyên vệ sinh cá nhân, giặt sạch quần áo, chăn mền; đồng thời người ở cùng cũng phải vệ sinh thân thể sạch sẽ để tránh lây nhiễm nếu đây là nấm da.


- Huỳnh Tấn Nhơn - Gia Lai

Tôi năm nay 65 tuổi, một năm gần đây tôi hay đâu đầu. Tôi có đi khám bệnh ở nhiều BV và mua thuốc uống theo đơn của BS, thời gian đầu có thuyên giảm. Nhưng 2 tháng gần đây, tôi hay đau đầu buổi chiều, đi khám ở BV tâm thần Song Ngang ở Quy Nhơn, Bình Định và mua thuốc về uống hơn 1 tháng chỉ thấy giảm ít, vẫn còn đau đầu.

Nhờ BS tư vấn giúp tôi bị bệnh gì và nên đi khám ở đâu?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào chú Nhơn,

Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân, như do căng cơ, do mỏi cơ (trong bệnh cảnh căng thẳng đầu óc nhiều, thức khuya, thiếu chất...), do viêm nhiễm, do viêm mũi xoang, do thiếu máu, tăng hay giảm huyết áp, do bệnh lý tại mắt, do u ở não, do bệnh lý mạch máu não...

Dựa vào mỗi thông tin đau đầu thì không đủ chẩn đoán được bệnh. Chú nên khám BS chuyên khoa nội thần kinh để được kiểm tra kỹ và định bệnh để điều trị thích hợp.

Ngoài ra, trong bất kỳ việc chữa trị đau mạn tính nào thì phương pháp không dùng thuốc cũng góp phần quan trọng đáng kể. Đối với đau đầu, chú cần nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng đầu óc, có thể chia nhỏ thời gian làm việc như mỗi 1 giờ nghỉ 5 phút chẳng hạn, chọn không gian làm việc yên tĩnh, đủ ánh sáng tránh mỏi mắt.

Không thức khuya, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia cafe, nên tập thể dục đều đặn (đặc biệt là yoga), nghe nhạc, giao lưu bạn bè, hoạt động xã hội... vì tâm bình, khí hòa và tiếng cười là liệu pháp trị liệu đau tốt nhất.


- Hòa Nguyễn - nthoa…@gmail.com

Chào BS,

Cháu năm nay 20 tuổi. Trên lưỡi của cháu có xuất hiện vài chấm đen nhưng không có cảm giác đau hay rát gì cả. Gần đây nó mọc thêm vài chấm đen và có dấu hiệu lan rộng. Cháu đang bị bệnh gì và có cách gì hết những chấm đen này không ạ? Cháu cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Hòa,

Chấm đen ở lưỡi có thể do nguyên nhân tắc vi mạch máu ở lưỡi, do cắn trúng lưỡi khi nhai làm vỡ vi mạch, nấm, bệnh gan, bệnh thận, biểu hiện sớm của ung thư lưỡi...

Tốt hơn hết em nên khám chuyên khoa tai mũi họng, sau khi thăm khám và làm một số xét nghiệm cần thiết sẽ loại trừ được những nguyên nhân nguy hiểm, xác định bệnh mới có hướng điều trị thích hợp, em nhé.

Song song đó, trong thời gian này em chú ý vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (nhưng không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá


- Tuan Huynh - Đồng Tháp

Kính thưa BS,

Hiện tại tôi 38 tuổi, thường hay ngáy ngủ rất to và sáng dậy cảm thấy buồn ngủ. Tôi muốn đến BV để khám và phẫu thuật thì cần chuẩn bị gì? Bệnh của tôi liệu có trị khỏi hẳn không? Hiện nay tôi đang ở Đồng Tháp.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào anh,

Cảm giác buồn ngủ nhiều vào ban ngày dù đã ngủ đủ giấc vào ban đêm, người mệt mỏi, tối có ghi nhận ngủ ngáy to thì cần cảnh giác với hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ hay gặp ở người béo phì, thừa cân, cổ ngắn, ngủ hay ngáy, do não thiếu oxy và dư CO2 trong lúc ngủ nên gây trạng thái lừ đừ vào buổi sáng và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe.

Với tình trạng này anh có thể đến khám tại trung tâm phổi việt tại tphcm, BV tai mũi họng... BS sẽ đánh giá tổng quát thể trạng, cân nặng - chiều cao, BMI, độ lớn của vòng cổ…, phát hiện một số bệnh lý kèm theo: tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường…, các bệnh lý vùng mũi - họng - miệng - thanh quản và hàm mặt…

BS sẽ thăm khám và phát hiện những dấu hiệu, triệu chứng liên quan tới ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, cần thiết làm các test chuyên sâu như đa kí giấc ngủ (PSG: Polysomnography) để chẩn đoán xác định nguyên nhân và mức độ tắc nghẽn - ngưng thở.

Tùy vào mức độ của bệnh mà sẽ có hướng điều trị và tiên lượng bệnh thích hợp riêng, không phải trường hợp nào cũng cần phẫu thuật.


- Bạn đọc Gôn - sigon…@gmail.com

Dạ con chào BS,

Cách đây khoảng 2 ngày còn bị xe tông nhưng chỉ bị trầy ngoài da ở phần chân. Còn phần đầu lúc đó con kiểm tra thì không sao cả nhưng khoảng vài tiếng sưng 1 cục khoảng nửa mắt tay và có màu đỏ. Nhưng con không đau đầu hay bị sao cả, chỉ khi đụng vào mới đau. Con đã chườm đá và muối với thoa dầu vào thấy nó cũng hơi xẹp xuống rồi. Vậy đầu con có sao không ạ, con có cần chụp Xquang đầu không ạ! Con cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Các dấu hiệu của chấn thương sọ não là nhức đầu nhiều, nôn ói, nhìn mờ, nhìn đôi, rối loạn cảm giác và/hay yếu liệt bất kỳ vùng nào trên cơ thể, co giật, nuốt khó, khó thở… Khi có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, em cần đến BVđể kiểm tra ngay và chụp CT scan sọ não kiểm tra.

Còn nếu chỉ có sưng đau to ở vị trí va đập và xẹp xuống khi chườm đá xoa dầu thì đó chỉ là chấn thương phần mềm mà thôi, không nguy hiểm và có thể cải thiện bằng cách xoa lăn tích cực với dầu ấm.


- Phạm Thị Yên - Hải Phòng

Tôi đã bị tiền đình nhiều năm và đã đi nhiều bệnh viện, sử dụng nhiều loại bổ não, kết hợp với thể dục, đặc biết là ngồi thiền đã giúp tôi cải thiện được giấc ngủ và ít bị chóng mặt.... Song 2 tháng nay tôi có hiện tượng khi nghiêng đầu khoảng 30 độ về bên phải tôi có hiện tượng choáng, tôi nghiếng sâu hơn khoảng 60 đến 60 độ hoặc xoay nghiêng bên trái thì không sao?

Tôi lo lắng và băn khoăn có phải tôi có u não phía bên phải... Mong BS tư vấn ạ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào chị Yên,

Trong suy nghĩ của nhiều người, rối loạn tiền đình là một loại “bệnh”, nhưng thật ra rối loạn tiền đình chỉ là một hội chứng. Chóng mặt tư thế xảy ra ở một tư thế đầu đặc biệt, luôn luôn phối hợp với thương tổn tiền đình ngoại biên nhưng cũng có thể do rối loạn tiền đình trung ương (cuống não hay tiểu não).

Chóng mặt tư thế lành tính là nguyên nhân thường gặp nhất trong tiền đình ngoại biên chiếm đến 30% trường hợp.

Để chẩn đoán chắc chắn bệnh, bạn nên khám tại chuyên khoa nội thần kinh và chuyên khoa tai mũi họng, bạn nhé. Trong thời gian đó, chị nên:

- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có lượng đường, lượng muối cao.

- Tránh cafe, rượu, bia.

- Uống nhiều đủ nước mỗi ngày chừng 1,5 lít nước để bù lại lượng nước mà cơ thể bị mất.

- Nên tiêu thụ nhiều thực phẩm như: rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc để bổ sung lượng vitamin, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.


- Nguyễn Văn Bộ - nguyenbophu…@gmail.com

Chào BS, 3 tháng nay tôi bị đau đầu phía sau gáy và cảm giác như bị say sóng. BS cho biết tôi bị bệnh gì và khám bệnh ở đâu, có nghiêm trọng không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Đau đầu sau gáy kèm chóng mặt có thể gặp trong những nguyên nhân như thiểu năng tuần hoàn mạch máu não, tăng huyết áp, bệnh lý cột sống cổ, rối loạn tiền đình, đau đầu migraine, đau đầu vận mạch... với tình trạng này bạn nên khám chuyên khoa nội thần kinh để BS khám và làm một số xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân, loại trừ bệnh lý nguy hiểm và điều trị thích hợp.

Trong lúc chờ đi khám, bạn có thể giảm đau và khó chịu bằng việc nghỉ ngơi, ngủ nghỉ hợp lý và ăn uống đủ chất, không hút thuốc lá, không rượu bia và không thức khuya


- Hoàng Hải - haiuit…@gmail.com

Chào BS,

Cháu là nam, 22 tuổi. Nửa tháng trước, cháu bị viêm áp xe, đi khám và được cho uống nhiều loại kháng sinh, sau khi dứt đợt điều trị thì đường tiêu hóa có dấu hiệu lạ.

Hằng ngày, cháu vẫn đi ngoài bình thường vào buổi sáng, phân không có dấu hiệu quá cứng hay loãng, nhưng sau khi đi thì có cảm giác phân vẫn còn, đến chiều và tối thì cảm giác buồn đi ngoài xuất hiện, nhưng không thể đi được, thường thì cảm giác đó mất đi sau ít phút cố sức rặn, 1-2h sau thì lại tiếp tục lặp lại tình trạng trên, đến sáng thì lại đi ngoài được bình thường.

Mong được BS giải đáp về tình trạng của cháu. Cháu là SV nên điều kiện ăn uống khá thiếu rau, mỗi ngày có uống sữa đậu nành và đảm bảo từ 2-3 lít nước, không rượu bia.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hoàng Hải,

Tác dụng phụ thường gặp nhất của điều trị kháng sinh kéo dài là loạn khuẩn đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa. Thế nhưng, khi có bệnh nhiễm khuẩn cần phải điều trị kháng sinh mà không điều trị kháng sinh thì còn nguy hại hơn, bệnh không khống chế được có thể tàn phá cơ quan, nhiễm trùng huyết, thậm chí là tử vong.

Loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh dài ngày thường không nguy hiểm, có thể cân bằng trở lại bằng cách dùng thêm sữa chua vào mỗi bữa ăn, men vi sinh, ăn thức ăn dễ tiêu, nấu chín.

Ngoài ra, triệu chứng của em cũng có thể gặp trong trĩ, nhiễm ký sinh trùng đường ruột... do vậy nếu đã điều chỉnh lại chế độ ăn mà triệu chứng vẫn còn kéo dài thì em cần khám chuyên khoa tiêu hóa, em nhé.


- Pham Van Xuan - khoavy…@gmail.com

Chào BS,

Cho em hỏi dạo gần đây em thấy cứng bụng trên rốn, sinh hoạt bình thường. Dạo trước em bị loét dạ dày, không biết có liên quan không. Cho em hỏi em bị bệnh gì?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Vùng bụng phía trên rốn gần xương ức gọi là vùng thượng vị.

Cảm giác căng đầy, cứng ở vùng này có thể do những nguyên nhân sau: thường gặp nhất là viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh lý gan mật tụy, lách to, khối u... Do vậy, tốt hơn hết là em nên đến BV để kiểm tra, đăng ký khám chuyên khoa tiêu hóa để BS chẩn đoán xác định bệnh (qua thăm khám, xét nghiệm) và kê thuốc thích hợp.

Song song đó em cần hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ.


- Vũ Thị Mừng - mungvt…@gmail.com

Chào BS, cho chảu hỏi về tình trạng bệnh lý của bố cháu ạ.

Bố cháu năm nay 48 tuổi, ông bị đau gai đầu gối, muốn lên trung ương khám kỹ hơn và xin thuốc tốt về uống để được giảm đau hơn. Tiện thể bố cháu muốn khám kỹ về gan thận vì bố cháu bị vàng mắt vàng da trước giờ, cứ nghĩ bị gan không tốt. Nhưng kết quả cho thấy gan thận bình thường, và lại phát hiện bị tăng tiểu cầu đột biến, hiện tại tiểu cầu của bố cháu là hơn 800, và tăng bạch cầu hiện tại là 12.5.

Bố cháu đi khám ở Bạch Mai và BV Huyết học Hà Nội, BS đều chẩn đoán bố cháu bị ung thư. Tuy nhiên, bố cháu đang chờ 1 tuần để bắt đầu xét nghiệm tuỷ mới có kết quả chính xác. Cháu rất lo lắng, đọc thông tin trên mạng cháu thấy còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tăng tiểu cầu và bạch cầu như: lá lách, suy gan, vết thương lớn, thiếu sắt... các lý do này cháu đều có thể loại trừ.

Cháu thấy có lý do nữa là viêm khớp dạng thấp, hoặc uống nhiều thuốc dạ dày thì có thể có khả năng làm tăng bạch cầu và tiểu cầu không ạ? Cháu xin cám ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Mừng,

Về mặt huyết học, bố của em được phát hiện có tăng 2 dòng tế bào máu là tiểu cầu và bạch cầu, trong đó tăng tiểu cầu là nổi bật nhất. Tăng tiểu cầu có thể là nguyên phát hoặc thứ phát.

Tăng tiểu cầu nguyên phát có thể do bất thường của tế bào gốc trong tủy xương tạo ra quá nhiều tiểu cầu, nguyên nhân thường không rõ, hoặc do di truyền, các tiểu cầu không bình thường.

Tăng tiểu cầu thứ phát có thể do nhiều nguyên nhân như ung thư, thiếu máu, mất máu, cắt lách, tình trạng nhiễm trùng, do thuốc...

Tôi thông cảm cho sự lo lắng của gia đình em. Tuy nhiên, BV Bạch Mai và BV Huyết Học là 2 BV lớn đầu ngành, nơi có cán bộ y tế được đào tạo chuyên sâu nhiều năm trong lĩnh vực này và có đầy đủ trang thiết bị để chẩn đoán bệnh thì em nên trao gửi niềm tin cho BV. Nếu dựa vào các thông tin trên mạng mà người dân thường “có thể loại trừ bệnh này, chẩn đoán bệnh kia” một cách chắn chắn thì đã có thể tự điều trị tại nhà.

Tôi tin là các nguyên nhân mà em đề cập đến thì BS tại 2 BV trên cũng đã xem xét và loại trừ, và tôi đồng ý là xét nghiệm tủy có thể chẩn đoán và loại trừ bệnh lý ác tính tại tủy. Gia đình nên chờ kết quả xét nghiệm tủy và trao đổi thêm thông tin với BS điều trị để giải tỏa khúc mắc, nắm rõ bệnh tình và hướng điều trị, em nhé.


- Giang Truong - TPHCM

Kính gửi BS,

Tôi 34 tuổi, làm nghề điện lạnh. Tôi hay bị khó thở, đã siêu âm tim, chạy điện tâm đồ ở BV Hòa Hảo, BV Hoàn Mỹ và BV 175 kết quả là nhịp xoang chậm 56 nhịp, loét hang vị dạ dày và có 1 u nhỏ ở thành dạ dày, nhưng BS nói còn nhỏ nên chờ theo dõi.

Ngoài ra, các ngón tay cái và ngón tay út thường đau cứng nhất là vào buổi sáng. Mỗi lần khó thở tôi thường ợ hơi rất nhiều, BS kê đơn chủ yếu là thuốc bổ vitamin B và thuốc trào ngược dạ dày. Tôi uống thuốc cũng cảm thấy triệu chứng có giảm nhẹ, ít khi gặp khó thở hơn.

Gần đây tôi có đi máy bay, ngay khi máy bay cất cánh 2 bàn tay như bị chuột rút không duỗi ra được và cảm thấy rất khó thở.

Kính mong BS tư vấn thêm về bệnh tình của tôi. Tôi có nên đến viện tim Tâm Đức để khám bệnh tim không? Tôi rất lo lắng, kính mong BS tư vấn giúp. Xin chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Giang,

Hiện tại bạn đang có nhiều vấn đề sức khỏe cùng một lúc do đó bạn khám tại BV đa khoa là phù hợp hơn. Riêng về vấn đề tim mạch, bạn muốn kiểm tra sâu thêm tại BV chuyên về tim mạch như BV tâm đức cũng được nếu có điều kiện.

Nhịp tim < 60 lần/phút gọi là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm có thể là nhịp chậm xoang; bloc xoang nhĩ và ngưng xoang; bloc nhĩ thất. Nguyên nhân: cường phó giao cảm, thuốc; rối loạn điện giải; thiếu máu cục bộ; nhiễm trùng; thoái hoá.

Nếu bệnh nhân có cơn mệt kèm lúc nhịp chậm thì cần phải khảo sát bệnh tim thiếu máu cục bộ (qua siêu âm tim, ECG, trắc nghiệm gắng sức) và khảo sát rối loạn nhịp kèm theo (Holter ECG, kích nhĩ, khảo sát điện sinh lý) để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị thích hợp.

BV tim Tâm Đức có đầy đủ tất cả các phương tiện để khảo sát bệnh tim mạch và kiểm tra nguyên nhân gây khó thở cho bạn.


- Nguyễn Thanh Hương - Hà Nội

Thưa BS,

Gần 2 tuần nay cháu có triệu chứng vướng ở cổ họng khi nuốt nước bọt còn khi ăn uống lại bình thường và không có cảm giác gì. Cháu ợ hơi liên tục và luôn có cảm giác đầy bụng. Cháu còn bị nổi 1 hạch nhỏ di chuyển được ở hàm dưới bên trái ạ. Xin hỏi BS có thể chẩn đoán được bệnh gì không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thanh Hương thân mến,

Triệu chứng của em thường gặp trong bệnh cảnh viêm họng kèm viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, BS cần thăm khám trực tiếp, soi họng, loại trừ bệnh lý ác tính nguy hiểm, tầm soát Hp vì có nghi ngờ viêm dạ dày... để chẩn đoán xác định bệnh và điều trị thích hợp tương ứng. Tốt hơn hết em nên khám BS chuyên khoa tai mũi họng và chuyên khoa tiêu hóa em nhé.

Bên cạnh đó, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi.

Thân mến,

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X