Hotline 24/7
08983-08983

Cô giáo 24 tuổi và cuộc chiến với căn bệnh ung thư gan

Để chiến đấu với bệnh ung thư, giữ tinh thần sảng khoái, lạc quan là một điều rất quan trọng. Bảo Yến - cô giáo 24 tuổi ung thư giai đoạn cuối đã làm được điều đó.

Nhìn những hình ảnh hồn nhiên, tinh nghịch của cô giáo trẻ, chẳng ai nghĩ cô đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Trong cô lúc nào sự sống cũng ngập tràn, niềm lạc quan thể hiện qua ánh mắt, nụ cười. Những chia sẻ của cô hàng ngày lại mang thật nhiều ý nghĩa, thật nhiều hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư cùng cảnh ngộ.

"Sao em lạc quan thế? Em lấy sự lạc quan đó ở đâu?".

19 giờ tại khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện Trung ương quân đội 108, Lê Thị Bảo Yến, 24 tuổi, chăm chú đọc sách. Cuốn sách " Bệnh ung thư và cách điều trị " được cô gối đầu giường như một liều thuốc tinh thần mỗi ngày.

Lê Thị Bảo Yến thường đọc sách mỗi lúc có thời gian. Ảnh: Thùy An-Vnexpress
Lê Thị Bảo Yến thường đọc sách mỗi lúc có thời gian. Ảnh: Thùy An-Vnexpress

Yến có dáng người nhỏ bé, đôi mắt to, sáng và đôi môi luôn cười. Nhìn Yến, không ai nghĩ cô mắc bệnh ung thư gan giai đoạn 3. Trong gan Yến có nhiều khối u lớn nhỏ. "Cái to nhất thì như quả trứng gà", Yến cho biết.

Bảo Yến mới cưới được một năm. Cô và chồng có một trung tâm dạy tiếng Hàn tại Hà Nội. Để có thể hoàn thành khối lượng công việc lớn, Yến thường đi ngủ vào 2h sáng, ăn đêm như ăn ngày và chỉ nấu cơm vào cuối tuần.

Bảo Yến và chồng đã kết hôn được một năm. (Ảnh: FBNV)
Bảo Yến và chồng đã kết hôn được một năm. (Ảnh: FBNV)

Khi phát hiện bệnh, Yến tự hỏi "ung thư thì phải chữa thế nào đây", cô kể lại. Nhưng lo lắng ban đầu qua nhanh, cô cố gắng loại bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực để chuyên tâm điều trị. Giờ đây mỗi ngày Yến thức dậy từ 5 giờ sáng và đi ngủ lúc 10 giờ tối. Cô gái đọc sách để tìm hiểu về ung thư để chiến đấu chống lại bệnh sao cho hiệu quả nhất. Nâng đỡ tinh thần Yến, ngoài niềm lạc quan bẩm sinh, là người chồng cô, Nguyễn Văn Khánh.

"Lần đầu tiên trong đời Yến thấy chồng khóc, lúc mình có kết quả xét nghiệm", Yến kể lại.
Người chồng tiếp lời: "Lúc này, ngoài khi đi dạy, tôi dành cho vợ toàn thời gian, đây là lúc vợ cần tôi nhất".

Những ngày nằm viện, Yến thường đến các phòng bệnh khác nói chuyện với mọi người. Niềm lạc quan của cô gái mang đến nguồn năng lượng tích cực cho khoa Nội tiêu hóa. Bảo Yến nói chưa bao giờ hiểu và lắng nghe cơ thể mình nhiều như lúc này.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, Yến chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xạ trị đầu tiên. "Họ nói rằng xạ trị đau đớn, nhưng nếu đấy là cách chữa trị duy nhất thì mình sẵn sàng", cô gái trẻ nói, giọng đầy quyết tâm.

Bảo Yến luôn tìm trò đùa vui để tinh thần luôn được thoải mái. Ảnh: NVCC
Bảo Yến luôn tìm trò đùa vui để tinh thần luôn được thoải mái. Ảnh: NVCC

"Từ ngày đầu tiên phát hiện bị ung thư gan giai đoạn 3 đến giờ, mình hay nhận được các câu hỏi như: Sao em lạc quan thế? Em lấy sự lạc quan đó ở đâu?".

Cả ngày mình vẫn cười, vẫn "chém gió" phần phật, vẫn "tươi không cần tưới", trừ những lúc sốt hoặc làm thủ thuật đau ra thì mình luôn te tởn nhất khoa Nội tiêu hoá này. Nhìn chắc chẳng ai nghĩ mình là bệnh nhân ung thư.

Quan điểm của mình là: Việc gì cũng sẽ có cách giải quyết của nó nên không việc gì phải lo hay sợ cả. Bạn có lo nghĩ, buồn phiền thì cũng có làm cho tình hình cải thiện được đâu. Việc buồn lo là hoàn toàn vô nghĩa. Cứ thoải mái tận hưởng cuộc sống thôi.

Còn nếu mà thật sự không có cách giải quyết thì mình phải chấp nhận. Chấp nhận một cách vui vẻ. Đấy, dù làm gì cũng không giải quyết được thì nghĩ ngợi, phiền não cũng vô ích thôi. Thế nên mình cứ sống vui vẻ, lạc quan cho đến ngày cuối cùng, để ngày nào cũng là ngày tươi đẹp nhất.

Đã vậy, buồn rầu ủ rũ lại còn làm bệnh tình thêm trầm trọng. Nó như là viện binh cho ung thư vậy. Nó sẽ làm cho ung thư chiến thắng trong trận chiến này...

Thấy mình vui thì những người xung quanh cũng bớt u sầu. Ở viện, bác sĩ còn rủ mình sang các phòng bệnh khác để khích lệ tinh thần bệnh nhân ung thư. Mình rất hạnh phúc và hào hứng khi làm việc đó. Các bác ấy thấy hoàn cảnh của mình đáng thương mà vẫn lạc quan nên cũng bớt nghĩ ngợi.

Mình hy vọng tinh thần lạc quan của mình có thể truyền đến tất cả mọi người, để ai cũng phấn chấn lên, tươi cười lên mà sống tiếp".

Lời khuyên của bác sĩ về bệnh ung thư gan

Các bác sĩ cho biết, đối với ung thư gan, phẫu thuật là giải pháp phù hợp nhất đối với những bệnh nhân ở giai đoạn đầu. Những bệnh nhân nặng hơn sẽ được bác sĩ chỉ định các biện pháp phù hợp để khống chế không cho khối u phát triển, làm giảm nhẹ tình trạng bệnh.

Bác sĩ Thân Văn Thịnh, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, cho biết ung thư gan là căn bệnh thầm lặng, rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Bệnh nhân thường đến gặp bác sĩ khi bướu đã lan rộng.

Người trẻ bị ung thư gan có thể do thiếu tiêm chủng viêm gan B theo quy trình tiêm phòng. Đến 80% những người có virut viêm gan B và C có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Rượu, thực phẩm có nấm mốc hoặc di truyền... cũng là yếu tố nguy cơ. Để phòng ngừa và phát hiện sớm, nên tầm soát ung thư và điều trị các bệnh lý liên quan như viêm gan, gan nhiễm mỡ, tiêm phòng đầy đủ.

Nguồn tham khảo:
https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/khoe-dep/cuoc-chien-voi-ung-thu-gan-cua-co-gai-24-tuoi-3845344.html
http://cafef.vn/co-giao-24-tuoi-ung-thu-giai-doan-cuoi-phien-nao-cung-vo-ich-hay-thoai-mai-tan-huong-cuoc-song-20181128074929853.chn
https://vietnammoi.vn/khong-phai-thuc-khuya-thi-thoi-quen-nao-co-the-khien-nguoi-tre-bi-ung-thu-gan-159975.html

Lê Hoa (Tổng hợp)


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X