Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia ung thư Hoa Kỳ đồng hành với bệnh nhân ung thư Việt Nam

Sáng 8/9, tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi TPHCM, các chuyên gia về ung thư đến từ Hoa Kỳ đã trò chuyện, giải đáp thắc mắc cho hơn 300 người đến tham dự diễn đàn "Bệnh nhân ung thư".

Sau khi kết thúc 2 ngày Hội thảo Vietnam Multidisciplinary Oncology Conference tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Viện Ung thư MD Anderson lại tiếp tục tham dự diễn đàn “Bệnh nhân ung thư” diễn ra vào sáng 8/9 tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi TPHCM.

Ung thư có lẽ là 2 từ “nhạy cảm” nhất trong cuộc sống hiện đại. Chắc hẳn, không ai trong chúng ta sẵn sàng cho câu nói “Bạn đã bị ung thư” cho dù nó xuất hiện một cách rất phổ biến trong xã hội hiện đại.

Dù hàng năm tại Việt Nam có tổ chức nhiều buổi hội thảo về ung thư, nhưng với những người đang mang trong mình căn bệnh này, họ luôn “khát khao” được nói và nghe những chia sẻ của các chuyên gia để tiếp thêm niềm tin, nghị lực chiến đấu.

Vì thế, ngay sau khi đăng tải thông tin tặng bạn đọc 500 vé tham dự hội thảo ung thư miễn phí thì hotline của AloBacsi liên tục đổ chuông để “đặt hàng” trước.

Cô Hai - Thành viên trong CLB 4T của Viện Y học dân tộc TPHCM chia sẻ: "Tôi từng bị bệnh viện "trả về" vì căn bệnh ung thư vú nhưng qua sự tư vấn của TS Liêm cùng sự nỗ lực điều trị của các bác sĩ, hiện tại tôi vẫn sống vui khỏe. Thậm chí các bác sĩ điều trị còn nói rằng việc tôi còn sống như một điều kỳ diệu. Hôm nay, dù các bác sĩ không cho ra viện nhưng tôi vẫn muốn được tham dự diễn đàn cùng với các chị em khác trong CLB".

Những bệnh nhân đến với diễn đàn hôm nay rất rạng rỡ với đôi môi hồng tươi và ăn mặc rất thời trang. Cô Đồng Thị Luyện (bìa phải) - Đại diện CLB Cuộc chiến chống ung thư không chỉ là người tham dự mà còn dự định ngày 16/9 tới đây sẽ tổ chức buổi gặp mặt chuyên đề về ung thư và mong muốn sẽ mời được TS Phan Minh Liêm làm diễn giả

Buổi hội thảo còn nhận được nhiều sự quan tâm, tham dự từ các câu lạc bộ ung thư lớn như: CLB Cuộc chiến ung thư, CLB 4T của Viện Y học dân tộc TPHCM… Thậm chí, nhiều người còn vượt hàng trăm cây số từ Bạc Liêu như vợ chồng anh Lê Văn Út, từ Trà Vinh như anh Trần Thọ Lư và rời khỏi nhà lúc 4g sáng từ Bình Dương như cô Tuyết và cô Hồng để không bỏ lỡ cơ hội được gặp các chuyên gia ung thư. Không chỉ vậy, vì diễn đàn rơi vào thứ 6 nên nhiều người đã xin nghỉ làm, một số bác sĩ tạm đóng cửa phòng mạch tư để đến tham gia.

Không còn là những hình ảnh ảm đạm với sắc mặt xanh xao, đôi mắt buồn lo cùng mái đầu nhẵn nhụi. Những bệnh nhân đến với diễn đàn hôm nay rất rạng rỡ với đôi môi hồng tươi, khăn choàng sặc sỡ và ăn mặc rất thời trang. Họ gọi nhau là những “chiến binh”, luôn vui vẻ, tự tin, tràn đầy sức sống. Họ gặp nhau tay bắt mặt mừng và ghi lại rất nhiều hình ảnh của cuộc hội ngộ này.

Họ là những "chiến binh" tràn đầy sức sống

Chủng ngừa HPV cũng có thể ngăn ngừa ung thư hầu họng

Đây là chương trình do BV Trung ương Quân đội 108, Salt Cancer Initiative, Hội Thầy Thuốc Trẻ Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Forbes Việt Nam và Đại học Nam California phối hợp tổ chức nhằm kết nối bệnh nhân với các chuyên gia và các tổ chức hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Đến tham dự diễn đàn, về phía Việt Nam có PGS.TS Trần Thanh Hương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia, ThS.DS Nguyễn Hữu Tú - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Về phía MD Anderson có các chuyên gia PGS.BS Nguyễn Quỳnh Như, GS.BS Merrick Ross, GS.BS Chirstopher Crane, GS.BS Andrew Lee, PGS.BS Mouhammed Habra, GS Jeremy John Eramus, TS Phan Minh Liêm cùng GS.TS Perter Kuhn - Đại diện Trung tâm nghiên cứu Đại học Nam California.

Về phía các nhà đồng tổ chức có Đại tá Phạm Công Nghị - Trưởng đại diện miền Nam Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, bà Trương Thanh Thủy - Chủ tịch Dự án Hỗ trợ bệnh nhân ung thư (Salt Cancer Initiative).

Đông đảo người tham dự diễn đàn "Bệnh nhân ung thư" sáng 8/9

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Trần Thanh Hương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia bày tỏ sự chia sẻ, đồng cảm sâu sắc với các bệnh nhân. Bà cho biết: “Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 126.000 trường hợp mới mắc ung thư và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư. Điều trị ung thư là một quá trình lâu dài, tốn kém và căng thẳng. Vì vậy, mong rằng những chia sẻ của các chuyên gia trong diễn đàn hôm nay sẽ giúp phần nào cho những người bệnh vượt qua khó khăn, lo lắng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này”.

Hội trường Nhà Văn hóa Thiếu nhi TPHCM nóng dần lên khi các chuyên gia bắt đầu giải đáp những thắc mắc trong tọa đàm “Những tiến bộ trong điều trị ung thư”.

Trả lời cho câu hỏi “Kỹ thuật tiên tiến nhất trong điều trị ung thư gan là gì?”, GS.BS Chirstopher Crane cho hay, hiện nay việc điều trị ung thư gan đối với giai đoạn sớm chủ yếu là phẫu thuật vì đây là cách tốt nhất để loại bỏ tế bào ung thư nếu nó chưa lan tỏa. Ngoài ra, còn có phương pháp đốt khối u có kích thước nhỏ bằng sóng cao tần RFA (Radio Frequency Ablation) và hiện tại Việt Nam đã thực hiện được kỹ thuật này. Một kỹ thuật khác mà tại Mỹ các bác sĩ cũng thường xuyên sử dụng đó là xạ trị.

“Nếu như ở giai đoạn 1, các bác sĩ sẽ sử dụng thêm liệu pháp hóa trị và thuốc Sorafenib. Đây là loại thuốc điều trị trúng đích nhưng tác dụng không cao như là một số khác. Do đó, hiện nay phương pháp chủ yếu nhất vẫn là phẫu thuật, đốt bằng sóng radio cao tần và sau đó nếu cần thiết thì xạ trị” - GS.BS Chirstopher cho biết.

GS Andrew Lee là một chuyên gia về xạ trị proton giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân tham dự chương trình

Một trường hợp của nam giáo viên đang giảng dạy tại TPHCM nhận được nhiều sự tư vấn của các chuyên gia. Người bệnh cho biết: “Trong 1 lần đi khám ở TPHCM phát hiện bị K phổi, carcinom tuyến. Hiện tại, không ho, không đau ngực, tình trạng sức khỏe tốt. Tuy nhiên là giáo viên nên tôi thường xuyên tiếp xúc bụi phấn, trước đó có hút thuốc lào 20 năm nhưng hiện tại đã bỏ. Xin hỏi các chuyên gia trường hợp của tôi đang ở giai đoạn mấy, có nên mổ hay không?”.

Dựa vào những thông tin người bệnh cung cấp, GS Jeremy John Eramus cho rằng, ung thư phổi không phải là bệnh hiếm gặp hiện nay vì khi lớn tuổi bệnh sẽ dễ bộc phát. Do chưa đủ thông tin, dữ liệu nên trường hợp này khó xác định có nên mổ hay không. Tuy nhiên, dựa vào kết quả trước đó thì ông nghĩ rằng những tổn thương thấy được được trên CT-Scan có thể là do di căn.

GS Andrew Lee và PGS.BS Mouhammed Habra cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, người bệnh cần chụp CT-Scan não và vùng bụng để kiểm tra tế bào ung thư đã có mặt ở não, gan và các bộ phận khác hay chưa, bởi việc đánh giá chính xác giai đoạn là yếu tố tiên quyết để có liệu pháp điều trị phù hợp và tối ưu nhất. Trong trường hợp ung thư đã di căn đến các cơ quan khác thì không nên phẫu thuật vì không mang lại hiệu quả cao. Trong trường hợp này chúng ta cần có giải pháp tổng thể đó là hóa trị.

GS Merrick Ross còn bổ sung thêm, bệnh nhân nên tầm soát xem tế bào ung thư có di căn tuyến thượng thận hay chưa. Nếu đã di căn thì PGS.BS Mouhammed Habra đề nghị cân nhắc sử dụng một số thuốc như ức chế gen EGFR hoặc sử dụng hoormon cũng có thể có tác dụng.

Nhân câu hỏi này, GS Quỳnh Như Nguyễn đưa ra khuyến cáo cho tất cả mọi người: “Đất nước chúng ta hiện nay đang phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và kéo theo nhiều hệ lụy cho môi trường. Vì thế, bên cạnh yếu tố tránh tiếp xúc khói bụi, thuốc lá thì chúng ta cần hạn chế rượu bia, vì đây một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư như ung thư phổi, tiêu hóa, nhất là thực quản. Hơn hết, ngoài việc điều trị thì cần có các chương trình kiểm soát, phòng ngừa, tầm soát ung thư. Đặc biệt, mỗi người cần thay đổi lối sống sao cho lành mạnh, phù hợp sức khỏe hơn”.

Từ trái sang: GS Andrew Lee, GS Jeremy John Eramus, GS.BS Christopher Crane, GS Merrick Ross, PGS.BS Quỳnh Như Nguyễn, PGS.BS Mouhammed Habra và TS Phan Minh Liêm

Giải đáp cho câu hỏi “Ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối còn phác đồ nào điều trị không?” GS.BS Christopher Crane cho biết, hiện nay tại Mỹ, 2 phác đồ có thể cân nhắc khi ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối đó là phác đồ kết hợp hóa trị và phác đồ sử dụng 1 tác nhân điều trị duy nhất là 5-FU.

Ngoài ra, về chế độ dinh dưỡng, GS.BS Christopher Crane nói: “Bệnh nhân ung thư tuyến tụy chắc chắn sẽ bị giảm khẩu vị vì enzim do tuyến tụy sản sinh ra để tiêu hóa thức ăn không nhiều như trước. Vì thế, người bệnh cần chia thành nhiều bữa ăn nhỏ một ngày, nên tăng cường tinh bột, chất đạm, giảm chất béo, đảm bào hàm lượng thức ăn cung cấp đủ 1.800 kcal”.

Những kiến thức những chuyên gia chia sẻ tưởng như khô khan, cứng nhắc, thế nhưng nhận được sự chú ý của cả khán phòng, ai nấy đều im phăng phắc lắng nghe, có người cẩn thận ghi âm, chép lại hoặc dùng điện thoại quay live stream phần trình bày, hỏi đáp của các diễn giả, đăng lên diễn đàn để các thành viên ở xa cùng xem.

Ngoài những câu hỏi ở trên, các chuyên gia còn giải đáp rất nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như với chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi, GS Andrew Lee cho rằng không có những quy định chính xác cho căn bệnh này. Tuy nhiên theo ông thì không nên sử dụng các chế phẩm khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây tương tác với thuốc đang điều trị. Do đó, cách tốt nhất là nên tham khảo ý kiến với chính bác sĩ đang điều trị cho mình để có câu trả lời chính xác.

Hay trong câu hỏi “Ung thư não đã có thuốc điều trị khỏi hẳn hay chưa?”, GS Merrick Ross bày tỏ tiếc nuối khi hiện tại căn bệnh này chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, người bệnh không nên bi quan vì hiện tại ở Mỹ đang tiến hành thử nghiệm sử dụng virus bại liệt đã được biến đổi gen để tiêm trực tiếp vào khối u não thì có kết quả rất khả quan. Ông hy vọng, trong tương lai sẽ có bước phát triển mới có thể điều trị được căn bệnh này.

Và trong câu hỏi cuối cùng “Cách phòng ngừa ung thư vòm hầu?” GS Merrick Ross và GS Quỳnh Như cho rằng, ngoài chế độ dinh dưỡng cân bằng, giảm rượu bia, tầm soát chặt chẽ thì việc chủ động tiêm vacxin HPV cũng rất cần thiết. Đây không chỉ là vắc xin giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung mà còn làm giảm nguy cơ mắc ung thư vùng đầu cổ.

Y học chính xác - Xu hướng mới của y học hiện đại

Trong phần “Kỷ nguyên mới của Y học chuẩn xác và phương pháp giải mã gien trong điều trị ung thư”, với lối thuyết trình ngắn gọn, súc tích TS Phan Minh Liêm đã giúp người tham dự có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

Y học chính xác hay y học cá thể hóa được hiểu một cách đơn giản là điều trị đúng bệnh nhân với đúng thuốc, đúng liều, và vào đúng thời điểm. Đây là mô hình y tế đề xuất phương pháp chăm sóc sức khỏe tùy biến, với các quyết định (chẩn đoán, dự phòng, chăm sóc, điều trị) và các sản phẩm (thuốc, thực phẩm chức năng…) được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân dựa trên thông tin di truyền của chính họ và đặc thù căn bệnh.

“Trong đó, công nghệ giải mã gien có thể phát hiện các đột biến quan trọng của tế bào ung thư và giúp tối ưu hóa quá trình điều trị. Công nghệ giải mã gien bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, nhưng tựu chung lại gồm 3 bước chính: Phân tách DNA của mẫu tế bào ung thư; Giải mã các đột biến gien và phân tích đặc điểm của tế bào ung thư;  Xác định các thuốc phù hợp nhất cho việc điều trị, tư vấn di truyền cho thân nhân về khả năng di truyền các đột biến làm tăng nguy cơ ung thư” - TS Liêm cho biết.

TS Phan Minh Liêm là người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Anderson đặt tại Houston, Texas chia sẻ về Y học chuẩn xác và phương pháp giải mã gien trong điều trị ung thư

Nhà khoa học trẻ cho biết, hiện nay có 5 phương pháp giải mã ung thư bao gồm:

Giải mã toàn bộ bộ gien của khối u: Phương pháp này được xem là hiệu quả nhất hiện nay vì khi giải mã toàn bộ bộ gien thì chúng ta sẽ hiểu rõ tất cả đột biến có trong bộ gien của khối u. Tuy nhiên, nhược điểm là tốn thời gian và chi phí.

Giải mã các phần mã hóa protein của gien trong tế bào ung thư: Phương pháp này chi phí thấp hơn nhưng lượng thông tin cung cấp cũng rất ít bởi những phần mã hóa protein trong bộ gien chỉ chiếm 1-2% của toàn bộ di truyền chúng ta có. Vì thế nếu chọn phương pháp này thì khoảng 98-99% những đột biến còn lại sẽ không nhìn thấy được.

Giải mã tập trung được nhiều bệnh viện sử dụng hiện nay. Giải mã tập trung nghĩa là tập trung vào phân tích một số gien quan trọng liên quan đến một số bệnh ung thư nhất định.

Giải mã ARN của tế bào ung thư: Đây là phương pháp khá mới. ARN sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quý giá như những đột biến gien đó đang hoạt động như thế nào và đồng thời giúp tái khẳng định những kết quả chúng ta phát hiện được. Phương pháp này chi phí không cao, tương tự như giải mã protein.

Phân tích các đặc điểm của ung thư bằng phương pháp ít xâm lấn (sinh thiết lỏng): Tế bào ung thư thay đổi không ngừng. Do đó, phương pháp này không chỉ giúp chúng ta theo dõi sự biến đổi của tế bào ung thư để kịp thời điều chỉnh thuốc phù hợp mà còn giúp hạn chế tổn thương vì có những khối u khó sinh thiết như khối u nằm sâu trong não hay phổi gây nguy hiểm cho người bệnh.

“Phương pháp giải mã gien không chỉ dừng lại ở việc xác định đột biến mà quan trọng hơn còn hỗ trợ cho chúng ta biết sử dụng thuốc nào hiệu quả. Hiện nay, có rất nhiều thuốc trúng đích, thuốc dùng trong công nghệ y học chuẩn xác. Vì thế, thông qua các chương trình thuật toán, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp bác sĩ cập nhật nhanh nhất sự phát triển của y học thế giới, xem tiến triển đó có phù hợp với cá nhân hay không. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả điều trị và phòng ngừa ung thư” - TS Liêm chia sẻ.

GS.TS Peter Kuhn - Đại diện Trung tâm nghiên cứu Đại học Nam California thuyết trình về những ứng dụng khoa học cơ bản trong điều trị và kiểm soát bệnh ung thư

Kết thúc diễn đàn, GS.TS Peter Kuhn chia sẻ với các chuyên gia và người tham dự những “Ứng dụng khoa học cơ bản trong điều trị và kiểm soát bệnh ung thư”. Trong đó, ông đặc biệt gửi lời cảm ơn đến “Nữ hoàng startup” Trương Thanh Thủy đã mang đến những câu hỏi hay về ung thư khiến ông và các cộng sự hình thành nên dự án mang tên CancerBase.

Theo GS.TS Peter Kuhn, vấn đề lớn nhất hiện nay chính là dữ liệu về ung thư thường đã cũ, không được cập nhật và rải rác khắp nơi trên thế giới. Vì thế, CancerBase với nhiều ứng dụng như ATOM HP, Cure Recruit, MedMind, ArmMe… sẽ giúp bệnh nhân ung thư có thể chia sẻ thông tin, mở rộng tri thức đến với cộng đồng ung thư toàn cầu.

Những ứng dụng GS.TS Peter Kuhn giới thiệu trong dự án CancerBase giúp người bệnh có thể tra cứu thông tin về các căn bệnh ung thư

Diễn đàn “Bệnh nhân ung thư” kết thúc vào buổi trưa muộn nhưng rất nhiều người nán lại đến phút cuối cùng để ghi chép lại lời chia sẻ của các chuyên gia. Đặc biệt, nhiều thành viên của CLB Cuộc chiến chống ung thư luôn cập nhật những thông tin mới về việc điều trị ung thư nhưng đến với diễn đàn, họ có thêm nhiều thông tin hơn nữa khiến họ rất phấn khởi và tin tưởng vào việc điều trị.

Vẻ mặt tràn đầy hứng khởi sau buổi hội thảo, cô Tuyết (Bình Dương) cho biết sẽ khuyên hai con gái của mình đi tầm soát ung thư vú, chú ‎trọng đến việc phòng ngừa ung thư vú hơn như: tự khám vú tại nhà, khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, cô khẳng định cũng vững tin hơn vào phương pháp điều trị tại bệnh viện, sẽ không nghe theo những cách điều trị theo kiểu truyền miệng, không có cơ sở khoa học.

Các chuyên gia chụp ảnh kỷ niệm với những người đến tham dự diễn đàn “Bệnh nhân ung thư”.

Có mặt tham dự diễn đàn “Bệnh nhân ung thư” sáng nay, cô Đồng Thị Luyện - Đại diện cho 4.000 thành viên CLB Cuộc chiến chống ung thư - người đã viết tâm thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có nhiều chia sẻ chân thành về TS Phan Minh Liêm:

Lần đầu tiên khi tôi mạnh dạn đến gặp gỡ, trao đổi với TS Liêm, cậu ấy đứng dậy và gập đầu chào rất lễ phép. Thực sự, lúc đó tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ với con người của cậu ấy, vừa đĩnh đạc lại gần gũi, tin tưởng.

Còn nhớ, trong câu lạc bộ có một người chị bị ung thư máu nhờ tôi chuyển thông tin đến TS Liêm tư vấn. Tôi hiểu rằng công việc của một nhà khoa học rất bận rộn, nhưng chỉ vài ngày sau đó, TS Liêm đã gửi email trả lời tư vấn chi tiết trường hợp này.

Đọc được những dòng chia sẻ của TS Liêm, người phụ nữ đã bật khóc và nói rằng lá thư ngày hôm đó chính là động lực để chị vượt quá khó khăn, như được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Tôi tin rằng ung thư không phải là dấu chấm hết, đó chỉ là bắt đầu cho đoạn đường dài hơn mà thôi. Tôi thực sự rất cảm phục TS Phan Minh Liêm, càng tìm hiểu, tiếp xúc lâu thì nhận ra rằng cậu ấy không chỉ giỏi mà còn rất chu đáo.


XEM THÊM:

Phương Nguyên - Hồng Nhung
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X