Hotline 24/7
08983-08983

Cúm A/H1N1: Người tiểu đường, béo phì cần thận trọng!

Trong thời gian vừa qua, tại TPHCM liên tiếp phát hiện các ca nhiễm cúm A/H1N1, thậm chí đã có trường hợp tử vong khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Vậy cúm A/H1N1 là gì, làm sao để phòng tránh căn bệnh này?

Đã có người tử vong vì nhiễm cúm A/H1N1

Mới đây, thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho hay trên địa bàn TP  vừa có 1 trường hợp tại quận Thủ Đức tử vong vì nhiễm cúm A/H1N1. Cụ thể, bệnh nhân làm nghề nội trợ, thể trạng béo phì, phát hiện bị cúm và tự điều trị trước đó. Đến ngày 30/5 thì tử vong. Kết quả xét nghiệm của BV Bệnh Nhiệt đới TP xác định người bệnh bị nhiễm cúm A/H1N1. Đây là ca tử vong đầu tiên tại TPHCM do cúm A/H1N1 trong năm nay.

Cùng lúc đó, tại BV Chợ Rẫy cũng đang điều trị cho nam bệnh nhân 49 tuổi bị suy hô hấp vì cúm A/H1N1. Được biết, người bệnh cư ngụ tại tỉnh Bình Thuận, làm nghề tài xế, bị tiểu đường type 2, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng sau 8 ngày tự điều trị tại nhà. Sau các xét nghiệm gửi Viện Pasteur TPHCM, bệnh nhân được xác nhận đã nhiễm cúm A/H1N1 và đang diễn tiến theo chiều hướng nặng, được cách ly, tiên lượng dè dặt và có thể sẽ phải thực hiện chạy tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO).

Theo kết quả điều trị dịch tễ của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho thấy cả 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1NI trên nền nguy cơ diễn tiến nặng là béo phì, tiểu đường, không có mối liên hệ dịch tễ với nhau. Nguồn lây là từ cộng đồng, không phải bệnh viện.

Hay trước đó, ngày 1/6, sự việc 16 trường hợp dương tính với cúm H1N1 tại BV Từ Dũ cũng khiến người dân thành phố bất an. Cụ thể, một nữ bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật nội soi cắt tử cung tại BV Từ Dũ phải hoãn mổ vì sốt. Đến 15g cùng ngày, nhiều bệnh nhân, thân nhân, cán bộ y tế tại khoa đồng loại vị sốt cao, sốt, đau mỏi cơ.

Sau đó, nguồn lây bệnh chính được xác định là nữ bệnh nhân hoãn mổ buổi sáng. Có 83 bệnh nhân khám và điều trị tại khu nội soi, cùng nhân viên y tế nghi ngờ có tiếp xúc với các bệnh nhân được cách ly. BV Từ Dũ phải tạm đóng cửa khoa nội soi 3 ngày, tiến hành khử khuẩn toàn bệnh viện. Hiện ổ dịch cúm nơi này đã được kiểm soát.

Làm gì khi nghi mình nhiễm cúm A/H1N1?

Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A/H1N1 là sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi
Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có khả năng lây nhiễm cao và lan nhanh trên diện rộng. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A/H1N1 gây nên.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) mới đây ra khuyến cáo, cúm A H1N1 khác với cúm mùa thông thường - chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp. Cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Vi rút cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm mùa. Bệnh thường qua không khí có chứa các giọt bắn nhỏ li ti của người bệnh khi ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện.

Người bệnh cũng có thể nhiễm vi rút cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút, chạm vào khăn giấy đã dùng có nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm vi rút cúm A/H1N1.

Theo Cục Y tế dự phòng, người mang vi rút cúm A/H1N1 có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...

Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A/H1N1 là sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, do đó, khi có các dấu hiệu trên cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để lấy dịch mũi họng tiến hành làm xét nghiệm.

Phòng ngừa cúm A/H1N1 như thế nào?

Để phòng chống cúm A/H1N1, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

-  Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

- Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.

- Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

- Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

- Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.

- Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 01 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

- Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

- Nên tiêm văcxin chủng ngừa bệnh.

P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X